Việc dọn dẹp bàn làm việc và bài trí không gian sống của mình một cách khoa học và ngăn nắp sẽ giúp bạn duy trì được sức khỏe tốt, thư thái về mặt tâm trí, làm việc và ra quyết định một cách sáng suốt, và luôn có đủ thời gian cho việc chăm sóc các mối quan hệ quan trọng của mình.
Sự bừa bộn không chỉ khiến chúng ta thường xuyên mệt mỏi, mà còn tác động tiêu cực đến mọi khía cạnh của cuộc sống. “Lối sống gọn gàng ngăn nắp không chỉ giúp con người có thêm nhiều thời gian để chăm sóc bản thân, mà còn giúp chúng ta có một cuộc sống cân bằng và trọn vẹn hơn”, lời khẳng định của tiến sĩ Eva Selhub, giảng viên Khoa Y Đại học Harvard.
Nghiên cứu của hai nhà khoa học Saxbe và Repetti được đăng tải trên tạp chí Personality and Social Psychology Bulletin vào năm 2009 khảo sát hai nhóm phụ nữ: Nhóm thứ nhất gồm những người thừa nhận rằng nhà cửa hoặc nơi làm việc của mình đang trong tình trạng “bừa bộn” hoặc “còn nhiều việc tồn đọng, dở dang”; nhóm thứ hai gồm những chị em cảm thấy rằng không gian sống hoặc nơi làm việc của mình rất “thoải mái” hoặc “ấm cúng”. Kết quả khảo sát và kiểm tra sức khỏe cho thấy những người phụ nữ thuộc nhóm thứ nhất có nhiều dấu hiệu trầm cảm, mệt mỏi, và cơ thể họ có lượng cortisol (một loại hoóc-môn được sản sinh do stress) cao hơn hẳn những người thuộc nhóm thứ hai. Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng có quá nhiều việc để lo lắng hoặc nghĩ ngợi khiến chúng ta cảm thấy quá tải, đồng thời làm kìm hãm quá trình điều tiết cortisol trong cơ thể con người. Về lâu dài, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với chất lượng giấc ngủ, hiệu quả hoạt động của não bộ cũng như sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của chúng ta.
Sự bừa bộn khiến chúng ta mất tập trung. Đây không chỉ là một sự thật hiển nhiên, mà nó đã được các nhà khoa học chứng minh thông qua nhiều công trình nghiên cứu quy mô. Việc phải lưu tâm đến quá nhiều việc cùng một lúc khiến cho vỏ não bị quá tải, làm trì hoãn quá trình xử lý thông tin của não bộ - kết luận từ công trình nghiên cứu của McMains và Kastner đăng trên tạp chí Journal of Neuroscience vào năm 2011. Thói quen dọn dẹp và duy trì bàn làm việc ngăn nắp sạch sẽ giúp ích cho chúng ta trong công việc và cả trong cuộc sống. “Một trong những rào cản hàng đầu khiến con người không thể có một sức khỏe trọn vẹn như mong muốn chính là sự thiếu thời gian”, tiến sĩ Selhub nhấn mạnh. “Thói quen sắp xếp, dọn dẹp và tổ chức không gian làm việc hợp lý giúp chúng ta nâng cao năng suất lẫn hiệu quả công việc. Nhờ đó, chúng ta có thể tan sở và về nhà đúng giờ, có nhiều thời gian hơn cho các hoạt động quan trọng khác của cuộc sống như ăn uống đầy đủ, nghỉ ngơi thư giãn, ngủ ngon và đủ giấc, và tham gia các hoạt động thể dục thể thao”.
