- Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Tuân: một nhà văn tài hoa uyên bác suốt đời đi tìm và khám phá cái đẹp, có phong cách nghệ thuật vô cùng độc đáo và cái tôi đầy cá tính.
- Giới thiệu sơ lược về tác phẩm: Người lái đò sông Đà được trích từ tập tùy bút “Sông Đà”, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám, với nội dung ngợi ca vẻ đẹp của con người và thiên nhiên Tây Bắc.
a. Lời đề từ
Lời đề từ 1: Lời đề từ đầu tiên “Đẹp vậy thay ...”: tác giả sử dụng câu thơ của nhà thơ người Ba Lan mang cấu trúc câu cảm thán nhằm thể hiện cảm xúc dâng trào, mãnh liệt trước vẻ đẹp của sông Đà và con người gắn bó với dòng sông. Từ đó có thể thấy được cảm hứng chủ đạo của bài tùy bút là ngợi ca.
Lời đề từ 2: “Chúng thủy ...”: Hai câu chữ Hán bộc lộ cá tính độc đáo của dòng sông. Chỉ có con sông Đà chảy theo hướng bắc trong khi mọi dòng sông đều chảy về hướng đông.
b. Hình tượng dòng sông Đà.
Dòng sông “hung bạo”.
- Cảnh đá bờ sông:
+ “dựng vách thành…”: quan sát bằng thị giác nhà văn mở ra thế giới hung bạo của Đà Giang qua sự hiểm trở của vách đá hai bên bờ sông.
+ “ngồi trong khoang đỏ qua quãng ấy đang mùa hè mà cũng thấy lạnh: không chỉ tả bằng thị giác, Nguyễn Tuân còn cảm nhận sự hiểm trở của vách đá bằng cảm giác rùng rợn.
- Cảnh mặt ghềnh Hát Lóong
+ Hát Loóng là địa danh gợi sự xa xôi hoang sơ nguy hiểm
+ “dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng… để lật ngửa bụng thuyền ra”: nghệ thuật liệt kê kết hợp điệp từ “xô” gợi ra những hoạt động liên tiếp nối nhau cùng va đập xô đẩy gào thét tạo âm thanh kinh hãi văng động kéo dài hàng cây số
- Cảnh hút nước:
+ “trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông làm móng cầu”: sự dữ dằn hung ác của thác nước được hiện ra
+ “những bè gỗ lớn ngang nghênh ngang bị lôi tụt xuống đáy rồi bị hút xuống khiến nó trồng cây chuối ngược vụt biến đi và tan xác ở khuỷu sông dưới”: Nguyễn Tuân khắc sâu sự dữ dội nguy hiểm cũng như cảm giác rùng mình nghẹt thở hãi hùng
- Cảnh trận địa đá:
+ “sóng một đã trắng xóa cả một chân trời đá”
+ các động từ: “mai phục, nhổm, vồ lấy”, đá “đứng, nằm, ngồi”: đá sông Đà không vô chi vô giác qua thủ pháp nhân hóa so sánh chúng biến thành những quân sĩ được huấn luyện bài bản tinh nhuệ
Sông Đà trữ tình
- Từ trên máy bay, trên cao nhìn xuống: như “dây thừng ngoằn ngoèo”, “áng tóc trữ tình”, “mùa xuân có màu xanh ngọc bích, thu lừ lừ chín đỏ”. → hình dáng của Đà Giang Hiện lên thật sống động, giản dị gần gũi. Nó đẹp như công trình mĩ thuật tuyệt tác mà thiên nhiên đã ban tặng và có tính cách như cô gái đẹp đỏng đảnh thất thường đầy cá tính.
- Từ trong rừng sâu nhìn ra: sông Đà như một “cố nhân”, có ánh sáng “loang loáng như trẻ con chiếu gương vào mắt”, như “nắng tháng ba Đường thi”, → vẻ đẹp gợi cảm của Sông Đà được khắc sâu qua chính cảm xúc của Nguyễn Tuân trong ngày tái ngộ. Với sự gợi cảm của mình, sông đà đã thực sự trở thành một cố nhân một tình nhân dẫu trái tính vẫn hấp dẫn mê hoặc lòng người
- Từ trên thuyền: “bờ sông như một bờ tiền sử”, “hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa”, thiên nhiên mơn mởn: lá ngô non, “con hươu thơ ngộ”, … → sông Đà vô tri vô giác đã trở thành “người tình nhân chưa quen biết” đang chia tay với thượng nguồn để về với mảnh đất mới, con người mới.
c. Hình tượng người lái đò sông Đà
- Có thể liên hệ đến hình ảnh người anh hùng Huấn Cao trong quan niệm của Nguyễn Tuân trước cách mạng để dẫn dắt sang hình tượng người lái đò sông Đà.
