Cơ sở dữ liệu SEER đưa ra, tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm của bệnh ung thư lưỡi giai đoạn đầu chiếm khoảng 84%. Vậy tình trạng ung thư ở giai đoạn này được chữa trị như thế nào? Dấu hiệu sớm cảnh báo bệnh là gì? Bài viết này được bác sĩ chuyên khoa I Lê Ngọc Vinh, Đơn vị Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM sẽ đưa ra một số thông tin tổng quan về ung thư lưỡi giai đoạn đầu.
Ung thư lưỡi giai đoạn đầu là gì?
Ung thư lưỡi giai đoạn đầu là tình trạng tế bào ung thư chỉ mới xuất hiện ở lớp trên cùng của da hoặc hình thành khối u khoảng 2cm, không phát triển trên mô lân cận và chưa lan đến hạch bạch huyết gần đó hoặc vị trí xa hơn. Ung thư lưỡi giai đoạn đầu có thể xuất hiện mảng màu trắng, lở miệng màu hồng xám hoặc đỏ và thậm chí có cục u.
Ung thư lưỡi thường bắt đầu gần gốc lưỡi nên người bệnh có thể ít thấy cho đến khi ung thư tiến triển. Thông thường, người bệnh phát hiện sớm dấu hiệu ung thư lưỡi khi đi khám răng định kỳ. Ung thư lưỡi có thể phát triển ở 2 khu vực gồm: ung thư trước lưỡi và ung thư phái sau lưỡi (ung thư vòm họng) (1). Dấu hiệu ung thư vòm miệng giai đoạn đầu khó phân biệt và dễ nhầm lẫn với bệnh khác như loét miệng hoặc lười. Ung thư lưỡi xuất hiện phổ biến ở nam giới, đặc biệt người 40 tuổi trở lên
Dấu hiệu ung thư lưỡi giai đoạn đầu
Một số dấu hiệu ung thư lưỡi giai đoạn đầu, bao gồm: (2)
- Khối u hoặc vết loét ở lưỡi: vết loét trên lưỡi lâu không lành hoặc xuất hiện cục u dai dẳng, không biến mất.
- Màu sắc lưỡi bất thường: lưỡi xuất hiện màu đỏ, trắng hoặc sẫm màu.
- Đau tai: cơn đau ở lưỡi, miệng kéo dài có thể ảnh hưởng lên đến tai.
- Đau khi nuốt hoặc nói chuyện: người bệnh đau họng mạn tính, cảm giác khó nuốt, vướng gì đó trong cổ họng và gặp khó khăn khi ăn, nhai, nói chuyện.
- Mất cảm giác một khu vực trong miệng: người bệnh có thể sưng hàm, rát và tê lưỡi hoặc vùng khác trong miệng.
- Chảy máu bất thường: khối u xuất hiện 1 bên lưỡi khi đủ lớn có thể chạm vào răng và chảy máu bất thường.
Nguyên nhân gây ung thư lưỡi
Nguyên nhân gây ung thư lưỡi do tế bào bất thường phát triển ngoài tầm kiểm soát. Một số nghiên cứu cho biết đột biến DNA có thể ảnh hưởng đến lưỡi và gây ung thư. Mặt khác, bác sĩ đưa ra một số yếu tố rủi ro làm tăng nguy cơ ung thư lưỡi, bao gồm:
- Hút thuốc lá nhiều.
- Uống nhiều rượu.
- Tiền sử nhiễm HPV.
- Nhai trầu cau.
- Tiền sử gia đình có người từng mắc ung thư miệng hoặc hầu họng.
- Tiền sử cá nhân mắc bệnh ung thư, đặc biệt ung thư biểu mô tế bào vảy.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh hãy đến gặp bác sĩ Đơn vị Đầu Mặt Cổ nếu nhận lưới xuất hiện khối u, vết sưng, đốm, loét hoặc lưỡi đổi màu bất thường, đặc biệt khi triệu chứng kéo dài hơn 2 tuần.
Ung thư lưỡi giai đoạn đầu có nguy hiểm không?
Ung thư lưỡi giai đoạn đầu không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, ung thư lưỡi có khả năng tái phát nếu người bệnh hút thuốc lá hoặc uống rượu. Giai đoạn và loại ung thư đều ảnh hưởng đến tiên lượng sau điều trị. Ung thư lưỡi có thể phát triển nhanh nên ngay sau khi phát hiện, người bệnh hãy đến khám và điều trị sớm. Ung thư lưỡi do HPV gây ra có xu hướng tiên lượng tốt hơn bệnh do yếu tố khác gây ra. (3)
Cơ sở dữ liệu SEER đưa ra, tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm của bệnh ung thư lưỡi như sau:
- Ung thư khu trú: 84%.
