Danh lam thắng cảnh
Thái Nguyên là điểm “chụm đầu” của cả bốn rặng núi cánh cung đá vôi vùng Đông Bắc, khiến Võ Nhai, Định Hóa... như “một vùng Hạ Long trên cánh đồng xanh”. Từng trái núi đá vôi được những tán rừng che phủ nên cảnh quan càng trở nên huyền bí, kỳ thú, mang nhiều nét hoang sơ với hang Phượng Hoàng, động Người Xưa, suối Mỏ Gà, thác Mưa Rơi (Võ Nhai) hay thác Bảy tầng Khuôn Tát (Định Hóa) nổi tiếng... Thái Nguyên còn có cả sườn phía Đông dãy núi Tam Đảo đồ sộ, nơi có khu “rừng quốc gia Tam Đảo” rộng lớn, tạo nên những tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thám hiểm, du lịch thể thao... Gần sát với chân Tam Đảo là khu du lịch “sơn thủy hữu tình” hồ Núi Cốc mang vẻ đẹp nên thơ. Liền kề với hồ là vùng chè đặc sản Tân Cương tựa như những mâm bát úp trùng trùng tiếp nối, khiến cho du khách cảm thấy đâu đó hương trà bay nhẹ dịu làm say đắm lòng người. Sự đa dạng về địa hình, sự đa dạng sinh học chính là lợi thế về tài nguyên du lịch thiên nhiên của Thái Nguyên.
Khu du lịch hồ Núi Cốc
Khu Du lịch quốc gia hồ Núi Cốc nằm ở phía Nam huyện Đại Từ, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 15km về phía Tây. Đây là một thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp gắn liền với câu chuyện tình huyền thoại về chàng Cốc nàng Công. Trong mênh mang của mây trời, sông nước; trong cái ngút ngàn mướt xanh của những vạt rừng in bóng mặt hồ, 89 hòn đảo hiện hữu trước mặt du khách thật khêu gợi: đảo Tiên Nằm, đảo Núi Cái, đảo Cò, đảo Dê, đảo Khỉ… và xa xa phía Tây là dãy Tam Đảo sừng sững như một bức tường thành che chắn cho vùng đất anh hùng… Tại đây, ngoài danh lam thắng cảnh quyến rũ còn có nhiều điểm vui chơi phục vụ du khách: công viên cá sấu, công viên nước, sân khấu nhạc nước. Du khách có thể ngồi thuyền thúng trôi trên dòng sông Lười ở Huyền Thoại Cung; vào khám phá thế giới cổ tích và âm phủ; tìm hiểu câu chuyện tình éo le của 2 chàng trai sinh đôi với 1 nàng thiếu nữ trong công trình Chuyện tình Ba cây thông; đến với chùa thiêng Thác Vàng nằm trong lòng Phật…
Thác Khuôn Tát
Thác Khuôn Tát tọa lạc tại xã Phú Đình, huyện Định Hóa cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 60km về phía Tây Bắc. Thác nằm giữa núi rừng hoang vu và khá yên tĩnh, xung quanh thác có nhiều cây cổ thụ. Ở chân thác Khuôn Tát, nước dội xuống thành bồn tắm tự nhiên, chỗ nước sâu nhất chừng 2 - 3m, nông dần ra phía ngoài tạo thành con suối. Suối Khuôn Tát chảy ngoài thác độ 100m là bãi cát, sỏi nhỏ và đá tự nhiên nằm giữa dòng chảy như: hình cá voi, hình con rùa, con trâu đầm... Hai bên suối là bãi cỏ bằng phẳng xanh tươi thuận lợi cho việc cắm trại, dựng lều lán nghỉ ngơi, vui chơi.
Đồi chè Tân Cương
Nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 10km về phía Tây Nam, Tân Cương được thiên nhiên ban tặng khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Những gốc chè được trồng trên những ngọn đồi thoai thoải, hướng về phía mặt trời mọc để có thể hấp thụ tinh hoa của khí trời. Nhìn từ xa, đồi chè như những con thằn lằn khổng lồ, hiền lành đang phơi mình dưới cái nắng vàng của vùng trung du - đồng bằng Bắc Bộ. Thổ nhưỡng ở đây giàu chất dinh dưỡng rất thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Nguồn nước tinh khiết bắt nguồn từ những cánh rừng trên núi men theo các con suối róc rách chảy về tưới mát cho cả một vùng chè đặc sản. Du khách sẽ được tận hưởng không gian trong lành, thưởng thức những tách trà với màu nước xanh, hương vị thơm tự nhiên, có vị chát dịu khi mới uống, nhưng sau thấy vị ngọt lắng sâu khiến cho ai mới nhấp môi cũng sẽ mê mẩn, không thể nào quên.
Hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà
Hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà nằm cạnh trục quốc lộ 2B Thái Nguyên - Lạng Sơn, cách trung tâm thành phố 45km về phía Bắc, là một quần thể danh thắng nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên đã được xếp hạng quốc gia. Nằm ở độ cao khoảng 500m so với chân núi, Phượng Hoàng là một hang động karst rộng lớn, cảnh đẹp kỳ lạ. Trong hang không khí trong lành, đáy hang có dải bờ cát trắng mịn ven bờ nước. Khắp lòng hang là vô số nhũ đá được thiên tạo thành những hình dáng kỳ thú như cột chống trời, mẹ bồng con, voi chầu, kỳ lân… Ngay chân núi Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà nước chảy giữa lòng hang trong vắt, mát lạnh. Nước cửa hang đổ xuống tạo thành một thác nước tung bọt trắng xóa giữa những khối đá lớn rồi đổ xuống cánh đồng Phú Thượng tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình.
Di tích lịch sử - Văn hóa
Đến với Thái Nguyên cũng chính là tìm về với cội nguồn của lịch sử. Theo thống kê, nơi đây có 780 di tích được kiểm kê trong đó có 12 di tích khảo cổ học, 479 di tích lịch sử, 16 di tích kiến trúc nghệ thuật, 225 di tích tín ngưỡng, 40 di tích danh thắng. Đến nay đã có 46 điểm di tích được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Nơi đây còn tự hào được Trung ương Đảng, Bác Hồ và Chính phủ chọn làm nơi xây dựng An toàn khu (ATK) căn cứ địa cách mạng với các địa danh đã đi vào lịch sử như: Khau Tý, Tỉn Keo, Điềm Mạc, Phú Đình, Bảo Biên, Định Biên (Định Hóa)... Ngày nay, quần thể di tích trên vẫn được gìn giữ, tôn tạo và trở thành thế mạnh của du lịch lịch sử tỉnh Thái Nguyên
Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa
Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Ðịnh Hóa là một khu di tích rộng lớn, vùng lõi của chiến khu Việt Bắc. Nơi đây, hằng năm thu hút hàng triệu lượt du khách đến tham quan và tưởng nhớ về một thời hào hùng của dân tộc. ATK Định Hóa với hệ sinh thái động, thực vật phong phú, bản sắc văn hóa đậm đà, với vẻ đẹp tiềm ẩn được Đảng, Nhà nước ta khẳng định: Cùng với Pác Bó, Tân Trào, ATK Định Hóa thuộc quần thể di tích Chiến khu Việt Bắc quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ 20. Năm 1981, ATK Định Hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã xếp hạng ATK Định Hóa là Di tích quốc gia đặc biệt với các di tích thành phần: đồi Khau Tý - nơi đặt trụ sở làm việc đầu tiên của Hồ Chủ tịch tại ATK; di tích Nà Mòn - Văn phòng của Tổng Bí thư Trường Chinh; đồi “Phong tướng”; di tích Tỉn Keo; nhà trưng bày; nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; lán Bác Hồ ở Khuôn Tát; di tích làng Quặng; di tích Bảo Biên; nhà tù chợ Chu. Hiện nay, để phát triển du lịch bền vững, Ban quản lý khu di tích lịch sử - sinh thái ATK Định Hóa đã kết hợp việc bảo tồn khai thác các di tích lịch sử gắn với sinh thái, cảnh quan, văn hóa các dân tộc thành các sản phẩm du lịch, vui chơi giải trí, ẩm thực, chợ miền núi thành các chuỗi di tích lịch sử - sinh thái, làng văn hóa du lịch ATK.