- Lai lịch: tác giả tập trung miêu tả ngoại hình: “tay lêu nghêu ... chất mun” → ngợi ca những con người vô danh luôn âm thầm cống hiến cho quê hương đất nước.
- Công việc: hàng ngày lái đò trên sông Đà, luôn phải đối diện với hiểm nguy, sự hung bạo trên dòng sông này.
- Tài năng và tâm hồn:
+ Là người từng trải, hiểu biết và có kinh nghiệm lâu năm trong nghề lái đò: “trên sông Đà ông xuôi ngược hơn một trăm lần”, “nhớ tỉ mỉ ... những luồng nước”, …
+ Là người mưu trí dũng cảm, bản lĩnh và tài ba: ung dung đối đầu với thác dữ “nén đau giữ mái chèo, tỉnh táo chỉ huy bạn chèo ...”, “nắm chắc binh pháp của thần sông thần núi”, động tác điêu luyện “cưỡi đúng ngay trên bờm sóng, phóng thẳng thuyền vào giữa thác ...”
+ Không khác gì một người nghệ sĩ tài hoa trên sông nước: ưa những khúc sông nhiều gồ ghề, ghềnh thác hiểm trở, không thích lái đò trên khúc sông bằng phẳng, chỉ coi việc chiến thắng “con thủy quái” là chuyện thường.
- Khái quát về phong cách nghệ thuật tài hoa của Nguyễn Tuân qua tác phẩm này.
Tổng kết nghệ thuật: Nguyễn Tuân sử dụng ngôn ngữ điêu luyện, trí tưởng tượng phong phú, độc đáo. Đồng thời ông vận dụng tri thức nhiều ngành nghệ thuật thành công xây dựng hình tượng sông Đà và ông lái đò.
Khái quát nội dung: tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp vùng đất Tây Bắc nói riêng, thiên nhiên đất nước nói chúng và vẻ đẹp của con người lao động, cống hiến cho đất nước.
Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông là cây bút uyên bác, tài hoa, không quản nhọc nhằn để cố gắng khai thác cảm giác và liên tưởng phong phú, bộn bề nhằm tìm ra những nghĩa xác đáng nhất. Người lái đò sông Đà là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Tuân sau cách mạng tháng Tám. Trong bài tùy bút này, Nguyễn Tuân ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên con người Tây Bắc. Đến với “Người lái đò sông Đà”, người đọc sẽ được chiêm ngưỡng những vẻ đẹp khác nhau của hình tượng sông Đà.
Sông đà là một hình ảnh trung tâm của tác phẩm được tác giả xây dựng rất thành công. Dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân sông Đà không chỉ tiêu biểu cho thiên nhiên Tây Bắc mà còn trở thành một sinh thể có tâm hồn có tính cách. Đó là một dòng sông rất hung bạo dữ dội và thơ mộng trữ tình. Không để cho người đọc phải chờ đợi lâu, ngay trong lời đề từ của tác phẩm Nguyễn Tuân đã tạo dấu ấn trong lòng người đọc về sự lạ thường của con sông đà. Nhà văn đã mượn câu thơ của Nguyễn Quang Bích để giới thiệu:
“ Chúng thủy giai đông tẩu
Đà giang độc bắc lưu”
Việc sử dụng những câu thơ chữ Hán đã tăng thêm tính trang trọng, cổ kính cho hình tượng sông Đà. Từ “độc” trong lời thơ được sử dụng vô cùng hiệu quả thể hiện sự độc nhất, không lặp lại, sự khác biệt khác thường của sông Đà. Sau lời đề từ, Nguyễn Tuân đã tỉ mỉ liệt kê tên của 73 con thác của sông Đà, nhưng sự hùng vĩ của nó không chỉ có thác mà còn ở vách đá. Bờ sông Đà không trôi giữa hai bờ cát trắng phẳng lì thơ mộng trữ tình như Sông Đuống của Hoàng Cầm mà chảy sữa hai vách đá dựng đứng hun hút. Từ điểm nhìn bao quát, Nguyễn Tuân đã giúp người đọc hình dung về sự hiểm trở của sông Đà. Cảnh quan bờ sông “dựng vách thành, mặt sông chỗ ấy đứng ngọ mới thấy mặt trời”. Những từ ngữ chính xác và chi tiết cụ thể đã giúp người đọc hình dung về sự hiểm trở của vách đá đó.
