Tương đồng và khác biệt giữa ballet cổ điển và ballet đương đại

Ballet là một vở kịch múa, dùng ngôn ngữ múa là động tác, điệu bộ, đội hình chuyển động trong âm nhạc,trong không gian, thời gian.Ballet đã hình thành và phát triển từ ballet cổ điển đến ballet đương đại. Bài viết nhằm chỉ ra những nét tương đồng và khác biệt giữa ballet cổ điển và ballet đương đại.

1. Ballet cổ điển

Múa phát triển theo chiều dài của lịch sử. Sân khấu múa được chứng tỏ một cách mạnh mẽ và phạm vi hoạt động của nó đã được lan rộng trong nhà hát thời Hy Lạp cổ đại. Khi đế chế La Mã chế ngự Hy Lạp, họ đã tiếp thu những giá trị của múa Hy Lạp và theo nó là những loại hình nghệ thuật mang tính nhà hát cùng với nền văn hóa cổ đại. Vào thời kỳ Trung cổ, dưới sự đàn áp của nhà thờ, nghệ thuật múa không thật sự nổi bật cho tới những năm cuối 1400 ở Ý, mặc dù vậy, nó vẫn giữ được vai trò của mình. Ballet truyền thống bắt nguồn từ Ý vào TK XV, nhưng lại được nở rộ ở Pháp, phát triển rực rỡ tại Nga, lan rộng và có ảnh hưởng mạnh mẽ trên toàn cầu.

Ballet có nguồn gốc từ tiếng Ý là: “balletto”, chính xác hơn là một dạng của “ballo” (múa) và sâu xa hơn từ tiếng Latin “ballere”, có nghĩa là múa. “Ballet cổ điển là một phong cách múa truyền thống mà tuân thủ kỹ thuật múa cổ điển. Nó được biết đến với tính thẩm mỹ và kỹ thuật khắt khe (như múa trên giày mũi cứng, độ mở của chân và độ dài rộng), sự trôi chảy, chuyển động chính xác và phẩm chất thanh tao của nó” (1).

Ballet cổ điển được mệnh danh là một loại hình nghệ thuật múa “bác học”, được sáng tác và dàn dựng với ngôn ngữ múa cổ điển châu Âu. Ballet cổ điển thuộc loại hình nghệ thuật không gian, thời gian và mang tính tích hợp, trong đó có sự kết hợp của các loại hình nghệ thuật khác như kịch, âm nhạc, mỹ thuật… Múa cổ điển châu Âu là hệ thống cơ bản, là bộ môn múa chính để hình thành nên một vở ballet cổ điển.

Múa cổ điển châu Âu đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển của nghệ thuật múa thế giới. Những vở ballet kinh điển như: Hồ Thiên Nga, Người đẹp ngủ, Kẹp hạt dẻ… với vẻ đẹp sang trọng, những kỹ thuật điêu luyện, những động tác bay bổng... đã làm ngây ngất hàng triệu con tim trên toàn cầu.

Để có một nền nghệ thuật sân khấu đỉnh cao như ngày hôm nay, các nhà nghiên cứu đã đúc kết, hệ thống, phát triển trên mọi lĩnh vực của loại hình nghệ thuật múa độc đáo này. Các dòng múa khác được xuất hiện, nhưng chúng đều xuất phát từ ballet cổ điển, lấy ballet cổ điển làm nòng cốt cho sự ra đời của các dòng múa đó. Từ múa cổ điển mới đến các trường phái múa hiện đại và những năm 1980, xuất hiện ballet đương đại.

2. Ballet đương đại

Ballet tân cổ điển

Trước khi trở thành ngôn ngữ, hệ thống kỹ thuật múa hiện đại, múa cổ điển châu Âu đã đi qua dòng múa mà ở thế giới gọi đó là: Neoclassic (múa tân cổ điển). “Thuật ngữ neoclasical ballet xuất hiện vào những năm 1920 với đoàn Ballets Russes của Sergei Diaghilev để đáp ứng với sự thái quá của chủ nghĩa lãng mạn và tính chất hiện đại. Nó được đúc kết từ các kỹ thuật tiên tiến của múa Hoàng gia Nga TK XIX, nhưng tước bỏ những chi tiết kể chuyện và trang trí rườm rà của sân khấu” (2).

