Hóc dị vật đường thở xảy ra phổ biến ở hầu hết mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi. Tình trạng này cần được sơ cứu khẩn cấp vì gây nhiều biến chứng nghiêm trọng ở đường hô hấp và thậm chí dẫn đến tử vong. Bài viết dưới đây, bác sĩ chuyên khoa I Vương Mỹ Dung, Phó khoa Hồi sức tích cực & Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đưa ra thông tin tổng quan về hóc dị vật đường thở.
Hóc dị vật đường thở là gì?
Hóc dị vật đường thở là tình trạng các vật thể hoặc chất lạ lọt vào đường thở, thường là khí quản hoặc phế quản, gây cản trở lưu thông không khí. Dị vật này có thể là đồ chơi nhỏ, thức ăn, dịch dạ dày hoặc các vật dụng khác, và khi mắc kẹt ở đường thở, nó có thể gây khó thở, ho dữ dội, và thậm chí ngưng thở nếu không được xử lý kịp thời. Đôi khi dị vật đường thở không gây triệu chứng - còn gọi là hóc dị vật đường thở thầm lặng.
Triệu chứng hóc dị vật đường thở
Triệu chứng hóc dị vật đường thở được biểu hiện khá đa dạng:
1. Triệu chứng chung
Một số người bệnh hóc dị vật đường thở sẽ có triệu chứng ho nhiều, liên tục do phổi đang cố gắng loại bỏ chất xâm nhập này. Một số người bệnh xuất hiện triệu chứng thở khò khè, khó thở hoặc khàn giọng sau khi ăn, uống, nôn hoặc ợ chua. Người bệnh có thể sốt cao do dị vật gây viêm, nhiễm trùng tại chỗ.
2. Triệu chứng ở từng bộ phận
Triệu chứng mắc dị vật đường thở ở từng bộ phận, gồm:
- Dị vật ở thanh quản: người bệnh ho, khàn hoặc mất tiếng với mức độ nặng hoặc nhẹ tùy vào kích thước và thời gian dị vật hóc tại thanh quản. Trường hợp dị vật to, nút kín thanh môn, người bệnh có thể tím tái, ngạt thở dẫn đến tử vong rất nhanh. Khi khám, bác sĩ có thể sẽ nghe thấy tiếng rít từ vùng thanh quản lan ra hai bên phổi.
- Dị vật ở khí quản: người bệnh ho dữ dội, sặc sụa, tím tái khi dị vật di chuyển trong lòng khí quản hoặc lên thanh quản. Dị vật nếu cố định ở khí quản, người bệnh sẽ có cảm giác đau tức ở vùng sau xương ức.
- Dị vật ở phế quản: người bệnh có thể không xuất hiện triệu chứng hoặc ho, khó thở, khò khè,…
- Dị vật ở tiểu phế quản, phế nang: trong trường hợp này, dị vật thường là những vật thể rất nhỏ hoặc chất dịch lỏng, trôi qua phế quản lọt sâu vào bên trong phổi. Người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng sốt, khó thở, khò khè, ho đờm… khi dị vật gây nhiễm trùng (viêm phổi).
Những biến chứng nguy hiểm khi mắc dị vật đường thở
Một số biến chứng nguy hiểm khi mắc dị vật đường thở, bao gồm: (1,2)
- Dị vật ở thanh quản: người bệnh có thể mất tiếng, suy hô hấp, tím tái và tử vong.
- Dị vật ở khí quản: đau xương ức khi dị vật cố định ở khí quản. Nếu dị vật làm tắc nghẽn đường thở hoàn toàn có thể gây suy hô hấp, tím tái và tử vong.
- Dị vật ở phế quản và sâu hơn trong phổi: dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn phế quản gốc, phế quản trung gian có thể dẫn đến nhiễm trùng và không gây triệu chứng. Với trường hợp tắc nghẽn một phần có thể dẫn đến viêm tại chỗ với các triệu chứng nguy hiểm như: khó thở, khò khè, ho đàm hoặc tùy vào cấu trúc đường thở bị ảnh hưởng. Theo nguyên tắc chung, đường thở bị ảnh hưởng càng gần, triệu chứng sẽ càng nghiêm trọng, diễn ra nhanh và rõ. Người bệnh hóc thức ăn có thể gây viêm nhiều hơn so với vật bằng kim loại hoặc nhựa.
