Cùng Phượt - Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của Khánh Hòa. Được sự ưu ái vô cùng lớn từ thiên nhiên, du lịch Nha Trang có rất nhiều lợi thế để phát triển với đầy đủ các loại hình du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng. Vùng đất này còn có nhiều trầm tích văn hóa gắn liền với 2 nền hóa Việt - Chăm, những lễ hội độc đáo của cư dân miền biển gắn với con người hiền hòa, mến khách. Hãy đến với Nha Trang để có thể đắm mình trong làn nước xanh ngắt, dạo bước trên bãi cát trắng mịn hay nằm nghe tiếng sóng vỗ bờ hay có những giây phút bình lặng nhìn ngắm bình minh, hoàng hôn đẹp đến ngỡ ngàng, đắm say…
Thành phố Nha Trang cách Thủ đô Hà Nội 1.280km, cách Sài Gòn 448km, Cố đô Huế 630km, nằm ở vị trí trung tâm tỉnh Khánh Hòa, phía Bắc giáp thị xã Ninh Hòa, Nam giáp thành phố Cam Ranh, Tây giáp huyện Diên Khánh, trong một thung lũng núi vây 3 phía Bắc - Tây - Nam và tiếp giáp với bờ biển về phía Đông. Sông Cái Nha Trang và sông Cửa Bé chia Nha Trang thành 3 phần, gồm 27 xã, phường. Trước khi trở thành phần đất của Việt Nam, Nha Trang thuộc về Chiêm Thành. Các di tích của người Chăm vẫn còn tại nhiều nơi ở Nha Trang như các tháp Chàm, tháp Bà Ponagar.
Nhiều dấu tích Chăm vẫn hiện hữu ở Nha Trang (Ảnh - cungphuot.info)Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên “Nha Trang” được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang (có nghĩa là “sông Lau”, tên người Chăm xưa gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.
Nha Trang những năm 70 (Ảnh - Tommy Truong79)Từ năm 1653 đến giữa thế kỷ XIX, Nha Trang vẫn là một vùng đất còn hoang vu và nhiều thú dữ thuộc Hà Bạc, huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh. Chỉ qua hai thập niên đầu thế kỷ XX, bộ mặt Nha Trang đã thay đổi nhanh chóng. Với Nghị định ngày 30 tháng 8 năm 1924 của Toàn quyền Đông Dương, Nha Trang trở thành một thị trấn . Thị trấn Nha Trang hình thành từ các làng cổ: Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài, Phước Hải.
Thời Pháp thuộc, Nha Trang được coi là tỉnh lỵ của Khánh Hòa. Các cơ quan chuyên môn của chính quyền thuộc địa như Tòa Công sứ, Giám binh, Nha Thương chánh, Bưu điện… đều đặt tại Nha Trang. Tuy nhiên, các cơ quan Nam triều như dinh quan Tuần vũ, Án sát (coi về hành chánh, tư pháp), Lãnh binh (coi việc trật tự trị an) vẫn đóng ở Thành Diên Khánh (cách Nha Trang 10 km về phía Tây Nam).
Nha Trang được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại I vào ngày 22 tháng 4 năm 2009.
Chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương, thời tiết Nha Trang tương đối ôn hòa với nhiệt độ trung bình chỉ khoảng 26ºC. Mùa đông hầu như không lạnh, mùa khô kéo dài. So với các tỉnh thành khác của vùng Nam Trung Bộ, khí hậu Nha Trang thuận lợi hơn để có thể khai thác du lịch quanh năm.
Với khoảng cách gần 500km từ Sài Gòn, các bạn phía Nam hoàn toàn có thể sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển tới Nha Trang. Các bạn từ ngoài Bắc, nếu trong 1 hành trình xuyên Việt thì việc lái xe tới Nha Trang sẽ phù hợp hơn nhiều.
Trước kia, các chuyến bay tới Nha Trang thường được khai thác từ sân bay Nha Trang, nằm ngay trong trung tâm thành phố. Tuy nhiên, việc này không đảm bảo khai thác an toàn bay cũng như gây nhiều khó khăn trong hoạt động khai thác nên từ 2004, các chuyến bay tới Nha Trang được chuyển sang khai thác tại sân bay Cam Ranh, cách trung tâm thành phố khoảng 40km.
Từ Hà Nội hàng ngày có các chuyến bay thẳng tới Cam Ranh của Vietjet, VietnamAirlines và Bamboo, giá vé khứ hồi dao động trong khoảng từ 2000-3000k với thời gian bay khoảng 2 tiếng. Từ Sài Gòn thời gian bay sẽ ngắn hơn (khoảng 1h) và giá vé cũng chỉ dao động quanh mức 1000k.
Nằm ngay trên trục đường QL1A, hạ tầng giao thông đường bộ của Nha Trang khá thuận lợi cho các chuyến xe khách chất lượng cao hoạt động. Từ Sài Gòn hàng ngày đều có các tuyến xe giường nằm đi Nha Trang chất lượng cao khởi hành liên tục, thời gian di chuyển khoảng 1 đêm. Từ Hà Nội (và một số địa điểm du lịch phía Bắc như Sa Pa, Ninh Bình, Quảng Bình) thường có các tuyến xe open tour khởi hành và có dừng lại ở Nha Trang.
Tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua Nha Trang với chiều dài toàn tuyến khoảng 25km, đây cũng là một trong những ga lớn trên hành trình Bắc Nam. Tất cả các chuyến tàu Thống Nhất từ 2 đầu đất nước đều dừng ở ga Nha Trang, ngoài ra các chuyến tàu du lịch khởi hành từ Sài Gòn đi Nha Trang hay Sài Gòn đi Quy Nhơn cũng dừng tại đây.
Từ Hà Nội hàng ngày có các chuyến tàu SE1, SE3, SE5, SE7 và SE9 khởi hành từ Hà Nội và dừng lại ở Nha Trang với thời gian di chuyển từ 24-28 tiếng. Chuyến tàu phù hợp nhất đến Nha Trang vào ban ngày để các bạn có thể bắt đầu hành trình đi chơi luôn là SE5 (khởi hành từ Hà Nội lúc 8h50 và đến Nha Trang lúc 10h44 hôm sau) và SE7 (khởi hành từ Hà Nội lúc 6h00 và đến Nha Trang lúc 8h24 hôm sau)
Từ Sài Gòn, hàng ngày có các chuyến tàu SE2, SE4, SE6, SE8, SE10, SE22, SQN2, SNT2 khởi hành từ ga Sài Gòn và dừng lại ở ga Nha Trang với thời gian di chuyển khoảng 6-9 tiếng. Các chuyến tàu phù hợp nhất là SE6 khởi hành từ Sài Gòn lúc 8h45 và tới Nha Trang lúc 15h58, SE8 khởi hành từ Sài Gòn lúc 6h00 và tới Nha Trang lúc 13h21.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch bằng tàu hỏa (Cập nhật 8/2024)
Với nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn nhưng lại không ở gần nhau, du khách đến Nha Trang nhất là các bạn trẻ thường lựa chọn cho mình phương tiện đi lại là những chiếc xe máy để chủ động hơn khi di chuyển. Các dịch vụ cho thuê xe máy ở Nha Trang khá nhiều và đa dạng, tập trung quanh các khu phố Tây nơi mà lượng khách du lịch luôn đông đúc. Các bạn nếu không rành đường cũng có thể liên hệ với những bên giao xe tận nơi.
Xem thêm bài viết: Thuê xe máy ở Nha Trang (Cập nhật 8/2024)
Hệ thống xe buýt công cộng của Nha Trang có 8 tuyến hoạt động với hơn 150 điểm dừng đỗ phục vụ cho việc đi lại trong thành phố. Ngoài ra còn có 1 số tuyến buýt liên huyện để nối Nha Trang với các khu vực khác trong tỉnh.
Tại những thành phố du lịch như Nha Trang, taxi là phương tiện khá hiệu quả nếu các bạn đi theo nhóm đông hay gia đình có trẻ nhỏ. Với một chút thỏa thuận riêng, các bạn có thể đặt tài xế là người địa phương theo những tour trọn gói đi thăm một số địa điểm du lịch nổi tiếng.
Một số hãng taxi nổi tiếng đang hoạt động ở Nha Trang
Dọc các tuyến đường ven biển Nha Trang, vào buổi tối có rất nhiều phương tiện xích lô phục vụ du khách dạo mát, hóng gió biển. Với phương tiện này, các bạn vừa có thể thoải mái tận hưởng không khí của biển lại vừa có thể ngắm cuộc sống về đêm tại thành phố này.
Nếu tính cả những khách sạn, nhà nghỉ quy mô nhỏ không được xếp hạng, số lượng cơ sở lưu trú ở Nha Trang có thể lên tới hàng nghìn với lượng phòng lên tới hơn 30.000. Hạ tầng được đầu tư để phục vụ du lịch từ khá sớm, nên đến Nha Trang các bạn chẳng bao giờ biết đến khái niệm “cháy phòng”, nếu không tìm được phòng chỉ là bạn chưa biết cách để tìm mà thôi. Tuy vậy, kinh nghiệm để có những phòng khách sạn ưng ý nếu đến Nha Trang vào các dịp lễ lớn là luôn đặt trước, lựa chọn những khách sạn uy tín cao để tránh gặp những phiền phức không đáng có.
Một số khách sạn tốt ở Nha Trang
Xem thêm bài viết: Các khách sạn ở Nha Trang (Cập nhật 8/2024)
Là một trong những trung tâm du lịch của miền Trung, Nha Trang là một trong những địa phương đi đầu về số lượng các cơ sở nghỉ dưỡng cao cấp. Riêng số lượng khách sạn 5 sao ở Nha Trang hiện lên tới con số gần 20 với hàng chục nghìn phòng, đủ để đáp ứng lượng lớn du khách có nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng.
Cùng với xu hướng du lịch dịch chuyển, tại Nha Trang cũng như nhiều địa điểm du lịch khác dần xuất hiện một hình thức lưu trú được định nghĩa là “homestay”. Đây thực chất là những khách sạn nhỏ, với phong cách thiết kế trẻ trung cùng giá thành phù hợp để hướng tới các nhóm du khách trẻ. Những homestay dạng này gần như một môi trường đa văn hóa mà ở đó các khách lưu trú có thể dễ dàng giao lưu, sinh hoạt chung hay thậm chí cùng du lịch khám phá với nhau.
Xem thêm bài viết: Danh sách homestay ở Nha Trang (Cập nhật 8/2024)
Bãi biển nằm dọc đường Trần Phú, Nha Trang luôn được đánh giá là một trong những bãi biển đẹp nhất của Việt Nam với nước biển xanh, bờ cát trắng trải dài.
