Vãn cảnh Chùa Vạn Linh trên Núi Cấm – An Giang

Du Lịch Miền Tây Thông Tin Du Lịch Miền Tây Vãn cảnh Chùa Vạn Linh trên Núi Cấm - An Giang

Núi Cấm - An Giang là điểm đến hấp dẫn luôn thu hút đông đảo du khách leo núi, tham quan vì có khung cảnh thiên nhiên hữu tình và nhiều ngôi chùa đẹp, linh thiêng. Trong đó không thể không nhắc đến Chùa Vạn Linh. Đến đây du khách được tĩnh tâm với tiếng kinh kệ vang vọng, thư thái với cảnh chùa chốn non cao… Ngoài ra còn được tận hưởng không khí mát mẻ, thưởng ngoạn phong cảnh kỳ ảo ở các vồ, điện gắn liền với nhiều giai thoại của núi Cấm.

Có lối kiến trúc độc đáo, nổi bật với khuôn viên rộng, thoáng mát… chùa Vạn Linh tọa lạc ở ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên đã trở thành biểu tượng của núi Cấm. Du lịch An Giang, muốn tham quan và chiêm bái chùa Vạn Linh, bạn có thể đi bằng xe ôm hoặc cáp treo.

Trước đây, chùa Vạn Linh còn có tên gọi khác là chùa Lá, với cấu trúc xây dựng ban đầu chỉ là một am cất cây và lợp tranh, được khai sơn năm 1927, thuộc dòng Lâm Tế Gia Phổ đời 40, đệ tử của Hòa thượng Viện chủ tổ đình Phi Lai Thích Chí Thiền. Nhờ vào đức độ cũng như tài phục dược của Hòa thượng Thích Thiện Quang, cứu giúp người bệnh nên phật tử và người đời cứ đồn đãi. Từ đó, am đón khách thập phương ngày một đông thêm.

Đến năm 1941, am lá được trùng tu và xây dựng thành chùa Lá - Vạn Linh. Ngày tu 26 tháng 11 Quý Tỵ 1953, Hòa thượng Thích Thiện Quang viên tịch. Rồi chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước diễn ra, ngôi chùa Lá - Vạn Linh bị bom đạn tàn phá. Đến năm 1976, ngôi chùa mới được trùng tu.

Năm 1994, Hòa thượng Thích Trí Tịnh (đệ tử của Hòa thượng Thích Thiện Quang), bấy giờ là đương kiêm Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mới nhận việc xây dựng ngôi chùa Lá - Vạn Linh trên diện tích khoảng 6 héc-ta. Thượng tọa Thích Hoằng Tri được cử trông coi trực tiếp việc xây dựng ngôi chùa Lá - Vạn Linh nằm ở độ cao 600 mét với các hạng mục: chánh điện, nhà tổ, bảo tháp, trai đường, lầu chuông, tháp Tổ …

Chùa Vạn Linh có vị thế rất đặc biệt, lưng tựa vào trên sườn đồi Bồ Hong (đỉnh cao nhất núi Cấm với 716m), mặt hướng về hồ Thủy Liêm, khuôn viên trồng nhiều hoa, cây cảnh… vừa vững chãi, uy nghi, không gian thoáng đãng, hòa quyện, gần gũi cùng thiên nhiên.

Phần chính điện là nơi an vị các tượng Phật sơn son thếp vàng lộng lẫy giữa một khung cảnh trang nghiêm, trầm mặc và thoát trần, tạo ra một ấn tượng thẩm mỹ giữa phong cảnh u tịch của núi rừng.

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm, chính giữa tôn trí bảo tượng đức Phật Thích Ca thiền định. Tượng bằng đá nguyên khối, nặng 2 tấn, do điêu khắc gia Hoàng Hữu thực hiện vào năm 1997. Việc vận chuyển pho tượng lên núi vào lúc bấy giờ chỉ có đường rừng là cả một sự kiên trì và sáng tạo của chùa. Hai bên tượng đức Phật đặt hai phù điêu bằng đá Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng do Phật tử Diệu Nghĩa (Úc) cúng dường năm 1996. Phía trước điện Phật đặt hai phù điêu bằng đá Hộ Pháp và Tiêu Diện. Ở hậu điện, Tổ sư Đạt Ma cũng là phù điêu bằng đá.

