Bệnh trĩ là tình trạng giãn tĩnh mạch ở hậu môn và trực tràng dưới. Búi trĩ là các đám rối mạch máu trong ống hậu môn, khi máu không được lưu thông ứ đọng lại, tĩnh mạch căng và giãn dần. Các tĩnh mạch căng phồng sẽ đẩy niêm mạc ống trực tràng giãn theo. Thành mạch mỏng và căng, máu có thể dễ dàng thẩm thấu ra bên ngoài, khi nhìn sẽ thấy niêm mạc sa xung huyết và dễ vỡ.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Dương Xuân Lộc, bác sĩ Ngoại tiêu hóa, khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Nguyên nhân gây bệnh trĩ và yếu tố nguy cơ
Táo bón và tiêu chảy đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ. Khi rặn mạnh, áp lực lên các tĩnh mạch sẽ tăng cao, dẫn đến tình trạng căng giãn và ứ đọng máu.
Chế độ ăn uống thiếu hụt chất xơ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Thừa cân và béo phì là những yếu tố làm gia tăng tần suất bệnh trĩ.
Áp lực ổ bụng tăng cao do lao động nặng (khuân vác, cử tạ, chơi quần vợt...), đứng lâu hoặc ngồi nhiều (như thư ký, thợ may, nhân viên bán hàng), khiến máu khó lưu thông về tim, dẫn đến giãn tĩnh mạch hậu môn.
U ở vùng tiểu khung, bao gồm u đại trực tràng, u tử cung và thai lớn, có thể gây cản trở lưu thông máu tĩnh mạch trở về tim, dẫn đến giãn tĩnh mạch.
Xem thêm: Bệnh trĩ từ A đến Z: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị hiệu quả
2. Phân loại bệnh trĩ
Bệnh trĩ được chia thành hai dạng chính: bệnh trĩ nội (internal hemorrhoids) và bệnh trĩ ngoại (external hemorrhoids):
Trĩ ngoại là tình trạng các búi trĩ xuất hiện bên dưới đường lược, còn gọi là đường hậu môn - trực tràng. Búi trĩ được bao bọc bởi một lớp biểu mô vảy (squamous epithelium) và nằm ngay dưới da bao quanh hậu môn.
Trĩ nội là tình trạng búi trĩ xuất hiện phía trên đường lược hậu môn, được bao bọc bởi niêm mạc và lớp biểu mô chuyển tiếp (transitional epithelium).
Phân độ bệnh trĩ dựa trên vị trí và mức độ sa ra ngoài của búi trĩ:
Trĩ độ 1: Búi trĩ nằm hoàn toàn bên trong ống hậu môn.
Trĩ độ 2: Trong trạng thái bình thường, búi trĩ nằm gọn bên trong ống hậu môn. Khi rặn đi cầu, búi trĩ có thể thập thò hoặc lòi ít ra ngoài. Sau khi đi đại tiện và đứng dậy, búi trĩ sẽ tự thụt trở lại vào trong.
Trĩ độ 3: Khi đi đại tiện, di chuyển nhiều, ngồi xổm hoặc vận động nặng, búi trĩ sẽ sa ra ngoài hậu môn. Để búi trĩ tự thụt vào, người bệnh cần nằm nghỉ ngơi một lúc hoặc dùng tay nhẹ nhàng đẩy vào.
Trĩ độ 4: Búi trĩ luôn sa ra ngoài ống hậu môn.
3. Dấu hiệu bệnh trĩ
3.1 Triệu chứng cơ năng
Đi ngoài ra máu là dấu hiệu bệnh trĩ khá phổ biến và thường khiến người bệnh lo lắng. Máu có màu đỏ tươi, chảy nhỏ giọt hoặc chảy thành tia sau khi bệnh nhân đi đại tiện, có thể xuất hiện khi va chạm nhẹ, chảy máu kéo dài và thường xuyên, nguy cơ gây thiếu máu do bệnh trĩ.
