Bài viết này sẽ giải đáp về cách Đế chế thứ 2 được hình thành (hay cách nước Phổ đã thống nhất toàn nước Đức), góp phần lý giải nguyên nhân tại sao Đức bị coi là lò lửa trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ XX.
Nước Phổ đã thống nhất toàn Đức như thế nào?
Quá trình đấu tranh thống nhất Đức, thành lập Đế chế thứ 2 (Second Reich) chính là quá trình Vương quốc Phổ tự đổi mới, đấu tranh/chiến tranh với các tiểu quốc khác, và các cường quốc châu Âu để giành quyền kiểm soát toàn bộ Đức. Đó là quá trình mà Phổ sử dụng toàn bộ các phương thức, biện pháp trên mọi lĩnh vực khác nhau.
Thứ nhất, tận dụng lợi thế về kinh tế. Nhận thức được nhu cầu phải thống nhất kinh tế, cũng như phát triển theo hướng hiện đại vì cách mạng công nghiệp đã bùng nổ ở Anh và châu Âu cuối thế kỷ XVIII, giới tư sản Phổ đã thực hiện nhiều cải cách khác nhau.
Về thuế quan, Phổ thành lập Liên minh thuế quan (Zollverein) năm 1833 để thống nhất mọi đơn vị tiền tệ, đo lường, và rộng hơn là kinh tế của Phổ và các tiểu quốc đồng minh. Liên minh này giúp Phổ lần lượt tạo lập ảnh hưởng về thương mại, kinh tế so với các vương quốc Đức khác và từ đó trở thành tâm điểm trong quá trình thống nhất Đức.
Phổ tiến hành nhiều cải cách, công nghiệp hóa nền kinh tế. Ngành công nghiệp quan trọng giai đoạn này là khai mỏ, cơ khí, giao thông (xây dựng đường xe lửa) và Phổ đều đạt được những thành tựu lớn. Năm 1870, sản lượng than của Phổ đã đứng thứ hai thế giới (sau Anh). Sản lượng gang tăng từ 225.000 tấn lên 1,4 triệu tấn (1850-1870). Khai thác sắt tăng từ 1,4 triệu tấn lên 4,3 triệu tấn (1860-1871). Năm 1870, chiều dài đường sắt toàn Đức là 18.560 km. Điều đó giúp Phổ vượt trội hoàn toàn so với các tiểu quốc Đức, kẻ thù Áo, và thậm chí là Pháp trong việc cạnh tranh quyền lực để thống nhất Đức.
Thứ hai, sử dụng quân bài dân tộc chủ nghĩa để lôi kéo tư tưởng người dân.Phổ đã triệt để lợi dụng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc để tiến hành thống nhất Đức, thành lập Đế chế thứ 2. Tinh thần dân tộc Đức được khơi nguồn từ lòng kiêu hãnh, tự hào về dòng dõi hiệp sĩ cao quý của quý tộc Phổ trong những năm đầu thế kỷ XIX và được kích động trong suốt thế kỷ XIX bằng nhiều hoạt động khác nhau. Đại biểu Phổ trong Nghị viện Frankfurt cổ xúy tư tưởng này với việc giải quyết câu hỏi: Đâu là nước Đức hoặc biên giới của nước Đức bao gồm những vùng đất nào? Phổ nhấn mạnh biên giới Đức không bao gồm Áo mà chỉ gồm những phần lãnh thổ có người Đức sinh sống. Phổ tổ chức các câu lạc bộ thể dục, sinh viên, công nhân để qua đó truyền bá tư tưởng yêu nước, khát khao thành lập một nước Đức thống nhất. Phổ cũng thiết kế 1 lá cờ mới để giương cao ngọn cờ dân tộc Đức. Điều đó cùng với vấn đề tôn giáo được kích động để nhen nhóm chủ nghĩa Sô vanh Đức. Và đó cũng là cơ sở để Hitler sau này tiếp tục khơi dậy chủ nghĩa Sô vanh Đức trong giai đoạn phát xít cầm quyền và gây ra thế chiến lần thứ hai.
Thứ ba, cải cách về quân sự. Phổ vốn tự hào về sức mạnh quân sự trong thế kỷ XVIII, nhưng sức mạnh ấy bị lạc hậu và yếu kém trước quân đội hiện đại của Napoleon đầu thế kỷ XIX. Do đó, chính phủ Phổ nhận thức rõ phải cải cách quân đội để bắt kịp nước khác và cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Âu.
