Tuần trước, có thông tin cho rằng xuất khẩu mì gói Hàn Quốc đã đạt mức cao mới mọi thời đại trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, các công ty hàng đầu lại có cách đặt tên mì gói khác nhau trong tiếng Anh.
Nongshim, công ty lâu năm dẫn đầu ngành mì ăn liền trong nước, đánh vần nó là “ramyun” trên trang chủ và trên các sản phẩm xuất khẩu của mình. Nhưng Ottogi và Samyang ghi “ramen” trên các sản phẩm được vận chuyển ra thị trường nước ngoài.
Khi được hỏi về cách viết nào trong hai từ này là đúng, Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc (NIKL) đã đưa ra một cách viết khác. “Theo 'Chính tả La Mã hóa ngôn ngữ Hàn Quốc', nó sẽ được viết là 'ramyeon'.
Tuy nhiên Viện Ngôn ngữ quốc gia Hàn Quốc không phải là cơ quan có thẩm quyền tuyệt đối để theo dõi trường hợp này, vì từ mì gói trong tiếng Hàn là một từ vay mượn từ từ “ramen” trong tiếng Nhật. Các tiêu chuẩn Latinh hóa của NIKL áp dụng cho các từ tiếng Hàn thuần túy, nhưng khi nói đến các từ mượn thì không có tiêu chuẩn nào về cách đánh vần chúng bằng tiếng Anh.
Nói một cách đơn giản, hiện tại vẫn chưa có cách chính thức hay câu trả lời rõ ràng nào về cách đánh vần từ mì gói trong tiếng Anh. Với mục đích của bài viết này, món ăn sẽ tạm thời được đánh vần là “ramyeon” để phân biệt với từ gốc ‘ramen’ của Nhật Bản.
Tại sao điều này lại quan trọng?
Ramen, ramyeon hoặc ramyun - việc gọi như thế nào có quan trọng hay không?
Câu trả lời là có, vì đối với nhiều người Hàn Quốc, ramen và ramyeon là hai món ăn khác nhau.
Chúng ta hãy đào sâu vào lịch sử để thấy sự khác biệt nhé.
Ramen là một trong những món ngon nổi tiếng nhất của Nhật Bản, có lịch sử hơn một thế kỷ.
Nhà văn Nhật Bản Hayamizu Kenro đã trình bày chi tiết trong cuốn sách “Ramento Aikoku” của ông về cách thức món mì “soba” có nguồn gốc từ Trung Quốc đến Nhật Bản vào thời Minh Trị (1868-1912). Ban đầu nó được gọi là “shina soba” - sử dụng thuật ngữ của Nhật Bản dành cho Trung Quốc, “shina” (China) - đã trở nên phổ biến trong thời kỳ khó khăn kinh tế sau thất bại trong Thế chiến II và sau đó là việc phân phối lúa mì hàng loạt của Hoa Kỳ vào Đông Á.
Bản thân từ ‘ramen’ được cho là bắt nguồn từ thuật ngữ Trung Quốc “lamian”, có nghĩa là kéo hoặc kéo dài (la) sợi mì (mian). Nó được biết đến rộng rãi với phát minh đột phá từ một người đàn ông mà tờ New York Times gọi là “Mr. Noodles."
Năm 1958, nhà phát minh kiêm doanh nhân người Nhật Bản gốc Đài Loan Momofuku Ando đã cho ra mắt loại mì gói đầu tiên, Nissin Chikin Ramen, và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Năm năm sau, Tập đoàn Samyang của Hàn Quốc - thông qua hợp tác với một công ty mì gói khác của Nhật Bản - đã cho ra mắt phiên bản mì Samyang ramyeon đầu tiên tại Hàn Quốc, tồn tại cho đến ngày nay.
Mặc dù ramen và ramyeon có cùng một nguồn gốc, nhưng nhận thức của người Hàn Quốc về hai từ này rất khác nhau. Ở Hàn Quốc, ramen hầu như chỉ đề cập đến món mì Nhật Bản với nguyên liệu và gia vị tươi, thường được phục vụ tại các nhà hàng. Trong khi đó, ramyeon dùng để chỉ mì gói với rau khô và hương liệu nhân tạo. Ramyeon cũng được phục vụ tại các quán ăn, nhưng đầu bếp sử dụng mì ăn liền đóng gói sẵn.
