Cuộc đời kỳ lạ của một “nàng thơ” nổi tiếng

Jane Morris là một trong những nhan sắc nổi tiếng nhất lịch sử hội họa. Bà từng xuất hiện trong tranh của nhiều họa sĩ tên tuổi. Đời sống tình cảm của “nàng thơ” Jane Morris còn truyền cảm hứng cho nhiều tiểu thuyết, vở kịch nổi tiếng.

Một bức tranh của họa sĩ người Anh Dante Gabriel Rossetti sắp được đem ra bán đấu giá và được kỳ vọng sẽ lập nên kỷ lục mới về mức giá trả cho một tác phẩm hội họa của Rossetti.

Cuộc đời kỳ lạ của một “nàng thơ” nổi tiếng

Đó là bức “Pandora” vẽ năm 1871, khắc họa chân dung nàng thơ Jane Morris. Bức tranh này được ước tính có giá vào khoảng 7 triệu bảng Anh (hơn 250 tỉ VNĐ).

Xung quanh nhân vật nàng thơ Jane Morris có những câu chuyện kỳ lạ và đặc biệt thú vị. Jane Morris là vợ của họa sĩ William Morris - một người bạn thân của họa sĩ Rossetti.

Hai người bạn thân này có khá nhiều điểm chung. Đối với họ, Jane cùng là nàng thơ tuyệt vời nhất. Cô là vợ của Morris và cũng là tình nhân của Rosetti, xuất hiện trong hàng loạt bức tranh của chồng và người tình. Ngoài ra, Jane cũng xuất hiện trong tranh của nhiều họa sĩ khác, nhưng tới giờ, người ta chỉ còn nhớ nhất hình ảnh của cô trong tranh Rossetti.

Bức “Jane Morris” (1904) của Evelyn De Morgan. Lúc này Jane đã là một bà lão.
Bức “Jane Morris” (1904) của Evelyn De Morgan. Lúc này Jane đã là một bà lão.

Đương thời, William Morris và Dante Rossetti cùng lập ra và theo đuổi trường phái hội họa “tiền Raphael”, một trường phái đi ngược lại những gì mà các họa sĩ thuộc thế hệ danh họa Raphael từng theo đuổi.

Jane là nàng thơ trong suốt cuộc đời Rossetti và Morris. Cô sở hữu nước da trắng xanh xao, vốn được cho là rất thời thượng lúc bấy giờ, cùng những đường cong gợi cảm. Nếu nói về vẻ đẹp phụ nữ trong trường phái tranh “tiền Raphael”, người ta có thể lấy những bức tranh khắc họa nàng Jane Morris làm chuẩn mực.

Cuộc đời kỳ lạ của một “nàng thơ” nổi tiếng
Trong bức “Thảm cỏ nơi khuê phòng” (1850) của Rossetti, Jane Morris chính là người phụ nữ ngồi làm mẫu
Cuộc đời kỳ lạ của một “nàng thơ” nổi tiếng
Jane Morris trong bức “Astarte Syriaca” (trái), Rossetti khắc họa chân dung một vị nữ thần ở Trung Đông và bức “Mơ ngày” (phải)

Rossetti cùng với một số họa sĩ khác bắt đầu hình thành nên trường phái “tiền Raphael” từ năm 1848. Trường phái này phủ nhận chủ nghĩa hiện thực mà các họa sĩ thời Phục hưng đã đưa vào hội họa, thay vào đó, những họa sĩ của trường phái “tiền Raphael” quay trở về với những tiêu chí tồn tại từ trước thời kỳ Phục hưng với những gam màu đối chọi, tạo nên kịch tính cho bức tranh, cùng việc sắp xếp bố cục và minh họa tới từng chi tiết nhỏ nhất.

Jane Morris thực sự là một cô gái đẹp. Vẻ đẹp đó của cô đã trở thành bất tử trong hội họa nhờ một cuộc gặp tình cờ với những họa sĩ trẻ bên ngoài rạp hát khi Jane mới 18 tuổi. Chính sự kiện này đã giúp cô gái sinh ra trong một gia đình lao động nghèo khó bất ngờ trở thành một nàng thơ trong hội họa và xuất hiện trong hàng loạt bức tranh nổi tiếng về sau.

