“Cặp bài trùng” Thanh Hoa và Bắc Đại đã không còn xa lạ với không chỉ người trẻ Việt mà còn với người trẻ trên toàn thế giới.
Vào ngày 2/9 vừa qua, Xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education (tiếng Anh: THE World University Rankings) đã công bố bảng xếp hạng các trường đại học năm 2022 và cả hai trường đại học hàng đầu Trung Quốc là Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh đều xếp hạng thứ 16 trên toàn thế giới. Trong đó, Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh cũng lần lượt giữ vị trí số 1 và số 2 châu Á.
Thanh Hoa - Bắc Đại - những cái tên đã quá quen thuộc, nhưng bên trong hai ngôi trường này thực sự có gì đây? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết này!
Đại học Thanh Hoa được thành lập vào năm 1911 với tên gọi ban đầu là "Tsinghua Xue Tang" (Thanh Hoa học đường).
Đại học Thanh Hoa là trường đại học trọng điểm quốc gia, định hướng nghiên cứu toàn diện với 14 trường và 56 khoa đào tạo đủ các chuyên ngành từ khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật tự do đến lịch sử, triết học, kinh tế, quản trị, luật, giáo dục và y học. Đây là ngôi trường đã bồi dưỡng nên hai vị chủ tịch Trung Quốc, 7 Ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị Trung ương và 600 viện sĩ kể từ khi được thành lập.
Khẩu hiệu truyền thống của Đại học Thanh Hoa là: "Tự cường bất tức, hậu đức tái vật" (自強不息,厚德載物). Câu nói này được trích từ sách Kinh Dịch, ý nói rằng sinh viên nên cố gắng không ngừng, phấn đấu tự cường tiến lên hàng đầu, nghiêm khắc với bản thân, rèn luyện đức hạnh tốt và cống hiến cho đất nước.
Về khuôn viên, Thanh Hoa được xây dựng trên địa bàn "Tsinghua Yuan" (Thanh Hoa Viên), một khu vườn hoàng gia cũ của triều đại Nhà Thanh, với diện tích lên đến 386,34 ha. Nhiều công trình trong khuôn viên trường thể hiện sự kết hợp hoàn hảo giữa phong cách kiến trúc Trung Quốc và phương Tây.
Một vài kiến trúc tiêu biểu của Thanh Hoa có thể kể đến như:
Đài quan sát
Đài quan sát này giống như một người khổng lồ vững chãi, chứng kiến bao thăng trầm của Đại học Thanh Hoa. Trong những năm qua, vật lý thiên văn của Thanh Hoa đã có những bước phát triển vượt bậc và được xếp hạng cao trong bảng đánh giá quy mô toàn cầu.
The Old Gate (tạm dịch: Cổng cổ)
Công trình này là cổng cổ nổi tiếng của Thanh Hoa Viên, một cổng ngọc trắng ba vòm với nền gạch đen. Được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1909, cổng cổ này đóng vai trò là lối vào chính của Đại học Thanh Hoa từ ngày xưa. Tuy nhiên, hiện tại, cổng phía Tây của trường đã trở thành "mặt tiền" mới của Thanh Hoa, đó là lý do vì sao chiếc cổng được xây dựng sớm nhất này được gọi là cổng cổ.
Chiếc cổng này cũng là chứng nhân cho lịch sử và sự phát triển đầy thăng trầm của Đại học Thanh Hoa. Ngoài việc là một công trình kiến trúc biểu tượng của Thanh Hoa Viên, nó còn tượng trưng cho sự siêng năng, cách tiếp cận thực tế, sự bình tĩnh và quyết tâm của tất cả giảng viên và sinh viên Thanh Hoa.
Gong Zi Ting
Gong Zi Ting, tòa nhà chính bên trong Thanh Hoa Viên, có hình dáng giống với chữ H khi nhìn từ trên xuống. Từ năm 1949, Gong Zi Ting đã trở thành nơi làm việc của các hiệu trưởng và cán bộ của trường. Đây cũng là nơi từng tiếp đón các hiệu trưởng các trường đại học, thạc sĩ học thuật và các cán bộ cấp cao từ khắp nơi trên thế giới.
Tòa nhà chính
Với tổng diện tích sàn hơn 76.000 m2, đây là tòa nhà lớn nhất trong tất cả các trường đại học vào những năm 1960. Nó được thiết kế bởi hàng trăm giáo viên và sinh viên của các khoa như một phần trong đồ án tốt nghiệp của họ. Nơi đây đã chứng kiến những tháng ngày thăng trầm, những vinh quang và cả ước mơ của thầy trò Thanh Hoa.
Khán thính phòng
Khán thính phòng được đặt tại trung tâm của khuôn viên trường. Khán phòng ngày nay chủ yếu được sử dụng cho các hoạt động văn hóa, giải trí của sinh viên, đặc biệt là các dịp lễ hội sinh viên.