Không chỉ vậy, bằng cách sử dụng nghệ thuật so sánh tài tình “cách đá thành chét lòng sông Đà như một cái yết hầu”, cùng sự liên tưởng độc đáo vừa chính xác kinh tế vừa bất ngờ lạ lùng “ngồi trong quãng đó…” lấy phố phường để ví von với sông nước, hai sự vật vốn không có điểm tương đồng nay lại có thể dùng để liên tưởng với nhau. Cách liên tưởng ấy đã truyền cho người đọc một cảm giác ớn lạnh rùng mình rất chân thực, có thể làm kinh động hồn trí người đọc khi nghĩ đến quãng sông ấy.
Con sông Đà không chỉ có những vách đá dựng đứng mà ở quãng Hát Loong còn: “dài hàng dài cây số nước và đá, nước xô đá, đá xô sóng, sóng lại xô gió” như một vòng tuần hoàn. Nguyễn Tuân tập trung miêu tả cảnh mặt ghềnh Hát Loóng để khắc họa sự hung bạo ở diện mạo của con sông. Tác giả nhắc đến địa danh Hát Loóng nhằm gợi sự xa xôi hoang sơ nguy hiểm. Thêm vào đó sự kết hợp nghệ thuật liệt kê “nước, đá, sóng, gió” cùng điệp từ “xô” đã gợi ra những hoạt động liên tiếp nối nhau cùng va đập, xô đẩy, gào thét tạo âm thanh kinh hãi vang động kéo dài cả hàng cây số. Từ láy “cuồn cuộn” cùng thủ pháp so sánh, nhân hóa “như đòi nợ xuýt”, “gùn ghè” vừa nhấn mạnh dòng chảy cuộn xiết, dữ dội cùng tiếng gió rít rùng rợn, quăng quật, gào rú thách thức con người vừa hé mở hành động tâm địa nham hiểm độc ác của con sông. Từ đó nhà văn làm nổi bật sự hung hãn lì lợm cuồng bạo của Đà Giang ngày đêm hăm dọa uy hiếp con người.
Đến quãng Tà Mường, ta lại bắt gặp “trên sông có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu…”. Từ “bỗng” gợi cảm giác bất ngờ, hoang mang trước sự xuất hiện đột ngột của hút nước. Nghệ thuật so sánh “như cái giếng bê tông” đã vẽ ra hình dáng to lớn, đen ngòm, sâu hoắm, tối tăm, hình dung như miệng của con thủy quái khổng lồ đang chực nuốt mọi thứ đi qua nó. Tất cả đã cụ thể tiếng kêu ghê sợ, rùng rợn, hoang dã, đủ thấy sự bạo liệt hiểm độc của xoáy nước Đà Giang. Không chỉ vậy, nhà văn còn tô đậm sức mạnh khủng khiếp ghê gớm của hút nước sông Đà “những bè gỗ lớn nghênh ngang bị lôi tuột xuống đáy, rồi bị hút xuống khiến nó trồng cây chuối ngược vụt biến đi và tan xác ở khuỷnh sông dưới”, nó gây nguy hiểm cho tất cả thuyền bè đi qua quãng ấy. Như vậy Nguyễn Tuân đã khắc sâu sự dữ dội nguy hiểm cũng như cảm giác rùng mình nghẹt thở hãi hùng trước sức mạnh của những xoáy nước trên sông.
