Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội – cái nôi nuôi dưỡng “Chiến sĩ – Nghệ sĩ”

Tự hào, cảm phục về mái trường này, nơi đã phát hiện, đào tạo nhiều “Chiến sĩ - Nghệ sĩ”, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá, NGƯT, Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

PV:Thưa đồng chí, được biết là một trong những trường văn hóa nghệ thuật cách mạng ra đời sớm nhất, đồng chí có thể cho biết quá trình hình thành và phát triển của Nhà trường?

Đại tá Nguyễn Xuân Thủy: Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội và cuộc đấu tranh bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, ngày 23-9-1955, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam quyết định tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo chuyên ngành nghệ thuật, đặt nền móng cho sự hình thành, phát triển của Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Ngày 23-9 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Nhà trường.

Đại tá, NGƯT, nhạc sĩ Xuân Thủy trong Hội thảo “Xây dựng hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thông qua các tác phẩm âm nhạc trong thời kỳ mới”. (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Đến nay, Nhà trường đã từng bước phát triển và mang các tên gọi khác nhau: Trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội (4-1984); Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (9-1992); Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (8-1995); Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (1-2006). Quá trình xây dựng và trưởng thành của Nhà trường từng trải qua những bước phát triển thăng trầm, nhưng luôn khẳng định được vị thế của một trung tâm phát triển, nuôi dưỡng, vun trồng những tài năng nghệ thuật cho Quân đội, đất nước và quốc tế.

PV: Đồng chí có thể cho biết những thành tích tiêu biểu mà Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã đạt được trong 66 năm qua?

Đại tá Nguyễn Xuân Thủy:Nét nổi bật nhất là Nhà trường đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục - đào tạo: "Chiến sĩ - Nghệ sĩ", góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.

Đồng thời, tham gia đào tạo nguồn nhân lực Văn hóa Nghệ thuật chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang.

Ngay thời kỳ đầu mới thành lập, tập thể cán bộ, giảng viên và học viên lớp Biên đạo Múa khóa I đã xây dựng thành công vở kịch múa nổi tiếng “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” biểu diễn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III và đi lưu diễn một số địa phương của nước bạn Trung Quốc và được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000).

Hiện nay, Nhà trường đã có hơn 40 chuyên ngành đào tạo Văn hóa, Nghệ thuật, Báo chí từ trung cấp, cao đẳng, đại học, đến thạc sĩ đáp ứng tốt yêu cầu đào tạo lực lượng cán bộ, diễn viên, nhân viên cho các đơn vị trong quân đội, đất nước, Quân đội Nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Từ mái trường Nghệ thuật Quân đội, nhiều thế hệ học viên, sinh viên đã trưởng thành và trở thành các nhạc sĩ, nghệ sĩ, nhà giáo, nhà khoa học có uy tín về văn hóa nghệ thuật, hàng trăm nghệ sĩ được Đảng, Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Nghệ sĩ Ưu tú…

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Nhà trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công Hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Học viên, sinh viên trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội.

Suốt chiều dài lịch sử, ngay từ những ngày đầu thành lập, nhiều học viên được đào tạo ở Nhà trường đã trở thành những nhạc sĩ, ca sĩ, diễn viên nổi tiếng như các nhạc sĩ: Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Tô Hải, Lương Ngọc Trác, Văn An, Doãn Nho, Lưu Cầu, Nguyễn Đức Toàn,...; các ca sĩ: Quốc Hương, Ngọc Dậu, Hồ Mộ La, Lê Quang Hưng, Quốc Viễn, Thanh Huyền,...; các diễn viên múa: Phùng Đệ, Bùi Tòng, Thanh Nga.

Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nhà trường đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của các chiến trường, đặc biệt là phong trào "Tiếng hát át tiếng bom" của quân và dân ta trên các mặt trận, cả ở hậu phương và tiền tuyến. Hàng nghìn cán bộ, giảng viên, học viên đã có mặt ở các chiến trường phục vụ bộ đội và nhân dân, có những đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.

Điều đặc biệt, công tác thực hành biểu diễn nghệ thuật giữ vững được định hướng tư tưởng chính trị, có tác dụng tuyên truyền sâu rộng, được đông đảo bộ đội và nhân dân yêu thích, hưởng ứng. Xây dựng và biểu diễn nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân, gần đây như: Chương trình nghệ thuật “Khát vọng hòa bình” chào mừng lễ kỷ niệm 30 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và 75 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam; chương trình nghệ thuật chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; “Bản hùng ca trên sóng” kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển… và phát động phong trào sáng tác ca khúc, tranh ảnh, hội họa, sân khấu, tiểu phẩm, viết tin, bài cổ vũ, động viên y bác sĩ, bộ đội nơi tuyến đầu phòng, chống đại dịch Covid-19.

Đặc biệt, đội tuyển “Đội quân Văn hóa” tham gia Hội thao quân sự quốc tế - Army Games tháng 8-2021, tại Liên bang Nga do Nhà trường chủ trì đã giành nhiều giải thưởng cao, để lại ấn tượng sâu sắc, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác thắm tình hữu nghị với bạn bè quốc tế. Tổ chức nhiều cuộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong giáo dục - đào tạo, văn hóa, nghệ thuật với các học viên, nhà trường trong và ngoài quân đội như: Học viện Biên phòng, Học viện Âm nhạc Huế, Học viện Viettel, Trường Sĩ quan Chính trị.