- Mức độ lan rộng theo khu vực: 70%.
- Lây lan từ xa: 41%.
Số liệu này dựa trên mức trung bình của tất cả người bệnh ung thư lưỡi. Tiên lượng cá nhân sẽ dựa trên yếu tố cụ thể của từng người bệnh. Ngoài ra, tỷ lệ phần trăm này cũng dựa trên kinh nghiệm của người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư lưỡi ít nhất 5 năm trước. Số liệu thống kê không phản ánh sự cải thiện trong phương pháp điều trị.
Biện pháp chẩn đoán
Một số biện pháp chẩn đoán ung thư khoang miệng, bao gồm:
- Khám sơ bộ: bác sĩ sẽ khám miệng để kiểm tra các dấu hiệu nghi ung thư bằng cách:
- Chiếu đèn huỳnh quang vào miệng để xem mô bất thường.
- Sử dụng ống nội soi - ống mỏng, có camera và đèn để quan sát miệng và cổ họng.
- Kiểm tra hạch bạch huyết bị sưng.
- Sinh thiết: Nếu nhận thấy khả năng cao người bệnh ung thư lưỡi, bác sĩ sẽ đề nghị sinh thiết. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ mô bị ảnh hưởng đến phòng thí nghiệm để kiểm tra mô và tìm kiếm tế bào ung thư.
- Chẩn đoán hình ảnh: bác sĩ có thể đề nghị người bệnh làm thêm một số xét nghiệm hình ảnh như:
- Chụp CT.
- Chụp MRI.
- Chụp PET.
Việc biết được kích thước khối u, mức độ lan rộng, giai đoạn ung thư rất quan trọng trong khi lựa chọn phương pháp điều trị và đưa ra tiên lượng cho người bệnh. Bác sĩ có thể sẽ phân tích mọi đặc điểm ung thư và sự kết hợp của các đặc điểm để xác định giai đoạn ung thư của người bệnh.
Ung thư lưỡi giai đoạn đầu có chữa được không?
Ung thư lưỡi giai đoạn đầu có thể được chữa khỏi nếu người bệnh tiếp nhận điều trị sớm. Giai đoạn này, bác sĩ ngoài phẫu thuật điều trị ung thư lưỡi còn cần trị liệu ngôn ngữ và phẫu thuật tái tạo để người bệnh lấy lại kỹ năng ngôn ngữ và chức năng nuốt sau điều trị. Người bệnh hãy báo ngay bác sĩ đơn vị Đầu Mặt Cổ nếu phát triển bất kỳ khối u, vết loét dai dẳng trên lưỡi.
Phương pháp điều trị ung thư lưỡi giai đoạn sớm
Phương pháp điều trị ung thư lưỡi giai đoạn sớm tùy thuộc vào nhiều yếu tố gồm kích thước, vị trí khối u, loại ung thư, mức độ bệnh, sức khỏe và tuổi của người bệnh. Một số phương pháp điều trị chính, bao gồm: (4)
- Xạ trị: phương pháp này sử dụng hạt năng lượng cao đưa đến vùng khối u để tiêu diệt tế bào ung thư. Bác sĩ có thể sử dụng phương pháp xạ trị trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại hoặc kết hợp với hóa trị.
- Hóa trị: phương pháp này được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc sau đó để ngăn tế bào ác tính lây lan. Ngoài ra, hóa trị có thể được dùng để điều trị chính.
- Phẫu thuật: phương pháp này cắt bỏ bóng, một phần hoặc toàn bộ lưỡi. Ngoài ra, người bệnh có thể tiếp tục được phẫu thuật cổ để cắt bỏ hạch bạch huyết nhằm giảm nguy cơ di căn.
Biện pháp phòng ngừa ung thư lưỡi giai đoạn đầu
Người bệnh không thể ngừa hoàn toàn ung thư lưỡi giai đoạn đầu nhưng có thể làm giảm nguy cơ bệnh đáng kể:
- Tránh xa thuốc lá và rượu.
- Tiêm vaccin HPV.
- Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
- Khám răng miệng định kỳ.
Ung thư lưỡi rất hiếm gặp nhưng thuộc một trong số bệnh ung thư Đầu Mặt Cổ phổ biến. Thông qua bài này, người bệnh nắm được dấu hiệu ung thư lưỡi giai đoạn đầu. Đồng thời, ngay khi người bệnh nghi ngờ hãy đến Đơn vị Đầu Mặt Cổ để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm.