Tham khảo thêm bài viết:
- Soạn bài Thu hứng
- Soạn bài Bản hòa âm ngôn từ trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư
- Soạn bài Thực hành tiếng việt trang 58
I - Chuẩn bị | Soạn bài Mùa xuân chín Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống Tập 1
1. Tác giả tác phẩm Mùa xuân chín
1.1. Tác giả
- Hàn Mặc Tử (1912-1940) có tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Ông sinh ra tại Đồng Hới, Quảng Bình.
- Hàn Mặc Tử sống với mẹ tại Quy Nhơn, cha ông mất sớm.
- Đến năm 21 tuổi, Hàn Mặc Tử rời xa mẹ để vào Sài Gòn lập nghiệp.
- Ông có một thời gian ngắn làm việc công chức, tuy nhiên, không lâu sau, Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong và qua đời.
1.2. Sự nghiệp văn học
a) Các tác phẩm nổi bật:
- Lệ Thanh thi tập (bao gồm tất cả các tác phẩm thơ Đường luật)
- Gái Quê (1936, tập thơ duy nhất của Hàn Mặc Tử được xuất bản khi ông vẫn đang còn sống)
- Thơ Điên (hay có tên gọi khác là Đau Thương. Tập thơ bao gồm 3 tập: 1. Hương thơm; 2. Mật đắng; 3. Máu cuồng và hồn điên -1938)
- Xuân như ý
- Tập thơ “Thượng Thanh Khí”
- Cẩm Châu Duyên
- Kịch thơ “Duyên kỳ ngộ” - 1939
- Kịch thơ “Quần tiên hội” đang được viết dở năm 1940
- Tập thơ - Văn xuôi mang tên “Chơi Giữa Mùa Trăng”
b) Phong cách sáng tác
- Hàn Mặc Tử là một trong những hiện tượng thơ được đánh giá là kì lạ bậc nhất trong thời kỳ phong trào Thơ mới.
- Đọc thơ của ông, ta sẽ bắt gặp một tâm hồn yêu cuộc sống, yêu thiên cảnh, yêu con người thiết tha và đầy khát khao, cháy bỏng. Cùng với đó, người đọc cũng có thể cảm nhận được khát vọng sống mãnh liệt của tác giả đến đau đớn tột cùng.
- Trong thơ của Hàn Mặc Tử, nhiều bài thơ có khuynh hướng siêu thoát vào thế giới siêu nhiên, tôn giáo… nhưng nếu tìm hiểu sâu hơn, ta sẽ thấy đó giống như là hình chiếu của khát vọng sống, khát vọng giao cảm với đời của tác giả.
- Một số bài thơ cuối đời của thi sĩ họ Hàn còn đan xen những hình ảnh đầy ma quái - dấu ấn của sự đau đớn, giày vò của thể xác và tâm hồn. Đó giống như một sự khủng hoảng tinh thần, bế tắc và tuyệt vọng khi đứng trước những sự bất hạnh của cuộc đời. Nhưng dù được viết theo khuynh hướng như thế nào đi chẳng nữa, thơ Hàn Mặc Tử vẫn là những vần thơ mang đầy tính trong sáng, lung linh, huyền ảo và có một ma lực đầy diệu kỳ đối với những người yêu thơ Hàn Mặc Tử.
- Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ dẫn đầu trong quá trình cách tân thi pháp của phong trào Thơ mới thời bấy giờ. Thế giới nghệ thuật trong thơ của tác giả Hàn Mặc Tử là một thế giới đa dạng sắc màu. Hàn Mặc Tử đã đưa vào Thơ mới những sáng tạo hết sức độc đáo, những hình tượng ngôn từ khiến người đọc rất ấn tượng, gợi cảm giác liên tưởng và suy tưởng đầy phong phú. Ngoài bút pháp lãng mạn, nhà thơ còn sử dụng các bút pháp tượng trưng và yếu tố siêu thực để có thể thể hiện tốt nhất ý nghĩa của các tác phẩm.