Cải cách đầu tiên là thay đổi tư duy và cách nhìn nhận của chính phủ và người dân về quân đội thông qua việc nâng cao trình độ học vấn của binh lính. Phổ đưa giáo dục đến với từng người lính để đảm bảo họ có được trình độ tư duy nhất định trước khi bước vào huấn luyện quân sự. Thăng tiến trong quân đội cũng dựa vào tài năng, kết quả trực tiếp chứ không phải dựa vào dòng dõi như trước đây.
Cải cách thứ 2 là xây dựng lực lượng dự bị đông đảo bên cạnh quân đội thường trực, chuyên nghiệp. Đó là sự xuất hiện của 2 hệ thống quân sự ở địa phương: Landwehr và Landsturm.Đây thực chất là việc duy trì lực lượng quân đội đông đảo ở cấp địa phương với thời gian phục vụ 12-16 năm, tức là đào tạo đội ngũ dự bị chiến lược trong thời bình và có thể nhanh chóng huy động trong thời chiến nhằm chuẩn bị cho chiến tranh tổng lực.
Cải cách thứ 3 liên quan đến chất lượng và tính hiện đại của vũ khí. Súng trường có rãnh xoắn thay thế hoàn toàn hoặc cải biến những súng nòng trơn, dẫn đến hiệu quả bắn vượt trội hơn hẳn. Năm 1867 Phổ đã sản xuất những đại bác Krupp rãnh xoắn nạp đạn hậu với tầm bắn xa hơn, tốc độ nhanh hơn và chính xác hơn. Trong chiến tranh Áo - Phổ (1866), một sĩ quan Áo đã thừa nhận sự bất lực trước sức mạnh của vũ khí Phổ như sau: Chúng tôi đã làm hết những gì có thể mong muốn ở một người lính dũng cảm, nhưng không ai có thể ngăn nổi hỏa lực nhanh và mạnh như vậy.
Cải cách thứ 4 là về chiến thuật chiến tranh. Phổ từ bỏ lối đánh tuyến hàng ngang truyền thống với kỵ binh hỗ trợ để tối đa hóa sử dụng hỏa lực mạnh trong việc công phá và tiêu diệt kẻ thù.
Thứ tư, gây chiến tranh thống nhất Đức.Thủ tướng Phổ Bismarck đã tuyên bố trước Nghị viện rằng “Những vấn đề lớn hiện nay không thể giải quyết bằng diễn văn hay nghị quyết của đa số - những sai lầm của năm 1848 và 1849 - mà bằng sắt và máu”. Để thống nhất Đức, Phổ đã lần lượt gây ra các cuộc chiến tranh với các cường quốc châu Âu khác nhau. Ban đầu, Phổ chịu thất bại trong Chiến tranh Crimea (1853-1856) khi sức mạnh tổng hợp chưa đầy đủ. Nhưng đến năm 1863, Phổ lôi kéo Áo và các tiểu quốc Đức khác gây chiến với Đan Mạch, giành thắng lợi và đòi lại vùng đất Schleswig, Holstein. Sau khi chiến tranh với Đan Mạch kết thúc, Bismarck đã khẳng định rằng: “Tương lai nước Đức nằm dưới chiếc mũ Pickelhaube của quân đội Phổ”[1].
Năm 1867, Phổ nâng cấp mức độ chiến tranh khi khai chiến với cường quốc hạng 2 châu Âu là Áo. Chỉ trong vòng 3 tuần chiến tranh, quân đội Áo đã thất bại, thủ đô Vienna đã nằm dưới sự kiểm soát của Phổ. Ngày 23-8-1866, Hiệp ước Prague được kí kết, Áo chấp nhận từ bỏ chủ quyền ở Holstein, Vience, rời khỏi Liên hiệp Đức và bồi thường chiến tranh. Sau chiến tranh, một loạt tiểu quốc Đức đã quy thuận Phổ, dẫn đến sự ra đời của Liên bang Bắc Đức gồm có 21 vương quốc.
