Ảnh minh họa
Biến đổi khí hậu tác động đến đa dạng sinh học thế giới
Trong thiên nhiên, đa dạng sinh học (ĐDSH), nhất là các hệ sinh thái rừng nhiệt đới là nơi chủ yếu tích luỹ trở lại nguồn khí CO2 phát thải ra, để tạo thành chất hữu cơ. Trong khi đó, chúng ta lại đã và đang chặt phá rừng để phát triển nông nghiệp, mở rộng chăn nuôi, xây dựng nhà cửa, đô thị. Sự tàn phá rừng, không những gây mất cân bằng sinh thái ở nước ta mà còn làm giảm khả năng hấp thụ CO2 và gián tiếp làm tăng thêm lượng khí CO2 phát thải vào khí quyển, góp phần làm cho BĐKH toàn cầu tăng nhanh. Như vậy, sự giảm sút ĐDSH, nhất là giảm sút diện tích rừng đã thúc đẩy sự gia tăng BĐKH toàn cầu, nhưng ngược lại sự nóng lên toàn cầu cũng đã ảnh hưởng lớn đến sự tồn tại và phát triển của các loài sinh vật và ĐDSH.
Tác động của BĐKH đang ảnh hưởng ngày một sâu, rộng đến các hệ sinh thái trên thế giới. Vùng phân bố của các loài đó thay đổi: Nhiều loài cây, côn trùng, chim và cá đã chuyển dịch lên phía Bắc và lên các vùng cao hơn; nhiều loài thực vật nở hoa sớm hơn, nhiều loài chim đã bắt đầu mùa di cư sớm hơn, nhiều loài động vật đã vào mùa sinh sản sớm hơn, nhiều loài côn trùng đã xuất hiện sớm hơn ở Bắc bán cầu, san hô bị chết trắng ngày càng nhiều. Chúng ta cũng biết rằng, các loài sinh vật muốn phát triển một cách bình thường cần phải có một môi trường sống phù hợp, tương đối ổn định về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, đất đai, thức ăn, nguồn nước,... và cộng đồng các loài sinh vật trong nơi sống đó. Chỉ một trong những nhân tố của môi trường sống bị biến đổi, sự phát triển của một loài sinh vật nào đó sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí có thể bị diệt vong, tùy thuộc vào mức độ biến đổi nhiều hay ít. Dưới áp lực của các hoạt động phát triển KT-XH cũng như tác động của BĐKH, ĐDSH đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhiều loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trên thế giới chỉ còn khoảng 8% các khu vực hiện đang được bảo vệ ĐDSH và HST sẽ vẫn là nơi cư trú của các loài động thực vật sau 100 năm nữa. Nhiệt độ trái đất tăng, nhiều hiện tượng khí hậu cực đoan theo đó sẽ diễn ra với mức độ khó lường trước được cả về tần số và mức độ. Nước biển dâng sẽ gây nên xói mòn bờ biển, ngập lụt vùng ven bờ, làm suy thoái đất ngập nước, nước mặn xâm nhập, giết chết các loài thực vật, động vật nước ngọt. Tại những vùng mà BĐKH làm tăng cường độ mưa, nước mưa sẽ làm tăng xói mòn đất, lũ lụt, sụt lở đất đá và có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của các thuỷ vực, làm ô nhiễm nguồn nước. Tất cả những hiện tượng đó đều ảnh hưởng đến các loài sinh vật và tài nguyên sinh vật, làm cho nhiều hệ sinh thái bị suy thoái, gây khó khăn cho sự phát triển KT-XH, nhất là tại các nước nghèo mà cuộc sống đa số người dân còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.
Tác động tới đa dạng sinh học nước ta và một số giải pháp
Việt Nam là nơi trú ngụ của gần 14 nghìn loài thực vật, hơn 10 nghìn loài động vật trên cạn. Số loài sinh vật nước ngọt đã được biết đến là hơn 1.438 loài vi tảo, 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt. Số lượng loài sinh vật biển được biết là hơn 11 nghìn loài (6.300 loài động vật đáy, 2.500 loài cá biển, 653 loài rong biển, 657 loài động vật nổi, 537 loài thực vật nổi, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và năm loài rùa biển). Tuy nhiên, các số liệu nêu trên vẫn chưa phản ánh đầy đủ tính ĐDSH của Việt Nam, khi số lượng loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh những năm gần đây. Điều đó chứng minh nguồn tài nguyên về đa dạng loài động, thực vật ở Việt Nam chưa thật sự được hiểu biết đầy đủ.
Cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ suy thoái ĐDSH do tác động của BĐKH và sự tác động của con người. Các nhà khoa học trong lĩnh vực ĐDSH nhận định, BĐKH đang và sẽ làm thay đổi điều kiện môi trường toàn cầu, trong đó dự đoán Việt Nam là một trong những nước chịu hậu quả nặng nề nhất. Theo đó, trong điều kiện BĐKH, các hệ sinh thái bị chia cắt chắc chắn sẽ phản ứng kém hơn trước những sự thay đổi và có thể sẽ không tránh khỏi sự mất mát các loài sinh vật với tốc độ rất cao.
Theo dự báo của Viện Khoa học KTTV&BĐKH, vào cuối Thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình năm của nước ta tăng khoảng 2,30C; mực nước biển có thể dâng từ 75 cm đến 1 m so với trung bình thời kỳ từ 1980 đến 1999. Do vậy, nếu theo dự báo thì khoảng 20% đến 38% diện tích ĐBSCL và khoảng 11% diện tích đồng bằng sông Hồng bị ngập nước. Cũng với kịch bản này, sẽ có 78 sinh cảnh tự nhiên quan trọng (27%), 46 khu bảo tồn (33%), 9 khu vực ĐDSH có tầm quan trọng bảo tồn quốc gia và quốc tế (23%) và 23 khu có đa dạng quan trọng khác (21%) ở Việt Nam bị tác động nghiêm trọng,… Đáng chú ý, nhiệt độ trung bình tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần thể sinh vật của nhiều hệ sinh thái. Các nhà khoa học đã chứng minh được sự di cư của một số loài do sự ấm lên của Trái đất.
Các hệ sinh thái vốn đã bị chia cắt chắc chắn sẽ phản ứng kém hơn đối với những biến đổi này và có thể không tránh khỏi sự mất mát với tốc độ rất cao. Nhiều loài động, thực vật hoang dã sẽ phải chịu áp lực ngày càng lớn do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và thiên tai như lũ lụt, hạn hán và mưa bão sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Một số loài thực vật và động vật có xương sống có thể sẽ tuyệt chủng trong thế kỷ tới do tác động của BĐKH gây ra. BĐKH đã, đang tác động mạnh lên hai vùng đồng bằng lớn là ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng, các vùng dọc bờ biển và các hệ sinh thái rừng trong cả nước. Nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến vùng đất ngập nước của bờ biển Việt Nam, nghiêm trọng nhất là các khu vực rừng ngập mặn của Cà Mau, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và Nam Định.
Vùng đồng bằng và ven biển nước ta, trong đó có rừng ngập mặn và hệ thống đất ngập nước rất giàu có về các loài sinh vật, là những hệ sinh thái rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương. Mực nước biển dâng lên cùng với cường độ của bão tố sẽ làm thay đổi thành phần của trầm tích, độ mặn và mức độ ô nhiễm của nước, làm suy thoái và đe dọa sự sống còn của rừng ngập mặn và các loài sinh vật đa dạng trong đó. Khi mực nước biển dâng cao, khoảng một nửa trong số 68 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc gia sẽ bị ảnh hưởng; nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội địa, giết chết nhiều loài động, thực vật nước ngọt, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và hệ thống trồng trọt của nhiều vùng. Hệ sinh thái biển sẽ bị tổn thương. Các rạn san hô là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển quan trọng, là lá chắn chống xói mòn bờ biển và bảo vệ rừng ngập mặn sẽ bị suy thoái do nhiệt độ nước biển tăng,
Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, diện tích rừng tự nhiên có mức độ ĐDSH cao ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Chỉ còn lại khoảng 0,5 triệu ha rừng nguyên sinh nằm rải rác ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Bắc Trung Bộ và hầu hết các rừng ngập mặn nguyên sinh đã biến mất. Việt Nam có 128 khu rừng đặc dụng tạo ra hệ thống khu bảo tồn của cả nước, chủ yếu là những khu rừng nhỏ và nằm phân tán, một số còn bao gồm các vùng canh tác nông nghiệp và khu dân cư. Phần lớn các loài chim đẹp và động vật có vú lớn đã biến mất.
