Là một học sinh, sinh viên chắc hẳn bạn luôn đau đầu với việc chi tiêu hàng tháng. Bởi lẽ có quá nhiều thứ cần mua, cần chi nhưng hiện tại bạn vẫn chưa thể kiếm được nhiều tiền. Hơn nữa, không phải bạn nào cũng may mắn sinh ra trong gia đình khá giả để được chu cấp một cách đầy đủ. Vì vậy, việc tiết kiệm khi còn là học sinh, sinh viên là việc làm cần thiết. Tin tốt là luôn có một số cách đơn giản giúp bạn có thể chi tiêu ít hơn, tiết kiệm nhiều hơn trong khi vẫn có một cuộc sống tuyệt vời. Bài viết này sẽ mách nhỏ cách tiết kiệm tiền cho học sinh, sinh viên với 5 bước cực kỳ đơn giản, ai cũng có thể áp dụng.
Nhiều người thường có suy nghĩ là cứ việc tiêu tiền trước rồi đến cuối tháng còn dư bao nhiêu thì mới bắt đầu tiết kiệm. Đây là một tư duy cực kỳ sai lầm. Bởi lẽ nếu chi tiêu trước tiết kiệm sau thì sự thật phũ phàng là bạn sẽ chẳng còn gì để tiết kiệm vào cuối tháng cả.
Việc bạn nên làm lúc này là tính toán trước số tiền bạn có thể tiết kiệm, các khoản chi nào là bắt buộc trong tháng. Sau đó, lấy thu nhập của bạn trừ đi các khoản tiết kiệm và bắt buộc đó để biết được số tiền mà bạn có thể linh hoạt tiêu xài.
Các chi phí bắt buộc thường là tiền thuê nhà, học phí, điện nước,… Khi nhận được lương hay khoản chu cấp của bố mẹ mỗi tháng, bạn nên trích số tiền này ra để dành hoặc gửi vào tài khoản tiết kiệm. Điều đó sẽ giúp bạn không thể tiêu xài được khoản tiền này. Từ đó, số tiền mà bạn được phép dùng sẽ bị giới hạn lại. Và nó có thể đảm bảo mỗi tháng bạn sẽ luôn luôn tiết kiệm được số tiền mà mình mong muốn.
Sau khi tiết kiệm và dự trù/ chi trả cho các khoản bắt buộc, bước tiếp theo bạn cần làm đó là chia đều khoản tiền còn lại cho 30 (tương ứng với 30 ngày trong tháng). Từ đó, bạn sẽ ước lượng được trung bình mỗi ngày mình được phép chi tiêu bao nhiêu. Điều này giúp bạn có thể cân đối giữa việc chi tiêu và số tiền mình đang có.
Các khoản chi linh hoạt trong ngày thường là về ăn uống, xe cộ, xăng dầu, vật dụng cá nhân, dự trù phát sinh,… Ví dụ, mỗi tháng bạn có 3 triệu để chi tiêu linh hoạt. Vậy thì mỗi ngày bạn sẽ được phép tiêu xài khoảng 100 nghìn. Bạn cần lên một kế hoạch cụ thể cho từng ngày. Chẳng hạn như tiền ăn uống một ngày bao gồm 15.000 cho bữa sáng, 30.000 cho bữa trưa, 30.000 cho bữa tối. Tiền gửi xe, xăng dầu cho một ngày khoảng 15.000. Tổng cộng một ngày bạn phải chi tiêu 90.000. Như vậy, bạn vẫn còn dư ra 10.000 mỗi ngày để dự trù cho các khoản chi tiêu phát sinh như ốm đau, xe hư hỏng,… Số tiền dự trù này sẽ là 300.000 mỗi tháng nếu như bạn áp dụng đúng các khoản chi tiêu trên.
Bước tiếp theo bạn cần thực hiện đó là ghi chép lại các khoản thu chi một cách cẩn thận mỗi ngày. Dù là những khoản chi nhỏ nhặt như 1-2 nghìn gửi xe đi nữa, bạn cũng cần theo dõi chúng. Điều này sẽ giúp bạn có cái nhìn bao quát về các khoản chi, bạn sẽ biết được tiền của mình đã đi về đâu, có nhất thiết phải chi không. Để rồi từ đó, bạn mới có thể cân đối chi tiêu cho những việc quan trọng hơn, tiết kiệm được nhiều hơn.
