Khó chồng khó
Theo ghi nhận, Chợ Siêu thị Đà Nẵng (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) lác đác người mua. Tại tầng trệt, không chỉ các quầy trang sức trước sảnh vắng khách mà những quầy thực phẩm cũng thường rơi vào cảnh người bán đông hơn người mua. Họ cố gắng dọn hàng ra, sắp xếp hàng hoá, rồi ngồi “ngóng khách”.
Khu hàng rau hành Chợ Siêu thị Đà Nẵng rơi vào cảnh người bán đông hơn người mua. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Cô Trần Thị Lụa, tiểu thương lô 206 khu hàng rau hành cho biết, từ năm 2020 đến nay, Công ty TNHH MTV chợ Siêu thị Đà Nẵng đã thực hiện tăng giá 2 lần. Lần 1 vào năm 2020, phí thuê mặt bằng đối với các hộ kinh doanh tại tầng 1 (các mặt hàng quần áo, giày dép, vật dụng phụ trợ) tăng 30%; đối với các hộ kinh doanh tại tầng trệt (lương thực, thực phẩm, gia vị, phụ gia…) tăng đến 60%. Năm 2023, đơn vị thực hiện đợt điều chỉnh tiếp theo, giá mặt bằng cho thuê tăng thêm 40% so với thời điểm trước.
“Chi phí thuê mặt bằng khi chưa tăng thêm 40% là gần 700.000 đồng. Trong khi đó, người dân rất hiếm vào đây bởi hàng rong bủa vây chợ. Nhiều người không tiện đường bởi nếu muốn ghé chợ thì vòng qua khu vực hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương. Chi phí cả ngày ở đây khoảng 1.000.000 đồng trong khi cả ngày mà chỉ bán được 2 bó rau thì lợi nhuận gì”, cô Lụa kể.
Buôn bán khoảng 13 năm, cô Từ Thị Thương, lô 211 khu hàng rau hành kể, việc tiểu thương từ các chợ truyền thống di dời từ chợ Siêu thị Bài Thơ (cũ) và tiếp tục kinh doanh tại đây là do TP Đà Nẵng vận động. Năm 2002 Đà Nẵng xây dựng Siêu thị Bài Thơ thì các tiểu thương chợ kinh doanh tại khu B. Đến năm 2009 toàn bộ khu vực Siêu thị Bài Thơ được giao cho doanh nghiệp xây dựng dự án trung tâm thương mại. Năm 2011 các tiểu thương ở chợ khu B được di dời sang chợ Siêu thị Đà Nẵng hiện nay (Khu D) do doanh nghiệp đầu tư, khai thác để thuê mặt bằng kinh doanh.
“Trước khi được di dời về kinh doanh buôn bán ở đây, thành phố đã vận động là sẽ ổn định việc kinh doanh, buôn bán cho bà con tiểu thương tại chợ này cũng như các chợ truyền thống khác trên địa bàn với mức giá thuê hợp lý giống như các chợ khác”, cô Thương bức xúc.
Nhiều kios đóng cửa. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Tương tự, cả khu vực buôn bán áo quần, giày dép, may mặc… trên tầng 1, không có bóng dáng một người khách hàng nào. Trong khi đó, nhiều kios ở đây đã đóng cửa.
Nguy cơ đóng cửa
Theo ông Trần Thanh Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Chợ Siêu Thị Đà Nẵng, một trong những nguyên nhân phải điều chỉnh tăng giá thuê mặt bằng kinh doanh tại chợ vì giá thuê đất theo chu kỳ mới mà công ty phải trả đã tăng đột biến.
Nếu như chu kỳ 2014-2019, tiền thuê đất của dự án hơn 580 triệu đồng/năm, thì đến chu kỳ từ năm 2020-2024, tiền thuê đất tăng lên hơn 2,122 tỷ đồng/năm (tăng hơn 360%).
Chu kỳ 2014-2019, UBND TP Đà Nẵng đã có chủ trương trong việc hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho bà con tiểu thương thông qua việc hỗ trợ tiền thuê đất, tổng mức hỗ trợ là hơn 1,1 tỷ đồng. Còn chu kỳ 2020-2024, đơn vị chưa nhận được sự hỗ trợ trên.
Công ty TNHH MTV Chợ Siêu Thị Đà Nẵng treo bảng thuê mặt bằng để tìm nguồn thu. Ảnh: XUÂN QUỲNH
Công ty đã nhiều lần làm công văn gửi UBND TP Đà Nẵng và các sở, ngành đề nghị quan tâm hỗ trợ tiền thuê đất như chu kỳ 2014-2019 là hơn 1,1 tỷ đồng/năm cho chu kỳ từ năm 2020 về sau. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại công ty vẫn chưa nhận được sự phản hồi nào về việc có hỗ trợ tiền thuê đất như chu kỳ trước nữa hay không.
"Đứng về phía tiểu thương, họ từ chợ công chuyển qua thì phải có chính sách nào đó cho bà con. Ngày xưa hỗ trợ, bây giờ có hỗ trợ hay không thì TP Đà Nẵng cũng nên có câu trả lời. Nếu UBND TP Đà Nẵng không hỗ trợ như trước đây và phê duyệt mức giá của Sở Tài chính TP Đà Nẵng trình là 393.0000 đồng/m2/tháng, ngày 1-12-2023, công ty buộc lòng đóng cửa chợ. Hiện đơn vị còn nợ tiền chậm nộp là 450 triệu đồng và tiền thuê đất năm 2023 cũng chưa đóng vì chưa có nguồn", ông Hoàng nói.
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/sieu-thi-bai-tho-da-nang-a69100.html