Không chỉ dừng lại ở những hình ảnh vách đá dựng đứng, những cái hút nước sâu hút hay hơi thở ừng ực của dòng nước cuồn cuộn, con sông Đà còn phối hợp hài hòa với âm thanh réo rắt của những thác nước. Tưởng chừng như tác giả là một nhạc trưởng đang chìm đắm điều khiển dàn nhạc giao hưởng hùng tráng của sông Đà với bài ca của sóng hòa với gió xô nước lên những vách đá. “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới, nhưng đã thấy tiếng nước réo gần... cùng gầm thét với đàn trâu ra cháy bùng bùng”. Như thế sông Đà phô trương thanh thế hù dọa con người ngay cả khi nó chưa xuất hiện. Khi giáp mặt, âm thanh gào thét rùng rợn của thác nước lại khiến con người choáng váng. Bằng những liên tưởng độc đáo. nhà văn đem đến ấn tượng mạnh mẽ về một sông Đà hung bạo khủng khiếp nhằm uy hiếp đến mức mất tinh thần hồn siêu phách lạc với những người lái đò non kinh nghiệm yếu tay lái.
Con sông Đà hiện lên dữ dằn, hung bạo, tàn ác không khác gì “kẻ thù số một của con người”. Nhưng cũng chính từ hình ảnh con sông ấy lại là kẻ tôn vinh tài năng nghệ thuật tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân- ngòi bút số một về thể loại tùy bút Việt Nam. Nhưng con sông Đà hiện lên không chỉ trông hung bạo, dữ tợn như vậy mà đôi khi nó cũng có vẻ đẹp dịu dàng, thơ mộng trữ tình. Dòng sông Đà không chỉ có những “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế manh trên sông đá” mà nó còn là bức tranh thủy mặc vương vấn lòng người.
Với góc nhìn từ trên tàu bay nhìn xuống “Mùa nước sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt … ”. Tác giả sử dụng từ láy “ngoằn ngoèo” kết hợp với phép so sánh “như cái dây thừng” gợi đường nét uốn lượn quanh co gấp khúc khi sông Đà chảy giữa núi đồi Tây Bắc. Cách so sánh liên tưởng giản dị khiến sông Đà thật gần gũi, trong phút chốc người đọc quên đi ấn tượng về một dòng sông hung hãn nguy hiểm, luôn tìm cách để mưu hại con người. Từ trên cao nhìn xuống sông Đà xinh đẹp như một người con gái kiều diễm với hình ảnh “thuôn dài thuôn dài như một áng tóc trữ tình”. Bằng sự quan sát đầy tinh tế, Nguyễn Tuân nhận ra mùa xuân nước sông có “màu xanh ngọc bích”, đến mùa thu nước sông Đà: “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu”, với cái nhìn đầy mê đắm Nguyễn Tuân nhận ra vẻ đẹp bí ẩn sống động ở diện mạo khiến sông đà như cô gái đẹp nhưng đỏng đảnh thất thường đầy cá tính.
Từ trong rừng nhìn ra, con sông đà gợi cảm như một cố nhân : “bờ sông Đà, bãi sông Đà, …, nó đằm đằm, ấm áp như gặp lại cố nhân”. Bằng thị giác nhà văn đã phát hiện vẻ đẹp quyến rũ cuốn hút riêng mà thiên nhiên sông Đà mang lại. Từ “cố nhân” khắc sâu bề dày kỷ niệm với sông Đà cũng như tình cảm gắn bó sâu nặng của Nguyễn Tuân dành cho dòng sông này. Với tác giả, vẻ đẹp gợi cảm của Sông Đà được khắc sâu qua chính cảm xúc của ông trong ngày tái ngộ. Bằng sự gợi cảm của mình, sông đà đã thực sự trở thành một cố nhân, một tình nhân dẫu trái tính vẫn hấp dẫn mê hoặc lòng người.
Cuối cùng Nguyễn Tuân tập trung miêu tả vẻ đẹp hoang sơ trù phú của đôi bờ khi ông đi thuyền trên sông Đà: “Cảnh ven sông ở đây lặng từ… Và con sông như đang trôi những con đò đuôi én thắp mình dây cổ điển”. Thi vị nhất là không gian tĩnh lặng trên dòng sông Đà, tác giả liên tưởng đến dòng sông chảy xa xăm trong lịch sử “đời Lý, đời Trần, đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi”, vừa làm nổi bật sự cổ kính tĩnh lặng của không gian vừa gợi cái thăm thẳm xa xăm của thời gian. Không chỉ vậy, cảnh bờ sông tiếp tục được miêu tả qua những so sánh độc đáo “bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử…”, sự liên tưởng mới lạ của ông đã tô đậm vẻ đẹp cổ kính hoang sơ mà vẫn trong trẻo êm đềm tĩnh lặng của dòng sông đã có từ rất xa xưa. Ẩn sau vẻ đẹp bình yên tĩnh mịch sông Đà còn mang vẻ đẹp hữu hình trù phú, được nhà văn phát hiện qua các hình ảnh “cỏ danh đang ra những nõn mút, búp cỏ danh đẫm sương đêm, mấy lá ngô non đầu mùa, áng cỏ sương”. Tất cả đã làm nổi bật khung cảnh yên bình thơ mộng sự sống tràn trề đã tạo nên diện mạo mới cho sông Đà nơi hạ lưu. Trong cảm nhận của Nguyễn Tuân sông Đà còn rất nặng tình nặng nghĩa.
