Các nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn của tâm lý học thể hiện đa dạng trong nhiều đề tài khác nhau. Theo đó, các phân ngành phụ và nhóm ngành đặc thù của tâm lý học cũng phát triển mạnh mẽ. Điều này cũng dễ hiểu bởi hành vi của con người cũng là một quá trình biến đổi không ngừng.
Nguồn: https://www.verywell.com/subfields-of-psychology-2795598
Có thể tạm chia tâm lý học thành 2 bộ phận chính:
Nghiên cứu - mở mang nền tảng kiến thức.
Ứng dụng - áp dụng kiến thức để giải quyết vấn đề trong đời sống thực tiễn.
Vì tâm lý học có liên quan với một số bộ môn khác như sinh học, triết học, nhân chủng học và xã hội học, nên nhiều phân ngành nghiên cứu và ứng dụng mới vẫn không ngừng hình thành và phát triển. Một số phân ngành đã được hình thành vững chắc, trở thành chủ đề quan tâm của nhiều trường đại học cao đẳng thể hiện qua nhiều khóa học và giảng dạy cấp bằng về những chủ đề này.
1. Tâm lý học dị thường
Tâm lý dị thường giải quyết các vấn đề liên quan đến đánh giá, chẩn đoán, điều trị và ngăn ngừa các bệnh rối loạn tâm thần.
Rất nhiều rối loạn tâm thần có thể gây đau đớn cho người bệnh và làm rối loạn chức năng các cơ quan trong cơ thể, ví dụ như các rối loạn khí sắc, rối loạn lo âu, v.v…
Nhiều chuyên gia đang trong lĩnh vực tâm lý học dị thường và sức khỏe tâm thần với tư cách là các bác sĩ lâm sàng, tư vấn viên, điều dưỡng và bác sĩ tâm thần.
2. Tâm lý sinh học
Phân ngành này của tâm lý học còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như khoa học thần kinh về hành vi, sinh tâm lý học và tâm lý học thần kinh.
Các nhà khoa học sẽ nghiên cứu mối quan hệ giữa não bộ và hành vi, ví dụ như sự tác động của não bộ và hệ thần kinh lên suy nghĩ, cảm xúc và tâm trạng của con người.
Phân ngành này có thể được xem là sự pha trộn giữa tâm lý học căn bản và khoa học thần kinh.
3. Tâm lý học lâm sàng
Tâm lý học lâm sàng là lĩnh vực rộng lớn nhất trong tâm lý học.
Các nhà tâm lý học trong lĩnh vực này sẽ ứng dụng những nguyên tắc và kết quả nghiên cứu tâm lý để đánh giá, chẩn đoán và điều trị các bệnh nhân gặp các bệnh về tâm thần và cảm xúc.
Họ thường làm việc độc lập, nhưng cũng có nhiều người làm việc tại các trung tâm hỗ trợ cộng đồng hoặc các trường đại học, cao đẳng.
4. Tâm lý học nhận thức
Tâm lý học nhận thức tập trung tìm hiểu quá trình hệ thần kinh mô tả suy nghĩ của con người.
Một vài chủ đề nghiên cứu trong tâm lý học nhận thức: Giải quyết vấn đề, ra quyết định, ngôn ngữ, trí thông minh và sự tập trung.
Các nhà tâm lý học nhận thức thường sử dụng các mô hình xử lý thông tin để mô tả quá trình làm việc của tâm trí, họ coi việc não bộ lưu trữ và xử lý thông tin cũng giống như một chiếc máy tính đang thực hiện những công việc tương tự.
5. Tâm lý học phát triển
Các nhà tâm lý học phát triển nghiên cứu sự phát triển về mặt thể chất và nhận thức xuất hiện trong từng giai đoạn của cuộc đời.
Nói chung, họ tập trung vào một nhóm đối tượng cụ thể như trẻ sơ sinh, trẻ em, trẻ em vị thành viên hoặc chăm sóc người cao tuổi. Ngoài ra, cũng có một số người nghiên cứu tác động của bệnh chậm phát triển thường thấy ở người.
