Thái Tuế - theo quan niệm tín ngưỡng từ ngàn xưa là vị tướng quân cai quản trần gian suốt một năm. Cùng tìm hiểu về Thái tuế và tuổi phạm Thái tuế trong bài viết sau đây của Phong Thủy Tường Minh nhé.
1. Quan điểm dân gian về Thái Tuế
Theo tập tục dân gian thì mỗi đầu năm đều có một vị thần chưởng quản tất cả mọi sự vụ của năm, được gọi là Thái Tuế. Có tất thảy 60 vị thần Thái Tuế, phụ trách tương ứng với 60 Hoa Giáp. Đa phần các vị thần Thái Tuế đều xuất thân là Võ Tướng, trong Đạo Gíao còn phong cho các vị này là Đại Tướng Quân. Mỗi vị trên tay lại cầm một loại pháp khí khác nhau, không ai giống ai, ám chỉ vận trình của năm đó.
Ví dụ như vị Thái Tuế nào cầm bút, báo hiệu năm đó sẽ có nhiều biến động về chính trị, vị nào cầm kiếm, đa phần biểu thị năm đó có sự phát triển mạnh mẽ.
Thái Tuế còn được gọi là Thái Tuế Tinh Quân, chính là biểu thị hành tinh lớn nhất trong Thái Dương Hệ tức Jupiter. Theo chu kỳ thì Thái Tuế xoay quanh Mặt Trời theo chu kỳ quỹ đạo 12 năm hoàn tất một vòng, nên người xưa gọi Mộc tinh là Tuế Tinh hay Thái Tuế. Trong năm Quý Mão, vị thần đương quản Thái Tuế có danh vị là Bì Thời Đại Tướng Quân.
2. Lịch sử từ “Thái Tuế” bắt đầu từ đâu?
Có truyền thuyết cho rằng từ Thái Tuế xuất hiện sớm, từ thời nhà Thương. Lúc đó, tương truyền vị vua độc tài là Trụ Vương có 1 nàng phi thiếp tên là Khương Văn Sắc, còn gọi là Khương Thị. Sau khi Đát Kỷ nhập cung quyến rũ Trụ Vương ngày đêm hoang lạc, Khương hậu nhiều lần khuyên ngăn nhưng bị Trụ Vương phớt lờ, bèn trách mắng Đát Kỷ, Trụ Vương biết được liền xa lánh bà. Sau bà bị Đát Kỷ vu cáo sai người ám sát Trụ Vương, đành tự khoét mắt minh oan rồi chết.
Người con của Khương Thị lớn lên muốn báo thù cho mẹ nên phò Chu Văn Vương diệt Trụ Vương, sau có công được phong làm “Trị Đức Thái Tuế” - ý là chỉnh đốn đạo đức cho vua.
Sau thời Đông Hán, có vị tướng là Lưu Tú khởi nghĩa thành công, được tấn phong là “Nhị Thập Bát Tú Thái Tuế”, về sau Đạo Gia theo tục mà tấn phong cho những vị nhân sĩ có tài đức là Thái Tuế, tuần tự hơn 60 vị.
Dân Gian thờ cúng Thái Tuế bắt đầu từ triều Nhà Kim. Tương truyền, vào thời vị vua thứ 6 của triều nhà Kim là Kim Chương Tông, thì Hoàng Hậu lúc đó là bà Thuỵ Thánh bị bệnh nguy nan, dùng bất kỳ thuốc nào cũng không hiệu nghiệm, chỉ còn bấu víu vào thần linh, cầu xin vị thần Thái Tuế của năm đó (năm Đinh Mão) là Chương Đại Tướng Quân. Rất vi diệu là bệnh lại khỏi. Kim Chương Tông muốn báo đáp ơn nên ra lệnh cho xây miếu thờ cúng 60 vị Thái Tuế, đây cũng là nguồn gốc trong dân gian bắt đầu tập tục thờ cúng Thái Tuế - gọi là Nhiếp Thái Tuế.
3. Những tuổi phạm Thái Tuế trong năm 2023
Trực Thái Tuế: tuổi Mão - còn gọi là Phục Ngâm. Bị ảnh hưởng yếu. Cùng tuổi với năm. Biểu thị trong năm có không ít chuyện buồn phiền, buồn nhiều hơn vui, hoạ phúc ngang nhau, nên cố gắng nỗ lực hết sức.
Xung Thái Tuế: tuổi Dậu - mang hàm nghĩa đối kháng, còng gọi là Phản Ngâm. Bị nặng nhất. Cả năm bôn ba, vất vả ngược xuôi, biến động nhiều, có khả năng cao thay đổi công việc, nhà ở. Công việc làm ăn hay học tập cực khổ, dễ gặp hoạ tiểu nhân.
Hình Thái Tuế: tuổi Tý - bị rất nhẹ. Dễ bị họa thị phi, nên nhẫn nhịn, lưu ý giữ gìn giấy tờ chứng từ, hợp đồng, nếu không dễ bị kiện tụng.
