Bình bát là loại cây ăn quả và một số bộ phận của nó còn được sử dụng làm thuốc. Quả bình bát có vị chát thường được sử dụng để sát khuẩn, chống viêm, trừ lỵ, tẩy giun. Để hiểu thêm về các công dụng của cây bình bát, mời bạn đọc tham khảo bài viết sau.
1. Cây bình bát có tác dụng gì?
Cây bình bát hay còn được gọi là na xiêm, một loại cây rất phổ biến ở các vùng nhiệt đới. Cây bình bát thường ra hoa vào tháng 5 - 6, mùa quả vào tháng 7 - 8. Các bộ phận được sử dụng làm dược liệu của cây bình bát gồm có thân, lá, quả, hạt và rễ cây.
Lá cây bình bát có thể thu hái quanh năm. Rễ nên lấy ở những cây lớn, to khỏe. Quả bình bát dược thu hái tùy theo mục đích sử dụng và lấy hạt của quả chín.
Vỏ thân cây bình bát có chứa:
- Roliniastatin - 2;
- Reticulacinon;
- Các Diterpen.
Rễ cây bình bát có chứa:
- Anonain;
- Oxoushinsunin;
- Michelalbin;
- Reticulin;
- Assimilobin.
- Hydroxynomuciferin;
- Methoxy Annomontin.
Lá cây bình bát chứa:
- Squamon;
- Annoreticuin;
- Solamin;
- Squamon;
- Roliniastin;
- Annomonicin;
- Anoreticuin;
- Isoanoreticuin.
Hạt bình bát chứa:
- Reticulacin;
- Uvariamicin;
- Squamocin;
- Trieporeticanin;
- Dieporeticanin;
- Nhiều chất thuộc nhóm N - acyl tryptamine béo.
Công dụng của bình bát theo Y Học Hiện Đại gồm có:
- Cây bình bát có tác dụng kháng khuẩn, nấm và ức chế sự phát triển của Trichophyton Mentagrophytes, Candida Albicans, trực khuẩn lỵ và vi khuẩn gây nhiễm trùng hệ thống hô hấp;
- Tác dụng gây độc với tế bào: Chiết xuất từ hạt, vỏ thân và rễ của cây bình bát được cho là có thể tiêu diệt các tế bào ung thư phổi, đại tràng, hầu mũi và bạch cầu dòng Lympho;
- Cây bình bát có tác dụng tiêu diệt côn trùng, ấu trùng, chấy rận, con ghẻ.
Theo Y Học Cổ Truyền, toàn thân cây bình bát có vị đắng chát, có chứa độc tố, đặc biệt là ở phần vỏ thân và hạt. Tác dụng của cây bình bát theo Y Học Cổ Truyền gồm có:
- Tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, sát trùng;
- Nhuận tràng, lợi tiểu;
- An thần, chống trầm cảm;
- Thanh nhiệt, giải độc, làm mát cơ thể.
Cây bình bát được sử dụng trong điều trị:
- Điều trị mề đay mẩn ngứa;
- Trị bệnh lao phổi;
- Hỗ trợ cải thiện các bệnh xương khớp;
- Điều trị bệnh tiểu đường.
Quả xanh của cây bình bát có tác dụng kháng khuẩn, sát trùng, trừ giun, điều trị kiết lỵ. Quả xanh có thể thái mỏng, phơi khô, rồi sắc thành thuốc dùng chữa sốt, tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp cấp.
Hạt cây bình bát có thể điều trị kiết lỵ, tiêu chảy nhưng nó có chứa độc, nên thường chỉ sử dụng bên ngoài. Hạt bình bát đem phơi khô, giã nhuyễn, nấu nước đặc, dùng để gội đầu trừ chấy rận hoặc ngâm quần áo diệt côn trùng nhỏ. Ngoài ra, hạt bình bát có thể đem đốt thành tro rồi trộn với dầu dừa để bôi vào vết ghẻ lở giúp chóng lành.
Lá bình bát có thể giã nát, ép lấy nước để để trừ chấy rận trên người và gia súc.
2. Một số bài thuốc từ cây bình bát
2.1. Cây bình bát điều trị mề đay mẩn ngứa
Sử dụng một vài nhánh cây bình bát tươi, rửa sạch, để ráo nước và một bó lá dừa khô. Đầu tiên đốt lá dừa khô để tạo lửa, sau đó cho lá bình bát lên trên để tạo khói. Hơ những vị trí bị mề đay qua khói cho đến khi đổ hết mồ hôi thì lau khô người, mặc quần áo mới.
2.2. Cây bình bát điều trị lao phổi
Sử dụng 20g vỏ thân cây bình bát thái thành lát mỏng, phơi khô, đun với 1.2 lít nước, để uống trong ngày.
2.3. Cây bình bát chữa đau nhức xương khớp, tay chân nhức mỏi
Sử dụng quả bình bát đập dập, hơ qua lửa nóng, sau đó chườm vào vị trí đau nhức. Nếu khu vực đau ở lưng, bạn có thể đặt quả bình bát đã hơ nóng lên lưng rồi nằm nghỉ ngơi. Phương pháp này có thể giúp cải thiện các cơn đau ở vùng cơ và khớp hiệu quả.
2.4. Cây bình bát điều trị bệnh tiểu đường
Sử dụng quả bình bát xanh, thái mỏng, bỏ hạt, phơi khô. Mỗi lần dùng 5g quả khô để đun nước dùng uống trong ngày. Phương pháp này có thể hỗ trợ giúp ổn định đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.
2.5. Cây bình bát chữa bướu cổ
Sử dụng quả bình bát tươi đem nướng cháy xém vỏ. Để cho nguội vừa phải, rồi lăn lên bướu cổ. Mỗi ngày như vậy 3 lần, mỗi lần khoảng 30 phút, mỗi lần lăn khoảng 2 - 3 quả, làm liên tục cho đến khi bướu tan hẳn.
2.6. Cây bình bát chữa tiêu chảy, kiết lỵ, trị giun sán
Sử dụng quả bình bát xanh, thái lát, phơi khô, mỗi lần dùng từ 8 - 12g sắc nước uống.
Cây bình bát có chứa độc, do đó cần hết sức thận trọng khi sử dụng. Không để nhựa, nước của cây bình bát bắn vào mắt gây kích ứng. Ngoài ra, khi sơ chế dược liệu nên tránh để tiếp xúc trực tiếp với da, vì nhựa cây có thể gây dị ứng, kích ứng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.