Đền Đuổm
Đây là ngôi đền cổ kính thờ người anh hùng dân tộc Dương Tự Minh - người duy nhất trong lịch sử Việt Nam 2 lần được phong làm phò mã dưới triều nhà Lý (kết hôn với Thiều Dung công chúa và Diên Bình công chúa). Đền nằm cách thành phố Thái Nguyên 25km, sát ngay quốc lộ 3. Dù ngôi đền đã được tu sửa nhiều lần, nhưng vẫn giữ được phong cách kiến trúc cổ theo kiểu tam cấp gồm: đền Thượng, đền Trung và đền Hạ. Từ cổng đền, đã thấy nét đẹp uy nghi, cổ kính. Ngôi đền nằm ẩn mình trong màu xanh của cây lá và rêu xanh. Lễ hội đền Đuổm (dân gian gọi là hội Đuổm) là lễ hội lớn thu hút đông khách thập phương nhất ở tỉnh Thái Nguyên. Mùng 6 tháng giêng là ngày chính hội nhưng trước và sau ngày đó rất đông khách khắp nơi đến trảy hội.
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Nằm giữa trung tâm thành phố Thái Nguyên, bên sông Cầu thơ mộng, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một công trình có quy mô lớn, kiến trúc đẹp, đã được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn hóa nghệ thuật năm 1996. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam trưng bày và bảo quản gần 3.000 tài liệu, hiện vật gốc về văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Với những giá trị về lịch sử, bảo tàng là điểm nhấn của Du lịch Thái Nguyên, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.
Đình Hộ Lệnh
Đình được dựng thời nhà Lê, thuộc làng Hộ Lệnh, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 18km về phía Đông Nam. Đình thờ thần Cao Sơn Quý Minh, Tam Giang là các bộ tướng thời Hùng Vương và Dương Tự Minh. Đình có kiến trúc chữ Đinh, gồm đại đình, hậu cung kết cấu bởi 48 cột gỗ lim. Các vì kèo đều trang trí đề tài tứ linh “long - ly - quy - phượng”. Các tác phẩm trang trí, chạm khắc gỗ ở đây đều rất tinh xảo, đạt trình độ nghệ thuật cao. Đình đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 2001.
Chùa Hang
Chùa Hang nằm ngay trung tâm thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 2km. Động chùa Hang còn gọi là động Tiên Lữ, có nhiều nhũ đá đẹp. Trong động thờ Phật. Xưa nay, chùa Hang được xem là một thắng cảnh nổi tiếng, từng làm say đắm bao tao nhân mặc khách. Vách đá ở cửa động có câu đối cổ bằng chữ Hán: “Phong cảnh thiên nhiên duy đệ nhất/ Danh lam nhân tạo thị vô song”. Trong vách động, còn khắc những vần thơ chữ Hán trác tuyệt của các danh sỹ Vũ Quỳnh, Đặng Nghiệm, Cao Bá Quát. Chùa Hang đã được xếp hạng Di tích cấp quốc gia năm 1999.
Lễ hội Thái Nguyên
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Vì vậy, kho tàng văn hóa Thái Nguyên khá phong phú. Bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc được lưu giữ những di sản vô giá, từ kiến trúc nhà cửa, nề nếp sinh hoạt, trang phục đến tập quán sản xuất… Mỗi mùa xuân về, người dân trên mảnh đất anh hùng này lại nô nức mở hội.
Lễ hội chùa Hang
Lễ hội chùa Hang được mở hằng năm vào ngày 20 tháng giêng trong khuôn viên di tích chùa Hang, thị trấn Chùa Hang, huyện Đồng Hỷ và thường kéo dài khoảng 3 ngày. Trong lễ hội, phần lễ có Lễ tắm Phật, có rước kiệu đức Phật, chúng sinh dâng hương cầu kinh niệm Phật trong chùa; phần hội có đấu vật, bắn cung, kéo co, ẩm thực trà, leo núi ngắm phong cảnh… thu hút đông đảo du khách về dự lễ.
Lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối
Vui tết du xuân, những người dân Thái Nguyên và các tỉnh lân cận hẳn không thể bỏ qua một địa danh đó là cụm di tích lịch sử - văn hóa đình - đền - chùa Cầu Muối. Bởi đây là một địa danh gắn với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa, đặc biệt là tín ngưỡng dân gian cầu cho sự may mắn, no đủ như câu ca các cụ xưa vẫn nói "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi". Lễ hội đình - đền - chùa Cầu Muối được tổ chức vào ngày 4 tháng giêng hằng năm với Lễ rước kiệu và nhiều trò chơi dân gian độc đáo, thu hút hàng ngàn khách du lịch thập phương.