- Tâm hồn thơ ông đã đạt đến độ thăng hoa và trở thành những vần thơ tuyệt diệu, chẳng những gợi cho người đọc niềm thương cảm, xót xa mà còn đem đến cho ta những cảm xúc thẩm mĩ đầy kì thú cũng như niềm tự hào về sức sáng tạo của con người.
- Quá trình sáng tác thơ của ông đã gần như tóm gọn được cả quá trình phát triển của thế hệ thơ mới từ lãng mạn sang tượng trưng và cho đến siêu thực.
2. Tác phẩm Mùa xuân chín
2.1. Xuất xứ
In trong tập Thơ, Hàn Mặc Tử được xuất bản năm 1988
2.2. Tóm tắt tác phẩm Mùa xuân chín
Bài thơ “Mùa xuân chín” như một bức tranh vẽ về cảnh đẹp mùa xuân trong con mắt của một thi sĩ yêu đời. Bên cạnh đó, bài thơ còn thể hiện được tâm trạng háo hức, bồn chồn của người con gái sắp đi lấy chồng cũng như tâm trạng đầy bâng khuâng, nhung nhớ của nhân vật trữ tình trong bài thơ khi nhắc thấy cảnh cũ người xưa. Từ đó, bài thơ đã thể hiện được niềm yêu đời, yêu người, yêu cuộc sống của tác giả cũng như gửi gắm vào trong đó là niềm yêu thương và hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp, mùa xuân mang vị “chín” của lòng người.
2.3. Bố cục tác phẩm Mùa xuân chín
Bố cục bài thơ Mùa xuân chín được chia thành 4 phần:
- Khổ 1: Cảm xúc của tác giả khi đứng trước trước cảnh đẹp mùa xuân của thiên nhiên, đất trời.
- Khổ 2 + 3: Cảm xúc của thi nhân về mùa xuân của đất nước.
- Khổ 4 + 5: Suy nghĩ và ước nguyện của thi sĩ khi đứng trước mùa xuân đất nước.
- Khổ cuối: Lời ngợi ca về quê hương, đất nước thông qua làn điệu dân ca xứ Huế.
2.4. Nội dung chính tác phẩm Mùa xuân chín
Bài thơ đã vẽ nên một bức tranh mùa xuân rất đẹp với màu xanh tươi tràn đầy sức sống thông qua tình yêu tha thiết, mãnh liệt cùng với nỗi nhớ nhung đầy khắc khoải, da diết của nhân vật trữ tình về một thế giới tươi đẹp giờ chỉ còn đọng lại trong kí ức.
2.5. Giá trị nội dung
- Bài thơ đã vẽ nên khung cảnh mùa xuân đầy tươi mới, đẹp đẽ và tràn đầy sức sống nơi nông thôn dân dã ở làng quê Việt Nam
- Bên cạnh bức tranh mùa xuân đó là tâm trạng đầy háo hức và bồn chồn của người con gái sắp phải đi lấy chồng xen kẽ sự bâng khuâng và nhung nhớ của nhân vật trữ tình khi nhắc thấy cảnh cũ người xưa
- Thể hiện được niềm yêu đời, yêu người và yêu cuộc sống của tác giả cũng như gửi gắm vào đó là niềm yêu thương, hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn như mùa xuân mang vị “chín” của lòng người
2.6. Giá trị nghệ thuật
- Ngôn từ sử dụng trong bài thơ giản dị, mộc mạc và gần gũi khiến người đọc có thể hiểu được dễ dàng
- Hình ảnh được sử dụng trong bài thơ đều là những hình ảnh gần gũi, thân thuộc với người đọc
- Giọng thơ đầy tự nhiên mang tính thủ thỉ, tâm tình
II - Đọc hiểu | Soạn bài Mùa xuân chín Ngữ văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống Tập 1
1. Trước khi đọc
Câu 1 (trang 50, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Bạn có nhớ những bài thơ hoặc câu thơ nào diễn tả về mùa xuân mà mình đã từng đọc?