Nằm cách trung tâm Tp Nha Trang chừng 20km, biển Bãi Dài nằm dưới chân đèo Cù Hin mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ. Với chiều dài khoảng 1km, biển Bãi Dài là một trong những bãi tắm đẹp của xứ Trầm Hương. Biển có bờ cát trắng mịn, độ dốc vừa phải, nước biển trong xanh và rất sạch. Đứng trên đèo Cù Hin nhìn xuống, biển Bãi Dài vẽ nên một đường cong đầy sức cuốn hút.
Biển Đại Lãnh có thể xem là niềm tự hào của người dân xứ Trầm Hương. Cảnh đẹp nơi đây, từ 160 năm trước đã được vua Minh Mạng cho khắc lên Tuyên Đỉnh - một trong 9 chiếc đỉnh đặt ở sân Thế Miếu trong kinh thành Huế “để làm báu nước muôn đời” (Quốc sử quán triều Nguyễn).
Nằm trên con đường thiên lý Bắc - Nam, giữa 2 ngọn đèo hiểm trở là đèo Cả và đèo Cổ Mã, biển Đại Lãnh thực sự là một báu vật thiên nhiên với bờ cát trắng mịn trải dài gần 3km, bãi biển uốn cong với độ dốc thoai thoải, nước biển trong xanh nhìn thấy tận đáy. Tại đây cũng có một khu cắm trại rực rỡ sắc màu rất được các bạn trẻ yêu thích.
Bãi biển Dốc Lết thuộc địa phận thị xã Ninh Hòa, cách thành phố Nha Trang khoảng 50 km. Bờ biển vẫn còn mang nét nguyên sơ, tĩnh lặng, trải dài gần 10km, uốn lượn hình cánh cung, nhẹ nhàng, thanh thoát. Cảnh biển Dốc Lết hấp dẫn bởi làn nước trong xanh, quanh năm sóng hiền hòa, êm dịu. Đặc biệt, thềm cát thoai thoải, trải dài rất lý tưởng cho du khách tắm biển, vui đùa vẫy vùng thỏa thích, hay tham gia các môn thể thao dưới nước như môtô nước, dù bay… Dọc theo bãi biển Dốc Lết, những hàng dương, hàng dừa tỏa bóng, đung đưa theo gió tạo nên khung cảnh nên thơ, làm say lòng người.
Đảo Yến thuộc vịnh Nha Trang, cách đất liền khoảng 25 km với bãi tắm đôi vô cùng nổi tiếng, rất thu hút với cảnh đẹp tuyệt vời như thiên đường. Để đi được đảo Yến, các bạn tới cảng Cầu Đá, Nha Trang, mua vé tàu ra Đảo. Vì đây là đảo thuộc quản lý du lịch của công ty Yến sào Khánh Hòa, các bạn không thể đi tự túc mà phải mua vé. Du khách chỉ được tham quan trong ngày, với giá 350k một người, bao gồm ăn sáng, nước yến, bánh ngọt, cơm trưa và trái cây nhẹ buổi chiều.
Hòn Mun là một đảo nhỏ trong Vịnh, sở dĩ có tên là “Hòn Mun” vì phía đông nam của đảo có những mỏm đá nhô cao, vách dựng hiểm trở tạo thành hang động, đặc biệt đá ở đây đen tuyền như gỗ mun, rất hiếm thấy ở những nơi khác. Kết quả khảo sát đa dạng sinh học Khu bảo tồn biển cho thấy Hòn Mun là nơi có rạn san hô phong phú và đa dạng nhất Việt Nam.
Nơi có Thủy Cung Trí Nguyên với những sinh vật biển kỳ lạ. Cách hồ là bãi sỏi đủ màu, đủ dáng, trải thành từng lớp trên bờ thay cho cát trắng
Hòn Tằm một điểm du lịch sinh thái biển đảo hấp dẫn, nơi đây vẫn còn lưu lại vẻ hoang sơ của thiên nhiên với thảm rừng nhiệt đới xanh mướt, bờ cát dài lãng mạn. Phía sau đảo này có một hang đá rất đặc biệt, kỳ bí mới được ngành du lịch phát hiện và đưa vào khai thác. Đó là hang Dơi, nơi có rất nhiều đàn dơi cư trú trên những vách đá cheo leo ở độ cao 60m. Đảo được đầu tư phát triển nhiều loại hình thể thao bãi biển như dù bay, bóng chuyền bãi biển, đua xuồng Kayak, leo núi….
Hòn Tre đảo lớn nhất trong vịnh Nha Trang với diện tích trên 32.5 km², nằm cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 5 km về phía Đông, cách cảng Cầu Đá 3,5 km vị trí tương đối biệt lập, có bãi tắm thiên nhiên đẹp vào bậc nhất Việt Nam, thảm thực vật trong khu vực còn nguyên sơ, khí hậu ôn hoà, ít gió bão, rất thuận lợi cho việc phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng biển.
Đây là tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng của tập đoàn VinGroup, được xây dựng trên đảo Hòn Tre. Vinpearl được nối với đất liền thông qua hệ thống cáp treo vượt biển dài hơn 3km.
Nhóm đảo này thực chất nằm ở Cam Ranh, cách trung tâm Nha Trang khoảng hơn 40km. Tuy nhiên, hầu hết du khách đến với Nha Trang thường sử dụng đường hàng không và hạ cánh ở sân bay Cam Ranh nên đây là một trong những địa điểm được du khách khá yêu thích khi đến với Nha Trang.