Ban đầu, búi trĩ chỉ sa ra ngoài ống hậu môn khi bệnh nhân đi đại tiện, đi bộ hoặc ngồi xổm lâu và tự co lên được. Về sau, người bệnh cần dùng tay đẩy búi trĩ mới lên được. Cuối cùng, búi trĩ thường xuyên sa ra ngoài.
Cảm giác ngứa ran hoặc kích thích ở hậu môn do dịch nhầy tiết ra từ lớp niêm mạc bên trong ống hậu môn.
Cảm giác đau hoặc khó chịu ở vùng hậu môn, mức độ dao động từ không đau, hơi đau đến rất đau, có thể do các nguyên nhân như nứt hậu môn, tắc nghẽn hoặc co thắt hậu môn.
Sưng tấy vùng hậu môn.
3.2 Triệu chứng thực thể
Việc thăm khám trực tràng là một bước quan trọng không thể thiếu trong quá trình khám hậu môn trực tràng, đặc biệt là khi nghi ngờ mắc bệnh trĩ. Việc thăm khám trực tràng không chỉ giúp bác sĩ sờ thấy búi trĩ (mềm, ấn vào xẹp) để chẩn đoán, mà còn giúp phát hiện các bệnh lý khác gây nên triệu chứng trĩ (như ung thư trực tràng) và đánh giá sơ bộ trương lực cơ thắt hậu môn.
Yêu cầu bệnh nhân rặn đại tiện trong tư thế ngồi xổm để kiểm tra mức độ sa và chảy máu của búi trĩ.
Soi hậu môn trực tràng: Quan sát vị trí của búi trĩ màu tím so với đường lược hậu môn, bác sĩ có thể thấy cả một vòng lổn nhổn nhiều búi trĩ, đồng thời phát hiện các bệnh lý khác liên quan.
Khám tổng quát nhằm tìm ra các bệnh lý tiềm ẩn có thể gây nên triệu chứng trĩ.
4. Cách chữa bệnh trĩ
4.1 Nguyên tắc điều trị
Bệnh trĩ thường không cần điều trị nếu không có biến chứng. Chỉ khi các triệu chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, công việc và sức khỏe thì bệnh nhân mới cần can thiệp y tế. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ và loại búi trĩ cụ thể.
4.2 Các phương pháp điều trị nội khoa
Cách chữa bệnh trĩ độ I và đa số trường hợp trĩ độ II thường được áp dụng là phương pháp nội khoa.
Áp dụng chế độ ăn uống giàu chất xơ từ rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và bột mì, đồng thời bổ sung các chất làm mềm phân và uống nhiều nước.
Để hạn chế sự sa trĩ, bệnh nhân nên tránh rặn mạnh khi đi vệ sinh.
Có thể ngâm hậu môn trong nước ấm 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần 10 phút. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc đặt hậu môn hoặc thuốc tăng cường thành mạch.
Chảy máu hậu môn-trực tràng không hẳn là do bệnh trĩ. Bệnh nhân cần chụp và soi đại tràng để loại trừ khả năng ung thư.
Trên thị trường, hiện có nhiều loại thuốc được quảng cáo là có thể điều trị bệnh trĩ, bao gồm thuốc uống, thuốc mỡ và viên đạn. Những loại thuốc này được cho là có tác dụng giảm đau, chống chảy máu, trị bệnh trĩ và các bệnh hậu môn trực tràng khác. Một số ví dụ về thuốc trị bệnh trĩ phổ biến bao gồm Grinkor Fort, Proctolog và Daflon.
Y học cổ truyền sở hữu kho tàng bài thuốc quý giá, được nghiên cứu và ứng dụng hiệu quả trong điều trị bệnh trĩ. Ưu điểm nổi bật của cách chữa bệnh trĩ bằng Đông y là sử dụng nguyên liệu từ cây cỏ thiên nhiên, dễ tìm kiếm và chi phí rẻ.
