Cận thị giả/ cận thị tạm thời: Nhận biết thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ mắt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Làm việc nhiều với máy vi tính hoặc sau đợt thi cử kéo dài, nhiều người có cảm giác mắt kém đi rất nhiều, khi đeo thử kính cận lại thấy sáng, rõ hẳn ra. Đây có thể là dấu hiệu của cận thị giả hoặc cận thị tạm thời.

1. Cận thị giả là gì?

Cận thị giả cũng được xem là một dạng bệnh lý. Tuy nhiên cận thị giả không mang tính cố hữu mà chỉ là rối loạn thoáng qua, với biểu hiện giống với tật cận thị thông thường.

Cận thị giả được định nghĩa là sự thay đổi tạm thời, không mang tính liên tục về khả năng khúc xạ của mắt, ảnh của vật khi nhìn sẽ hội tụ ở trước võng mạc giống như tật cận thị thật. Hiện tượng này được giải thích là do sự co thắt thoáng qua của cơ thể mi, làm tăng công suất khúc xạ của mắt.

2. Phân loại cận thị giả

Rối loạn khúc xạ hay cận thị tạm thời được chia thành 2 dạng là: Cận thị giả thực thể hoặc cận thị giả cơ năng.

Cả hai dạng cận thị giả này rất hay gặp ở những người thường xuyên làm việc việc quá lâu, đòi hỏi mắt phải điều tiết nhiều hoặc học sinh sinh viên trong thời gian ôn thi căng thẳng.

Cận thị giản thường gặp những người thường xuyên làm việc việc quá lâu

3. Dấu hiệu cận thị giả là gì?

Trên thực tế, học sinh sinh viên sau một khoảng thời gian ôn thi căng thẳng, mắt bắt đầu xảy ra tình trạng nhức mỏi, hay chảy nước mắt, khả năng nhìn xa kém hơn và thường phải nheo mắt mới có thể nhìn thấy.

Tuy nhiên, thời gian đầu người mắc cận thị giả đeo kính vào sẽ nhìn rõ hơn nhưng sau 1-2 tuần đeo kính sẽ cảm thấy mỏi mắt, nhức mắt, thường xuyên đau đầu và nhìn mọi thứ mờ dần đi. Nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục cố gắng đeo kính sẽ khiến tình trạng này kéo dài, mắt phải điều tiết quá nhiều do đeo kính với số độ không phù hợp, dẫn đến cận thị thật .

Dấu hiệu cận thị giả chủ yếu là khó khăn khi ghi chép sau một thời gian dài làm việc trong cự ly gần hay hiện tượng mệt mỏi thị giác và cải thiện nhất thời nếu đeo kính cận. Việc người bệnh chủ quan, không đi khám mà tự ý cắt kính để đeo là nguyên nhân chính khiến bệnh tiến triển.

Đau đầu là triệu chứng thường gặp của bệnh

4. Phân biệt cận thị thật - giả

Việc phân biệt cận thị thật hay cận thị giả đối với các bác sĩ chuyên khoa mắt không phải là việc quá khó. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân cận thị giả lại đến các cửa hàng bán kính mắt để khám và đo thị lực tại chỗ có thể dẫn đến việc chẩn đoán bệnh không chính xác, khiến nhiều bệnh nhân trở thành cận thị thật, tăng độ cận thật sự sau một thời gian dài đeo kính cận.

Chẩn đoán phân biệt cận thị giả rất đơn giản, bác sĩ sẽ nhỏ thuốc liệt điều tiết như Atropin hay Cyclopegic để làm liệt cơ thể mi, làm giảm năng lực điều tiết và mắt sẽ trở lại bình thường. Khi đo kính cho người cận thị, loạn thị, trước khi xác định tật khúc xạ thì việc nhỏ thuốc điều tiết mắt để kiểm tra là bắt buộc.

Bác sĩ sẽ nhỏ thuốc điều tiết mắt trước khi đo kính

5. Điều trị cận thị giả

Tóm lại cận thị giả (Tật khúc xạ ) là hiện tượng rối loạn điều tiết với biểu hiện lúc nhìn không rõ rồi nhìn rõ sau ít phút mắt được nghỉ ngơi. Còn cận thị tạm thời thường xuất hiện ở tuổi già do độ đàn hồi của thủy tinh thể kém (đục thủy tinh thể ) khi đó bệnh nhân nhìn gần thấy rõ còn nhìn xa thấy mờ. Vì thế, khi có dấu hiệu bất thường về mắt, người bệnh nên đi khám chuyên khoa, phân loại rõ cận thị để được thăm khám và chắm sóc mắt, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Cần bổ sung nhiều vitamin D để ngăn ngừa bệnh về mắt

Chăm sóc sức khỏe mắt là một phần quan trọng của sức khỏe nói chung. Để phát hiện sớm nguy cơ mắc các bệnh lý về mắt thì khi có các dấu hiệu bất thường ở mắt, người bệnh nên đi khám, tránh để bệnh có diễn biến nguy hiểm dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/gia-can-la-gi-a68014.html