Nguyên nhân mắc dị vật ở đường thở
Bất kỳ vật nào đưa vào miệng đều có khả năng bị hít vào đường thở, đặc biệt đáng lo ngại ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi ở tuổi thích khám phá và tương tác với môi trường xung quanh bằng cách đưa vật vào miệng. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức cảnh giác với đồ vật xung quanh, đặc biệt là những đồ vật có kích thước nhỏ.
Ngoài ra, chức năng nuốt của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ nên có xu hướng hít phải thức ăn vào đường thở khi ăn. Nguy cơ này đối với bé trai nhiều hơn bé gái. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng có nguy cơ cao cũng bao gồm những người lớn tuổi, có bệnh lý nền (bệnh Parkinson, sa sút trí tuệ, tai biến mạch máu não…) gây khiếm khuyết phản xạ nuốt.
Nguy cơ mắc dị vật đường thở
1. Đối tượng
Một số người dễ hóc dị vật đường thở gồm:
- Người lớn tuổi.
- Trẻ sơ sinh.
- Người gặp khó khăn khi nuốt.
- Người gặp khó khăn trong việc kiểm soát lưỡi.
- Người bệnh đột quỵ.
- Người mất trí nhớ.
- Người bệnh Parkinson.
- Người bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
- Người bệnh đa xơ cứng.
- Người mắc các bệnh lý rối loạn thần kinh cơ khác.
2. Yếu tố làm tăng nguy cơ
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc dị vật đường thở, bao gồm:
- Suy giảm ý thức.
- Co giật.
- Vấn đề về răng miệng.
- Rối loạn chức năng nuốt.
- Tình trạng tinh thần suy giảm.
- Một số bệnh thần kinh.
- Xạ trị đầu và cổ.
- Ợ nóng.
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh hóc dị vật đường thở cần gặp bác sĩ khi:
- Nghẹt thở hoặc khó thở.
- Cảm thấy đau khi nuốt.
- Ho ra thức ăn.
- Khàn giọng.
- Cảm giác có thứ gì đó mắc trong cổ họng.
- Sốt cao.
Ngoài ra, người bệnh thường xuyên gặp các triệu chứng sau cũng cần đến gặp bác sĩ, bao gồm:
- Đau tức ở ngực mạn tính.
- Ho nhiều.
- Thở khò khè.
- Khó thở.
- Mệt khi ăn.
- Ho, nghẹt thở hoặc thở hổn hển khi thức dậy.
Đôi khi, các triệu chứng không biểu hiện ngay lập tức và có thể xuất hiện sau một khoảng thời gian đã bị hóc dị vật đường thở. Hơn nữa, bệnh còn gây biến chứng nghiêm trọng như sẹo phổi, viêm phổi hít hoặc áp xe phổi.
Phương pháp chẩn đoán dị vật đường thở
Một số phương pháp chẩn đoán dị vật đường thở, bao gồm:
- Chụp X-quang: chụp Xquang phổi thẳng hoặc nghiêng chỉ phát hiện được các dị vật bằng kim loại, có tính chất cản quang. Xquang có thể cho thấy những hình ảnh gián tiếp (biến chứng) của hóc dị vật đường thở như xẹp phổi, viêm phổi, áp xe phổi…
- Chụp CT: phương pháp này có thể giúp bác sĩ phát hiện dị vật bằng kim loại, xác định đường thở bị tắc và quyết định cần nội soi phế quản hay không.