Lễ hội Lồng tồng
Lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) của đồng bào Tày mang ý nghĩa phồn thực, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gia súc sinh sôi nảy nở. Xưa, hội diễn ra suốt cả mùa xuân ở khắp các bản Tày. Ngày nay, ở Thái Nguyên có hội Lồng tồng Tỉn Keo (còn gọi là Hội Lồng tồng ATK Định Hóa) tổ chức vào ngày mùng 10 tháng giêng hằng năm. Phần lễ có Lễ thần nông, Lễ cầu mưa. Phần hội có hội tung còn, diễn rối Tày Thẩm Rộc, hát lượn, múa sư tử, đi cà kheo, kéo co, chọi gà… Lễ hội Lồng tồng ATK Định Hóa còn là một trong những lễ hội lớn của tỉnh luôn thu hút đông đảo du khách thập phương trảy hội đầu xuân.
Làng nghề truyền thống
Nghề miến Việt Cường
Nghề làm miến có ở xóm Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ, là làng nghề truyền thống có từ lâu đời. Sản phẩm miến Việt Cường đã trở thành thương hiệu không chỉ được ưa chuộng trên thị trường Thái Nguyên mà còn theo chân các lái thương lên miền ngược, xuống miền xuôi… Sợi miến nơi đây thường đậm đà và dai, nấu để lâu cũng không nát. Chính đặc điểm riêng biệt đó khiến miến Việt Cường trở thành đặc sản, được du khách lựa chọn làm quà mỗi lần đến mảnh đất này.
Nghề mây tre đan
Làng nghề ở xóm Phú Yên, xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương. Với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các cây tre, cây dùng, cây mây, từ bao đời, xã đã hình thành nên nghề đan lát. Sản phẩm chủ yếu của làng là thúng, sảo, sàng, long, lia, rổ, rá… Với kinh nghiệm lâu đời, người dân ở đây đã tạo ra nhiều sản phẩm, phong phú, đủ kích thước, mẫu mã được nhân dân nhiều vùng ưa thích.
Chè Thái Nguyên - sản phẩm du lịch độc đáo
Đến với Thái Nguyên, bên cạnh các hoạt động tham quan danh thắng, di tích lịch sử, du khách còn được ngắm nhìn những đồi chè xanh mướt, gần như trải rộng trên khắp đồi núi ở đây. Tự hào với danh hiệu “đệ nhất danh trà”, sản phẩm trà Thái Nguyên đã đạt kỷ lục quốc tế “Top các đặc sản có giá trị tại châu Á”. Hiện nay, toàn tỉnh có 198 làng nghề chè. Có thể kể đến một số xã trồng chè đặc sản nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên như Tân Cương, Phúc Trìu, Trại Cài, Sông Cầu, Vô Tranh, Khe Cốc, La Bằng, Phúc Thuận…
Ẩm thực
Thái Nguyên không chỉ là vùng đất được du khách biết đến với nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử, mà còn là nơi có văn hóa ẩm thực vô cùng độc đáo với nhiều đặc sản mang đậm tinh hoa núi rừng như: bánh chưng Bờ Đậu, cơm lam Định Hóa, trám đen Hà Châu, chè Tân Cương, tương nếp Úc Kỳ, đậu phụ Bình Long, nem chua Đại Từ, mỳ gạo Hùng Sơn, bánh cooc mò, xôi ngũ sắc, măng nhồi thịt…
Với sự nỗ lực không ngừng trong việc khai thác tiềm năng phát triển du lịch cùng các giải pháp phát triển đồng bộ, Thái Nguyên là điểm đến lý tưởng thu hút du khách trong và ngoài nước với nhiều loại hình du lịch phong phú như: du lịch lịch sử về nguồn; sinh thái nghỉ dưỡng; tín ngưỡng và du lịch qua những vùng chè. Với chiến lược và hướng đi đúng đắn, Thái Nguyên đã và đang khẳng định vị thế của mình trên con đường hội nhập và phát triển, xứng đáng là trung tâm văn hóa - kinh tế của khu vực trung du và miền núi phía Bắc.
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/danh-lam-thang-canh-thai-nguyen-a57724.html