Các diễn viên thường múa với những nhịp độ, tiết tấu nhanh, thực hiện những kỹ thuật tạo ra sự nhanh nhạy, linh hoạt, song cũng rất mượt mà, trôi chảy. Khoảng không trong ballet tân cổ điển thường hiện đại, phức tạp hơn nhiều so với ballet cổ điển.

Ballet tân cổ điển được chứng minh bằng những vở múa của biên đạo múa George Balanchine (1904-1983, người Grudia - Mỹ) trong TK XX. Ngoài Apollo (1928) được ông biên đạo tại Nga, thì các vở ballet tân cổ điển nổi tiếng khác của ông như: Concerto Barocco (1941), Four Temperaments (1946), Agon (1957) và Episodes (1959) đều được ông biên đạo ở New York (Mỹ). Balanchine đã sử dụng cổ tay gập xuống, không như trong ballet cổ điển là một đường thẳng từ cánh tay dưới qua cổ tay, đến ngón tay; bàn chân đôi khi được móc ngược lên và úp lại với những thế song song; trọng tâm được tách ra khỏi trục giữa; trang phục không phải là những chiếc váy tutu (loại váy trong múa ballet cổ điển) mà thay vào đó là những bộ quần áo bó sát với áo không tay. Có nhiều biên đạo múa khác biên đạo ballet tân cổ điển và không thể không nhắc đến Roland Petit (1924-2011, người Pháp) với vở múa Le jeune homme et la mort (Chàng trai trẻ và cái chết) (1946), Carmen (1949); John Cranko (1927-1973, người Nam Phi) với The Taming of the Shrew (Sự thuần hóa chuột chù) (1969); Kenneth MacMillan (1929-1992, người Anh) biên đạo Romeo and Juliet (Romeo và Juliet) (1965), L’histoire de Manon (Câu chuyện của Manon) (1974)…

Mượt mà và hiện đại, giữ lại giá trị thẩm mỹ trên giày mũi cứng, tránh nhiều tính kịch câm trong tác phẩm - đó là phong cách ballet tân cổ điển.

Bên cạnh ballet tân cổ điển là sự ra đời và phát triển của múa hiện đại. Song, sự hình thành những hệ thống kỹ thuật múa hiện đại và theo đó là các trường phái được tiến hành sau múa ballet tân cổ điển.

Múa hiện đại

“Múa hiện đại là một hình thức múa đã phát triển trong những năm đầu TK XX, một phần để phản ứng đối với truyền thống, mặt khác với hình thức kỹ thuật cao như trong múa ballet” (3).

Dù ở trường phái nào thì múa hiện đại cũng muốn xóa đi, thoát ra khỏi những gì chuẩn mực thuộc về ballet cổ điển nói chung và bộ môn Múa cổ điển châu Âu nói riêng để có những động tác phóng thoáng, tự do… Song, múa hiện đại vẫn dựa vào những yếu tố cơ bản của múa cổ điển châu Âu bởi đó là nền tảng, là cơ sở để hình thành và phát triển múa hiện đại. Múa hiện đại đã sử dụng các yếu tố của ballet cổ điển như độ bay, độ quay... và các kỹ thuật bê đỡ cơ bản trong múa đôi.

Các nhà hát, đoàn múa hiện đại hiện nay trên thế giới vẫn phát triển, luôn đáp ứng nhu cầu của khán giả, thậm chí là những nhà hát, đoàn múa lâu năm như Đoàn múa Martha Graham thành lập vào năm 1926, do chính Martha Graham (1894-1991, người Mỹ) sáng lập, sử dụng những kỹ thuật múa hiện đại do bà phát minh với nguyên tắc được gọi là “co và thả lỏng”. Đây là một trong bốn kỹ thuật múa hiện đại phổ biến trên thế giới.

Ballet đương đại

Ballet đương đại được dựa trên các yếu tố của ballet cổ điển và tân cổ điển. Diễn viên múa ballet đương đại luôn có nền tảng từ kỹ thuật ballet cổ điển, cùng với kỹ thuật của múa hiện đại họ tạo nên những chuyển động, phong cách cho bản thân họ.

