Cuốn mũi là các phần xương cuộn vào trong hốc mũi, cấu tạo nên thành ngoài của mũi xoang, giúp làm ấm, làm ẩm và làm sạch không khí đi qua lỗ mũi vào phổi. Bệnh lý thường gặp nhất của cuốn mũi là phì đại. Khi bị viêm, nó sẽ gây tắc nghẽn mũi, ứ đọng dịch mũi xoang, về lâu dài tình trạng này sẽ dẫn đến những biến chứng như viêm mũi xoang mạn tính, ngưng thở khi ngủ, đau đầu mạn tính do thiếu oxy lên não.
Cuốn mũi là gì?
Cuốn mũi là các tấm xương dài, nhô vào trong hốc mũi, cấu tạo nên thành ngoài mũi xoang. Mỗi bên khoang mũi thường có 3 cuốn mũi bao gồm cuốn trên, cuốn giữa và cuốn dưới. Thỉnh thoảng sẽ có cuốn mũi trên cùng. Bên dưới tương ứng là các khe mũi trên, khe mũi giữa và khe mũi dưới.
Các cuốn mũi được bao phủ bởi niêm mạc chứa biểu mô đường hô hấp có các tuyến bài tiết chất nhầy. Bên dưới niêm mạc có hệ thống phân bố mạch máu phong phú và có thể giãn rộng làm mũi trở nên cương to.
Cuốn mũi dưới là một cấu trúc xương riêng biệt của khối mũi xoang và là cuốn mũi lớn nhất. Một nếp niêm mạc phủ lên phần đầu của cuốn dưới trong hốc mũi gọi là van Hasner. Vị trí và kích thước của cuốn dưới ảnh hưởng đáng kể tới thể tích và tính chất luồng khí đi qua mũi xuống phổi. Bên dưới cuốn dưới là khe mũi dưới, chứa lỗ đổ của ống lệ mũi. Bệnh lý thường gặp là quá phát hay phì đại cuốn mũi gây nghẹt mũi. Có thể phì đại phần niêm mạc hoặc phần xương của cuốn mũi dưới. Quá phát cuốn mũi dưới có thể do hóa bóng khí bên trong nhưng hiếm gặp.
Cuốn mũi trên và giữa là phần nhỏ nhô ra của xương sàng. Giải phẫu của cuốn mũi giữa và trên có ý nghĩa quan trọng trong sinh bệnh học viêm xoang và có ứng dụng trong phẫu thuật nội soi mũi xoang. Cũng giống như cuốn dưới, niêm mạc phủ cuốn giữa và trên góp phần điều hòa luồng khí hít vào. Niêm mạc cuốn trên và cuốn trên cùng có chứa một phần niêm mạc khứu giác để nhận biết mùi.
Chức năng của cuốn mũi
- Làm ấm, làm ẩm, làm sạch khí đi qua mũi;
- Nhận biết mùi;
- Ứng dụng quan trọng trong phẫu thuật.
Các cuốn mũi có chu kỳ nhất định. Ba cặp cuốn mũi sẽ thay nhau sung huyết và thu nhỏ sau một đến bảy giờ. Điều này làm cho một số lối đi bị thu hẹp, hạn chế luồng không khí, nhưng đồng thời mở rộng đường thở khác và cải thiện luồng không khí. Trong quá trình thay đổi chu kỳ mũi, chúng ta sẽ không cảm thấy sự tắc nghẽn bởi vì sức cản đường thở tổng thể không thay đổi.
Các bệnh lý thường gặp tại cuốn mũi
-
Quá phát hay phì đại cuốn mũi: thường gặp ở cuốn dưới, niêm mạc hay phần xương cuốn dưới to làm hẹp khoang mũi gây nghẹt mũi, khó thở, chảy mũi liên tục, ảnh hưởng khứu giác, chảy máu mũi bất thường,…
Bệnh kéo dài không được điều trị có thể gây suy giảm khứu giác, suy giảm thính lực, viêm xoang cấp tính hoặc mạn tính. Ngoài ra, khoang mũi tắc nghẽn khiến lượng oxy lên não bị suy giảm, người bệnh có thể cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, thiếu tập trung,…
Viêm mũi dị ứng và vận mạch là hai nguyên nhân phổ biến gây phì đại cuốn mũi.
- Khi các tác nhân dị ứng từ môi trường tiếp xúc với niêm mạc mũi, cuốn mũi phản ứng bằng cách tăng tiết dịch và tắc nghẽn, gây viêm mũi dị ứng.
-
Viêm mũi vận mạch không có tác nhân gây dị ứng, do sự kiểm soát mạch máu thần kinh của màng mũi bị suy giảm.