Nhiều khu rừng bị suy giảm không chỉ về phạm vi mà còn cả chất lượng môi trường sống. Việc phát triển cơ sở hạ tầng tràn lan trong các khu vực có rừng càng gia tăng nguy cơ đe dọa sự tồn tại lâu dài của chúng. Trong tổng số 310 loài động vật có vú chính được nhận dạng, có đến 78 loài đang bị đe dọa (căn cứ theo mức độ bị đe dọa cấp quốc gia), trong đó 46 loài được quốc tế công nhận. Nhiều loài trong số đó đang đứng bên bờ vực tuyệt chủng do quần thể ngoài tự nhiên còn quá nhỏ và bị chia cắt, ví dụ Voọc Cát Bà còn khoảng 60 cá thể ngoài tự nhiên, Voi châu Á khoảng trên 100 cá thể,… BĐKH và nước biển dâng sẽ là tác nhân có thể tác động làm thay đổi cấu trúc, vùng phân bố của các loài sinh vật và mức độ ĐDSH của các hệ sinh thái ở Việt Nam. Cụ thể là sự gia tăng nhiệt độ, lượng mưa, nước biển dâng và nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khác đã ảnh hưởng đến các hệ sinh thái. BĐKH cũng dự báo làm thay đổi phạm vi hoạt động của các sinh vật mang bệnh, khiến chúng tiếp xúc với vật chủ chưa phát triển miễn dịch. Do đó, trong bối cảnh BĐKH, nhiều loài động thực vật hoang dã sẽ phải chịu nhiều áp lực ngày càng tăng do phải thay đổi nơi cư trú, nguồn thức ăn bị thay đổi và thiên tai lũ lụt, hạn hán và mưa bão sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Nhiệt độ tăng sẽ làm thay đổi vùng phân bố và cấu trúc quần xã sinh vật. Nhiệt độ tăng còn làm làm nguồn thủy, hải sản bị phân tán. Các loài cá nhiệt đới (kém giá trị kinh tế trừ cá ngừ) tăng lên, các loài cá cận nhiệt đới (giá trị kinh tế cao) giảm. Các thay đổi diễn ra trong các hệ thống vật lý, hệ sinh học và hệ thống kinh tế xã hội đe dọa sự phát triển, đe dọa cuộc sống của tất cả các loài, các hệ sinh thái.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, thời gian qua, Bộ đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về ĐDSH; lập quy hoạch bảo tồn ĐDSH trên cả nước,... Đến năm 2021, Việt Nam có 181 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, 60 khu dự trữ thiên nhiên, 22 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 65 khu bảo vệ cảnh quan, với tổng diện tích hơn 2,64 triệu héc-ta. Ngoài ra, cả nước có chín khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và có hơn 20 địa phương phê duyệt quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh, thành phố.
Năm 2023, hưởng ứng Ngày Quốc tế ĐDSH (22/5), Bộ TN&MT có văn bản đề nghị các bộ, ngành, chính quyền các địa phương căn cứ tình hình thực tế, tổ chức và thực hiện Kế hoạch hành động về ĐDSH để triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt,… Thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên bị suy thoái như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ và các vùng đất ngập nước quan trọng khác.
Khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, người dân tham gia thực hiện các hoạt động bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH và dịch vụ hệ sinh thái, phát huy vốn tự nhiên lần đầu tiên được quy định trong Luật BVMT năm 2020. Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị chuyên môn nghiên cứu và áp dụng các giải pháp dựa vào tự nhiên, tiếp cận dựa trên hệ sinh thái để bảo vệ, bảo quản, quản lý và sử dụng bền vững các hệ sinh thái nhằm giải quyết các vấn đề về BĐKH gây ra. Chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức về vai trò của ĐDSH trong phát triển bền vững, nhất là thay đổi hành vi và thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên; hướng tới xóa đói, giảm nghèo và cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng. Phát hiện, biểu dương và khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT; bảo tồn ĐDSH, sản xuất tiêu dùng bền vững.
NGUYỄN MẪN
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Trích: Tạp chí Tài nguyên và Môi trường số 16 (Kỳ 2 tháng 8) năm 2023