Ai sinh ra cũng có những nét tính cách riêng đã được hình thành từ khi còn trong bụng mẹ, nhưng cách chúng ta được giáo dục, môi trường chúng ta lớn lên, trải nghiệm của ta trong cuộc sống… mới nhào nặn ra tính cách hoàn chỉnh ngày hôm nay. Việc nhìn nhận và hiểu rõ bản thân là điều quan trọng nhất khi các bạn đã và đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Bởi các bạn đang ở độ tuổi sắp bước vào thị trường lao động nhộn nhịp, nếu không thấy hiểu bản thân và tìm ra cho mình hướng đi đúng đắn, bạn sẽ đánh đổi rất nhiều thời gian và công sức không đáng với nghề nghiệp còn chẳng phải đam mê.
Nếu bạn đang tự hỏi mình có thực sự đã hiểu bản thân mình hay chưa? Điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì? Mình phù hợp với nghề nào? Thì hãy thử những bài test khám phá bản thân dưới đây trong dịp tết này nhé!
Giới thiệu về cây nghề nghiệp
“Cây nghề nghiệp” là mô hình được lập ra để giải thích vai trò quan trọng của mối tương quan chặt chẽ giữa sở thích, khả năng cá tính và giá trị nghề nghiệp của một người với khả năng tuyển dụng đối với họ sau khi tốt nghiệp.
Khi một người chọn bất cứ một ngành, nghề nào dựa trên sở thích nghề nghiệp, khả năng thực có (bao gồm năng lực học tập), cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân mình thì họ sẽ có thể gặt hái được những “quả ngọt” trong nghề nghiệp, như cơ hội tìm kiếm việc làm cao, dễ dàng được tuyển dụng vào vị trí thích hợp, tìm được môi trường làm việc tốt, lương cao, được nhiều người tôn trọng, v.v…
Gốc cây nghề nghiệp gồm có:
- Sở thích: là những điều bạn thích làm, nó có thể xuất phát từ những mong ước thời thơ ấu. Rằng bạn muốn trở thành A,B,C vì đơn giản là bạn hứng thú với công việc đó. Nếu một người có thể làm công việc phù hợp với sở thích của họ thì họ sẽ làm việc rất tốt và có động lực để tiến nhanh hơn trên con đường sự nghiệp của mình.
- Khả năng: là những gì bạn giỏi hơn người khác khi thực hiện bất kì điều gì. Ví dụ: Có thể bạn rất nhạy bén trong những con số và tính toán nhanh hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Hoặc bạn có khả năng cảm nhận những cảm xúc của người đối diện rất nhanh chóng.
- Cá tính: bị ảnh hưởng bởi yếu tố gia đình, xã hội, giáo dục và môi trường sống. Hiểu được cá tính mình như thế nào sẽ giúp mỗi người lựa chọn công việc và môi trường phù hợp để phát triển bản thân, nhằm đạt được sự thành công trong nghề nghiệp.
- Giá trị sống: được hình thành từ những niềm tin, mang yếu tố cá nhân và thể hiện quan điểm sống. Ví dụ: Một người tin vào sự tử tế và muốn giúp đỡ người khác thì đó là giá trị sống của họ. Qua thời gian, người đó sống và kiểm chứng nó bằng cách xem những kết quả nó đem lại có khiến ho thấy thoải mái hay hạnh phúc không. Nếu không, tức là nó đi ngược với giá trị của họ và có thể điều chỉnh, giá trị sống của một người tùy thuộc vào từng giai đoạn của cuộc đời họ. Sự phù hợp giữa giá trị và việc làm là yếu tố quyết định một người chuyển đi hay ở lại nơi làm việc của họ.