Điều này tạo nên thắc mắc của người Hàn rằng liệu ramyeon là một món ăn khác với ramen hay nó chỉ là một biến thể khác của cùng một món ăn.
Han Sung-woo, giáo sư Ngôn ngữ và Văn học Hàn Quốc tại Đại học Inha, đã tiếp cận vấn đề này từ quan điểm ngôn ngữ học và cho biết mặc dù có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng từ ramyeon chắc chắn bắt nguồn từ từ ‘ramen’ trong tiếng Nhật.
“Thuật ngữ 'ramyeon' dường như bắt nguồn từ tiếng Nhật, vì cách phát âm tiếng Hàn theo ký tự gốc tiếng Trung của nó sẽ là 'nap-myeon'. Nhưng nó không chỉ đơn giản là một bản chuyển thể của Nhật Bản, vì nó sử dụng cách phát âm tiếng Hàn của từ ' myeon' (thay vì men'). Giáo sư Han viết trong một chuyên mục trực tuyến cho một tờ báo Hàn Quốc. Tiếng Hàn, tiếng Trung và tiếng Nhật đều sử dụng chữ Hán, nhưng chúng đều được phát âm khác nhau.
“Cảm nhận về các món ăn cũng khác nhau. Đối với chúng tôi (người Hàn Quốc), ramyeon là một loại mì ăn liền chiên dầu. Nguồn gốc về từ ngữ và thức ăn có thể giống nhau, nhưng thực tế ở mỗi nước lại khác nhau.”
Cách gọi ramyeon của người nước ngoài
Trong khi người Hàn Quốc coi ramen là một khái niệm hoàn toàn khác với ramyeon, thì có vài nước ngoài Hàn Quốc - đặc biệt là người phương Tây gọi bằng cách khác.
Với thành công quốc tế của bộ phim “Ký sinh trùng” của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho, một món ăn đặc biệt có tên “ram-don” đã thu hút sự chú ý của khán giả quốc tế.
Được dịch từ thuật ngữ gốc tiếng Hàn “jjapaguri” được sử dụng trong phim, món ăn kết hợp hai sản phẩm ramyeon ăn liền của Hàn Quốc, Chapagetti tương đen và Neoguri cay. Tuy nhiên, Los Angeles Times, NBC và các hãng truyền thông lớn khác của Mỹ đã gọi mì gói là ramen thay vì ramyeon.
Trong các bài báo xuất bản năm nay về các món ăn Hàn Quốc được đề xuất, tờ Los Angeles Times - có trụ sở tại thành phố có cộng đồng người Hàn Quốc lớn nhất ở Mỹ - cũng sử dụng thuật ngữ “ramen Hàn Quốc”.
Trong khi nhiều người nước ngoài coi mì gói Hàn Quốc đơn giản là phiên bản tiếng Hàn của ramen Nhật Bản, tranh cãi nói trên về việc các công ty Hàn Quốc sử dụng từ ramen trên sản phẩm của họ cho thấy người Hàn Quốc không thoải mái với cách đánh vần này.
Dù được gọi là ramen hay ramyeon, mức độ phổ biến của mì ăn liền Hàn Quốc vẫn đang tăng lên, có lẽ nhờ sự thành công bùng nổ của nội dung văn hóa đại chúng Hàn Quốc như “Ký sinh trùng”.
Xuất khẩu mì ăn liền từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay đã tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước lên 383,4 triệu USD, mức cao chưa từng có trong nửa đầu năm. Con số hàng năm cho năm 2021 cũng là mức cao nhất mọi thời đại. Những người tiêu thụ mì gói hàng đầu của Hàn Quốc là Trung Quốc và Mỹ, theo sau - trớ trêu thay - là Nhật Bản.
Nguồn: koreaherald.com
Dịch bởi Tèobokki
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/mi-ramen-han-quoc-a68166.html