Tsinghua Xuetang
Tsinghua Xuetang là tòa nhà được xây dựng đầu tiên trong số tất cả những tòa nhà được xây dựng từ những ngày đầu trường thành lập. Đây cũng là nơi che chở cho tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của rất nhiều thế hệ sinh viên.
Được thành lập vào năm 1898, Đại học Bắc Kinh có tên gọi ban đầu là Kinh Sư Đại học đường. Đây là một trường đại học tổng hợp đào tạo nhiều khoa ngành và cũng là trường đại học trọng điểm quốc gia của Trung Quốc.
Đây là trường đại học quốc gia đầu tiên đào tạo toàn diện nhiều ngành ở Trung Quốc, đồng thời cũng là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu ở đất nước này kể từ khi thành lập. Trường có 30 viện và 12 bộ môn với 93 chuyên ngành đại học, hai chuyên ngành văn bằng 2, 199 chuyên ngành cho các ứng viên thạc sĩ và 173 chuyên ngành cho ứng viên tiến sĩ.
Đại học Bắc Kinh đã liên tục đóng vai trò tiên phong thiết yếu trong quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc. Truyền thống của trường nhấn mạnh về lòng yêu nước, tiến bộ, dân chủ và khoa học. Đồng thời, các tiêu chuẩn giáo dục về sự siêng năng, chính xác, chủ nghĩa thực tế và đổi mới cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng cho đến hiện tại, có khoảng 400 viện sĩ của Viện Khoa học Trung Quốc và Viện Kỹ thuật Trung Quốc là cựu sinh viên hoặc giảng viên của Đại học Bắc Kinh. Nhiều người nổi tiếng trong ngành khoa học xã hội và nhân văn đã tốt nghiệp trường Đại học này.
Như vậy, chúng ta có thể thấy chất lượng đào tạo của Đại học Bắc Kinh thực sự chất lượng đến từng khía cạnh.
Không chỉ dừng lại ở việc đào tạo mà Bắc Đại cũng nổi tiếng là trường có khuôn viên đẹp nhất Trung Quốc. Khuôn viên chính của trường được gọi là "Yan Yuan", nằm ở quận Hải Điền, ngoại ô phía Tây của Bắc Kinh, với tổng diện tích là 274 ha. Khuôn viên này nằm gần hai địa điểm du lịch nổi tiếng là Vườn Viên Minh và Di Hòa Viên. Khuôn viên trường tận dụng tối đa các di tích lịch sử quý giá, tạo nên vẻ đẹp đầy cổ kính.
Dưới đây là một vài công trình nổi bật nằm trong khuôn viên chính của Đại học Bắc Kinh:
Hội trường Đại học Bắc Kinh
Hội trường Đại học Bắc Kinh (Peking University Centennial Commemorative Hall) được xây dựng để kỷ niệm 100 năm thành lập Đại học Bắc Kinh. Hộ trường được coi là một trong những biểu tượng của Bắc Đại. Có thể nói, hội trường này là một cột mốc lịch sử đáng nhớ của Bắc Đại.
Thư viện Đại học Bắc Kinh
Thư viện Đại học Bắc Kinh (Peking University Library) là một trong những thư viện hiện đại được xây dựng sớm nhất. Cấu trúc của thư viện là một ví dụ điển hình về kiến trúc truyền thống và cổ điển của Trung Quốc.
Thư viện không chỉ có quy mô "khủng" mà nhờ sự đóng góp miệt mài của nhiều thế hệ mà thư viện đã phát triển một hệ thống lưu trữ toàn diện bao gồm các loại sách hiếm và cả kho tàng có giá trị lớn.
Hồ Vô danh (Weiminghu) và chùa tháp Boya
Hồ Vô danh là hồ nhân tạo lớn nhất trong khuôn viên trường, nằm ở trung tâm phía Bắc của khuôn viên. Bởi vì có nhiều ý kiến khác nhau về tên của hồ nên sau đó người ta đề xuất gọi nó là "Hồ Vô danh".
Ở phía Đông của hồ là chùa tháp Boya. Chùa cao 37 mét với 13 tầng, được sử dụng như một tháp nước. Đi dọc theo con đường bên hồ, mọi người sẽ bị mê hoặc bởi hình ảnh ngôi chùa phản chiếu trên mặt hồ phẳng lặng.
Đọc đến đây, có lẽ các bạn đã hiểu được phần nào lý do tại sao hai ngôi trường này lại là trường top 1 châu Á và top 16 toàn cầu. Có thể thấy, việc Thanh Hoa và Bắc Đại được người người ngưỡng mộ và khen ngợi quả thật đều là người thật, việc thật và hoàn toàn xứng đáng.
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/bac-dai-dai-hoc-a67273.html