4.3 Các phương pháp điều trị ngoại khoa
Biến chứng huyết khối do bệnh trĩ cần được điều trị sớm bằng cách cắt bỏ búi trĩ. Có thể áp dụng các phương pháp cắt bỏ truyền thống hoặc kết hợp lấy huyết khối và cắt trĩ bằng các kỹ thuật khác.
4.3.1 Các thủ thuật
Phương pháp thắt dây chun là cách chữa bệnh trĩ tối ưu cho trĩ nội độ I và II (không áp dụng cho trĩ ngoại). Bác sĩ sẽ thông báo trước về khả năng chảy máu nhẹ trong khoảng 6-10 ngày sau khi búi trĩ rụng. Nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng như đau đớn, bí tiểu hoặc sốt, hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức để loại trừ nguy cơ nhiễm trùng vùng đáy chậu.
Tiêm xơ là cách chữa bệnh trĩ hiệu quả cho trĩ độ I và độ II, đặc biệt phù hợp với bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh đông máu. Bác sĩ sẽ tiêm bằng kim vào dưới lớp niêm mạc của búi trĩ, bơm vào đó 1-2 ml chất làm xơ (phenol 5%, quinine, urea hydrochloride, polidocanol hoặc natri tetradecyl sulfate).
Phương pháp quang đông hồng ngoại được sử dụng để điều trị bệnh trĩ độ I và độ II.
Đốt laser là phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh trĩ ở giai đoạn II.
Bệnh nhân cần được thực hiện các can thiệp thủ thuật này tại bệnh viện, dưới sự thực hiện của bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm
4.3.2 Các phương pháp phẫu thuật
Phẫu thuật cắt trĩ kinh điển: Phương pháp cắt búi trĩ trực tiếp theo Milligan - Morgan, Feguson hay White heat mặc dù hiệu quả với bệnh trĩ nội độ III, IV, trĩ hỗn hợp và biến chứng, nhưng tiềm ẩn nguy cơ gây són phân, đau đớn kéo dài do làm mất lớp đệm ống hậu môn và việc can thiệp trực tiếp sẽ tác động đến đầu mút thần kinh vùng ống hậu môn.
Phẫu thuật khâu treo triệt mạch trĩ theo phương pháp Longo: Từ năm 1993, phẫu thuật viên người Ý Antonio Longo đã đề xướng phương pháp cắt trĩ Longo, sử dụng máy cắt đồng thời khâu nối PPH03 do hãng Johnson&Johnson sản xuất. Vì là dụng cụ dùng một lần nên giá thành sản phẩm này không hề rẻ. Phẫu thuật dựa trên nguyên lý kéo búi trĩ về vị trí bình thường, cắt và khâu phần mạch máu cung cấp khiến búi trĩ co lại. Nhờ thực hiện vết cắt và khâu trên vùng ít cảm giác của ống hậu môn, phương pháp Longo giúp giảm đau đáng kể cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Phương pháp Longo giúp bệnh nhân quay trở lại cuộc sống bình thường sớm nhất, chỉ sau 3-4 ngày nằm viện (thậm chí có thể ra viện trong ngày). So với những cách chữa bệnh trĩ khác, cắt trĩ theo phương pháp Longo giúp giảm thiểu đáng kể mức độ đau đớn của bệnh nhân sau mổ và khi đại tiện lần đầu tiên. Bệnh nhân chỉ cần sử dụng thuốc uống giảm đau thông thường và chỉ cảm thấy hơi khó chịu ở vùng hậu môn.