Lời giải chi tiết:
- Những bài thơ miêu tả về mùa xuân mà tôi đã từng đọc có thể kể đến như: “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải, “Vội vàng” của nhà thơ Xuân Diệu hay “Mưa xuân” của tác giả Anh Thơ
- Những câu thơ miêu tả về mùa xuân:
“Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ”
“Ai biết hồn tôi say mộng ảo
Ý thu góp lại cản tình xuân?”
Câu 2 (trang 50, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Điều gì đã để lại ấn tượng hay khiến bạn thích thú ở những bài thơ, câu thơ ấy?
Lời giải chi tiết:
Điều khiến em có ấn tượng hay thích thú ở những bài thơ, câu thơ trên chính là những bài thơ, câu thơ miêu tả về khung cảnh mùa xuân một cách rất đặc biệt. Mùa xuân mang một vẻ đẹp đầy hài hòa, vô cùng thơ mộng, khiến người ta nhớ mãi không quên.
2. Trong khi đọc
Chú ý:
- Các vần được tác giả gieo xuyên suốt trong bài thơ
- Những từ ngữ có thể gợi ra nhiều nét nghĩa khác nhau hoặc có khả năng giúp liên tưởng đến âm thanh, hình ảnh;
- Những kết hợp từ ngữ ít khi xuất hiện trong lời nói thông thường hàng ngày.
Lời giải chi tiết:
- Các vần được tác giả gieo trong toàn bộ bài thơ: Vần ang (vàng, sang); vần ơi (trời, chơi); vần ây (mây, ngây); vần ang (làng, chang).
- Những từ ngữ có thể gợi ra nhiều nét nghĩa khác nhau hay có khả năng giúp người đọc liên tưởng về âm thanh, hình ảnh: Làn nắng ửng, sột soạt, bóng xuân sang, hổn hển, thì thầm, nắng chang chang.
- Những kết hợp từ ngữ ít xuất hiện trong lời nói đời thường: gợn tới trời, đám xuân xanh, ý vị và thơ ngây, mùa xuân chính, bờ sông trắng.
3. Sau khi đọc
Câu 1 (trang 52, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Tiêu đề của bài thơ “Mùa xuân chín” được cấu tạo bởi những từ thuộc loại từ nào và có thể gợi những liên tưởng gì cho bạn?
Lời giải chi tiết:
- Tiêu đề của bài thơ “Mùa xuân chín” được cấu tạo bởi những từ thuộc Danh từ, Động từ và Tính từ.
- Tiêu đề cấu tạo bởi 2 từ loại là Danh từ + Động từ gợi cho người đọc cảm giác mùa xuân đang bước vào độ căng mọng, tươi đẹp nhất và vẫn đang tiếp tục phát triển đẹp hơn nữa.
- Nhan đề cấu tạo bởi 2 từ loại là Danh từ +Tính từ khiến cho người đọc cảm nhận được mùa xuân đã đến độ tròn đầy rồi.
Câu 2 (trang 52, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Trạng thái “chín” của mùa xuân trong bài thơ đã được tác giả thể hiện thông qua những từ ngữ nào?
Lời giải chi tiết:
Trạng thái “chín” của mùa xuân trong bài thơ được Hàn Mặc Tử thể hiện thông qua những từ ngữ như: làn nắng ửng, khói mơ tan, sóng cỏ xanh tươi, mùa xuân chín, lấm tấm vàng, bóng xuân sang.
Câu 3 (trang 52, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Hãy đưa ra những nhận xét về ngôn từ của bài thơ trên hai khía cạnh sau:
- Bài thơ có những sự lựa chọn và kết hợp ngôn ngữ nào khiến cho người đọc đặc biệt chú ý? Hãy chia sẻ cụ thể hơn những cảm nhận của bạn về việc lựa chọn và kết hợp này.
- Ngôn từ của bài thơ đã giúp cho người đọc cảm nhận được khung cảnh mùa xuân như thế nào?