Nghiên cứu của giáo sư Kathleen D. Vohs và các cộng sự đến từ Đại học Minnesota đăng trên tạp chí Psychological Science vào năm 2011 cho ra kết quả rằng những người làm việc trong các không gian được tổ chức gọn gàng sạch sẽ có xu hướng chọn một quả táo thay vì một thanh sô-cô-la để tráng miệng, và tỉ lệ này cao gấp đôi so với những người làm việc trong những không gian bừa bộn trong cùng một khoảng thời gian được khảo sát. “Sự bừa bộn gây căng thẳng cho bộ não. Do vậy, những người thường xuyên sống trong môi trường bừa bộn dễ có phản xạ thích nghi với điều đó bằng cách ăn nhiều quá mức cần thiết để giải tỏa căng thẳng hoặc lựa chọn những loại thức ăn có tính chất xoa dịu tinh thần như đồ ngọt, dẫn đến nguy cơ béo phì cao”, tiến sĩ Selhub lưu ý.
Những người biết lên kế hoạch cho cuộc sống, thiết lập các mục tiêu ngắn hạn và có thói quen ghi nhận lại tiến độ làm việc của bản thân có xu hướng duy trì thói quen vận động cơ thể hoặc luyện tập thể dục thể thao hiệu quả hơn những người đến phòng tập không có mục đích - kết luận từ công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đến từ Bệnh viện Villa Garda (Ý) đăng trên tạp chí Journal of Obesity năm 2011. Kỹ năng tổ chức công việc và cuộc sống giúp chúng ta quan tâm hơn đến sự tiến bộ của bản thân so với ngày hôm qua; nhờ vậy, những người sở hữu kỹ năng này có khả năng theo đuổi và duy trì các chế độ luyện tập hiệu quả và lâu dài hơn người bình thường. “Cụ thể, kỹ năng tổ chức cuộc sống giúp chúng ta lưu ý hơn đến những thứ mình thu nạp hoặc hấp thụ vào cơ thể, và đây chính là một trong những phẩm chất hàng đầu giúp chúng ta có được sức khỏe tốt”, tiến sĩ Selhub nhận định. Chẳng hạn, khi bạn biết cách sắp xếp công việc và tổ chức cuộc sống của mình một cách hợp lý, bạn sẽ nhận thức được tầm quan trọng của những bữa ăn lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng; từ đó, bạn hình thành thói quen ăn nhiều rau xanh và trái cây, đơn giản vì bạn hiểu được chúng mang lại ích lợi to lớn như thế nào đối với sức khỏe của mình. “Trong khi đó, những người chỉ biết ăn những gì có sẵn, liên tục ghé thăm các cửa hàng thức ăn nhanh và không có sự chọn lọc đối với những gì mình tiếp nhận vào cơ thể hiển nhiên sẽ có nguy cơ béo phì cao”, tiến sĩ Selhub tiếp lời.
Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng lối sống ngăn nắp gọn gàng giúp chúng ta ngủ ngon và đủ giấc hơn. Theo Tổ chức Nghiên cứu giấc ngủ (Washington DC, Hoa Kỳ), những người có thói quen dọn giường mỗi sáng thường được thụ hưởng giấc ngủ chất lượng với tỉ lệ cao hơn 19% so với những người không dọn giường, 75% số người được khảo sát trả lời rằng họ dễ có giấc ngủ ngon hơn trên một chiếc giường đã được dọn dẹp và sắp xếp ngăn nắp, với ga trải giường phẳng phiu và sạch sẽ. Ngoài việc thường xuyên thay và giặt giũ ga giường và bao gối, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc duy trì sự ngăn nắp gọn gàng trong cả những hoạt động khác ngoài phòng ngủ cũng cần thiết không kém trong việc giúp chúng ta có được giấc ngủ ngon. Sự bừa bộn trong công việc và các hoạt động khác trong gia đình sẽ khiến bạn không thể đi ngủ đúng giờ vào mỗi tối, dẫn đến tình trạng mang cả công việc vào phòng ngủ. Hệ quả là bạn sẽ phải thức khuya để hoàn thành nốt những việc còn tồn đọng, khiến cho giấc ngủ không thể nào trọn vẹn.
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/loi-ich-cua-viec-gon-gang-ngan-nap-a56406.html