- Nội soi phế quản: nếu trên hình ảnh X-quang hoặc CT-scan nghi ngờ hóc dị vật đường thở, bác sĩ sẽ nội soi phế quản để giúp chẩn đoán xác định dị vật ở đường thở. Bác sĩ sẽ đưa ống nội soi chuyên dụng, có đèn và camera ở một đầu nhằm quan sát được cận cảnh khu vực bên trong như thanh quản, khí quản và phế quản. Nội soi phế quản giúp bác sĩ tìm được vị trí, hình dáng của dị vật trong đường thở. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể lấy được dị vật ra khỏi đường thở. (3)
Cách điều trị và sơ cứu hóc dị vật đường thở
Một số cách điều trị và sơ cứu hóc dị vật đường thở, bao gồm:
1.Sơ cứu khi phát hiện
Việc sơ cứu sẽ được phân thành 2 cách khác nhau tùy theo độ tuổi người bệnh, cụ thể:
1.1 Đối với trẻ dưới 2 tuổi
Với bé nhỏ hóc dị vật đường thở hãy thực hiện các bước sơ cứu sau:
- Bước 1: giữ trẻ nằm sấp lên mặt trong cẳng tay.
- Bước 2: dùng bàn tay giữ đầu và ngực thẳng. Người sơ cứu có thể dùng đùi đỡ để giảm sức nặng trên cẳng tay.
- Bước 3: hướng đầu bé thấp hơn ngực.
- Bước 4: vỗ 5 lần với lực vừa phải, dứt khoát về phía trước tại vị trí giữa lưng ở 2 bên xương bả vai.
- Bước 5: lật người bé lại kiểm tra xem dị vật đã thoát ra chưa.
- Bước 6: nếu dị vật vẫn không ra hãy lật trẻ nằm ngửa.
- Bước 7: đặt 2 ngón tay vào giữa ngực trẻ, dưới vú.
- Bước 8: ấn mạnh 5 lần để đẩy không khí ra khỏi phổi trẻ, nhờ đó có thể đẩy được dị vật ra ngoài.
1.2 Đối với trẻ trên 2 tuổi và người lớn
Khi có dấu hiệu hóc dị vật đường thở, hãy thực hiện các cách sau để lấy dị vật ra, gồm:
- Ho mạnh: nếu mắc dị vật đường thở mức độ nhẹ, người bệnh hãy dùng sức ho thật mạnh.
- Kỹ thuật vỗ lưng, ép ngực
- Bước 1: người bệnh nghiêng về phía trước
- Bước 2: đánh mạnh, dứt khoát, đẩy lực về phía đầu tại phần lưng giữa 2 xương bả vai. Đồng thời, tay còn lại hãy vỗ nhẹ trước ngực.
- Nghiệm pháp Heimlich
- Bước 1: người sơ cứu đứng phía sau, hơi lệch sang 1 bên so với người bệnh.
- Bước 2: người sơ cứu vòng 2 tay qua eo người bệnh, 1 nay nắm chặt hình nắm đấm, 1 tay cầm chặt tay nấm đấm.
- Bước 3: dùng lực ấn nhanh và mạnh vào trong, hướng lên trên.
- Bước 4: thực hiện liên tục 5 lần để dị vật thoát ra ngoài.
Nếu các phương pháp sơ cứu này không thành công, người sơ cứu hãy gọi cấp cứu để được tiếp nhận và điều trị kịp thời. Trong quá trình đợi cấp cứu, người sơ cứu tiếp tục thực hiện xen kẽ phương pháp vỗ lưng ép ngực và nghiệm pháp Heimlich. Nếu bất tỉnh, hãy đặt người bệnh lên mặt phẳng và hồi sức tim phổi (CPR).
2. Phương pháp điều trị và theo dõi
Phương pháp điều trị và theo dõi khác nhau tùy vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, vật chất người bệnh hít phải và nguyên nhân bệnh lý dẫn đến hóc dị vật đường thở. Cụ thể:
- Nếu người bệnh hóc dị vật đường thở do sặc thức ăn hoặc vật thể cứng, bác sĩ sẽ chỉ định nội soi phế quản để hút dịch thức ăn hoặc lấy dị vật ra ngoài.
- Nếu người bệnh hóc dị vật đường thở dẫn đến viêm phế quản phổi, áp xe phổi, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
- Nếu người bệnh hóc dị vật đường thở do rối loạn chức năng nuốt (như người bệnh đột quỵ, Parkinson…), bác sĩ sẽ cho người bệnh thực hiện liệu pháp ngôn ngữ để cải thiện khả năng nuốt, giảm nguy cơ sặc.
