Nhộng tằm có lợi ích gì với sức khỏe? Cách ăn ngon và an toàn
Nhộng tằm có vị béo bùi đặc trưng và rất bổ dưỡng. Nhưng từ một món ăn thơm ngon, bổ dưỡng, nhộng tằm có thể trở thành chất độc gây hại cho sức khỏe nếu lạm dụng. Bạn có đang ăn đúng cách không? Nhộng tằm có lợi ích gì với sức khỏe?
Nhộng tằm là gì?
Trong vòng đời con tằm dâu, nhộng tằm là giai đoạn thứ ba trong bốn giai đoạn: trứng - sâu - nhộng tằm - sâu bướm. Nhộng tằm có đầy đủ các bộ phận cơ bản của một con tằm trưởng thành, nhưng chưa đủ các phần phụ. Nhộng tằm chỉ sống bằng thức ăn dự trữ và không ăn uống gì.
Trong y học cổ truyền nhộng tằm có vị ngọt, mặn, béo, tính bình, không độc. Có tác dụng nhuận tràng, cũng là một vị thuốc bổ tương đương với sâm nhung. Trong đời sống, nhộng tằm được sử dụng làm món ăn bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể.
Nhộng tằm chứa nhiều chất dinh dưỡng. Trong 100g nhộng tằm cung cấp tới 206 calo, chứa 79.7g nước, 13g chất đạm, 6.5g lipid, nhiều vitamin và khoáng chất A, B1, B2, PP, C, canxi, phốt pho, valin, tyrosin, tryptophan,... mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Lợi ích của nhộng tằm
Nhiều người thích ăn nhộng tằm vì hương vị bùi béo đặc trưng. Ngoài ra, thành phần thực phẩm này còn cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe. Dưới đây là một số lợi ích từ nhộng tằm:
Ngăn ngừa còi xương ở trẻ: Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhộng tằm có chứa nhiều canxi và photpho cần thiết cho sự phát triển, chống suy dinh dưỡng, còi xương ở.
Có lợi cho người bệnh thận: Người bị thận yếu, tiểu tiện nhiều lần, táo bón, có thể ăn nhộng tằm tằm để bồi bổ sức khỏe.
Tốt cho người bệnh khớp: Nhộng tằm còn rất hữu ích trong việc điều trị các bệnh về xương khớp. Nhộng tằm chứa nhiều canxi và phốt pho nên ăn thường xuyên sẽ giảm các triệu chứng của bệnh.
Tăng cường sinh lực nam giới: Dịch từ nhộng tằm chứa một lượng lớn axit amin arginine. Đây là tiền chất giúp tổng hợp oxit nitric, tăng cường sinh lực nam giới.
Một số món ngon từ nhộng tằm
Nhộng tằm rang lá chanh
Nguyên liệu:
300g nhộng tằm;
10 lá chanh;
3g hành tím băm;
1 muỗng súp dầu ăn;
1 muỗng cà phê nước mắm;
1/4 muỗng cà phê muối;
1/2 muỗng cà phê hạt nêm;
1/2 muỗng cà phê bột ngọt;
1/2 muỗng cà phê tiêu xay.
Cách làm:
Nhộng tằm rửa sạch, ngâm nước muối pha loãng khoảng 5 phút, đổ ra rổ cho ráo nước.
Ướp nhộng tằm với nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, tiêu khoảng 15 phút cho ngấm gia vị.
Lá chanh rửa sạch, thái nhỏ.
Làm nóng dầu ăn, phi thơm hành tím. Sau đó đổ nhộng tằm vào xào nhanh tay cho săn lại.
Thêm lá chanh vào, đảo thêm 2 phút, nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
Nhộng tằm chiên xù
Nguyên liệu:
500g nhộng;
100g bột chiên xù;
2 quả trứng gà;
1 gói bột cà ri;
1 muỗng cà phê hạt nêm;
50g rau cải xanh;
Dầu ăn.
Cách làm:
Nhộng tằm rửa sạch và để ráo.
Đập trứng vào tô, thêm gia vị, cà ri và khuấy đều.
Nhúng nhộng tằm vào trứng, lăn qua bột chiên xù rồi chiên ngập dầu đến khi vàng giòn.
Nhộng chín cho ra đĩa ăn với rau cải xanh.