Đảo Bình Ba là 1 trong các hòn đảo “tôm hùm” nổi tiếng nhất tỉnh Khánh Hòa và cũng là điểm du lịch không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá “Tứ Bình” tuyệt vời gần ngay phố biển Nha Trang. Đảo Bình Ba hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những ngày trải nghiệm cuộc sống mộc mạc, mới lạ, độc đáo giữa biển trời rộng lớn đấy.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch đảo Bình Ba (Cập nhật 8/2024)
Đảo Bình Hưng thuộc địa phận xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh nằm ẩn mình dưới chân đèo của cung đường biển Bình Tiên - Vĩnh Hy. Nơi đây nổi tiếng với những bãi cát trắng mịn, và làn nước trong xanh. Đây là một trong ba đảo Tam Bình thuộc vịnh nước sâu Cam Ranh. Đảo còn có tên gọi khác là hòn Tý hay hòn Chút.
Xem thêm bài viết: Kinh nghiệm du lịch đảo Bình Hưng (Cập nhật 8/2024)
Bình Lập là cái tên mới được nhắc gần đây với tần suất khá nhiều và còn được ví von như một thiên đường Maldives thu nhỏ của Việt Nam. Khác với Bình Ba hay Bình Hưng phải đón tàu thuỷ cập bến, đến với Bình Lập bạn chỉ cần chạy xe máy hoặc thuê ô tô ra đến tận nơi để du lịch và tham quan. Bãi tắm vẫn còn giữ được nét hoang sơ của thiên nhiên vì chưa nhiều khách du lịch biết đến. Đi tận cùng con đường dẫn đến Bình Lập sẽ là làng Tàu Bể - nơi người dân chài tập trung sinh sống đông nhất khu này.
Bãi biển Bình Tiên nằm ngay trên cung đường biển đi vào Bãi Kinh để sang Bình Hưng. Bờ cát ở Bình Tiên dài, thoải và trắng mịn, rất thích hợp để bơi lội, thư giãn, ngâm mình dưới làn nước trong xanh. Buổi tối, bạn có thể mang theo lều để cắm trại ngay trên bờ cát, nằm ngắm sao trời, nghe tiếng biển và hàng cây phi lao rì rào bên tai và tổ chức tiệc BBQ bên bờ biển.
Viện hải dương học là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học được ra đời sớm nhất ở Việt Nam và được coi là cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á. Đến thăm Viện, du khách sẽ được tận mắt xem Bảo tàng sinh vật biển với trên 20.000 mẫu vật của hơn 4.000 loại sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm, bên cạnh những mẫu vật sống được nuôi thả trong những bể kính.
Tháp Yang Po Inư Nagar (tên đầy đủ là Po Inư Nagar, hay còn gọi là Po Nagar) là ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi “Tháp Po Nagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương Quốc, vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Umar, vợ của Shiva.
Cách trung tâm Nha Trang khoảng vài km, nằm ngay sau lưng Tháp Bà Ponagar, đây là một địa điểm mà du khách có thể lựa chọn để sử dụng các dịch vụ tắm khoáng bùn.
Hòn Chồng gồm 2 cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân đồi La San, có thể được tạo nên do sự xâm thực của thủy triều lên ngọn đồi này. Cụm đá lớn ở ngoài biển gọi là Hòn Chồng, gồm một khối đá lớn vuông vức nằm trên một tảng đá bằng phẳng và rộng hơn, phía mặt đá quay ra biển có một vết lõm hình bàn tay rất lớn.
Đi giữa bãi đá còn nhiều tảng đá chồng chất kỳ lạ như cảnh hai hòn đá dựng đứng, giữa có chẹt một hòn đá lớn như cái cổng qua một cụm đá khác. Cụm đá thứ hai có hình dáng một người phụ nữ ngồi trông ra biển - được đặt một cái tên có ý nghĩa gần gũi với Hòn Chồng - đó là Hòn Vợ, cụm đá này ít được du khách để ý hơn.
Chùa Long Sơn hay còn gọi là Chùa Phật trắng trước có tên là Đăng Long Tự nằm dưới chân đồi Trại Thủy, Nha Trang. Ngôi chùa này được xây dựng cách đây hơn một trăm năm, trải qua nhiều lần trùng tu, và đến nay là ngôi chùa nổi tiếng nhất tỉnh Khánh Hòa.
Nhà thờ Núi (tên chính thức là: Nhà thờ Chánh tòa Kitô Vua) là một nhà thờ Công giáo ở thành phố Nha Trang. Nhà thờ này còn có nhiều tên gọi bình dân như: Nhà thờ Nha Trang (vì trước đây nó thuộc họ đạo Nha Trang); Nhà thờ Ðá (vì nó được xây bằng đá); Nhà thờ Ngã Sáu (vì nó tọa lạc gần một xòng xoay giao thông); nhưng phổ biến hơn cả là tên gọi Nhà thờ Núi (vì nó được xây trên một núi nhỏ).
Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, có sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc phương Tây với nghệ thuật hoa viên phương Đông. Lầu Bảo Đại được người Pháp đã xây dựng năm 1923 ban đầu là một cụm 5 biệt thự trên núi Chụt để làm nơi ăn ở cho các nhà hải dương học đến nghiên cứu vùng biển Đông Nam Á tại Viện hải dương học Đông Dương (hiện là Viện hải dương học Nha Trang) người Pháp đặt tên cho các ngôi biệt thự này theo tên các loài cây và hoa trồng xung quanh. Lần lượt từ mỏm núi trở vào là biệt thự Xương Rồng, Bông Sứ, Bông Giấy, Phượng Vĩ, Cây Bàng. Từ năm 1940 đến 1945, hoàng đế Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương thường đến nghỉ ngơi ở biệt thự Xương Rồng và Bông Sứ nên từ đó cụm di tích này được gọi là Lầu Bảo Đại.