Phẫu thuật khâu triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn của siêu âm doppler (THD): Áp dụng cho bệnh trĩ nội từ độ I đến độ III. Mục đích là cắt đứt nguồn cung cấp máu nuôi dưỡng các đám rối trĩ bằng cách chặn các động mạch chạy dưới niêm mạc, từ đó khiến các búi trĩ teo nhỏ lại. Phương pháp phẫu thuật trĩ bằng siêu âm Doppler (THD) sử dụng thiết bị Doppler để xác định các động mạch trĩ, sau đó thắt các động mạch này bằng chỉ khâu 2-3cm trên đường lược. Tiếp theo, các búi trĩ sa sẽ được cố định lại bên trong ống hậu môn bằng các đường khâu vắt theo chiều dọc của ống hậu môn. Kỹ thuật này được đánh giá cao bởi tính đơn giản, an toàn, hiệu quả và ít gây đau đớn cho bệnh nhân sau mổ. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là có thể bỏ sót một số mạch máu trĩ.
Lưu ý quan trọng:
Đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc viêm đại tràng thể hoạt động, phẫu thuật cắt trĩ không được chỉ định. Phẫu thuật trĩ cấp cứu tiềm ẩn nguy cơ gây ra biến chứng cao hơn.
5. Lưu ý khi áp dụng cách chữa bệnh trĩ
Việc khám chữa bệnh trĩ cần được thực hiện sớm bởi bác sĩ chuyên khoa Hậu môn - Trực tràng để có phương pháp điều trị phù hợp với mức độ tổn thương do bệnh trĩ.
Bệnh trĩ nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng cấp tính như đau đớn, nhiễm trùng, chảy máu và thậm chí là bí tiểu. Nguy hiểm hơn, những biến chứng muộn do bệnh trĩ gây ra sẽ càng khó kiểm soát nếu để lâu. Do vậy, người bệnh không nên vì tâm lý ngại ngùng do bệnh ở vùng kín mà trì hoãn việc thăm khám và điều trị.
Bệnh trĩ tuy phổ biến nhưng mọi người hoàn toàn có thể phòng ngừa khả năng mắc bệnh trĩ bằng lối sống khoa học: Uống nhiều nước, đi đại tiện đúng giờ, tránh ngồi lâu, hạn chế rượu bia và đồ cay nóng… Đây cũng là những cách hiệu quả để giảm triệu chứng và hỗ trợ điều trị bệnh trĩ.
Chế độ ăn hợp lý và các lưu ý khác để phòng ngừa hoặc hỗ trợ điều trị bệnh trĩ hiệu quả:
Mọi người nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất xơ vào chế độ ăn uống. Các thực phẩm được khuyên dùng bao gồm ngũ cốc nguyên cám như lúa mạch, lúa mì, ngô, gạo lứt, kê, lúa mạch đen, yến mạch,... cùng với trái cây và rau củ. Nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào, những thực phẩm này giúp tăng khối lượng phân, làm mềm phân.
Mỗi ngày, mọi người nên uống ít nhất 2 lít nước lọc hoặc các chất lỏng khác (không bao gồm rượu bia) để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và giúp phân mềm hơn.
Để hỗ trợ điều trị và giảm thiểu triệu chứng chảy máu búi trĩ hiệu quả, nam giới và nữ giới cần đảm bảo bổ sung lượng chất xơ khuyến nghị mỗi ngày lần lượt là 40 gram và 25 gram. Bổ sung thêm các loại trái cây giàu chất xơ như chuối, đu đủ, bưởi,... vào chế độ ăn uống.
Nên đi vệ sinh ngay khi có cảm giác muốn đi đại tiện. Nếu trì hoãn, nước trong phân sẽ bị niêm mạc trực tràng hấp thu, khiến phân khô, cứng và khó đi cầu hơn.
Tập thể dục thường xuyên giúp ngăn ngừa táo bón, giảm áp lực tĩnh mạch do đứng/ngồi lâu và hỗ trợ giảm cân.
Nên hạn chế ngồi lâu, nhất là khi đi vệ sinh, vì tư thế này có thể gây áp lực lớn lên tĩnh mạch ở hậu môn.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh trĩ
Xem thêm: Hướng dẫn thực hiện quy trình chuyên môn khâu treo triệt mạch trĩ dưới hướng dẫn siêu âm Doppler
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.