Tuy được xây dựng vào các giai đoạn khác nhau của lịch sử, các tòa thành của các triều đại đều ghi dấu về sự sáng tạo của người Việt. Thành lũy, một bộ phận quan trọng trong nền kiến trúc của bất kỳ dân tộc. Dù đã bị thời gian và chiến tranh hủy hoại đi nhiều nhưng những tòa thành cổ vẫn lưu giữ được giữ các giá trị quý báu về phong cách kiến trúc, văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Hãy cùng Saigon Travel tìm hiểu về những thành cổ Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử nhé.
1. Kinh Thành Cổ Loa
Khu di tích lịch sử thành Cổ Loa trải rộng trên địa phận 3 xã là Cổ Loa, Việt Hùng, Dục Tú thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố chỉ 24km. Thành được xây dựng vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu lạc.
Thành gắn liền với những truyền thuyết kỳ thú của người Việt, về An Dương Vương định đô xây thành, về nỏ thần Kim Quy, về mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thủy. Thành Cổ Loa là tòa thành có niên đại cổ nhất ở Việt Nam. Và hiện Cổ Loa là một trong 21 Khu du lịch Quốc gia của Việt Nam. Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào ngày 27/9/2012
2. Đại La - Thăng Long - Hà Nội - Kinh đô nhiều triều đại nhất
Kinh thành Thăng Long - Hà Nội cũng là kinh thành được đổi tên nhiều lần nhất qua các giai đoạn lịch sử của đất nước: Thời tiền Thăng Long: là Thành Đại La. Năm 1909 Vua Lý Thái Tổ dời đô về đây và đổi tên là Thăng Long và cho xây dựng Hoàng Thành tức Hoàng Cung trong thành Thăng Long. Sau nhiều lần đổi tên Đông Đô, Đông Kinh năm 1831 Vua Minh Mạng cho đổi tên thành thành Hà Nội thuộc tỉnh Hà Nội. Thành Hà Nội tồn tại đến ngày nay.
Thành Thăng Long được xây dựng theo mô hình Tam trùng thành quách gồm: vòng ngoài cùng gọi là La thành hay kinh thành, vòng thành thứ hai là Hoàng Thành, giữa hai lớp thành này là nơi sinh sống của cư dân, lớp thành còn lại là Tử cấm thành hay Cấm thành hay Long Phượng thành là nơi ở của nhà vua, hoàng hậu và các thành viên trong hoàng tộc. Ngày nay, một số kiến trúc còn sót lại bao gồm cột cờ Hà Nội, Đoan Môn, Hậu Lâu, Cửa Bắc…Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 2010.
3. Kinh thành Hoa Lư - Kinh đô Hoa Lư Hoa Lư được chọn là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến tập quyền khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế năm 968. Cố Đô Hoa Lư thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách thủ đô Hà Nội gần 100 km về phía Nam.
Tuy chỉ được chọn làm kinh đô của nước Đại Cồ Việt trong thời gian ngắn ngủi ( 42 năm ) nhưng tại nơi đây đã diễn ra rất nhiều sự kiện có liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc như: gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Đến năm 1010 Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long thì Hoa Lư chỉ còn là Cố Đô.
4. Thành nhà Hồ - Thành Tây Đô, Kinh đô nhà Hồ tại Thanh Hóa Nằm ở địa phận tỉnh Thanh Hóa ngày nay, Thành nhà Hồ (tên khác là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai). Thành có quy mô lớn, là công trình xây dựng bằng đá kiên cố duy nhất còn lại ở Đông Nam Á và là một trong số ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.
Ngày 27/6/2011 tại kỳ họp thứ 35 được tổ chức tại Paris (Cộng Hòa Pháp), Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức công nhận Thành Nhà Hồ trở thành di sản văn hoá thế giới.
5. Thành Lam Kinh Thanh Hóa - Tây Kinh, Kinh đô nhà Hậu Lệ Khu di tích lịch sử Lam Kinh nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Sau khi lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Thăng Long, Lê Lợi đã cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành lớn thứ hai là thành điện Lam Kinh hay còn gọi là thành Tây Kinh.
Hiện nay thành điện Lam Kinh còn sót lại một số di tích như cổng vào của hoàng thành, dấu vết nền móng của Ngọ môn, sân rồng, khu chính điện và khu Thái Miếu. Ngoài ra trong khu di tích Lam Kinh còn có đền thờ Lê Lợi và có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua.Trong đó lăng của Lê Thái Tổ được đặt ở điểm huyệt quan trọng nhất, các lăng còn lại nằm ở hai hướng đông và tây. Năm 2013, khu di tích này được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt.
6. Kinh Thành Huế - Cố Đô Huế, Kinh đô nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn Kinh thành Huế - Thuận Hóa kinh thành là thủ phủ chúa Nguyễn từ năm 1687 đến 1774. Là thủ đô của triều đại Tây Sơn từ năm 1788 khi Hoàng đế Quang Trung tức Nguyễn Huệ lên ngôi. Là kinh đô của nhà Nguyễn từ năm 1802 - Khi Nguyễn Ánh lên ngôi. Nhà Nguyễn cũng là triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Huế kết thúc sứ mệnh là thủ đô Việt Nam vào năm 1945 khi vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị.