Vẻ đẹp của sông Đà được khắc họa thành công bởi tác giả đã vận dụng linh hoạt các biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa, sử dụng ngôn ngữ có giá trị tạo hình cao, dùng nhiều câu liên tưởng độc đáo bất ngờ, câu văn đa dạng giàu nhịp điệu. Qua góc nhìn tài hoa của Nguyễn Tuân, sông Đà vô tri vô giác đã trở thành người tình nhân chưa quen biết đang chia tay với thượng nguồn để về với mảnh đất mới con người mới. Qua đó ông bày tỏ niềm ngưỡng mộ tự hào cũng như tình yêu tha thiết quê hương đất nước.
Với phong cách nghệ thuật tài hoa uyên bác của mình Nguyễn Tuân đã làm nổi bật vẻ đẹp hung bạo, hùng vĩ và thơ mộng trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc. Từ đó khơi dậy trong mỗi chúng ta tình yêu và niềm tự hào về thiên nhiên đất nước trong công cuộc xây dựng tổ quốc.
Combo hack điểm các môn thi đại học dành cho các em học sinh. Đừng bỏ lỡ bộ sổ tay tổng hợp kiến thức hữu ích này các bạn nhé!
Nguyễn Tuân là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Ông là một nghệ sĩ tài hoa uyên bác có cá tính sáng tạo độc đáo. Người lái đò sông Đà là một trong những trang viết đẹp nhất của ông sau cách mạng tháng Tám, tác phẩm đã khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên và con người lao động vùng Tây bắc xa xôi của tổ quốc. Trong đó nổi bật hình tượng người lái đò sông Đà chính là "thứ vàng 10 đã qua thử lửa" mà tác giả dày công tìm kiếm.
Người lái đò là một trong hai hình tượng chính được Nguyễn Tuân xây dựng rất thành công. Hiện lên nổi bật trong tác phẩm, ông lái đò còn là hình tượng nghệ thuật tiêu biểu cho những con người lao động trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền Tây Bắc của tổ quốc. Vẻ đẹp của ông lái đò được khắc họa chủ yếu qua cuộc chiến đấu với thác dữ ở trùng vi thạch trận của sông Đà.
Ông lái đò được giới thiệu sinh ra và lớn lên bên bờ sông Đà. Ông đã hơn 70 tuổi, phần lớn cuộc đời ông dành cho nghề lái đò trên sông Đà, một dòng sông hung bạo dữ dội có tới 73 con thác. Không phải ngẫu nhiên ông là nhân vật trung tâm của tác phẩm mà lại không có tên riêng, tác giả gọi ông là người lái đò, tên gọi đã cho biết đây là nghề nghiệp của ông, một nghề nghiệp rất khó khăn gian khổ đòi hỏi sự mưu trí dũng cảm. Trong trang văn của Nguyễn Tuân, người lái đò hiện lên với ngoại hình gọn quánh, “tiếng nói ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh hai tay dài lêu nghêu hai chân khuỳnh khuỳnh như đang kẹp chặt cái cuống lái trong tưởng tượng”. Đúng là ngoại hình của một người gắn bó với nghề sông nước thì có nhiều gian nan vất vả in hằn trong hình hài ông lái đò. Người lái đò có trí nhớ tuyệt vời, có lẽ tình cảm đam mê yêu quý sông Đà đều được Nguyễn Tuân gửi vào nhân vật người lái đò nên nhà văn để cho nhân vật của mình gắn bó với sông đà như máu thịt, hiểu và thuộc lòng từng tên thác tên ghềnh của dòng sông. Cả cuộc đời ông đã hơn 100 lần lái thuyền vượt thác sông Đà nên ông có thể dùng mắt để nhớ tỉ mỉ, ông am hiểu tường tận về dòng sông hung bạo. Chính vì thế mà ông đã khuất phục chế ngự được sự hung bạo của sông Đà, ông không phải là thần thánh mà chỉ là một người lao động bình thường bằng xương bằng thịt nhưng với trí dũng song toàn, ông vẫn chiến thắng thiên nhiên để lao động sáng tạo xây dựng đất nước.