Phần ngọn của cây nghề nghiệp bao gồm:
- Lương cao: xác định được mức lương tối thiểu và mức lương mong muốn từ đó đặt ra giới hạn yêu cầu của bản thân sao cho phù hợp với ‘gốc rễ” mà bạn đang có. Lương cao ở đây cũng có thể được coi là mức lương mà thị trường đang trả cho nhân sự ngành của bạn,
- Công việc ổn định: là công việc có mức lương cơ bản ổn định và đãi ngộ tốt. Ví dụ trong các trường hợp đặc biệt như dịch bệnh covid-19 bạn vẫn sẽ có đãi ngộ lương đảm bảo, công ty sẽ không để bạn không có lương thưởng khi phải ở nhà làm việc trong thời gian đó, khác với các công việc freelance rảnh làm, bận nghỉ,
- Môi trường làm việc tốt: là môi trường làm việc thân thiện, gắn kết và phù hợp với cá tính và giá trị nghề nghiệp,
- Cơ hội việc làm: là cơ hội sau khi bạn đã xác định được sở thích khả năng, cá tính và giá trị nghề nghiệp của bản thân. Cơ hội nghề nghiệp sẽ luôn rộng mở cho những nhân sự hiểu bản thân và biết nắm bắt xu hướng thị trường,
- Công ty nổi tiếng: yếu tố này sẽ đem lại cho bạn một địa vị xã hội nhất định. Khi bạn chứng minh được giá trị nghề nghiệp và kỹ năng của mình với nhà tuyển dụng, chắc chắn bạn sẽ hái được trái ngọt,
- Được người khác tôn trọng: có lẽ đây là giá trị cơ bản và tối thiểu nhất của phần ngọn. Công việc mà bạn lựa chọn sau khi phân tích phần “gốc rễ” sẽ cần phù hợp với nhu cầu xã hội và dung hòa được các yếu tố trên.
5 bài test khám phá bản thân phổ biến nhất hiện nay
Các bài test nhận diện bản thân là các bài test được nghiên cứu và phát triển dựa trên tâm lý con người và nhu cầu nghề nghiệp của thị trường, từ đó giúp cho các bạn học sinh, sinh viên tìm được hướng phát triển tiềm năng và phù hợp nhất. Hiện nay có nhiều bài test trôi nổi trên mạng với nhiều trang cung cấp, nhưng làm sao để biết bài test nào và ở đâu cung cấp mới uy tín?
Du học INDEC sẽ giới thiệu cho bạn đọc một đơn vị cung cấp những bài test nhận diện bản thân uy tín, đó chính là Hướng nghiệp Sông An - đơn vị cung cấp dịch vụ giáo dục và tư vấn hướng nghiệp đạt chuẩn quốc tế/khu vực. Cùng giám đốc điều hành có chuyên môn và năng lực như chị Phoenix Ho - Thạc sỹ Tham vấn, chuyên ngành Phát triển nghề nghiệp, Đại học Santa Clara, Hoa Kỳ, Thạc sỹ Quản trị giáo dục, Đại học RMIT, Úc; và đội ngũ chuyên viên hướng nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, các bài test nhận diện bản thân của Sông An sẽ đưa ra được những kết quả chính xác nhất!
Hiện nay Hướng nghiệp Sông An cung cấp 5 bài test nhận diện bản thân cơ bản sau:
Công cụ Sở thích nghề nghiệp theo Holland
Trắc nghiệm Holland được phát triển dựa trên mô hình phân loại tính cách của tiến sỹ, bác sỹ tâm lý người Mỹ John Holland. Bài trắc nghiệm được rất nhiều học giả, các nhà nghiên cứu đánh giá cao về độ tin cậy, không thể phủ nhận về danh tiếng của trắc nghiệm holland, vì hiện nay, mô hình này đang được áp dụng rộng rãi không chỉ trong các chương trình hướng nghiệp phổ thông trên khắp thế giới, đặc biệt với những quốc gia đi đầu về giáo dục như Anh, Mỹ, New Zealand, Thụy Điển,… mà còn được nhiều bạn trẻ áp dụng cho riêng bản thân mình.
Trắc nghiệm Holland phân loại con người thành sáu nhóm tính cách khác nhau tương ứng với sáu nhóm ngành chuyên biệt, đó là: Enterprising - Nhóm Quản lý, Conventional - Nghiệp vụ, Investigate - Nhóm Nghiên cứu, Artistic - Nhóm Nghệ thuật, Social - Nhóm Xã hội.
Ưu điểm của trắc nghiệm Holland là các câu hỏi được thiết kế đơn giản nhưng hiệu quả, không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ nên phù hợp với nhịp sống bận rộn của các bạn trẻ hiện nay. Thậm chí, từ những khả năng nổi trội tiềm ẩn trong mỗi cá nhân, bạn sẽ biết cách chọn lựa môi trường làm việc phù hợp với sở thích của mình.