Di tích Kinh thành Huế Nằm bên bờ sông Hương là một toà thành cổ, thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới. Di tích nằm ngay vị trí trung tâm thành phố Huế, được xây dựng với lối kiến trúc độc đáo. Chu vi thành rộng hơn 10km, Kinh thành Huế có tất cả 13 cửa thành. Trong đó, 10 cửa thành sẽ thông ra bên ngoài, 1 cửa thành nội bộ, 2 cửa thành đường thủy. Bên trong kinh thành có Hoàng Thành, Tử Cấm Thành là những công trình chính, ngoài ra còn có các di tích như Kỳ Đài, Trường Quốc Tử giám, Điện Long An, Đình Phú Xuân, Hồ Tịnh Tâm… Kinh thành nơi đóng đô của triều đại nhà Nguyễn trong suốt 143 năm từ 1802 đến năm 1945 vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị.
7. Thành cổ Sơn Tây - Thành đá ong duy nhất
Nằm ở thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 40km, thành cổ Sơn Tây là tòa thành quân sự đầu tiên và duy nhất được xây dựng bằng đá ong của Việt Nam, được vua Minh Mạng cho khởi công vào năm 1822. có tổng diện tích 16 ha với các kiến trúc độc đáo như: tường thành bằng đá ong, 4 cổng thành xây bằng gạch cổ.
Đây là một trong số ít tòa thành dưới thời Minh Mạng còn lại đến ngày nay, thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ vùng đất phía tây bắc Thăng Long. Thành Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia năm 1994.
8. Thành cổ Bắc Ninh - Kinh Bắc Bắc Ninh
Thành Kinh bắc nay là Thành Bắc Ninh từng là một vị trí quân sự đặc biệt quan trọng, ngăn chặn các đạo quân xâm lược trước cửa ngõ Kinh thành Thăng Long. Được xây dựng từ năm 1805 dưới triều vua Gia Long nhà Nguyễn. Là một công trình kiến trúc nghệ thuật quân sự tiêu biểu, tòa thành hình lục lăng trấn giữ cửa phía Bắc kinh thành Thăng Long từng là một trong 4 ngôi thành đẹp nhất Bắc Kỳ.
Thời nhà Nguyễn, Thành Bắc Ninh là trung tâm bộ máy cai quản hành chính hai tỉnh Bắc Ninh - Thái Nguyên. Dấu tích còn lại của Thành Bắc Ninh là ba cổng thành, một phần bờ thành và dãy hào sâu, 2 khẩu súng thần công, trong đó nổi bật là cổng tiền với đài gác vọng, cột cờ cao gần 20 mét.
9. Thành cổ Nam Định - Thành Nam
Thành cổ Nam Định được xây dưới thời vua Minh Mạng, tường thành chạy theo đường gãy khúc, nhưng tổng thể có hình vuông, chu vi 3.324m. Thành có 4 cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc.Tường thành cao từ 1,7m đến 3,35m; mặt rộng 1m-1,3m, chân thành rộng 4,5m. Tường thành được xây bằng gạch đỏ. To lớn uy nghi hơn cả là Kỳ đài (Cột Cờ) ở phía nam cách đình Vọng Cung chừng 100 mét, kỳ đài xây từ năm Nhâm Thân, đời vua Gia Long thứ 11 (1812), Cột Cờ cao 23,84 mét dưới bệ có đền thờ Bà chúa cột cờ - Giám Thương công chúa Nguyễn Thị Trinh liệt nữ đầu tiên, hy sinh trong trận quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Nam Ðịnh ngày 11 tháng 12 năm 1873. Cột Cờ cao ngất trải qua 160 năm (tính đến năm 1972 bị bom Mỹ đánh sập). Năm 1997 mới hoàn tất phục chế nguyên dạng lại . Nếu Bắc Thành là địa danh gốc của Hà Nội, Thành Nội là của Huế trong kia, thì Thành Nam chính là cách gọi tên của thành phố Nam Ðịnh từ bấy đến giờ.
10. Thành cổ Vinh - Thành Vinh
Thành Vinh ngày xưa thuộc xã Vĩnh Yên, phủ Yên Trường, nay là địa phận phường Cửa Nam -Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, từng được vua Quang Trung - Nguyễn Huệ chọn làm nơi xây dựng kinh đô vào năm 1788. Để từ đó còn có tên gọi là Phượng Hoàng Trung Đô. Thành có cấu tạo hình lục giác, với diện tích khoảng 420.000m2, bao gồm 2 vòng thành và hệ thống hào sâu.