Nhiều người còn nói tuổi Thìn, Ngọ cũng phạm Thái Tuế tuy nhiên chúng tôi không đồng ý vì tác dụng quá nhỏ bé.
4. Gia chủ nên cúng Thái Tuế lúc nào? Cách hóa giải hạn Thái Tuế theo phong thủy
Cúng Thái Tuế vào bất cứ ngày nào cũng được, miễn trước mồng 15 của tháng giêng âm lịch. Tuy nhiên, nếu người có tâm thì bất kỳ lúc nào, miễn chọn ngày tốt cũng có thể bái Thái Tuế.
Dân gian cho rằng:
“Thái Tuế Đương Đầu Toạ, Vô Hỉ Khủng Hữu Hoạ” - người phạm Thái Tuế, tức là tuổi Mão, Dậu, Tý, Thìn, Ngọ sẽ có một năm không thuận lợi, mọi việc đều bất lợi, sự nghiệp khó khăn, sức khoẻ bệnh tật, tinh thần bất an. Những tuổi này nên đến thắp nhang tại đình miếu có thời vị thần Thái Tuế, đeo phù Thái Tuế để hoá giải, cũng nên bái Thái Tuế tại nhà thì mọi việc bình an, tài lộc hanh thông, vạn sự như ý, tài lộc hưng vượng.
Những tuổi phạm Thái Tuế, được tính toán dựa trên mối quan hệ địa chi giữa lưu niên và năm sinh của người đó theo 3 phương pháp: Thái Tuế, xung Thái Tuế và Tương Hình; dân gian gọi chung đều là phạm Thái Tuế. Người dân bình thường rất sợ phạm Thái Tuế.
Như đã nói, trong quan điểm của Bát Tự lại là “Phùng Thái Tuế Chi Niên, Vô Hỉ Tất Hữu Hoạ” - phạm Thái Tuế không có vấn đề nguy hại nếu như đó là hỉ dụng thần hợp.
Đến Miếu Bái Thái Tuế
Vị Thái Tuế của năm Canh Tý là Ngu Khởi Đại Tướng Quân
Bái Thái Tuế phải dùng Thái Tuế Y, có thể mua ở miếu. Một bộ đồ cúng Thái Tuế sẽ gồm 1 bộ quần áo giấy: Bình An Y, Bách Giải Phù, Viên Lộc Mã, Trường Lộc Mã. Viết tên họ và bát tự ngày tháng năm sinh của mình lên trên bộ quần áo Thái Tuế.
Chuẩn bị xong thì trước tiên đến trước Điện Nguyên Thần để đốt hương, sau đó vào trong điện bái.
Sau khi bước vào trong điện, thì hướng đến tượng Đẩu Mỗ Nguyên Quân để thắp hương.
Bái xong Đẩu Mỗ Nguyên Quân thì mới đến trước vị thần Thái Tuế Tinh Quân của năm đó thắp hương và ước nguyện.
Khấn như sau: “Bì Thời Đại Tướng Quân, tín nam/tín nữ Nguyễn Văn A (Trương Thị C), kim niên lưu niên bổn mạng phạm Sát Tinh, hiện hướng Thái Tuế tiên sư thành tâm kỳ cầu, bảo hựu suy khí tai kiếp tận khứ, hoá hiểm vi di, niên niên hành hảo vận, thân thể kiện khang, công thương bội lợi, vạn sự như ý, tài vận hanh thông”
Sau đó quay về vị Thái Tuế năm sinh của mình mà bái. Bái xong thì không nên bỏ đi ngay, mà còn phải đốt hương cho 58 vị Thái Tuế còn lại mỗi vị một nén nhang.
Thông thường bộ Thái Tuế Y này có cả Thái Tuế Tiền, tiền này đặt bên dưới chân của vị thái tuế năm đó, đây gọi là Nhiếp Thái Tuế. Nếu không có thì dùng tiền thường để thay thế, sau khi nhiếp xong có thể lấy Tiền Thái Tuế này về nhà hoặc mang theo bên người.
Sau cùng, lấy Thái Tuế Y hoá vàng. Như vậy là đã xong nghi thức “Nhiếp Thái Tuế”. Cần nhớ là vào cuối năm phải quay trở lại 1 lần nữa để tạ thần.
Bái Thái Tuế Tại Nhà
Ngoài việc đến miếu bái, có thể bái Thái Tuế tại nhà, miễn là thành tâm là được. Nếu làm tại nhà, tiện lợi hơn rất nhiều, thì không được phép qua loa đại khái.
Chuẩn bị một lư hương hoàn toàn mới, 3 chén rượu, 3 bộ đũa, một bộ quần áo Thái Tuế, Nguyên Bảo, Đại Quan Bảo, Quý Nhân Y, Chú Đại Bi, Tiền Vàng và Tiền Thọ.
Đồ cúng là thịt quay, gà, đường phèn, trái cây, bánh ngọt, trái cây bằng đường, táo đỏ hoặc có thay bằng cúng đồ chay.