Tài năng và trình độ lái đò điêu luyện của ông được thể hiện qua ba cuộc giao tranh dữ dội với nước, sóng, gió, đá trên sông Đà với ba vòng trùng vi thạch trận. Nguyễn Tuân dùng hết bút lực vào miêu tả trùng vi thạch trận đầu tiên. Ở trùng vi thạch trận này thác đá đã chuẩn bị dàn trận địa sẵn đó là trận địa với bốn cửa từ và một cửa sinh nằm “lập lờ phía tả ngạn”. Sông Đà như một kẻ địch hung hăng táo bạo lưu manh côn đồ. Ông lái đò bị tấn công bất ngờ nhưng vẫn rất bình tĩnh sử dụng chiến thuật để dưỡng sức cho những trùng vi sắp tới. Ban đầu sóng nước tấn công trực diện với sóng trận địa phóng thẳng vào mình. Đó là đòn ra tay rất nhanh mạnh và bất ngờ khiến ông lái đò dính đòn hiểm, mắt ông hoa lên, "Đòn đau khiến ông đò mặt méo bệch đi". Hai chữ méo bệch được dùng rất chính xác vì trong hai chữ ấy Nguyễn Tuân đã cực tả được cái đau của ông lái đò. Nỗi đau làm biến dạng và nhợt nhạt cả khuôn mặt nhưng ông đò có sức chịu đựng phi thường nén cơn đau đang hành hạ, ông vẫn bình tĩnh tỉnh táo vượt qua những cửa tử để đi vào cửa sinh. Vậy là ông đã chiến thắng phá xong trùng vi thạch trận vòng thứ nhất.
Ở trùng vi thạch trận thứ hai, đá nước sóng tăng thêm nhiều cửa tử, không những nhiều cửa tử hơn chiến thuật của kẻ địch thay đổi, cửa sinh bố trí lệch qua phía bờ hữu ngạn thay vì ở phía tả ngạn như mọi khi để đánh lừa con thuyền. Kẻ địch ở vòng thứ hai cũng vô cùng hung hãn táo bạo “dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông Đà”. Người lái đò chuyển từ thế phòng ngự sang chủ động tấn công dù kẻ địch mưu mô xảo quyệt hơn nhưng không phải vì thế mà ông đò nao núng. Ông đò đã cảnh giác và dày dặn kinh nghiệm nên “đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến”. Đó là sự linh hoạt trong chiến thuật của ông lái đò. Hàng loạt các động từ được nhà văn huy động như một đội quân ngôn ngữ hùng hậu đang gieo hò theo từng nhịp tiến công của ông đò "nắm, ghì, phóng, lái, đè chặt", các động tác của ông rất chắc khỏe nhanh mạnh và đạt độ chính xác cao. Đoạn văn khiến người đọc liên tưởng ông đò như một viên tướng dũng mãnh cưỡi lên con tuấn mã mà tả đột hữu xung ngoài mặt trận. Vậy là một vòng trùng vi với bao cửa tử mà chỉ vài ngón đòn ông đò đánh sập vòng vây lũ đá, đồng thời làm cho bọn đá thua cuộc. Qua đó người đọc thấy ông lái đò hiện lên với vẻ đẹp trí dũng song toàn.
