Tiến sĩ Trần Quốc Việt: ‘Tôi chỉ viết lại những gì mà cuộc đời đã dạy cho mình’

Lời toà soạn

- Khi tham gia “trò chơi của ngôn từ”, một CEO nhiều trải nghiệm như anh gặp khó khăn gì?

Tôi không chắc là mình hiểu đúng cụm từ “trò chơi của ngôn từ” mà bạn đề cập trong câu hỏi. Chỉ biết rằng, suốt thời gian làm lãnh đạo ở nhiều vị trí khác nhau, đi giảng dạy và viết sách tôi cố gắng cô đọng nhất những nội dung, ý tưởng mà mình muốn truyền tải đến người nghe, người đọc; giúp họ nắm bắt thông tin một cách hiệu quả nhất có thể.

Tôi thường tóm tắt nội dung và dùng những cụm từ ấn tượng, dễ ghi nhớ như: “Bạn không chỉ nhìn thấy cây mà phải nhìn thấy rừng”; “Nếu đã sai hướng nên xuống ga gần nhất” hay “Đúng hướng rồi, cứ đi… sẽ đến”… Tuy ngắn gọn, đơn giản vậy thôi nhưng hàm chứa cả những triết lý sâu sắc, kinh nghiệm đau đớn của chính bản thân cũng như nhiều người khác.

Phải thú thật rằng để đúc kết, chắt lọc những nội dung mà bạn đề cập giống như “trò chơi ngôn từ”, ngoài những trải nghiệm thực tế, đòi hỏi phải có nền tảng lý luận vững chắc, khả năng khái quát vấn đề và một chút hài hước trong tính cách nữa!

z5594518776506_ee9239dfcce291808d7bc24f3313db32.jpg
Tiến sĩ Trần Quốc Việt.

- Giữ trọng trách lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn, trải qua những chặng hành trình phát triển nhiều thăng trầm, những kinh nghiệm thực tế đã giúp anh viết nên cuốn sách “Quản trị chiến lược thực chiến”?

Cuốn Quản trị chiến lược thực chiến không chỉ dừng lại ở những kinh nghiệm thực tiễn mà là sự khái quát, tổng hợp, kết tinh các kiến thức liên quan đến chiến lược mà tôi dày công nghiên cứu trong suốt hàng chục năm. Nhờ hiểu và nắm bắt các nội dung của quản trị chiến lược một cách sâu sắc nên tôi mới “nhào nặn” nó thành một món ăn hấp dẫn thực khách đến như vậy. Nhân đây cũng muốn chia vui với bạn rằng, trong tháng 7 cuốn này được tái bản lần 2 chỉ sau 2 tuần ra mắt. Thật là niềm vui bất ngờ với người cầm bút “nghiệp dư” như tôi.

- Hiểu rõ nỗi đau về doanh nghiệp của mình mới có thể giúp tìm ra liều thuốc đặc trị - đó là điều anh muốn gửi gắm trong tác phẩm mới ra mắt?

Quá trình ra đời, khẳng định sự tồn tại rồi từng bước phát triển của doanh nghiệp cũng phải trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, phải chịu những nỗi đau tất yếu như bao sinh vật trong tự nhiên và đời sống xã hội. Tôi may mắn được khởi đầu công việc từ những công ty rất nhỏ rồi lớn lên cùng với nó; được trực tiếp nếm trải, đối mặt và góp phần giải quyết không ít nỗi đau.

Dần dần, kết hợp với những mô hình lý thuyết, những nghiên cứu của các học giả trên thế giới tôi dường như đã tìm thấy quy luật này và thường ví von “con rắn muốn lớn lên thì phải lột xác”. Vấn đề đặt ra với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp là phải biết khi nào đến thời điểm lột xác và phác đồ giúp cho việc đó diễn ra thành công, hạn chế rủi ro như thế nào. Bởi giai đoạn lột xác là giai đoạn dễ tổn thương nhất, nhưng không làm vậy thì doanh nghiệp khó lòng trưởng thành nếu như không muốn nói là sẽ bị triệt tiêu.

Với những nghiên cứu và trải nghiệm thực tế của mình trong rất nhiều năm, tôi đã viết lại khá đầy đủ ở chương VII, chương cuối cùng của cuốn sách Quản trị chiến lược thực chiến.

- Những “nỗi đau” của chính mình thì sao, anh có thể chia sẻ với độc giả?

Có lẽ do số phận hay sao mà tôi thường phải đối mặt với những nỗi đau. Từ nhỏ là nỗi đau về nghèo khó, không đủ cơm ăn áo mặc. Đi học phải học thật giỏi để tranh được suất học bổng ít ỏi. May mắn được làm lãnh đạo từ lúc còn rất trẻ song nỗi đau từ thất bại do thiếu kinh nghiệm, thiếu bản lĩnh luôn ám ảnh tôi, làm cho tâm hồn có lúc tưởng như “xơ cứng, chai sạn”.