- Link làm trắc nghiệm miễn phí: Tại đây
Bảng hỏi nhận dạng trí thông minh đa diện (MIPQ)
Bảng hỏi nhận dạng trí thông minh đa diện (MIPQ) là phương pháp đánh giá trí thông minh nổi trội của mỗi người, dựa trên Lý thuyết đa trí thông minh (Theory of Multiple Intelligences) nghiên cứu bởi Giáo sư Tâm lý học Howard Gardner.
Kết quả trắc nghiệm MI sẽ trả lời cho câu hỏi “Bạn có trí thông minh nổi trội trong lĩnh vực nào?”. Từ đó giúp mỗi cá nhân hiểu bản thân mình hơn, cũng như đưa ra quyết định chính xác không chỉ với lựa chọn nghề nghiệp mà còn với tất cả vấn đề xoay quanh cuộc sống.
Bảng hỏi gồm 35 câu làm tối đa trong 20 phút, điểm được đánh giá trên thang 100 ở mỗi khía cạnh. Với xuất phát điểm 7 loại hình, hiện tại MI đã được tiếp tục nghiên cứu và phát triển đến 9 loại hình trí thông minh:
- Trí thông minh Xã hội: năng lực liên quan đến con người
- Trí thông minh Nội tâm: năng lực liên quan đến nội tâm bản thân
- Trí thông minh Logic/Toán học: năng lực liên quan đến xử lý số và dữ liệu
- Trí thông minh Ngôn ngữ: năng lực liên quan đến sử dụng ngôn từ
- Trí thông minh Không gian: năng lực liên quan đến trí tưởng tượng và không gian
- Trí thông minh Vận động: năng lực liên quan đến điều khiển cơ thể
- Trí thông minh Âm nhạc: năng lực liên quan đến âm thanh và giai điệu
- Trí thông minh Thiên nhiên: năng lực liên quan đến các yếu tố trong thiên nhiên, động vật, thực vật, etc.
- Trí thông minh Triết học (Hiện sinh): năng lực liên quan đến tư duy trừu tượng và nghiên cứu sâu
- Link làm trắc nghiệm miễn phí: Tại đây
Những kỹ năng sinh viên cần chuẩn bị trước khi gia nhập vào thị trường lao động Việt Nam
Công cụ đánh giá nghề nghiệp
Knowdell Card Sorts là một công cụ đánh giá nghề nghiệp do Dick Knowdell sáng tạo vào năm 1977. Đây là một phần quan trọng của chương trình phát triển nghề nghiệp của ông Knowdell. Cụ thể là là khóa Job & Career Transition Coach.
Bộ công cụ bao gồm 4 bộ cards (bộ thẻ):
- Career Values - Giá trị nghề nghiệp: Giá trị nghề nghiệp nào gần với giá trị bản thân của bạn?
- Motivated Skill - Kỹ năng tạo động lực: Những kỹ năng nào giúp luôn tạo được động lực cho bạn?
- Occupational Interest - Sở thích nghề nghiệp: Những hoạt động giải trí (hoặc khi về hưu) bạn thích làm hàng ngày, bạn thích nhưng có được chơi không?
- Leisure/Retirement Activities - Hoạt động giải trí/ Về hưu: Những nghề nghiệp / công việc nào bạn thấy có hào hứng với nó?
Công cụ Knowdell Card Sorts sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hiểu rõ con đường sự nghiệp. Cụ thể là hỗ trợ xác định hướng đi phù hợp với giá trị nghề nghiệp, phong cách cá nhân. Trong đó bao gồm kỹ năng tạo động lực (VIPS - Values, Interests, Personality, Skills) của từng người. Tất cả kết quả đều mang tính trực quan và khoa học.
Ý nghĩa của từng bộ thẻ như sau:
Bộ thẻ Giá trị nghề nghiệp - Career Values Card Sort
Đây là một đánh giá nhằm chọn lọc các giá trị cốt lõi của bản thân liên quan đến nghề nghiệp mong muốn. Điều này sẽ giúp bạn xác định được những nhóm công việc phù hợp và gắn bó lâu dài.