Chợ trung tâm của thành phố biển Nha Trang, là một công trình kiến trúc đẹp, độc đáo. Đây là chợ lớn nhất và cũng là biểu tượng thương mại của thành phố biển này. Đây là trung tâm thương mại mua sắm và cũng là điểm tham quan du lịch. Chợ có tên chợ Đầm là vì chợ nằm trên một cái đầm cũ rộng đến 7 mẫu tây, ăn thông ra cửa sông Nha Trang dưới chân cầu Hà Ra nay đã bị lấp. Chợ hiện nay bán rất nhiều sản phẩm gia dụng lẫn những mặt hàng lưu niệm, hải sản… rất phong phú. Ngay tại cửa ra vào, bãi đậu xe là tới khu vực chợ, tại các cánh cung bọc 2 bên chợ là bán hải sản, khô, nem nướng và các mặt hàng lưu niệm. Trung tâm chợ bán các mặt hàng thiết yếu.
Ít ai ngờ rằng ở Nha Trang ngoài bãi biển xinh đẹp, tuyến đảo đa dạng phong phú thì trong lòng thành phố Nha Trang vẫn còn lưu lại một làng quê cổ mang đậm nét miền Trung. Đó là làng cổ Phú Vinh thuộc xã Vĩnh Thạnh. Phú Vinh có lịch sử trên 200 năm, do đó còn lưu lại trong lòng mình khá nhiều ngôi nhà cổ. Hiện nay, mỗi năm có cả chục ngàn du khách tham gia vào tour du lịch “làng cổ” Phú Vinh. Trong 6 ngôi nhà cổ được chọn đều nằm trên trục đường vòng cung của xã Vĩnh Thạnh. Ðiểm đặc biệt nữa là ở đó có cả những dòng họ nhiều đời sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất cha ông đã khai hoang.
Điểm nhấn của khu du lịch Tàu Ngầm Nha Trang là công trình mô phỏng chiếc tàu ngầm giống hệt chiếc tàu ngầm Kilo 185 - Khánh Hòa. Tàu có kết cấu bê tông cốt thép, độ dày khoảng 15cm; trên boong tàu có gắn mô hình vũ khí tên lửa đối hạm; bên trong tàu ngầm được thiết kế theo mô hình hầm rượu mang phong cách cổ điển với hình ảnh những chai rượu nổi tiếng trên thế giới, trong đó có ché rượu cần của Việt Nam. Bên ngoài tàu ngầm còn có các công trình mô phỏng những vũ khí, thiết bị quân sự khác như: Tàu chiến, xe zil, tên lửa…
Nằm cách Bến tàu du lịch Cầu Đá khoảng 10km, Đảo Robinson (gần làng chài Bích Đầm) là điểm đến thú vị dành cho du khách ưa thích biển đảo. 15 phút đi cano, du khách đã có mặt ở Đảo Robinson, hòa mình trong làn nước biển xanh ngắt của vịnh Nha Trang.
Bích Đầm là xã đảo xa nhất của Nha Trang, nằm chung trong cụm đảo Hòn Tre. Tên gọi Bích Đầm hình thành do đặc thù vùng nước trong xanh nơi đây. Dù mùa biển động đến đâu, nước trong vịnh lúc nào cũng xanh biếc như ngọc. Để ra làng chài, du khách đến cảng Cầu Đá lên chuyến tàu ra Bích Đầm khởi hành lúc 11 giờ 30, chạy khoảng 2 giờ sẽ ra tới đảo và tàu rời đảo để vào đất liền lúc 6 giờ sáng.
Trên đảo chưa có dịch vụ du lịch nên nếu muốn ở lại, du khách có thể xin ở homestay hoặc mang theo lều để cắm trại. Làng chài có một vài hàng quán nhỏ bán đồ ăn sáng. Du khách có thể mua hải sản do người dân chài đánh bắt và nhờ họ chế biến để có những món ăn ngon.
Đây là một con suối bắt nguồn từ đỉnh Hòn Son, cao trên 600m, chảy giữa hai triền núi đá xuống cánh đồng thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, Thị xã Ninh Hòa rồi đổ ra đầm Nha Phu. Suối mang tên Ba Hồ vì phía đầu nguồn, trên đường vượt núi, băng rừng để xuống với biển, có ba lần suối mở lòng ra ngay trên lưng núi, tạo liên tiếp ba cái hồ với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, mỗi hồ mỗi khác khiến từ xưa con suối đã được du khách gần xa biết đến cùng với những huyền thoại ly kỳ, hấp dẫn gắn với nó. Suối Ba Hồ đang là điểm đến vô cùng hấp dẫn với các du khách khi đến Nha Trang do chỉ cách trung tâm thành phố này khoảng hơn 20km.
Là thành phố ven biển, hải sản ở Nha Trang vô cùng phong phú và tươi ngon. Bạn có thể thưởng thức hải sản ở các nhà hàng hay các quán ven biển. Ngoài các loại tôm, mực, sò huyết, ốc…, bạn cũng nên thử qua món cá nướng tại Nha Trang nhé.
