Vừa bước sang ngày 1.7.1997, Hồng Kông được Anh trao trả cho Trung Quốc, kết thúc thời kỳ thuộc địa và mở ra một giai đoạn mới được quản lý bởi chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh. Theo thỏa thuận, giai đoạn này sẽ kéo dài 50 năm (1997 - 2047) và Hồng Kông, với tư cách là đặc khu hành chính của Trung Quốc, sẽ được hưởng một số quyền tự trị và tự do nhất định. Hôm nay, khi lễ kỷ niệm một nửa chặng đường ấy diễn ra, người Hồng Kông sẽ đối mặt thực tế và những dấu hỏi về tương lai.
Người dân vẫy quốc kỳ Trung Quốc và khu kỳ Hồng Kông để kỷ niệm 25 năm ngày Anh trao trả
AFP
Theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, Hồng Kông được duy trì hệ thống lập pháp, hành pháp, tư pháp từ thời thuộc địa và độc lập với Trung Quốc đại lục, trong khi người dân đặc khu có thể tiếp tục lối sống như cũ. Mức độ tự trị cao ở Hồng Kông đã góp phần củng cố vị thế của thành phố với tư cách một trung tâm tài chính toàn cầu và là một trong 4 “con hổ” kinh tế châu Á (bên cạnh Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore).
“Ban đầu, thay đổi lớn nhất chính là không có thay đổi nào. Trong khoảng 20 năm, Hồng Kông đã duy trì được một mức độ tự trị tương đối, một nền báo chí tự do và một xã hội dân sự”, ông Ian Johnson, học giả cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR, trụ sở ở Mỹ), nói với Thanh Niên.
Chủ tịch Tập Cận Bình: Hồng Kông trỗi dậy từ 'đống tro tàn'Tuy nhiên, sau thời kỳ trăng mật, Hồng Kông đã liên tục chứng kiến những biến động lớn trong đời sống chính trị, xã hội và cùng lúc Bắc Kinh ngày càng mở rộng ảnh hưởng đối với đặc khu này. Sự bất mãn với chính quyền đặc khu đã bùng nổ thành phong trào biểu tình kéo dài 79 ngày vào năm 2014, hay còn được gọi là “Cách mạng dù”. Đến năm 2019, các cuộc biểu tình chống chính quyền, xuất phát từ việc phản đối một dự luật dẫn độ, đã kéo dài suốt nửa năm. Kể cả sau khi dự luật gây tranh cãi bị rút lại, phong trào này vẫn tiếp diễn và thường xuyên dẫn đến đụng độ bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát.
Tình thế trên đã thúc đẩy chính quyền trung ương hành động. Vào tháng 6.2020, Bắc Kinh thông qua luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông, cấm các hành vi ly khai, lật đổ, khủng bố và cấu kết với thế lực nước ngoài. Luật này trao nhiều quyền cho một lực lượng cảnh sát đặc biệt, dẫn đến việc bắt giữ hơn 100 chính trị gia đối lập, nhà hoạt động, và chủ sở hữu các kênh truyền thông, theo South China Morning Post.
Bắc Kinh sau đó tiến hành thay đổi hệ thống bầu cử ở Hồng Kông để đảm bảo chỉ có những “người yêu nước” lãnh đạo thành phố. Hội đồng Lập pháp Hồng Kông (LegCo) được mở rộng từ 70 lên thành 90 ghế, nhưng số thành viên được bầu trực tiếp đã giảm từ 35 xuống còn 20. Có 40 ghế sẽ được chọn bởi Ủy ban Bầu cử, nơi hầu hết thành viên được cho là trung thành với Bắc Kinh. Sau cuộc bầu cử vào tháng 12.2021, LegCo gần như không còn phe đối lập.
Theo ông Johnson, sự thay đổi ở Hồng Kông diễn ra rõ nhất trong 5 năm qua kể từ sau khi bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhậm chức đặc khu trưởng vào năm 2017.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hồng Kông
AFP
Theo các chuyên gia, những diễn biến ở Hồng Kông trong vài năm qua cho thấy giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải dường như ngày càng thiếu kiên nhẫn trong việc quản lý Hồng Kông. “Tôi nghĩ Bắc Kinh ngày càng không khoan nhượng đối với bất ổn chính trị ở Hồng Kông và thậm chí có thể lo lắng rằng những thách thức chính trị ở đặc khu này có thể lan sang các vùng còn lại ở Trung Quốc”, tiến sĩ Lưu Đông Thư, nhà nghiên cứu về chính trị Trung Quốc tại Đại học Thành phố Hồng Kông (CityU), nói với Thanh Niên.
Theo tiến sĩ Lưu, thách thức lớn nhất đối với Hồng Kông hiện nay là cân bằng giữa hai nhu cầu: một bên là tiếp tục duy trì vị thế thành phố quốc tế của Hồng Kông và một bên là bảo đảm trật tự chính trị mà chính quyền trung ương ở Bắc Kinh cần có tại đặc khu này. Do đó, ông cho rằng Trung Quốc có lẽ đang hy vọng tách biệt các vấn đề chính trị và phi chính trị tại Hồng Kông. “Đối với các vấn đề chính trị, họ sẽ cố gắng nghiêm khắc, trong khi đối với các vấn đề phi chính trị, họ sẽ cố gắng cởi mở và cho Hồng Kông nhiều quyền tự trị hơn như nơi này từng có. Vấn đề là liệu kế hoạch này có khả thi hay không”, ông Lưu nói.
Trong khi đó, chuyên gia Johnson, người từng giành giải Pulitzer cho các bài viết về Trung Quốc, cho rằng Hồng Kông vẫn là thành phố toàn cầu nhưng chỉ khu trú trong lĩnh vực tài chính. Theo ông, so với Thượng Hải, Hồng Kông vẫn có thị trường trái phiếu, chuyên môn kế toán... phát triển hơn nên đặc khu này vẫn quan trọng đối với các công ty Trung Quốc muốn niêm yết trên thị trường chứng khoán quốc tế. “Tuy nhiên, Hồng Kông sẽ không còn là cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới bên ngoài, cũng như không còn là một trung tâm văn hóa hay quyền lực mềm nữa”, ông nhận định.
Trung Quốc nhấn mạnh “một quốc gia, hai chế độ”
Truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục ca ngợi chính sách “một quốc gia, hai chế độ” trước thềm kỷ niệm 25 năm ngày Hồng Kông được Anh trao trả. Trong bài bình luận ngày 28.6, Tân Hoa xã nói chính sách này “đã được chứng minh là đáp án tốt nhất cho câu hỏi lịch sử về Hồng Kông và là thể chế ưu việt nhất để đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hồng Kông sau khi trở về”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Hồng Kông bằng đường sắt cao tốc vào chiều 30.6. Phát biểu tại lễ đón được tổ chức với an ninh thắt chặt, ông nói: “Hồng Kông đã vượt qua các bài kiểm tra khắc nghiệt hết lần này lượt khác, vượt qua hết thử thách này đến thử thách khác. Sau phong ba bão tố, Hồng Kông đã vươn lên từ tàn tro”. Cũng theo nhà lãnh đạo, thực tế đã chứng minh sức mạnh lớn lao của chính sách “một quốc gia, hai chế độ”, nền tảng đảm bảo sự thịnh vượng và ổn định lâu dài của Hồng Kông, Tân Hoa xã tường thuật.
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Tập rời đại lục kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020. Trong hôm nay 1.7, ông sẽ dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, cũng như chứng kiến lễ nhậm chức của tân đặc khu trưởng Lý Gia Siêu.
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/hongkong-thuoc-nuoc-nao-a59116.html