Bộ thẻ Kỹ năng tạo động lực - Motivated Skill Knowdell Card Sort
“Kỹ năng phát triển” chính là điều cốt lõi mà bộ thẻ này hướng đến. Cụ thể là xác định những lĩnh vực mà bạn muốn cải thiện hoặc học các kỹ năng mới.️ Từ đó giúp bạn biết cách phát huy, bồi dưỡng những thứ cần thiết với bạn. Và loại bỏ những kỹ năng công việc nào không cần thiết.
Kết quả đánh giá từ Motivated Skill còn xác định:
- Kỹ năng có thể chuyển hướng: kỹ năng bạn có thể mang theo từ công việc này sang công việc khác.
- Kỹ năng tạo động cơ: điều bạn thích sử dụng nhất và rất thành thạo.️
- Kỹ năng gây kiệt sức: những thứ mà bạn có đủ khả năng, nhưng không còn thích sử dụng nữa.️
Bộ thẻ Sở thích nghề nghiệp - Occupational Interest Card Sort
Bộ thẻ này giúp xác định các xu hướng nghề nghiệp; nhóm công việc và lĩnh vực yêu thích; mức độ sẵn sàng, kỹ năng, kiến thức cần thiết; cùng các bước xây dựng năng lực để thực hiện nghề nghiệp đó.
Bộ thẻ về Hoạt động giải trí/ Về hưu - Leisure/Retirement Activities Card Sort
Bộ thẻ này dành cho những người chuyển từ giai đoạn làm việc sang nghỉ hưu. Hầu như các coaching đều sẽ không đưa bộ thẻ này cho các bạn trẻ thực hành. Vì dĩ nhiên các bạn chưa đến tuổi nghỉ hưu rồi.
- Link làm bài test miễn phí: Tại đây
Nắm trọn bí kíp xây dựng thương hiệu cá nhân ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Trắc nghiệm cá tính
Việc tìm hiểu về tính cách, bản ngã, trực giác và cái tôi cá nhân của mỗi người cùng rất quan trọng. Sau khi hiểu về hướng nghề nghiệp phù hợp bạn cũng cần phải hiểu rõ bản thân mình, biết được trực giác hướng nội hay hướng ngoại, điểm mạnh và điểm yếu của mình là gì. Từ đó xây dựng cho mình lộ trình phát triển tốt nhất. Có 2 công cụ tiêu biểu để tìm hiểu cá tính bản thân đó là Công cụ tìm hiểu tính cách theo lý thuyết MBTI và Thang đo bền chí
Công cụ tìm hiểu tính cách theo lý thuyết MBTI
MBTI còn được gọi là Myers-Briggs Type Indicator là bài trắc nghiệm do hai mẹ con nhà Briggs (người Mỹ) phát triển nhằm khám phá tâm lý và nhận biết tính cách và mối quan hệ của con người thông qua sự cảm nhận về mối liên kết, tương tác của người với người, thế giới quan hay cách con người tự xử lý vấn đề của họ. Với mức độ nghiên cứu chuyên sâu này, MBTI còn cung cấp cho con người nội dung sâu hơn về các mối quan hệ của họ, lời khuyên cho những vấn đề trong cuộc sống.
MBTI chia tính cách con người làm bốn tiêu chí cơ bản là:
- Xu hướng tự nhiên (Extrovert - hướng ngoại, Introvert - hướng nội)
- Tìm hiểu và nhận thức thế giới (Sensors - người thực tế , Intuitives - người cảm tính)
- Quyết định và lựa chọn (Thinkers - người suy tính, Feelers - người cảm tính)
- Cách thức hành động (Judges - người cứng nhắc, Perceivers - người linh hoạt)
Từ bốn nhóm cơ bản, MBTI phân loại tính cách làm 16 nhóm (hình minh họa), mỗi tính cách đại diện với mỗi môi trường làm việc và định hướng nghề nghiệp khác nhau. Trắc nghiệm MBTI nên được sử dụng kết hợp với trắc nghiệm John Holland để cho ra kết quả chi tiết nhất, từ đó giúp bạn có định hướng rõ hơn về sự nghiệp của mình
- Link làm bài test miễn phí: Tại đây
Công cụ thang đo bền chí
Thang đo sự bền chí (viết tắt là GRIT), là thang đo được thiết kế dựa trên công trình nghiên cứu về sự bền chí của bà Angela Duckworth.