Bánh canh là món đặc sản rất nổi tiếng ở Nha Trang mà hầu như du khách nào đến đây cũng phải một lần thưởng thức. Cái ngon của tô bánh canh nơi đây không chỉ ở thứ nước lèo ngọt ngọt, chua chua mà nhiều người “mê mệt” còn bởi độ chất của những khúc cá thu mềm, ngọt, thơm và không có một chút xương.
Một tô bún chả cá luôn có hai loại chả là chả cá chiên và chả cá hấp để làm phong phú thêm khẩu vị. Chả cá được dùng là chả cá thu để có độ dai và ngọt. Chả cá hấp còn được tráng một lớp lòng đỏ trứng gà trên bề mặt. Nước lèo của bún chả cá được nấu bằng cá cờ hoặc xương cá thu. Chất cá này làm cho vị nước lèo thanh ngọt, mát.
Tương tự với bún cá nhưng được làm từ sứa, tôm, cua, thịt ba chỉ, chả cá hấp hoặc chả cá viên có điểm thêm mùi thơm của đậu phụng rang, rau ghém… Người ta thường dùng sứa chân để chế biến món bún sứa. Chả cá chế biến từ cá thu, một phần phần viên thành viên tròn nhỏ rán vàng, một phần ém vào khuôn, thoa lòng đỏ trứng lên trên, hấp chín và thái nhỏ. Nước dùng được chế biến từ mắm ruốc và nạc cá thu.
Bánh căn Nha Trang có bề ngoài như bánh khọt Vũng Tàu, nhưng bột là bột gạo và đặc hơn, được đúc trong khuôn đất, không kèm theo dầu mỡ nên bánh có phần đáy cháy cạnh, vàng giòn.
Bánh xèo Nha Trang được đúc trong những chiếc khuôn hình tròn làm từ đất nung, có đường kình cỡ một gang tay người lớn. Bánh là món ăn sáng và ăn tối ưa thích của người dân nơi đây. Bánh được làm từ bột gạo xay pha loãng với nước cộng thêm hành lá hay hẹ cắt khúc.
Nguyên liệu chính làm nem là thịt nạc ròng ở hai bắp đùi heo đất đỏ (một loại heo đặc trưng của địa phương). Bên ngoài nem chua được gói thêm lớp lá chuối hột hoặc chuối mốc, cột bằng lạt giang, kết từng chiếc lại thành xâu nem chua, ăn kèm với tép tỏi để có hương vị đặc biệt và độ dai, giòn. Ngoài nem chua, còn có nem nướng cũng được chế biến từ thịt nạc giã nhuyễn và mỡ xắt hạt lựu cùng một số gia vị, viên lại rồi nướng trên than hồng. Nem nướng được cuốn bằng bánh tráng mặn chiên vàng kèm nhiều loại rau, dùng với nước chấm hỗn hợp đặc trưng
Còn gọi là bánh ướt Thành là một đặc sản của Diên Khánh. Những quán bánh ướt thường được bày theo kiểu nhà quê: quán ngay trước nhà, có lò tráng bánh đắp bằng đất và đặt những bộ bàn ghế rất sơ sài. Chiếc bánh khi tráng ra bày rất mỏng trên đĩa để đổ nhân là ruốc tôm, hành mỡ, còn nước chấm là mắm nêm, mắm nước. Ngày xưa, bánh ướt Diên Khánh có đủ bộ “tam sên” là hành mỡ, đậu xanh, ruốc tôm. Nay người ta giản lược đi chỉ còn hai thứ: nếu có đậu xanh thì không có ruốc tôm và ngược lại. Cái ngon của quán bánh ướt nhà quê là nước chấm, đặc biệt là mắm ruột. Việc pha chế mắm cũng đơn giản nhưng mỗi quán có mỗi cách làm và nêm nếm riêng.
Cơm gà Nha Trang là cơm gà xé, ăn với rau răm, dưa leo, đồ chua, nước mắm gừng và sốt vàng ươm, béo ngậy.
Bò nướng trực tiếp trên than hoa theo hình thức nướng lụi, khách tự đặt bò lên vỉ nướng, chờ khoảng 15 phút là thịt tới độ chín, có thể thưởng thức. Trong 15 phút ấy, ai ai cũng háo hức, thị giác dán chặt vào lò than hừng hực lửa, tiếng mỡ cháy xèo xèo cùng hương thơm ngây ngất xực tỏa khắp nơi. Bò chín tới vừa ngọt vừa mềm, màu đỏ au như ướp ớt mà không quá cay, chỉ chấm cùng thứ nước chấm cực kì giản đơn là muối chanh ớt đã đủ đậm đà, lại thơm lựng.
Nếu Yến sào là đặc sản đầu tiên mà du khách nên thưởng thức khi đến với Khánh Hoà thì Vịt Cầu Dứa có thể xem là món thứ hai trong thực đơn khám phá món ngon của du khách khi đến với Thành phố biển nơi đây. Cách trung tâm Thành phố khoảng 4km về phía Nam, nằm trên quốc lộ 1A là khu phố Vịt thuộc vùng Cầu Dứa. Nơi đây đã thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước bởi hương vị độc đáo của các món ăn được chế biến từ vịt.
Yến sào, hay tổ chim yến, là tên một loại thực phẩm dược phẩm nổi tiếng được làm bằng tổ chim yến. Ở Việt Nam, các địa phương có yến sào tự nhiên là một số hòn đảo của một số tỉnh thành Nam Trung Bộ như Phú Yên, Khánh Hòa…Nha Trang cũng là nơi du khách có thể thưởng thức món yến sào thường xuyên tại các nhà hàng sang trọng.