6. Tâm lý học thực nghiệm
Các nhà tâm lý học thực nghiệm sử dụng các phương pháp khoa học để nghiên cứu một loạt các hiện tượng tâm lý và hành vi của con người.
Tâm lý học thực nghiệm thường được xem là một ngành đặc thù trong tâm lý học, nhưng các kỹ thuật và phương thức thí nghiệm hiện vẫn được sử dụng rộng rãi trong tất cả các phân ngành của tâm lý học nói chung.
Một số phương pháp đươc sử dụng: Thí nghiệm, nghiên cứu tính tương quan, nghiên cứu tình huống và quan sát tự nhiên.
7. Tâm lý học pháp chứng
Các nhà tâm lý học pháp chứng ứng dụng các nguyên lý trong tâm lý học vào các vấn đề pháp lý. Công việc này cũng có thể liên quan đến việc nghiên cứu các hành vi tội phạm và định hướng chữa trị, hoặc làm việc trực tiếp trong hệ thống tòa án.
Họ thường tiến hành các đánh giá, sáng lọc nhân chứng hoặc cung cấp các lời khai trong các phiên tòa.
8. Tâm lý học sức khỏe
Tâm lý học sức khỏe tập trung vào việc tìm hiểu sự ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý, sinh học, xã hội và môi trường ảnh hưởng lên sức khỏe và việc gìn giữ sức khỏe.
Các nhà tâm lý học sức khỏe thường giải quyết các vấn đề liên quan đến sức khỏe như kiểm soát cân nặng, cai thuốc lá, quản lý căng thẳng và dinh dưỡng.
Họ cũng tham gia vào việc xây dựng các chương trình ngăn chặn những hành không tốt và tập dần những hành vi lành mạnh hơn.
9. Tâm lý học công nghiệp - tổ chức
Công việc của các nhà tâm lý học trong lĩnh vực này là áp dụng các nguyên tắc tâm lý để nghiên cứu về các vấn đề tại các công ty tổ chức như hiệu suất và hành vi làm việc.
Một số cũng làm việc trong mảng nhân sự, công thái học và tương tác con người - máy tính.
Các nghiên cứu trong mảng này được xem là nghiên cứu ứng dụng vì nó giúp giải quyết các vấn đề của đời sống thực tiễn.
10. Tâm lý học nhân cách
Các nhà tâm lý học nhân cách nghiên cứu các đặc điểm tư duy, cảm xúc và hành vi tạo nên nét tính cách khác biệt của từng cá nhân.
Họ thường làm việc trong môi trường học thuật như người hướng dẫn hoặc nhà nghiên cứu.
11. Tâm lý học xã hội
Các nhà tâm lý học xã hội nghiên cứu các dạng hành vi xã hội, bao gồm cách thức mỗi người tự hình dung về bản thân và những hành vi diễn ra khi tương tác với người khác.
Họ thường tiến hành nghiên cứu trong môi trường học thuật, nhưng một số khác cũng làm việc trong lĩnh vực quảng cáo và các cơ quan chính phủ.
12. Tâm lý học đường
Các nhà tâm lý học đường làm việc trong hệ thống các cơ sở giáo dục, giúp đỡ trẻ em giải quyết các vấn đề về cảm xúc, hòa nhập nơi trường lớp và hỗ trợ vấn đề học tập.
Các nhà tâm lý phối hợp cùng giáo viên, phụ huynh và học sinh để tìm ra cách giải quyết cho các vấn đề đó.
Hầu hết các nhà tâm lý học đường làm việc ở các trường tiểu học và trung học, nhưng cũng có một số làm việc tại các phòng khám tư, bệnh viện, cơ quan nhà nước và các trường đại học. Một số làm việc độc lập với vai trò cố vấn, đặc biệt là những người có bằng tiến sĩ tâm lý học.
Theo LINDANGA.COM
Tags: Tâm lý học
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/cac-loai-tam-ly-hoc-a66676.html