Lời giải chi tiết:
* Ở khía cạnh đầu tiên: Bài thơ đã có những sự lựa chọn và kết hợp ngôn ngữ khiến em chú ý như:
- Đó là sự lựa chọn và kết hợp sử dụng các từ láy kết hợp với tính từ, danh từ đầy độc đáo: lấm tấm vàng, sột soạt gió, nắng chang chang.
- Hình ảnh mùa xuân không chỉ được thi sĩ họ Hàn miêu tả ở thông qua cảnh vật, ánh nắng mà nó còn được thể hiện rất rõ ở “đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng”. Với từ láy “lấm tấm”, người đọc có thể cảm nhận được sự rơi rớt của ánh nắng, tạo nên sắc thái động đầy thú vị cho cảnh vật.
- Những ánh nắng như được ai đó rắc một cách rất từ từ trên mái nhà tranh. Khung cảnh ấy cùng với cái ánh nắng vàng ửng ấy đã tạo nên một không gian mùa xuân thật mới, một mùa xuân chín đang quay trở về.
* Khía cạnh thứ hai: Ngôn từ của bài thơ đã vẽ nên một khung cảnh mùa xuân tuyệt đẹp:
- Mùa xuân chín của tác giả Hàn Mặc Tử đã đưa người đọc đến với một cảnh xuân đầy độc đáo, mới mẻ với vẻ đẹp của mùa xuân đang ở độ chín, giống như chính vẻ đẹp của con người đang ở độ tuổi đẹp nhất, độ tuổi rạo rực nhất.
- Mùa xuân chín lúc thì dạt dào, lúc thì lắng dịu trong tâm hồn thi sĩ. Có lúc vồn vã, có lúc mênh mang, như đang lắng hồn mình vào bước đi của mùa xuân rồi bồi hồi, “sực nhớ… ” và “bâng khuâng”.
- Cái nhớ bâng khuâng của người lữ khách mãi mãi là tình thương mến, nỗi khát khao giao cảm với hương sắc và khúc nhạc mùa xuân, với làng quê thân thuộc nơi miền Trung “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang”…
Câu 4 (trang 52, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Mô tả cách ngắt nhịp và gieo vần của tác giả trong bài thơ. Chỉ ra những chỗ mà cách ngắt nhịp, gieo vần này có thể gây được sự ấn tượng đặc biệt cho người đọc (chú ý đến vai trò của các dấu câu, sự biến hóa của cách ngắt nhịp và vị trí gieo vần). Từ đó, hãy so sánh mức độ chặt chẽ trong cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài thơ “Mùa xuân chín” này với một bài thơ trung đại làm theo thể Đường luật bất kỳ khác.
Lời giải chi tiết:
- Cách ngắt nhịp và gieo vần của Hàn Mặc Tử trong bài thơ:
+ Cách ngắt nhịp: Đoạn 1 ngắt nhịp theo dạng 4/3 ; Đoạn 2 ngắt theo nhịp 2/2/3; Ngắt nhịp ở đoạn 3 4/3; Đoạn 4: 2/2/3
+ Cách gieo vần: Hàn Mặc Tử đã gieo vần ở vị trí chân tại mỗi câu thơ 2,4; 5,8; 10,12; 14;16.
- Trong khổ thơ đầu tiên, dấu chấm ở câu thơ “Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang” đã gây chú ý và ấn tượng mạnh đối với người đọc
+ Dấu chấm khiến cho câu thơ có một sự ngưng đọng, ngập ngừng mang cảm xúc nhẹ nhàng, bâng khuâng, vấn vương khi nhân vật trữ tình đón “bóng xuân sang”, cảm xúc ngưng tụ như nín thở ấy được thể hiện rất rõ tại dấu chấm giữa dòng thơ. Mạch thơ ngập ngừng giống như mạch cảm xúc.