Biện pháp phòng ngừa mắc dị vật đường thở
Một số biện pháp phòng ngừa mắc dị vật đường thở, bao gồm:
- Không để trẻ em tiếp xúc với dị vật nhỏ như nút, viên bi,…
- Dạy trẻ em không đặt dị vật vào mũi, miệng, tai,…
- Tránh nói chuyện, cười đùa khi ăn.
- Tránh chạy hoặc vận động khi ăn.
- Cắt thực phẩm thành những miếng nhỏ trước khi ăn.
- Nhai chậm.
- Nuốt sạch thức ăn trước khi uống nước.
- Ngồi thẳng khi ăn, hạn chế nằm.
- Chọn thực phẩm dễ nhai và nuốt hơn.
- Luyện tập kỹ thuật nhai, nuốt thức ăn đúng cách.
- Khám răng định kỳ.
- Tránh sử dụng thuốc an thần hoặc thuốc làm khô nước bọt trước khi ăn.
- Tránh thực phẩm khó nhai.
- Tránh thực phẩm dễ nghẹn, như: hạt, xúc xích và nho.
- Tham gia trị liệu ngôn ngữ dành cho những người bị đột quỵ, rối loạn chức năng nuốt.
- Trao đổi với bác sĩ về một số loại thuốc ảnh hưởng đến khả năng nuốt.
Tìm hiểu thêm: Dị vật đường thở ở trẻ em
Khoa Hồi sức cấp cứu (ICU), Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM quy tụ các chuyên gia, bác sĩ giàu kinh nghiệm, liên tục cập nhật phương pháp điều trị mới trên thế giới giúp tiếp nhận, cấp cứu, hồi sức và chăm sóc tích cực toàn diện 24/24 giờ cho người bệnh nguy kịch, giữa lằn ranh sự sống - cái chết như: sốc, suy hô hấp, suy đa cơ quan, suy thận, suy gan, hôn mê, nhiễm trùng huyết nặng, ngộ độc cấp,… hoặc người bệnh phẫu thuật có nguy cơ cao suy hô hấp, sốc, chảy máu sau mổ,…. Đặc biệt, bệnh viện liên tục nhập các trang thiết bị hiện đại từ các nước Mỹ, Hàn, Âu,… trên thế giới nhằm hỗ trợ việc điều trị nhanh, hiệu quả cho người bệnh như:
- Máy giúp thở cao cấp, có thể đo được các thông số đánh giá cơ học phổi, đồng thời đo được áp lực thực quản giúp tối ưu hoá việc cài đặt các thông số máy thở nhằm giảm tổn thương phổi ở bệnh nhân thở máy. Với các bệnh nhân thất bại với thở máy có hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) để duy trì trao đổi khí trong thời gian chờ đợi phổi hồi phục.
- Máy theo dõi huyết động từ phân tích sóng mạch, đến PiCCO và catheter động mạch phổi giúp chẩn đoán nguyên nhân, theo dõi và điều trị chính xác các bệnh nhân có rối loạn huyết động, sốc.
- Các máy hỗ trợ tuần hoàn từ bóng đối xung nội động mạch chủ, đến hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO) để điều trị các trường hợp suy tim cấp, hoặc cấp trên nền mạn không đáp ứng với thuốc.
- Các máy lọc máu hiện đại có thể thực hiện tất cả các phương thức thận nhân tạo, lọc máu như thận nhân tạo ngắt quãng, lọc máu liên tục, thay huyết tương, lọc máu hấp phụ cho các bệnh nhân suy thận mạn, suy thận cấp, viêm gan cấp, viêm tuỵ cấp, sốc nhiễm trùng, ngộ độc nặng và các bệnh lý liên quan đến miễn dịch như hội chứng HELLP, hội chứng Guillan - Barre và các bệnh lý thần kinh khác, bệnh lupus ban đỏ hệ thống…..
- Máy hạ thân nhiệt nhằm bảo vệ não, giảm di chứng thần kinh sau ngừng hô hấp tuần hoàn, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não nặng.
Thông qua bài này, người bệnh hiểu và nắm được một số cách sơ cứu khẩn cấp cho người hóc dị vật đường thở như đánh lưng và ép bụng loại bỏ dị vật và ngừa biến chứng. Đồng thời, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.