Ở trùng vi thạch trận thứ ba, sông Đà càng trở nên điên cuồng, dữ dội. Trận địa trên sông bày ra ít cửa hơn, bên trái bên phải đều là luồng chết, cái luồng sống thì nằm ngay ở giữa bọn đá hậu vệ, sông Đà quả thật lắm mưu mô. Đây là tuyến phòng ngự kiên cố cuối cùng cũng là phòng tuyến nguy hiểm, dữ dội quyết ngăn cản người lái đò đi qua. Có thể nói trận chiến này sông Đà đẩy người lái đò đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nam nhưng vào lúc “cái khó ló cái khôn”, ông lái đò biến chiếc thuyền sáu bơi chèo thành một mũi tên, còn ông giống như một cung thủ phóng thẳng thuyền chọc thủng cửa giữa. “Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước…”. Những hành động liên tiếp đã thể hiện thái độ bình tĩnh, chủ động, mưu trí cũng như sức mạnh thể lực của ông đò. Trong cuộc chiến đấu, ông còn bộc lộ sự thăng hoa, điêu luyện trong nghề nghiệp, với hình ảnh so sánh “thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước” đã tô đậm tốc độ nhanh, thuyền như bay trên mặt sóng. Sự xuất hiện của các động từ “xuyên”, “lái”, “lụa” gợi ra đường đi lắt léo của thuyền vừa miêu tả sự khéo léo thuần thục của ông đò làm các cánh cửa đã lần lượt bị kéo sập. Nghệ thuật lái thuyền của ông đò đến đây khiến người đọc hoàn toàn khâm phục. Đúng là ông lái đò đạt đến mức nghệ sĩ trong nghề nghiệp của mình. Phẩm chất nghệ sĩ trong con người lao động bình thường chính là điều mà Nguyễn Tuân khao khát kiếm tìm sau cách mạng tháng 8.
Trong “Người lái đò sông Đà”, sự tài hoa của Nguyễn Tuân thể hiện rõ nhất khi nhà văn miêu tả cuộc vượt thác như một trận đánh. Trong đó, sông đà như một con người có tính cách nham hiểm xảo quyệt đã bày trạch trận và giao nhiệm vụ cho mỗi hòn đá phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng và thủy thủ ngay ở chân con thác. Dòng sông càng hung bạo dữ dội bao nhiêu càng làm nổi bật trình độ điêu luyện và lòng dũng cảm của ông lái đò. Nói về tình yêu và sự gắn bó sâu nặng với quê hương của ông lái đò trong cuộc vượt thác. Ông đò rất dũng cảm nhưng trong đời thường cũng rất giàu tình cảm. Trong hành trình vượt thác trên sông Đà, ông buộc bu gà vào đuôi thuyền để có tiếng gà gáy để được nhớ ruộng, nhớ người bản làng, nỗi nhớ đời thường mà thi vị ấy đã hé mở tâm hồn giàu tình cảm gắn bó sâu nặng với quê hương của ông đò.
Nguyễn Tuân đích thị là một nghệ sĩ tài hoa là bậc thầy trong việc ngợi ca những người lao động trong gian lao, nguy hiểm nhưng đầy vinh quang. Điển hình là hình tượng người lái đò trong tùy bút người lái đò sông Đà với nhiều nét đẹp với phẩm chất nghệ sĩ trong nghề nghiệp và cả trong cuộc sống đời thường. Bằng việc sử dụng ngôn ngữ rất điêu luyện phong phú, câu văn đa dạng nhiều tầng nghĩa, hình ảnh mới lạ độc đáo , các phép tu từ được sử dụng sáng tạo bất ngờ, kiến thức được huy động ở nhiều lĩnh vực võ thuật, quân sự, thể thao. Qua đó nhà văn ca ngợi con người lao động Tây Bắc với nhiều phẩm chất cao quý đó là “chất vàng mười đã qua thử lửa”.
Người lái đò sông đà đã khắc họa thành công vẻ đẹp của ông lái đò. Vẻ đẹp của ông lái đò đã góp phần thể hiện phong cách tài hoa, uyên bác của Nguyễn Tuân cũng như tình yêu mến của nhà văn dành cho những con người lao động trong công cuộc chinh phục tự nhiên xây dựng đất nước.
Mời bạn tham khảo khóa học PAS THPT để được các thầy cô lên lộ trình học tập và ôn luyện sớm nhất nhé!
Qua bài viết này, VUIHOC đã cung cấp cho các em bài tham khảo dàn ý và phân tích bài Người lái đò sông Đà của tác giả Nguyễn Tuân. Hi vọng rằng có thể giúp các em thấy rõ được vẻ đẹp của quê hương đất nước và hình ảnh người lao động mà tác phẩm tuyệt vời này đem lại. Để tham khảo thêm các bài viết Soạn Văn 12 hơn các kiến thức của môn và các môn học khác thì các em hãy nhanh tay truy cập vào website vuihoc.vn hoặc đăng ký khoá học với các thầy cô giáo của VUIHOC ngay bây giờ nhé!
>> Mời các em xem thêm:
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/nguoi-lai-do-song-da-soan-a63242.html