+ Cách ngắt nhịp ở mỗi khổ thơ cũng có sự biến hóa khôn lường. Nhờ có sự biến hóa của cách ngắt nhịp này đã khiến cho giai điệu của bài thơ trở nên linh hoạt hơn, lúc thì vui tươi hóm hỉnh, lúc lại trầm lắng suy tư.
+ Không chỉ dừng lại ở đó, nhờ có vị trí gieo vần và cách thức gieo vần ở mỗi khổ thơ có sự khác nhau đã tạo ra sự đặc sắc cho cả bài thơ.
- So sánh mức độ chặt chẽ trong cách ngắt nhịp và gieo vần của bài thơ này với bài thơ Thu hứng của nhà thơ Đỗ Phủ:
+ Trong Thu hứng, tác giả gieo vần tại chân ở các câu 1,2,4,6,8: cùng là vần “âm”; Về cắt ngắt nhịp: tác giả sử dụng nhịp 4/3 ở tất cả các câu thơ không thay đổi.
+ Còn trong bài thơ “Mùa xuân chín”, các vần chân được gieo bao gồm: ang, ơi, ây, ang, có sự thay đổi linh động ở mỗi khổ thơ. Cách ngắt nhịp giữa các khổ thơ cũng có sự thay đổi khác nhau, nhằm phù hợp với sự thay đổi của tâm trạng nhà thơ.
→ Mức độ chặt chẽ trong cách ngắt nhịp, gieo vần của bài thơ này là không quá khắt khe, gò bó sơ với thơ Đường luật.
Câu 5 (trang 52, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Con người trong bài thơ “Mùa xuân chín” hiện diện thông qua những hình ảnh nào? Hình ảnh nào gắn liền với hình tượng của nhân vật trữ tình? Hình ảnh nào là đối tượng quan sát hay nằm trong tâm tưởng của nhân vật trữ tình?
Lời giải chi tiết:
- Con người trong bài thơ hiện lên thông qua những hình ảnh:
+ Bao cô thôn nữ hát trên đồi/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi.
+ Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi.
+ Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín/ Chị ấy, năm nay còn gánh thóc.
- Hình ảnh gắn liền với nhân vật trữ tình trong bài thơ: Khách xa.
Hình ảnh là đối tượng quan sát của nhân vật trữ tình gồm: bao nhiêu cô thôn nữ đang hát trên đồi, trong đám đó có kẻ theo chồng đã bỏ cuộc chơi. Hình ảnh nằm trong tâm tưởng của nhân vật trữ tình: Hình ảnh của một cô gái đang gánh thóc bên bờ sông.
Câu 6 (trang 52, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Hình ảnh, nhịp và vần trong bài thơ có mối liên hệ gì với mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình?
Lời giải chi tiết:
Hình ảnh, nhịp và vần trong bài thơ có sự liên kết chặt chẽ với mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình:
- Là phương tiện để nhân vật trữ tình có thể biểu lộ rõ ràng mạch cảm xúc của mình. Hình ảnh, nhịp, vần ở khổ thơ đầu tiên mang đến cho người đọc âm hưởng vui tươi, nhưng sau đó lại trở nên trầm buồn và có chút gì đó sâu lắng, bởi sự xuất hiện của bóng dáng “những cô thôn nữ” hát trên đồi, trong đó có xuất hiện bóng hình của người con gái mà tác giả thầm mến. Mạch cảm xúc cũng vì vậy mà trở nên da diết, tha thiết hơn.
- Tất cả xuân sắc đẹp huy hoàng ấy dù sao cũng chỉ là một ánh chớp kỷ niệm thoáng qua mà thôi. Cái còn lại, khiến người ta thêm u buồn, chính là ký ức về xuân thì của “chị ấy” ngày xưa. Chính vì vậy, ở hiện tại, người khách xa sực nhớ cũng là một cách để thể hiện sự ngậm ngùi, tiếc thương - tiếc thương cho cái đẹp không biết bây giờ có còn không.
Câu 7 (trang 52, SGK Ngữ Văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống, tập một)
Hãy nêu cảm nhận của bạn về nhân vật trữ tình trong bài thơ.