Trải nghiệm thực tế qua nhiều doanh nghiệp, chứng kiến những gì đang xảy ra trong giới kinh doanh tại Việt Nam nói chung, cộng với sự hiểu biết tôi nhận thấy nỗi đau lớn bây giờ có lẽ là: “Tại sao doanh nghiệp Việt Nam, cứ nhỏ mãi?" - 95% startup đã ‘chết’ rồi, trong 5% còn lại, bao nhiêu doanh nghiệp thực sự lớn mạnh để có những đóng góp hiệu quả cho đất nước. Đó là một trong những lý do chính yếu để tôi viết sách. Biết đâu những thông tin tôi chia sẻ đúng lúc, đúng hoàn cảnh có thể giúp được chút gì đó để các doanh nghiệp vượt qua thử thách, tiến lên trở thành những tập đoàn vững mạnh.

- Thách thức mà anh gặp phải khi ghi lại những lời “chỉ dạy của cuộc đời” bằng việc viết sách?

Tôi viết sách không phải là để chỉ dạy cuộc đời mà viết lại những gì cuộc đời đã dạy, với mong muốn có ai đó rơi đúng vào hoàn cảnh tương tự sẽ ngộ ra được đôi điều có ý nghĩa. Chỉ giản dị vậy thôi nên tôi không thấy có gì là thách thức cả!

z5594519053982_9e47e2ae3d73e94324cdf97b78404cdb.jpg

- Là một người bận rộn với rất nhiều sứ mệnh trên vai, anh sắp xếp thời gian thế nào để viết sách?

Đây là cũng là kinh nghiệm nhiều năm tôi đúc kết được và viết ra khá chi tiết trong cuốn sách của mình. Đúng là có nhiều vị lãnh đạo rất bận rộn, nhưng không chắc là họ mang lại kết quả tốt như những người nhàn hạ khác. Theo tôi, điều cốt lõi nằm ở tầm nhìn và cách tiếp cận để giải quyết vấn đề.

Trải qua rất nhiều năm rèn luyện, trước khi bắt đầu làm một việc gì, thói quen tư duy của tôi tự đặt ra 3 câu hỏi. Thứ nhất là: Liệu việc này có đáng để mình làm không? Là lãnh đạo, mình nên làm 1 việc mà phải giải quyết được 10 việc khác, “phải khơi viên đá để thông cả dòng sông” chứ không phải việc gì cũng ôm đồm. Thứ hai là: Chọn phương thức nào để làm việc này tốt nhất? Thị trường, xã hội, công nghệ… đang thay đổi hằng ngày trong khi đó mình vẫn cứ làm theo thói quen, lặp đi lặp lại thì thua là cái chắc. Và câu hỏi thứ 3: Việc này triển khai như thế nào là tối ưu, nên giao cho ai? Đôi khi chỉ cần 1 cú điện thoại thay vì phải hì hục mất cả ngày. Thật sự là việc đặt ra 3 câu hỏi này đã trở thành bản năng, khi có sự vụ là tự “nhảy số” rất nhanh giúp tôi có thể làm được nhiều việc cùng lúc và thoải mái viết sách theo đúng mục đích đặt ra.

-Cuốn sách tiếp theo của tác giả Trần Quốc Việt sẽ khai thác đề tài gì?

Đến thời điểm này không dám nói trước điều gì, nhưng nếu ông trời còn cho sức khỏe, cơ hội để xông pha trải nghiệm và đúc kết các bài học thực tế, tôi sẽ viết cuốn tiếp theo là Lãnh đạo thực chiến. Nếu đã có chiến lược thực chiến mà không có nhà lãnh đạo thực chiến để biến nó thành giá trị thì cũng vô nghĩa. Đây là đề tài tôi tâm đắc và tự tin rằng mình có đủ vốn sống cũng như kiến thức chuyên môn để hoàn thành.

- Anh chia sẻ về tuổi thơ sớm vật lộn với cuộc sống mưu sinh và ước mơ cháy bỏng “lớn lên mình phải giàu”, giờ anh đã thực hiện mong muốn chưa?

Đúng là hồi nhỏ nhà tôi nghèo lắm, mà ở Quảng Trị quê tôi lúc đó hình như nhà nào cũng nghèo. Ấp ủ mơ ước có được cơm no áo ấm nên tôi có một ý chí mạnh mẽ là lớn lên mình phải giàu. Sau này, khi đi làm, trải nghiệm đủ thăng trầm trên đường đời, tôi mới nhận ra rằng triết lý sống là “giàu kiến thức, giàu tình cảm”. Hiện nay, điều này đã trở thành triết lý sống của cả gia đình tôi!

Tiến sĩ Trần Quốc Việt

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/tran-quoc-viet-a69519.html