Trong những năm qua, nhiều học viên, sinh viên của Nhà trường đã đạt giải cao trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc và quốc tế. Điển hình như: Phương Mai, Giải nhất Cuộc thi Thính phòng toàn quốc năm 2009, Giải nhì Cuộc thi hát cổ điển quốc tế - Concours mùa Thu Rachmaninov lần thứ 14; Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giải đặc biệt và Giải nhất Cuộc thi Múa quốc tế lần thứ X dành cho lứa tuổi thanh, thiếu niên và Cuộc thi Biên đạo Múa quốc tế năm 2013 tổ chức tại thành phố Riga, nước Cộng hòa Lát-via; Hồ Quỳnh Hương, Giải thưởng âm nhạc châu Á; Phạm Phương Thảo, Giải nhì Sao mai điểm hẹn 2006; Ka Sim Hoàng Vũ, Giải nhất Sao mai điểm hẹn 2008; Xuân Hảo, Giải nhất phong cách thính phòng Sao mai 2009; Minh Chuyên, Giải nhất Sao mai điểm hẹn 2010; Minh Hải, Giải nhất Liên hoan Tiếng hát Việt - Trung năm 2010; Văn Mai Hương, Á quân Việt Nam Idol 2012; Huyền Trang, Giải nhất phong cách dân gian Sao mai năm 2013; Hoàng Quyên, Á quân Việt Nam Idol 2013; Phương Hoa, Giải nhất Liên hoan Tiếng hát Việt-Trung năm 2014; Nhật Thủy, Quán quân Việt Nam Idol 2014; Hoàng Thị Hồng Ngọc, Quán quân phong cách Nhạc nhẹ Sao mai năm 2015;…

Tổng kết năm học 2020-2021 vừa qua, Nhà trường có 18 giảng viên đạt danh hiệu Giảng viên giỏi cấp trường, 1 giảng viên đề nghị tặng danh hiệu Nhà giáo giỏi cấp Bộ Quốc phòng. Nhà trường được Bộ Tổng tham mưu tặng Bằng khen cho tập thể Nhà trường vì đã hoàn thành Xuất sắc nhiệm vụ năm học 2020-2021.

PV: Từ những thành công và kết quả đạt được, đồng chí thấy những điều gì tâm đắc nhất?

Đại tá Nguyễn Xuân Thủy: Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, lớp lớp các thế hệ thầy và trò nhà trường luôn “Đoàn kết, thống nhất, sáng tạo và tiên phong” trong xây dựng nhà trường phát triển, bắt kịp với đời sống văn hóa nghệ thuật của nước nhà và khu vực; đào tạo ra đội ngũ “Chiến sĩ - Nghệ sĩ” cho đất nước, quân đội và quốc tế, xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội; sự tin yêu của nhân dân. Kiên trì mục tiêu đào tạo “Chiến sĩ - Nghệ sĩ”, “Dạy cái Quân đội, xã hội cần, hướng về cơ sở, gắn sát với thực tiễn xã hội” luôn là phương châm chỉ đạo xuyên suốt của Nhà trường.

Vượt qua muôn ngàn khó khăn, thử thách, Nhà trường đã xây dựng nên truyền thống “Chiến sĩ - Nghệ sĩ; Năng động - Sáng tạo; Đoàn kết - Chiến đấu; Quyết thắng - Lập công”.

PV: Thời gian tới, Nhà trường có những giải pháp gì để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, thưa đồng chí?

Đại tá Nguyễn Xuân Thủy: Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về giáo dục - đào tạo văn hóa nghệ thuật trong tình hình mới; nhất là Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng về "Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người" và "Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Gắn việc thực hiện nhiệm vụ năm học với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" và các phong trào thi đua trong Nhà trường.

Hai là, đẩy mạnh Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành, tổ chức thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình kế hoạch, các quy chế, quy định trong giáo dục - đào tạo. Tổ chức hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật, bảo đảm đúng định hướng chính trị, có giá trị tư tưởng nghệ thuật cao, bám sát đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội, nhân dân và tình hình thực tiễn xã hội.

Ba là, nâng cao hơn nữa trình độ sư phạm, ngoại ngữ, tin học, năng lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào quá trình giáo dục - đào tạo; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên trên 2 hướng: tăng số lượng cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị; phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo, trí tuệ, gương mẫu.

Bốn là, nâng cao chất lượng môi trường văn hóa chiến sĩ - nghệ sĩ. Thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động, duy trì nghiêm nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, các chế độ, quy định của Quân đội và Nhà trường. Bảo đảm tốt công tác hậu cần - kỹ thuật, tài chính phục vụ giáo dục, đào tạo.

Kiên định mục tiêu “Đào tạo cái xã hội và quân đội cần”, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên “Giỏi chuyên môn, chuẩn trình độ”, xây dựng nhà trường theo hướng chính quy, hiện đại và hội nhập sâu rộng; là trung tâm phát triển, đào tạo, nuôi dưỡng tài năng, nghiên cứu khoa học và biểu diễn của đất nước, Quân đội và quốc tế.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

THANH TÚ

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/dai-hoc-van-hoa-nghe-thuat-quan-doi-ra-lam-gi-a69123.html