Ballet đương đại là một thể loại múa được kết hợp giữa các yếu tố của múa ballet cổ điển và múa hiện đại. Nó sử dụng kỹ thuật của múa ballet cổ điển và trong nhiều trường hợp sử dụng cả những kỹ thuật trên giày mũi cứng, nhưng nó cho phép sự chuyển động phần thân trên cơ thể ở phạm vi rộng rãi hơn, không bị ràng buộc bởi quy tắc chặt chẽ về cơ thể và hình thức như trong truyền thống, ballet cổ điển. Nhiều thuộc tính của nó đến từ những ý tưởng và sự đổi mới của múa hiện đại TK XX, bao gồm cả những động tác trên mặt sàn và xoay vào trong của phần chân.

Như vậy, có thế thấy, ballet đương đại là sự phát triển từ ballet cổ điển, ballet tân cổ điển và là sự kết hợp với các yếu tố của múa hiện đại. Ballet đương đại chính thức hình thành vào những năm 1980 TK XX với những luật động, tổ hợp múa của ballet cổ điển và múa hiện đại.

Ballet đương đại có những đặc điểm chính như sau:

Kết hợp với mặt sàn: Yếu tố này bắt nguồn từ diễn viên, biên đạo múa hiện đại Martha Graham (1894-1991, người Mỹ). Diễn viên múa sẽ thực hiện các động tác múa trên mặt sàn thay vì những tư thế vươn thẳng như ballet cổ điển.

Biểu diễn trên đôi chân trần: Trong một số buổi biểu diễn ballet đương đại, các diễn viên múa biểu diễn bằng chân trần, không sử dụng giày múa ballet cổ điển, điều này cho phép họ chuyển động tự do hơn so với tuân thủ các quy tắc của ballet cổ điển. Tuy nhiên, nhiều biên đạo vẫn sử dụng múa trên giày mũi cứng trong tác phẩm múa của mình.

Các chuyển động của phần thân trên: Phần thân trên trong ballet đương đại chuyển động phóng thoáng, rộng rãi giống như trong múa hiện đại, không vươn thẳng, ngay ngắn như nguyên tắc trong ballet cổ điển.

Ngày nay, có nhiều nhà hát, các đoàn múa và biên đạo múa ballet đương đại trên toàn thế giới. Nổi lên là các nhà hát, đoàn múa như Nhà hát Dans Nederlands (Hà Lan), Hubbard Street Dance Chicago (Chicago, Mỹ), Ballet đương đại Complexions (New York, Mỹ), Ballet Alonzo King LINES (San Francisco, Mỹ)... Bên cạnh đó, có nhiều nhà hát, đoàn múa ballet cổ điển cũng thường xuyên biểu diễn các tác phẩm ballet đương đại. Diễn viên múa ballet chuyên nghiệp đều phải linh hoạt, thích ứng, họ có thể biểu diễn các tác phẩm múa từ cổ điển đến tân cổ điển, ballet đương đại đến múa hiện đại.

3. Sự tương đồng và khác biệt giữa ballet cổ điển và ballet đương đại

Từ những đặc trưng đã nêu, có thể thấy ballet cổ điển và ballet đương đại có sự tương đồng và có sự khác biệt qua bảng so sánh cụ thể dưới đây:

Ballet đã hình thành, phát triển qua nhiều thế kỷ, từ ballet cổ điển và đến nay là dòng múa ballet đương đại. Hành trình của kỹ thuật múa ballet đã thay đổi và thế giới ballet đương đại ngày càng mở rộng, tiếp tục phát triển theo thời gian. Mặt khác, luôn phải giữ gìn ballet cổ điển để tồn tại, giới thiệu và thu hút người hâm mộ, đặc biệt là giới trẻ để họ hiểu sâu hơn về nghệ thuật hàn lâm này. Ballet nói chung đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội và là thước đo đưa khán giả đến thẩm mỹ của thời đại.

_____________________

1. Ю.Н.Григорович, Балет энциклопедия, (Ballet bách khoa toàn thư), Мoscow, Nga, 1981.

2. Neoclassical ballet, (Ballet tân cổ điển), en. wikipedia.org.

3. What is modern dance?, (Múa hiện đại là gì?), newworldencyclopedia.org.

TS LÊ HẢI MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 527, tháng 3-2023

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/mua-ballet-la-gi-a59393.html