Thực tế, Jane say mê Rossetti hơn cả, tuy vậy, ở thời điểm quen biết Jane, Rossetti đã đính hôn với một phụ nữ khác nên không đáp lại tình cảm của Jane.

Trong khi đó, William Morris lại say đắm Jane - người phụ nữ tuyệt đẹp. Anh là một thanh niên quý tộc giàu có. Jane liền quyết định kết hôn với William - một người bạn thân của Rossetti.

Vì không có nhiều học vấn và hiểu biết nên sau khi lấy chồng, dù đã trở thành bà lớn, nhưng Jane không được ra ngoài nhiều, cô chủ yếu ở trong nhà, tề gia nội trợ. Trong thời gian này, Jane nhanh chóng học tập cách để trở thành một quý bà thực sự.

Cô miệt mài đọc sách, học đàn piano. Thật đáng kinh ngạc, chỉ trong một thời gian ngắn, người phụ nữ ấy đã bù đắp được sự thiếu hụt trong hiểu biết và thậm chí còn nổi tiếng là một phu nhân đàn rất giỏi các bản nhạc cổ điển.

Jane Morris trong bức “Proserpine” (1874) của Rossetti

Dù là một cô gái xuất thân từ tầng lớp lao động nghèo, nhưng Jane Morris nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của xã hội thượng lưu, cô thay đổi cách phát âm, nói chuyện, giọng điệu - cử chỉ khi giao tiếp, đến mức đương thời bạn bè đều ngưỡng mộ phong thái của Jane, gọi đó là “phong thái của một nữ hoàng”. Người ta không biết rằng, Jane đã kỳ công mời một thầy dạy phát âm đến nhà để dạy cách phát âm theo kiểu quý tộc cho mình.

Vốn sẵn tài may vá, Jane còn tự thêu những chiếc khăn choàng tuyệt đẹp, độc nhất vô nhị khiến cho các bà lớn khác phải ghen tị với sự xuất hiện lộng lẫy của cô tại các bữa tiệc.

Cuộc đời người phụ nữ này về sau đã truyền cảm hứng cho tiểu thuyết “Miss Brown” của nhà văn Vernon Lee, xuất bản năm 1884. Về sau cuốn tiểu thuyết này lại tiếp tục truyền cảm hứng cho những bộ phim, vở kịch nổi tiếng khác, có tên “My Fair Lady”.

Bức “Váy lụa xanh” (1868) của Rossetti.
Bức “Váy lụa xanh” (1868) của Rossetti

Dù cuộc sống hôn nhân của vợ chồng Morris luôn khiến người ta tin rằng rất viên mãn, hạnh phúc, nhưng trong thực tế, Rossetti vẫn là người người đàn ông trong mộng của Jane. Sau khi vợ của Rossetti qua đời, tình cảm xưa sống dậy, họ bắt đầu qua lại với nhau bất kể Jane đã có chồng và chồng của cô lại là bạn thân của Rossetti. Mối quan hệ này kéo dài cho tới tận khi họa sĩ qua đời năm 1882.

Thực tế, William Morris là một người đàn ông yêu vợ và rất độ lượng. Khi biết Jane muốn đến với Rossetti, ông đã chủ động đi làm ăn xa, để vợ ở lại nhà một mình, rồi nhờ Rossetti đến giúp công việc trang hoàng nhà cửa.

William đã để vợ và bạn ở lại với nhau suốt một mùa hè tại điền trang của gia đình. Tình yêu độ lượng đến khó tin của William Morris đã khiến cuộc hôn nhân của ông không bị đổ vỡ. Được biết về sau, Jane Morris còn qua lại với một nhà thơ khác nữa.

Bức “La Pia de
Bức “La Pia de' Tolomei” (1866-1870) của Rossetti

Cuộc đời người phụ nữ phong lưu này thực sự khiến người ta phải kinh ngạc. Năm nay vừa tròn 100 năm ngày Jane Morris qua đời (1839-1914). Người phụ nữ ấy đã trở nên bất tử trong hội họa, văn chương và kịch nghệ.

Bích NgọcTheo Daily Mail

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/nang-tho-noi-tieng-a63736.html