Ngày xưa, thị trấn Diên Khánh bao gồm cả huyện miền núi Khánh Vĩnh là một nơi có số lượng nai nhiều nhất trong cả tỉnh. Ngày trước, nai còn nhiều, người dân thường hay đặt bẫy đánh bắt. Thịt nai tươi sống được ướp nướng, xào… dư thừa thì đem phơi khô để dành. Dần dà, món nai khô trở thành đặc sản mà ai đến Diên Khánh đều muốn được thưởng thức.
Ngày 1: Cam Ranh - Bình Ba
Sau khi đến nơi, lên tàu khởi hành đi Bình Ba từ cảng Ba Ngòi, khoảng 45 phút sẽ tới được đảo. Trên đường đi tàu sẽ xuyên qua vịnh Cam Ranh, các lồng bè nuôi hải sản trên biển… Tới nơi, nhận phòng khách sạn rồi cất đồ đi chơi.
Dạo chơi một vòng quanh đảo ghé thăm đình làng Bình Ba, tham quan cuộc sống người dân trên đảo. Trưa có thể đặt hải sản tại nơi lưu trú hoặc tại các nhà bè trên đảo luôn.
Chiều tiếp tục dạo chơi tắm biển, chụp ảnh check-in với những Bãi Nồm, Bãi Chướng, Bãi Nhà Cũ, Bãi Sa Huỳnh…
Tối nghỉ ngơi, đặt tiệc nướng BBQ, hát hò giao lưu
Ngày 2: Bình Ba - Bình Hưng
Từ Bình Ba có thể liên hệ người dân thuê thuyền đi trực tiếp sang Bình Hưng, nếu không bắt buộc sẽ phải quay lại bờ rồi di chuyển đường bộ sang Bãi Kinh để tiếp tục tới Bình Hưng.
Tới Bình Hưng, có thể tự túc ghé thăm một số địa điểm trên đảo như hải đăng Hòn Chút, khu An Hill… Với một số địa điểm, phải thuê tàu của người dân địa phương mới có thể đến. Toàn bộ ngày 2 này tập trung khám phá Bình Hưng
Tối ngủ trên đảo Bình Hưng
Ngày 3: Khám phá Vinpearl Nha Trang
Sáng ngày thứ 3, các bạn từ đảo Bình Hưng đi tàu lại Bãi Kinh rồi từ đây thuê xe về trung tâm thành phố Nha Trang. Ngày này các bạn có thể dành nguyên ngày để chơi ở Vinpearl.
Tối ngủ ở Nha Trang
Ngày 4: Khám phá Nha Trang
Ngày tiếp theo, các bạn có thể đặt một số tour ngắn tham quan các đảo trong Vịnh Nha Trang. Tham quan một số địa điểm ngay trong thành phố như Tháp Bà, Viện Hải Dương Học, chùa cổ Long Sơn, nhà thờ núi, đến chợ Đầm mua các đặc sản Nha Trang về làm quà.
Ngày 1: Cam Ranh - Điệp Sơn
Tùy giờ bay mà các bạn có mặt ở sân bay Cam Ranh sớm hay muộn. Nếu sớm các bạn có thể dành nhiều thời gian hơn để khám phá Cam Ranh, nếu không các bạn giảm bớt thời gian đi để di chuyển tới Vạn Giã. Thời gian đi từ Cam Ranh tới cảng Vạn Giã cũng phải gần 3 tiếng. Lên tàu ra đảo Điệp Sơn, tối ngủ ngoài đảo 1 đêm nhé.
Ngày 2: Khám phá Điệp Sơn - Đầm Môn - Bãi Rạng
Ngày này các bạn tranh thủ khám phá Điệp Sơn, thực ra cũng không có gì nhiều, chủ yếu là chụp ảnh thôi. Sắp xếp thời gian quay lại bờ thật sớm, từ đây chạy thẳng tới Đầm Môn để kịp giờ đi.
Bắt đầu hành trình từ Đầm Môn, các bạn qua nhà chú Hai Châu nghỉ ngơi rồi tiếp tục đi ra Bãi Rạng dựng lều cắm trại.
Tối ngủ Bãi Rạng, đốt lửa nướng BBQ rồi ngắm sao ha.
Ngày 3: Chinh phục Cực Đông - Nha Trang
Sáng lại dậy sớm từ Bãi Rạng đi tiếp ra Mũi Đôi, gần thôi nhưng đi sớm thì sẽ kịp đón bình minh nơi vùng cực.
Tùy vào mức độ ham chơi, các bạn ở đây đến bao giờ thì ở. Xong xuôi thì thu xếp rồi quay trở lại Đầm Môn để lấy xe. Nghỉ ngơi ăn trưa xong rồi thì lại lên xe quay lại Nha Trang
Ngày 4++: Chơi bời Nha Trang
Quay lại Nha Trang, tùy vào thời gian rảnh rỗi của mình mà các bạn có thể sắp xếp ở lại đây theo số lượng ngày mong muốn. Chí ít nếu muốn khám phá hết Nha Trang, các bạn cần sắp xếp khoảng 2 ngày ở đây. Nếu muốn đi thêm nhóm đảo Tứ Bình, thời gian sẽ kéo dài hơn nhé.
Lịch trình này các bạn khởi hành từ Hà Nội, bay tới Nha Trang và sau đó trở về Hà Nội từ Đà Lạt. Lịch trình tương đối dài ngày, đối với các bạn đi từ Sài Gòn chỉ cần điều chỉnh một chút về phương tiện đi lại là oke.