Bước thứ 3 là năm 1870 Phổ gây chiến với một cường quốc hàng đầu châu Âu là Pháp để chinh phục nốt những vương quốc còn lại. Thủ tướng Phổ Bismarck đã thực hiện nhiều thủ đoạn ngoại giao khiến Pháp tuyên bố chiến tranh trước vào ngày 23-8-1870. Phổ đã giành thắng lợi trong vòng 7 tuần và buộc chính phủ Pháp phải tìm cách đàm phán, kết thúc chiến tranh. Ngày 10-5-1871, Hiệp ước Frankfurt đã được ký kết, Pháp phải trả 5 tỷ francs bồi thường chiến phí, mất phần lớn Alsace (trừ vùng Belfort) và 1/3 của Lorraine, chấp nhận bị chiếm đóng các tỉnh miền Đông cho đến khi trả hết chiến phí. Đế chế Đức - cường quốc với diện tích khoảng 540.000 km2 và dân số là 41 triệu người đã xuất hiện trên bản đồ chính trị thế giới và trở thành nỗi khiếp sợ của châu Âu bởi sức mạnh quân sự cũng như tính hiếu chiến, quân phiệt của nó.
Những hình ảnh về cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ảnh: baotintuc.vnĐế chế thứ 2 - lò lửa chiến tranh ở châu Âu
Nước Đức được thống nhất năm 1871 thông qua một loạt các cuộc chiến tranh vương triều, quân phiệt hiếu chiến. Yếu tố quân sự trở thành điểm nhấn đặc biệt trong sức mạnh của Đế chế Đức. Tính hiếu chiến trở thành một nét nhấn, đặc trưng cho sức mạnh của Đế chế Đức, và là nguồn cội cho những căng thẳng, xung đột ở châu Âu và thế giới, dẫn đến chiến tranh thế giới.
Đế chế thứ 2 ra đời là một quốc gia thống nhất ở giữa lòng châu Âu, và là đối trọng đáng gờm với nhiều cường quốc khác. Từ trung tâm Phổ, kinh tế Đức từng bước được công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cách mạng công nghiệp. Sức mạnh kinh tế được cụ thể hóa trong các cuộc chiến tranh khi Phổ có thể đảm bảo nguồn lực hậu cần dồi dào phục vụ chiến tranh. Đức trở thành cường quốc về kinh tế ở châu Âu khi tận dụng thành công thành tựu của cách mạng công nghiệp. Ngược lại, Anh mải mê phát triển thương mại, Pháp bị lạc hậu về công nghệ còn Nga thì chưa đạt đến tầm của một quốc gia tư bản hoàn chỉnh.
Một nước Đức hiếu chiến, thống nhất qua 3 cuộc chiến tranh với 3 cường quốc hạng 3 (Đan Mạch), hạng 2 (Áo) và hạng 1 (Pháp) trở thành mối đe dọa của toàn châu Âu. Anh, Nga lo sợ Đức quá vượt trội nên đã can thiệp về mặt ngoại giao để chiến tranh Pháp-Phổ chấm dứt năm 1871; nhưng Phổ nói riêng và Đức nói chung chưa thỏa mãn. Sau đó, Hoàng đế Phổ-Đức Wilhelm I và Thủ tướng Bismarck luôn tìm cách gây hấn với Pháp. Điều đó cùng với việc gia tăng nhu cầu xâm lược thuộc địa để phục vụ mục tiêu tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa, nơi cung cấp nguyên nhiên liệu cho cách mạng công nghiệp khiến Đức đối đầu, gây hấn với hàng loạt cường quốc châu Âu khác. Cuối cùng, vì nhiều lý do khác nhau, hai khối Liên minh (Đức, Áo-Hung, Ottoman) và Hiệp ước (Anh, Pháp, Nga) đã hình thành và trực tiếp đối đầu nhau trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Với sức mạnh kinh tế, quân sự vốn có cùng tư tưởng hiếu chiến, Đế chế Đức đã trở thành nỗi sợ hãi của châu Âu và thành lò lửa chiến tranh. Trong đó, mâu thuẫn Pháp - Đức là không thể điều hòa. Do đó, ngay sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, Pháp đòi khai mạc hội nghị Paris ngày 18-1-1919 tại chính Versailles để bàn về vấn đề buộc tội Đức sau chiến tranh. Hiệp ước Versailles được ký kết khiến Đức bị buộc tội, phải bồi thường số tiền khổng lồ, bị hạn chế tối đa về quân sự, bị mất nhiều lãnh thổ quan trọng, toàn bộ thuộc địa nên đã nuôi tư tưởng hận thù, chuẩn bị gây chiến tranh phục thù. Mâu thuẫn tiếp nối mâu thuẫn và Hitler đã lợi dụng điều đó kích động chủ nghĩa phát xít, thành lập Đế chế thứ ba, gây ra Chiến tranh thế giới thứ Hai.
TS TRẦN NGỌC DŨNG - Viện Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/lich-su-nuoc-duc-a59204.html