Việc ghi chép này cũng nên áp dụng cho các khoản thu. Bạn cần nắm rõ được hiện tại bản thân đang sở hữu bao nhiêu tiền, tài khoản ngân hàng có bao nhiêu, tiền mặt có bao nhiêu. Điều này sẽ giúp bạn dễ tính toán và quản lý tiền bạc hơn rất nhiều đấy!
Như đã đề cập thì để tiết kiệm được nhiều tiền hơn, bạn phải theo dõi thu chi thật cẩn thận. Sau đó, bạn cần đánh giá, cân nhắc xem khoản chi nào nên loại bỏ đi, khoản chi nào nên giữ lại. Chẳng hạn như nếu tiền mua sắm, đi chơi chiếm hơn 30% thu nhập thì bạn cần cân đối và loại bỏ các khoản chi này đi.
Bên cạnh đó, nếu việc ăn ngoài khiến bạn tiêu tốn quá nhiều chi phí thì hãy bắt đầu nấu ăn tại nhà. Bạn cũng có thể sử dụng phương tiện công cộng thay vì đi xe máy để cắt giảm được nhiều chi tiêu cho việc đi lại hơn. Việc cắt giảm này sẽ tùy thuộc vào lựa chọn của mỗi người. Bạn càng cắt giảm được nhiều bao nhiêu thì đồng nghĩa bạn sẽ tiết kiệm được nhiều bấy nhiêu.
Những khoản chi cần thiết bạn không nên cắt giảm đó là về giáo dục và đầu tư. Chẳng hạn như mua sách đọc thêm, tham gia các khóa học nâng cao năng lực chuyên môn. Ngoài ra, bạn cũng có thể góp vốn chung với bạn bè để kinh doanh. Một điểm chung cho các khoản chi này là nó sẽ tạo ra tiền trong tương lai cho bạn. Thay vì chi tiêu cho việc hưởng thụ quá nhiều, hãy sử dụng đồng tiền thông minh hơn để sau này nó có thể tạo ra một nguồn thu khác cho mình, bạn nhé!
Nếu như ở bước 2 bạn đã dự trù và lên kế hoạch chi tiêu một cách rõ ràng thì ở bước cuối cùng, bạn cần học cách linh hoạt trong chi tiêu hơn. Mặc dù chúng ta đã tính toán mỗi ngày được sử dụng 100 nghìn, thì đôi khi sẽ có những tình huống phát sinh khiến bạn phải chi tiêu nhiều hơn.
Ví dụ, hôm nay bạn đã chi tiêu 90.000/100.000 rồi nhưng cuối ngày bạn bè rủ bạn đi uống nước. Vì là bạn bè thân thiết nên bạn sẽ khó từ chối, và cũng lâu rồi bạn chưa được đi chơi. Lúc này, bạn có thể linh hoạt chi tiêu trước 20.000 dành cho ngày mai để có đủ tiền đi uống nước với bạn bè. Vào ngày mai, bạn chỉ cần chi tiêu trong khoảng 80.000 thay vì 100.000 là được. Đừng quá cứng nhắc trong chi tiêu, vì như vậy sẽ khiến bạn không được tự do và đánh mất đi nhiều cơ hội và các mối quan hệ tốt đẹp.
Trên đây là cách tiết kiệm tiền cho học sinh, sinh viên với 5 bước cực kỳ đơn giản và hiệu quả mà ai cũng có thể áp dụng. Hi vọng bạn sẽ biết cách chi tiêu và tiết kiệm được nhiều tiền hơn sau khi đọc bài viết này. Chúc các bạn áp dụng thành công và đừng quên học đầu tư cùng DNSE để nhân số tiền tiết kiệm của mình thành nhiều lần bạn nhé.
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/cach-tiet-kiem-tien-cho-hoc-sinh-cap-2-a64459.html