Sân trước chùa có xây nhiều bảo tháp. Trong đó có: Bảo tháp Hòa thượng khai sơn Thích Thiện Quang 3 tầng, Tháp chuông hình bát giác cao 2 tầng, tầng trên tôn trí tượng Đức Phật A Di Đà, tầng trệt tôn trí tượng Bồ Tát Quán Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng đá nguyên khối, đồng thời tại tháp này còn được treo quả đại hồng chung nặng 1,2 tấn.

Trong số bảo tháp thì nổi bậc là Bảo cát Quan Âm cao 40 mét được xây dựng theo kiến trúc mẫu Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ gồm có 7 tầng (không kể tầng trệt và tầng nóc) để tôn trí thờ nhiều vị Phật, Bồ tát được tạc bằng đá quý. Tầng trên cùng thờ Xá lợi Phật, Tầng 7 của Bảo cát Quan Âm thờ Xá lợi đức Phật Thích Ca, Tầng 6 thờ Bồ Tát Quán Thế Âm tượng trưng cho lòng đại bi, Tầng 5 thờ Bồ Tát Đại Thế Chí tượng trưng đại lực, Tầng 4 thờ Bồ Tát Văn Thù tượng trưng đại trí, Tầng 3 thờ Bồ Tát Phổ Hiền tượng trưng đại hạnh, Tầng 2 thờ Bồ Tát Địa Tạng tượng trưng đại nguyện, tầng 1 thờ Bồ Tát Di Lặc tượng trưng đại từ. Còn tầng trệt đặt tượng Bồ Tát Quán Thế Âm để quý Phật tử, du khách hành hương được lễ bái.

Ngoài ra, trong khuôn viên còn có một số công trình khác được xây dựng như: Niệm Phật đường, nhà cho chư tăng tu học, giảng đường, nhà khách, trai đường, nhà bếp, vườn Lâm Tỳ Ni (nơi Đức Phật đản sinh), tượng sáp Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh…

Toàn cảnh tạo nên một phong cảnh thơ mộng, hài hòa giữa lối kiến trúc tôn giáo và cảnh sắc thiên nhiên. Chùa Vạn Linh nổi lên uy nghi, trang nghiêm, xứng đáng trở thành Trung tâm hành hương và trở thành điểm tham quan du lịch hút khách của vùng đất An Giang.

Du khách khi đến tham quan chùa Vạn Linh ở An Giang thì nên lưu ý một số điều sau:

- Ngoài các ngày lễ lớn của đạo Phật, chùa Vạn Linh có tổ chức lễ giỗ Hòa thượng Khai sơn (Thích Thiện Quang) vào ngày 23 và 24 tháng 11 (Âm lịch) hàng năm. Ngày lễ này được tổ chức rất trọng thể và linh đình. Du khách có thể kết hợp du lịch núi Cấm và viếng cảnh chùa vào ngày lễ này để trải nghiệm không khí đông vui, nhộn nhịp ở đây.

- Gần chùa Vạn Linh có chùa Phật Lớn cũng nổi tiếng ở khu vực Bảy Núi. Chùa Phật Lớn nằm trên một đỉnh khác của núi Cấm. Chùa có tượng Phật Di Lặc đã được Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là “Tượng Phật cao nhất trên đỉnh núi châu Á”. Tượng Phật Di Lặc ở đây cao 33,6m. Du khách viếng cảnh chùa Vạn Linh xong có thể đi đến chùa Phật Lớn khá thuận tiện.

- Du khách có thể nghỉ lại ở các nhà nghỉ xung quanh chùa Vạn Linh và chùa Phật Lớn. Đặc sản ăn uống ở đây là bánh xèo rau rừng.

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/chua-van-linh-nui-cam-a64724.html