Trước tiên, bày bài vị thần ra. Dùng một tờ giấy màu đỏ, viết danh hiệu của vị thần năm đó, có thể mua một quyển lịch phong thuỷ của năm đó, có thể dùng phù Thái Tuế Trấn Trạch có sẵn trong sách. Phù Thái Tuế có thể đặt tại phòng khách, cùng bàn thờ Phật, bàn thờ Táo, hoặc nơi nào sạch sẽ thanh tịnh. Ở cửa hay hay cửa sổ hướng ra ngoài cũng được. Sau khi đặt xong bát hương, thì lấy phù Đại Tướng Quân dán lên tường.
Viết tên họ và ngày tháng năm sinh lên trên Thái Tuế Y, bày đồ cúng lên bàn rồi bắt đầu cúng.
Trước tiên, thành tâm dâng hương, khấn: “Bì Thời Đại Tướng Quân, tín nam/tín nữ tên họ…, kim niên lưu niên bổn mệnh phạm Sát Tinh, hiện hướng Thái Tuế Tiên Sư thành tâm kỳ cầu, bảo hựu suy khí tai kiếp tận khứ, hóa hiểm vi di, niên niên hành hảo vận, thân thể kiện khang…”
Lúc an vị phù Thái Tuế cũng có thể đọc 3 lần chú phụng thỉnh Thái Tuế Tinh Quân.
Chú như sau:
“Phụng thỉnh Tam Thanh chiếu phù lệnh
Thiên thượng nhât nguyệt lai củng ứng
Nam đẩu bắc đẩu thôi ngũ hành
Bắc đế hiển linh sắc chân lệnh
Bát quái tổ sư kỳ trung hành
Ngọc chỉ phụng lệnh thái tuế quý mão niên trị niên
Bì Thời tinh quân đáo thử trấn
Thất tinh ngũ lôi hộ lưỡng biên
Lục giáp thần tướng đáo đàn tiền
Lục đinh thiên binh thủ hậu doanh
Thiên quan tứ phúc thần cộng hàng
Chiêu tài tiến bảo vận quang minh
Đệ tử … họ tên đầy đủ…. Sinh năm tháng ngày giờ….. và ngụ tại địa chỉ cung kính tam bái thỉnh
Bái thỉnh Bì Thời tinh quân tốc hàng lâm
Trấn trạch quang minh nhân tôn kính
Hợp gia bình an sự nghiệp hưng
Trấn trạch hộ thân thả bảo mệnh
Trị niên thái tuế lại hàng lâm
Cấp cấp như luật lệnh sắc”
Sau khi bẩm báo xong thì đợi đến khi hương cháy còn một nửa, thì lấy bộ giấy vàng Thái Tuế Y đốt, sau đó lấy 3 cốc rượu đổ xuống đất. Như vậy là hoàn tất nghi thức cúng Thái Tuế tại nhà.
Tuỳ mỗi người, nếu muốn có thể tiến hành vào ngày 15 âm lịch hàng tháng và ngày sinh của Thái Tuế Tinh Quân là ngày 19 tháng 7 âm lịch dâng cúng, cảm tạ bình an.
Nhưng nhất thiết phải nhớ vào dịp cuối năm cúng tạ thần vì đã bảo hộ suốt một năm. Thông thường, vào sáng sớm ngày 24 tháng 12 âm lịch hàng tháng, nên dâng cúng hoa tươi, trái cây, trà, tiền thọ bái tạ Thái Tuế Tinh Quân đã chiếu cố bình an suốt năm.
Sau khi cúng xong có thể hạ phù Thái Tuế Tinh Quân xuống đồng thời hoá vàng tiền thọ.
5. Một số địa điểm có thể bái Thái Tuế tại TP.HCM
Danh sách các đền miếu chùa người Hoa mọi người có thể bái Thái Tuế:
-Khánh Vân Nam Viện - Nguyễn Thị Nhỏ Quận 5
-Các hội quán người Hoa.
-Chùa Vạn Phật - Nghĩa Thục, Quận 5
Lưu ý riêng cho học viên TMFS: trong Tứ Trụ Lưu Bá Ôn phái, chúng tôi không quan tâm nhiều đến khái niệm “phạm Thái Tuế” trong luận đoán mà chỉ sợ “Thái Tuế Pháp”. Quan điểm này chúng tôi thấy tổ sư Đàm Dưỡng Ngô và sau này là sư phụ Lâm Chí Oanh khi truyền thừa cho chúng tôi cũng đồng quan điểm tương tự mà viết rõ ra trong Huyền Không Lục Pháp.
Phạm Thái Tuế không phải là một điều gì quá ghê gớm như dân gian thường sợ hãi. Cũng như không cần nhất thiết lúc nào cũng mang theo phù Thái Tuế bên người. Hãy bước vào năm 2023 với tâm thế sẵn sàng, vui trẻ tràn đầy sức sống, luôn bình tĩnh thận trọng, chăm lo sức khỏe của bản thân và gia đình bạn nhé.