Angela Duckworth đưa ra 2 yếu tố dự báo thành công: sự bền chí (grit) và tự kiểm soát (self-control). Bền chí là khuynh hướng duy trì mối quan tâm và nỗ lực hướng tới các mục tiêu hết sức lâu dài.
Thông thường, cá nhân bền chí thường tự kiểm soát tốt hơn, nhưng hai thành tố này không hoàn toàn tương quan với nhau: một vài cá nhân cực kỳ bền chí nhưng lại thiếu khả năng tự kiểm soát, và các cá nhân kiểm soát bản thân cực tốt lại thiếu đi tính kiên nhẫn.
Bài trắc nghiệm cũng khá gọn gàng, gồm 14 câu hỏi được đánh gia theo thang 5, trong đó mức 5 là mức độ bền chí cao nhất, thể hiện bạn là người một khi đã có mục tiêu thì sẽ theo đuổi tới cùng du có khó khăn gì. Ngược lại điểm số càng thấp tức là mức độ bền chí của bạn càng thấp, từ đó bạn sẽ đánh giá được khả năng của bản thân và lập ra kế hoạch cải thiện điểm yếu này.
- Link làm bài test miễn phí: Tại đây
Công cụ Indigo
Công cụ Indigo dựa trên nền tảng khoa học, đo lường đa lĩnh vực và toàn diện nhằm giúp học sinh, sinh viên, người đi làm và các nhà giáo dục thấu hiểu sâu sắc qua việc tự nhận thức các hành vi, động lực, các kỹ năng cần thiết cho nghề nghiệp và ý thức về cảm xúc - xã hội.
Công cụ này sẽ giúp người làm trắc nghiệm thấu hiểu bản thân về khả năng, tính cách và giá trị. Đưa ra định hướng phát triển nghề nghiệp phù hợp. Phát triển dựa trên ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI). Các lựa chọn phù hợp nhất dựa theo 300 lộ trình nghề nghiệp. Các gợi ý giao tiếp hiệu quả. Các đề xuất liên quan tới môi trường làm việc lý tưởng. Các điểm mạnh và giá trị cho đội nhóm và hơn 16 trang thông tin độc đáo cho mỗi học sinh sinh viên, người đi làm, hoặc chuyên viên/giáo viên.
Indigo đánh giá người làm theo 3 tiêu chí:
- Hành vi: Công cụ Indigo đo lường hành vi dựa theo hệ thống DISC, trong đó có 4 kiểu hành vi cơ bản: Quyết đoán (Dominance), Ảnh hưởng (Influence), Kiên định (Steadiness) và Tuân thủ (Compliance). Điểm số DISC chỉ ra những phản ứng căn bản trước các tình huống hàng ngày.
- Động lực: Công cụ đo lường động lực nhờ vào công trình nghiên cứu của Spranger và Allport về giá trị con người, động cơ và những thôi thúc hành động. Động cơ chỉ ra lý do con người hành động: những khao khát bên trong thôi thúc hành vi con người.
- Kỹ năng: Công cụ khám phá 23 năng lực liên quan đến sự thành công trong công việc, bao gồm các kỹ năng cá nhân và tương quan. Các kỹ năng cao điểm nhất có thể ở các khía cạnh mà bản thân có thể biết hoặc chưa từng biết đến.
Lưu ý: Indigo là công cụ có trả phí
Tạm kết
Những bài test bổ trợ trên sẽ phần nào khiến bạn hiểu mình hơn, có đánh giá tổng quát nhất về nhu cầu thị trường tuyển dụng cũng như khả năng đáp ứng của mình với thị trường, từ đó đặt ra cho mình những mục tiêu cụ thể nhất. Hãy thử làm các bài test nhận diện trong dịp tết này, có thể kết quả sẽ khiến bạn ngạc nhiên đấy!
____________________________________
CÔNG TY TNHH TƯ VẤN ĐẦU TƯ VÀ GIÁO DỤC TRÍ CƯỜNG
Địa chỉ: số 474 Xã Đàn, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.
Hotline: 024 7305 3355
Facebook: Du học cùng INDEC