Thành có 3 cửa ra vào: cửa Tiền, cửa Tả, cửa Hữu. Trải qua quá trình lịch sử và sự tàn phá của chiến tranh đã khiến Thành không còn được nguyên vẹn. Chỉ còn 3 cổng thành vẫn còn giữ được những kết cấu cơ bản, vẫn sừng sừng án ngự giữa những con đường vào thành nội. Năm 1998, thành cổ Vinh đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia.
11. Thành Đồng Hới - Quảng Bình Quan
Thành cổ Đồng Hới với tên trước đây là “Định Bắc Trường Thành” xây dựng trên một vùng đất trọng yếu, thời bấy giờ thành được xem như một cái chốt đắc đạo trên con đường xuyên Việt từ Bắc vào hay Nam ra. Lúc đầu thành được xây bằng đất, đến đời vua Minh Mạng, ông đã nhờ một viên sỹ quan Pháp thiết kế lại và xây bằng gạch vào năm 1824, Chu vi thành khoảng 1.860m cao khoảng 4m, mặt thành rộng 1,35m, móng dày 2m, mặt chính của thành quay về hướng tây.
Thành có 3 cổng lớn bắc-nam-đông, trên cổng có vọng canh 8 mái. Ngày nay, phế tích của thành Đồng Hới chỉ là Quảng Bình Quan mới được phục chế và một đoạn tường thành nằm bên Quốc lộ 1A đoạn đi qua Đồng Hới.
12. Thành cổ Quảng Trị
Tọa lạc tại trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, Thành Cổ Quảng Trị được xây dựng từ thời vua Gia Long và đến thời vua Minh Mạng mới hoàn thiện, kéo dài gần 28 năm (1809-1837). Trong những năm 1809-1945 nhà Nguyễn lấy làm thành lũy quân sự và trụ sở hành chính. Từ năm 1929, Pháp xây dựng thêm nhà lao ở đây và biến nơi đây thành nơi giam cầm những người có quan điểm chính trị đối lập.
Tại nơi đây đã có những trận đánh lớn trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam trong các năm 1968, 1972. Sau chiến dịch Thành Cổ “chiến dịch Xuân - Hè 1972” toàn bộ Thành Cổ gần như bị san phẳng; chỉ còn sót lại một cửa hướng Đông tương đối nguyên hình và vài đoạn tường thành cùng giao thông hào. Từ năm 1992 đến nay, di tích đã được tu bổ, bảo tồn những yếu tố gốc còn lại sau chiến tranh, tôn tạo và xây dựng mới nhiều công trình để phục vụ mục đích tri ân, tưởng niệm. Với những giá trị đặc biệt của di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị và Những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) là di tích quốc gia đặc biệt.
13. Thành cổ Quảng Ngãi
Thành cổ Quảng Ngãi, còn gọi là Cẩm thành hay thành Gấm, là một thành lũy được xây dựng vào năm 1807 thời nhà Nguyễn ở Quảng Ngãi, Việt Nam. Thành cổ Quảng Ngãi là trong 29 thành được xây dựng ở thời nhà Nguyễn.
Trước năm 1945, thành được dùng làm trung tâm hành chính của nhà Nguyễn và của chính quyền thực dân Pháp. Năm 1947, thành đã bị Việt Minh thực hiện tiêu thổ kháng chiến phá hủy hoàn toàn. Thành cổ hiện chỉ còn dấu tích nằm phía trước khách sạn Ninh Thọ, thuộc khuôn viên quảng trường tỉnh Quảng Ngãi.
14. Thành cổ Diên Khánh Nha Trang
Thành Diên Khánh được coi là tòa thành nguyên vẹn nhất của nhà Nguyễn bên ngoài Cố đô Huế còn được gìn giữ đến nay.
Thành cổ Diên Khánh nằm cách thành phố Nha Trang 10 km về phía Tây. Trải qua lịch sử hơn 200 năm, Thành cổ Diên Khánh đã chứng kiến bao biến động, thăng trầm của xã hội thời phong kiến cũng như cuộc đấu tranh của nhân dân Khánh Hòa trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Ngày 16/11/1988, thành cổ Diên Khánh đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.
15. Thành Gia Định Sài Gòn
Thành Gia Định, hay thành Sài Gòn (còn được biết đến với tên thành Phiên An hay Phan Yên) là tên một thành cũ ở Gia Định, tồn tại từ 1790 đến 1859. Trong một thời gian dài, Thành Gia Định có vai trò rất quan trọng về mặt chính trị quân sự, địa lý của vùng Gia Định. Năm 1859, quân Pháp mở cuộc tấn công và chiếm thành Sài Gòn (tức thành Gia Định). Để tránh quân triều đình nhà Nguyễn tấn công đánh chiếm lại thành, quân Pháp đốt cháy kho tàng, phá hủy thành Sài Gòn và rút ra để tránh quân triều đình nhà Nguyễn tấn công đánh chiếm lại thành. Dấu tích duy nhất ngày nay còn lại là bức tranh vẽ ảnh thực dân Pháp tấn công thành và những tàn tích dọc đường Đinh Tiên Hoàng về phía gần xưởng Ba Son.
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/cac-thanh-a57813.html