Nhộng tằm xào măng
Nguyên liệu:
200g nhộng;
200g măng chua;
Hành, tỏi, ớt, ngò gai;
Dầu ăn, giấm gạo, đường, nước mắm, tiêu, hạt nêm.
Cách làm:
Nhộng tằm rửa sạch, để ráo nước, trộn với giấm gạo ngâm rồi vớt ra để ráo.
Ướp nhộng tằm với 1 muỗng hành, tỏi xay, chút tiêu, đường, gia vị.
Măng chua rửa qua với nước, vắt ráo nước, thái miếng nhỏ vừa ăn.
Ngò gai rửa sạch, cắt nhỏ.
Cho hành tỏi vào chảo phi thơm, cho nhộng tằm vào xào. Tiếp tục cho dầu vào, đảo đều.
Cho măng chua vào, nêm chút nước mắm, trộn đều cho thấm gia vị, nêm nếm lại cho vừa ăn rồi tắt bếp, thêm ngò gai, ớt cắt nhỏ lên trên và thưởng thức.
Lưu ý khi ăn nhộng tằm
Nhộng tằm là món ăn ngon, bổ nhưng khi ăn món ăn này cần chú ý dị ứng, ngộ độc. Các bệnh viện hàng năm vẫn tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc, sốc phản vệ sau khi ăn nhộng tằm phải điều trị khẩn cấp. Nhiều người có cảm giác buồn nôn, khó thở sau khi ăn nhộng tằm. Trường hợp nặng, người bệnh nổi mẩn đỏ khắp người, đau bụng, buồn nôn, ớn lạnh, tụt huyết áp,… Nếu không được cấp cứu nhanh chóng, có thể gây tử vong.
Ngộ độc nhộng tằm có thể do ăn phải nhộng tằm đã ôi thiu lâu ngày, chất đạm trong thức ăn bị phân giải thành chất độc hoặc nhộng tằm bị ngâm hóa chất. Cũng có một số người bị phản ứng phản vệ với peptide trong tằm hoặc dị ứng với natri sulfite mà người bán hàng sử dụng để bảo quản thực phẩm. Có một số điều cần lưu ý để tránh ngộ độc nhộng tằm như sau:
Những người có cơ địa dễ dị ứng nên cẩn thận với loại thực phẩm này.
Không ăn nhộng tằm để lâu ngày. Nhộng tằm tươi có màu vàng óng, các đốt trên thân không lỏng lẻo. Còn nhộng tằm để lâu ngày ngả màu vàng nhạt, có thể thâm đen, các đốt trên thân rời rạc, không khít.
Không ăn nhộng tằm sống, chưa rửa sạch hoặc chưa chế biến. Không chế biến nhộng tằm với các loại hải sản khác để tránh ngộ độc hoặc dị ứng.
Bệnh nhân gút không được ăn nhộng tằm, vì thực phẩm này chứa nhiều đạm, ăn vào dễ tái phát cơn đau.
Mặc dù nhộng tằm rất bổ dưỡng nhưng không nên ăn quá nhiều vì hàm lượng dinh dưỡng quá nhiều khiến cơ thể khó hấp thụ gây đầy hơi, khó tiêu.
Đối với trẻ nhỏ, nên cho trẻ thử ăn một ít nhộng tằm trước để kiểm tra phản ứng. Nếu trẻ không có dấu hiệu dị ứng thì lần sau cho trẻ ăn lại.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, mỗi tháng chỉ ăn nhộng tằm khoảng 2 - 3 lần.
Nhộng tằm chứa nhiều đạm nên khó bảo quản được lâu. Nếu bảo quản không đúng cách, protein sẽ phân hủy thành các chất độc hại không tốt cho cơ thể. Tằm mua về phải được chế biến, nấu chín ngay trong ngày hoặc bảo quản ở 0 - 5 độ C.
Tóm lại, nhộng tằm là thực phẩm bổ dưỡng, nhất là đối với người già, người gầy yếu thiếu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều, chỉ nên cho ăn 2 - 3 lần/tháng và cần lưu ý khi bảo quản, sơ chế cẩn thận để tránh ngộ độc.
Xem thêm:
7 loại thực phẩm giúp làm dài mi thần kỳ
Thực phẩm giàu nước nào cần ưu tiên bổ sung cho cơ thể?