Vào đại học có thể là một trải nghiệm khó khăn đối với nhiều người trẻ khi phải sống xa nhà, tự lập, gặp gỡ những người bạn mới...
Khi tôi nhập học tại Đại học Sussex, Anh, gần bốn năm trước, tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều khi biết rằng bạn trai của tôi sẽ học cùng trường với tôi. Tôi tin rằng chúng tôi có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc phải đối mặt với những thay đổi lớn trong cuộc sống.
Sự thật thì học cùng đại học với người yêu không phải là điều dễ dàng. Trong khi các sinh viên khác hòa nhập, kết nối và khám phá cuộc sống độc thân thì cả hai chúng tôi đều phải vật lộn để hoàn thiện mối quan hệ của chúng tôi.
Cả hai chúng tôi đều là những người hay hồi hộp, lo lắng mỗi khi xuất hiện ở đám đông nên chúng tôi hiếm khi tách khỏi nhau tại các bữa tiệc hoặc sự kiện.
Chúng tôi luôn cảm thấy quá lo lắng nếu phải xây dựng quan hệ với những người mới. Vì vậy chúng tôi quyết định rằng hai chúng tôi sẽ dành chủ yếu thời gian ở bên nhau.
Điều này có nghĩa là chúng tôi ở bên nhau cả ngày lẫn đêm trong suốt năm đầu tiên học đại học. Chúng tôi chỉ dành thời gian cho nhau mỗi ngày. Sau đó, trạng thái tinh thần của cả hai chúng tôi đều xấu đi và chúng tôi hiếm khi rời nhà.
Sau một thời gian, tôi được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới, đây là bệnh tâm lý có đặc trưng là thường xuyên bất ổn, nhìn nhận bản thân một cách méo mó và có những phản ứng cảm xúc dữ dội. Căn bệnh này khiến tôi càng ở trong nhà nhiều hơn.
Nhiều lần, chúng tôi quyết định chia tay vì cả hai đều không hạnh phúc. Sau khi xa nhau vài ngày, chúng tôi sẽ càng cảm thấy cô đơn hơn và vì vậy chúng tôi quyết định quay lại với nhau.
Đó là một vòng luẩn quẩn: Không ở bên nhau thì tủi thân mà có nhau thì cũng chán vô cùng. Vào thời điểm đó, cả hai chúng tôi đều không nhận ra rằng, nếu chúng tôi có những mối quan hệ bạn bè khác, có nhiều không gian riêng hơn và chăm sóc bản thân tốt hơn thì chúng tôi đã không rơi vào hoàn cảnh này.
Sau đó, chúng tôi nói với nhau về việc chúng tôi đã khổ sở như thế nào và đồng ý rằng chúng tôi sẽ không sống cùng nhau vào năm thứ hai đại học.
Chúng tôi nỗ lực nhiều hơn để tìm thêm bạn bè và giữ khoảng cách với nhau để đảm bảo mối quan hệ của chúng tôi kéo dài. Khi giữ khoảng cách, chúng tôi đều cảm thấy hạnh phúc hơn. Tôi có những người bạn mới, sống ở một nơi nhìn ra biển và sức khỏe tinh thần của tôi bắt đầu trở lại bình thường.
Tuy nhiên, sau một thời gian, tôi cảm thấy khó ở một mình. Tôi đã quá quen với việc sống cùng bạn trai để cảm thấy được yêu thương và bớt cô đơn. Tôi bắt đầu nghĩ rằng để thoát khỏi cảm giác yếu đuối đó, chúng tôi nên chia tay, tôi không cần phụ thuộc vào anh ấy để duy trì hạnh phúc của mình.
Cùng thời điểm đó, tôi và vài người bạn đến các câu lạc bộ. Khi sống cuộc sống độc thân, tôi thử quen biết, hẹn hò với những người mới với mong muốn tinh thần tốt hơn và trở nên độc lập hơn.
Sau đó, tôi tràn ngập cảm giác tội lỗi, hối hận vì đã cố gắng phớt lờ những cảm xúc mà tôi dành cho bạn trai của mình. Tôi quyết định nói với anh ấy mọi chuyện, rằng tôi hối hận về quyết định chia tay của mình, rằng tôi đang gặp một số vấn đề về tinh thần. Bạn trai tôi thông cảm và rất hiểu cho tôi.
Tôi bắt đầu trị liệu, chăm sóc bản thân tốt hơn, đưa ra những quyết định sáng suốt hơn và không khiến bạn trai thất vọng. Một thời gian ngắn sau đó, chúng tôi bắt đầu hẹn hò trở lại và rất cởi mở với nhau về cảm xúc của mình.
Nếu tôi có một ngày tồi tệ, tôi sẽ nói cho anh ấy biết và anh ấy cũng sẽ làm như vậy. Chúng tôi luôn đảm bảo rằng chúng tôi cân đối giữa thời gian dành cho nhau, ở một mình và dành cho bạn bè.
Dần dần, mọi thứ trở nên rất khác so với năm trước, chúng tôi khỏe mạnh và thẳng thắn chia sẻ về cảm xúc của mình. Chúng tôi không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nhau để được hạnh phúc.
Bất chấp đại dịch Covid-19, năm đại học thứ ba của chúng tôi thật tuyệt vời. Chúng tôi giữ liên lạc trực tuyến trong các đợt phong tỏa, chúng tôi duy trì quan hệ tốt với bạn bè riêng. Khi chúng tôi có thể gặp nhau, chúng tôi sẽ đi dạo và trò chuyện vui vẻ.
Bây giờ, cả hai chúng tôi sẽ sớm chuyển đến sống cùng nhau. Mặc dù trải nghiệm học đại học cùng nhau của chúng tôi khá thăng trầm nhưng tôi thực sự tin rằng mối quan hệ của chúng tôi sẽ không tốt như ngày hôm nay nếu không trải qua những thăng trầm đó.
Sau những chông gai, cả hai chúng tôi đều hiểu tầm quan trọng của việc nói ra cảm xúc của mình, tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết và không chỉ phụ thuộc vào người yêu của mình để có được hạnh phúc, niềm vui trong cuộc sống.