- Bóng khí cuốn mũi: còn gọi là Concha bullosa, có sự hóa bóng khí trong cuốn mũi, thường hay gặp ở cuốn giữa, làm hẹp khe giữa có thể dẫn đến viêm xoang.Bệnh không có nguyên nhân chính xác và không có triệu chứng đặc hiệu, giống với các triệu chứng viêm xoang thông thường. Nhiều trường hợp không biết mình có Concha bullosa trong suốt cuộc đời. Nhưng khi bóng khí lớn, người bệnh có thể cảm thấy đau và khó chịu quanh vùng mắt, vùng mũi xoang, cảm giác có vật gì cản trở trong mũi,…
- Teo cuốn mũi: Tình trạng này hay gặp trong các bệnh nhân lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch kéo dài, làm ảnh hưởng tới chức năng của thụ thể hô hấp cuốn mũi và tế bào chế tiết nhầy. Mặc dù hốc mũi thoáng nhưng bệnh nhân vẫn cảm giác nghẹt mũi nhiều.
- Hẹp van mũi: Van mũi là phần hẹp nhất của đường thở mũi, nằm ở phía trên vách ngăn mũi. Chấn thương, lệch vách ngăn mũi hay phẫu thuật có thể gây hẹp van mũi, xuất hiện các triệu chứng như chảy máu mũi, nghẹt mũi nặng,..
Phương pháp chẩn đoán bệnh cuốn mũi
Việc chẩn đoán các bệnh ở cuốn mũi cũng giống như chẩn đoán các bệnh ở mũi nói chung.(1)
Bác sĩ tai mũi họng sẽ hỏi triệu chứng, bệnh sử của người bệnh và thăm khám thực thể. Sau đó, bác sĩ có thể nội soi mũi để xác định các tổn thương.
Điều trị bệnh lý ở cuốn mũi
Điều trị tùy thuộc vào chẩn đoán và nguyên nhân để quyết định sử dụng thuốc hay điều trị bằng phẫu thuật. Bệnh nhân cũng không nên sử dụng các thuốc không rõ thành phần kéo dài để tránh tình trạng viêm teo cuốn mũi do thuốc gây nghẹt mũi kéo dài.(2)
- Nước muối xịt mũi hoặc rửa mũi;
- Thuốc xịt mũi kháng histamin;
- Thuốc xịt mũi steroid;
- Liệu pháp miễn dịch dị ứng;
Khi thuốc không mang lại hiệu quả, phẫu thuật sẽ được thực hiện để điều trị trong trường hợp quá phát cuốn mũi mạn tính và trường hợp bóng khí cuốn mũi.
Phẫu thuật được thực hiện dưới gây mê toàn thân, dưới sự hỗ trợ của máy nội soi Karl Storz (Đức), máy bào mô Medtronic (Mỹ) và ảnh chụp bệnh tích trên phim CT Scan. Bác sĩ có thể cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cuốn mũi, chỉnh hình cuốn mũi, cho phép cải thiện luồng thông khí, nâng cao chất lượng cuộc sống người bệnh.
Người bệnh được chăm sóc tích cực sau mổ, nằm viện 2 - 3 ngày. Mũi sẽ thông thoáng hơn sau 3 - 4 tuần được chăm sóc.
Phòng ngừa bệnh ở cuốn mũi thế nào?
Để phòng các bệnh lý ở cuốn mũi, chúng ta nên chú ý những điều sau:
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để nâng cao đề kháng;
- Tránh để nhiễm cảm lạnh; tránh quạt gió, hay điều hòa thổi trực tiếp vào mặt;
- Tiêm vắc xin phòng ngừa cúm hàng năm;
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài;
- Tránh tắm nước lạnh, phòng ngủ kín gió
- Tránh hút thuốc lá hoặc hít phải hơi thuốc lá;
- Tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại và tác nhân gây dị ứng;
- Thăm khám sức khỏe định kỳ hằng năm.
Để đặt lịch khám, tư vấn, điều trị bệnh lý cuốn mũi tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, Quý khách hàng có thể liên hệ:
Cùng với vách ngăn và các cấu trúc khác trong khoang mũi, cuốn mũi đóng vai trò quan trọng đối với hệ hô hấp, hệ khứu giác và sức khỏe tổng thể của con người. Nếu cuốn mũi có vấn đề bất thường sẽ không duy trì được chức năng của nó, thậm chí còn gây ra sự tắc nghẽn dịch mũi xoang dẫn đến viêm mũi xoang và nhiều biến chứng khác. Vì vậy, khi gặp các triệu chứng về mũi xoang kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám để được bác sĩ tìm nguyên nhân và điều trị đúng cách.