Lời giải chi tiết:
Nhân vật trữ tình trong bài thơ xuất hiện cùng với âm thanh. Âm thanh đọng lại trong từng tiếng thơ, động lòng người, hòa nhịp với giai điệu thể hiện một sự chuyển đổi cảm giác rất tinh tế, tài tình. Tâm hồn thi sĩ đã hòa nhập vào thế giới âm thanh của mùa xuân. Tiếng ca như bay lên cao, như ngập ngừng, như lưu luyến giữa “lưng chừng núi”. Dư âm tiếng hát dường như giăng mắc, rung lên gợi lên nhiều xao xuyến bâng khuâng trong lòng nhà thơ.
Tiếng hát được so sánh “với lời của nước mây”, lời của thiên nhiên. Hai tiếng như nhịp thở gấp gáp, vội vàng đầy hương xuân, tình xuân, cảm xúc vừa thực vừa mơ đến lạ kì. Lời hát của các cô thôn nữ sao mà đáng yêu thế, như hút hồn người, như tràn ngập không gian, góp phần làm nên một “mùa xuân chín”. Và còn có tiếng thầm thì “thầm thì với ai…” dưới bóng trúc, tâm sự, thân thương rồi. “Vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thì” là ba giai điệu của ba âm thanh mùa xuân đang chín, thấm sâu vào hồn người đến nhẹ nhàng lắng dịu, chan chứa thương yêu. Sự phong phú và phức tạp của khúc hát đồng quê, làm say mê mọi người, để rồi cùng nhà thơ cảm nhận: “Nghe ra ý vị và thơ ngây…”.
Tiếng hát mùa xuân dân dã, tình tứ và đáng yêu quá, sắc xuân, hương xuân, tình xuân “đang chín” dần trong lòng thôn nữ, bỗng ngập ngừng như có sự hẫng hụt, băn khoăn:
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy,
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi…
“Đám xuân xanh ấy” là các cô thôn nữ đang hát, đang “thầm thì với ai ngồi dưới trúc” kia sẽ chín cùng mùa xuân và sẽ “theo chồng bỏ cuộc chơi… Thiên nhiên và lòng người như quyến luyến mùa xuân dần trôi qua, tuổi xuân hồn nhiên dần trôi qua.
Hàn Mặc Tử chính là người lữ khách đi qua mùa xuân gặp cái ý vị của mùa xuân: “Khách xa gặp lúc mùa xuân chín…”. Một nét bút truyền thống cổ điển “xuân hướng lão” xen lẫn cái hiện đại, mới mẻ làm cho ý thơ thêm sâu sắc. Gặp lúc mùa xuân chín ấy mà thổn thức:
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang
Cảnh kí ức hiện lên trong tâm trí như một hình ảnh buồn đẹp và vô tận. Nhà thơ nhớ về những người và quê hương như một lòng khao khát tình yêu con người và tình yêu quê hương. Mỗi kỷ niệm đem lại một cảm xúc xao xuyến. Nhớ về một công việc cụ thể, là “gánh thóc” trên bờ sông trắng nắng. Chỉ có tác giả mới biết người đọc không thể hiểu được, chỉ để nhớ lại và tự đặt câu hỏi. Tâm trí lo sợ rằng thời gian sẽ trôi qua như một mùa xuân chín. Có vẻ như đó là nét thơ của Hàn Mặc Tử, là tâm hồn mong muốn giao cảm với cuộc sống nhưng luôn mang trong mình một cái trống vắng và cảm giác cô đơn.
Trên đây là bài hướng dẫn Soạn bài Mùa xuân chín sách Ngữ văn 10 Kết nối với tri thức với cuộc sống tập 1 do BUTBI tổng hợp và biên soạn gửi đến các bạn. Theo dõi BUTBI thường xuyên để cập nhật những bài viết mới nhất trong chuỗi bài Soạn văn 10 Kết nối tri thức với cuộc sống các bạn nhé!