Ngày 1: Khám phá Nha Trang
Từ sân bay Cam Ranh, các bạn di chuyển về trung tâm Tp Nha Trang làm thủ tục nhận phòng khách sạn. Sau khi cất đồ các bạn bắt đầu hành trình.
Chiều tham quan Chùa Long Sơn, Tháp Bà Ponagar, tắm bùn ở khu suối khoáng Tháp Bà. Tối thưởng thức hải sản Nha Trang rồi về khách sạn nghỉ ngơi.
Ngày 2: Nha Trang - Vinpearl
Sáng dậy có thể dạo quanh thành phố, ăn sáng bằng các món ăn nổi tiếng của Nha Trang như bún cá, bánh canh… Lượn lờ uống cafe rồi ra bãi biển khu vực đường Trần Phú để tắm biển.
Tắm biển xong, có thể di chuyển sang Vinpearl Land phía bên Hòn Tre. Có thể sử dụng cano hoặc mua vé tuyến cáp treo vượt biển để di chuyển. Khu vực này tương đối rộng và nhiều hoạt động nên có thể ở đây chơi đến tận chiều tối, sau đó quay trở lại trung tâm thành phố để nghỉ ngơi.
Ngày 3: Nha Trang - Đà Lạt
Tùy vào số lượng người trong đoàn mà các bạn lựa chọn phương án di chuyển, nếu đi ít người các bạn có thể sử dụng phương tiện công cộng (các tuyến xe Nha Trang - Đà Lạt chạy liên tục hàng ngày). Nếu đoàn đông, các bạn có thể chủ động thuê xe để đi lại cho tiện. Thời gian di chuyển Nha Trang Đà Lạt khoảng 4-5 tiếng. Đến Đà Lạt nhận phòng khách sạn, cất đồ nghỉ ngơi ăn trưa.
Chiều các bạn hãy thư thả chạy một vòng xe máy quanh Đà Lạt, thành phố không hề có một hệ thống đèn giao thông nào. Có thể ghé Hồ Xuân Hương thưởng thức một ly cafe bên hồ, lượn lờ quảng trường Lâm Viên, hay làm một chuyến tàu hỏa từ Ga Đà Lạt tới Trại Mát. Cũng đừng quên ghé Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt chụp ảnh và chạy một vòng để thưởng thức những món ăn ngon ở Đà Lạt nhé.
Tối ngủ Đà Lạt
Ngày 4: Thung Lũng Vàng - Làng Cù Lần - Ma Rừng Lữ Quán
Sáng dậy ăn sáng, làm một ly cafe Đà Lạt cho tỉnh táo rồi bắt đầu hành trình.
Từ Trung tâm Tp Đà Lạt đi tới khu du lịch Thung Lũng Vàng, khoảng tầm 20km. Các bạn có thể nghỉ ngơi ăn trưa tại đây rồi sau đó tiếp tục đi sang Ma Rừng Lữ Quán. Chỗ này cách Thung Lũng Vàng khoảng hơn chục km, đường vào khá xấu. Đến đây thì chỉ ngồi cafe rồi chụp ảnh một lúc rồi tiếp tục đi sang khu Làng Cù Lần.
Khu vực làng Cù Lần đi bộ cũng khá nhiều, nếu không thích các bạn có thể thuê một chuyến xe jeep để trải nghiệm cảm giác long xòng xọc quanh làng.
Tối về lại Tp Đà Lạt ăn uống nghỉ ngơi
Ngày 5: Đà Lạt - Thác Prenn - Thác Datanla - Tuyền Lâm - Thiền viện Trúc Lâm
Tổng quãng đường cũng chỉ khoảng 30km cho tất cả chiều đi và chiều về nhưng các bạn sẽ khá mất thời gian cho từng điểm vì ở các khu vực thác có trò chơi rất thú vị. Buổi sáng các bạn có thể đi thác Prenn.
Từ thác Prenn, các bạn chạy theo đường đèo Prenn tới thác Datanla. Thác Datanla lớn hơn nhiều, chảy từ trên cao, qua 7 tầng núi đá dội xuống những phiến đá lớn. Từ trên cao có hệ thống xe trượt mạo hiểm đưa khách xuống chân thác, các bạn trẻ đi du lịch thì nên chơi trò này, chiều dài máng trượt gần 1000m và nhiều đoạn cua nghiêng, gấp khúc sẽ đem lại cho các bạn cảm giác rất phấn khích.
Rời khỏi thác Datanla, các bạn đi thêm 1 quãng nữa sẽ vào đến hồ Tuyền Lâm, một hồ nước ngọt, lớn nhất ở Đà Lạt. Đây được coi là khu vực có nhiều cảnh quan đẹp và dịch vụ du lịch phong phú. Bạn có thể đi dạo quanh hồ, thuê võng nằm nghỉ hoặc thuê thuyền đi dạo trên hồ. Có thể lựa chọn ăn trưa và nghỉ ngơi ở khu vực hồ Tuyền Lâm luôn.
Tiếp đến, hãy lên thăm Thiền viện nằm trên núi Phượng Hoàng, không khí hết sức thanh tịnh và yên tĩnh. Sau một ngày dài mệt mỏi, hãy để tâm hồn và cơ thể được thả lòng, nghỉ ngơi nhé.
Ngày 6: Kết thúc
Tìm trên Google:
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/phuot-nha-trang-a56680.html