Năm Canh Dần (1890), tại Nam Đàn tỉnh Nghệ An, cậu bé Nguyễn Sinh Cung, sau này là Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người đã khai sinh ra nền dân chủ cộng hoà Việt Nam ra đời. Năm 11 tuổi ông Nguyễn Sinh Sắc đã đặt tên mới cho Nguyễn Sinh Cung là Nguyễn Tất Thành.
Năm Nhâm Dần (1902), Nguyễn Tất Thành tiếp tục học chữ nho và được giáo dục và rèn luyện Hán học mà chủ yếu là nền nho giáo thấm nhuần tinh thần yêu nước của Việt Nam. Tiếp đó Nguyễn Tất Thành theo học tiếng Pháp tại trường tiểu học Pháp - Việt ở thành phố Vinh. Sau đó, theo học trường Quốc học Huế, rồi theo cha đến Quy Nhơn, được cha cho học thêm tiếng Pháp với thầy Phạm Ngọc Thọ.
Năm Giáp Dần (1914), sau khi qua Pháp, Mỹ và một số nước Châu Phi, Nguyễn Tất Thành đã đến Luân Đôn, thủ đô nước Anh làm các việc lao động phổ thông rất cực nhọc (quét tuyết, làm phụ bếp…) để kiếm sống và lấy tiền thuê giáo viên dạy tiếng Anh. Nhờ vậy, Nguyễn Tất Thành đã tiếp thụ, trưởng thành về nhiều mặt chính trị, tư tưởng, văn hoá, đặc biệt Nguyễn Tất Thành có một nhãn quan chính trị khá sắc sảo. Ngay thời điểm đó, Người đã viết thư cho cụ Phan Chu Trinh ở Pháp, đưa ra những nhận xét về cuộc chiến tranh thế giới đang diễn ra và dự đoán những biến đổi của tình hình trong thời gian tới.
Năm Bính Dần 1926, Nguyễn Ái Quốc hoạt động ở Trung Quốc với bí danh là Vương Đạt Nhân. Người được mời dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 Quốc dân đảng (Trung Hoa). Trong phát biểu tại Đại hội, Người đã kêu gọi: “Tất cả các dân tộc bị áp bức hễ cùng bị chủ nghĩa đế quốc áp bức thì phải cùng nhau liên hiệp lại… Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của chúng ta”. Cũng năm này, Người đã viết bài “Lênin và phương Đông” đăng trên báo Gudok (Tiếng còi) ở Mát-xcơ-va, nhân kỷ niệm ngày mất của V.I.Lênin. Trong bài viết Người khẳng định: “V.I.Lênin là người đầu tiên đã đặt cơ sở cho một thời đại mới, thật sự cách mạng trong các thuộc địa…”. Nhận thấy cần phải đào tạo ngay từ bấy giờ một lớp cán bộ trẻ kế tục sự nghiệp cách mạng lâu dài, Nguyễn ái Quốc đã đề nghị Uỷ ban Thiếu nhi Liên Xô giúp đỡ nhận một nhóm thiếu nhi Việt Nam sang học tập ở Mát-xcơ-va, sau đó, đưa họ về nước tổ chức giác ngộ quần chúng gây dựng phong trào cách mạng. Theo đó lại tiếp tục tuyển chọn đưa thanh niên trong nước ra ngoài nước học tập để đào tạo gấp cán bộ cho phong trào.
Năm Mậu Dần (1938), một trong những năm cam go nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh. Nhưng cùng với thời gian và qua diễn biến của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế cũng như thực tiễn cách mạng nước ta từ khi Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930) cho đến năm 1940 khi Người chuẩn bị về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thì lại càng chứng tỏ sự vượt trội về lý luận cách mạng và tầm nhìn xa của Người so với các đồng chí trong nước cũng như quốc tế cùng thời. Thời gian này cách ứng xử của Hồ Chí Minh đã để lại cho hậu thế mẫu mực về tinh thần hy sinh cá nhân để giữ gìn đoàn kết trong Đảng vì lợi ích tối cao của dân tộc. Đồng thời cũng bộc lộ một nhân cách lớn - nhân cách Hồ Chí Minh và cũng chính trong khó khăn, thử thách ấy Hồ Chí Minh đã chứng tỏ mình là một chuẩn mực văn hoá - chính trị kiệt xuất.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Đoàn công tác tại Trung Quốc, tháng 01/1950. Ảnh tư liệu/ Bảo tàng Hồ Chí Minh
Năm Canh Dần (1950), là năm cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang chuyển mạnh từ thế cầm cự sang thế phản công, tích cực để tiến tới tổng phản công. Đầu năm 1950, Bác từ Khấu Lấu, Vực Hồ, xã Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) để lên đường đi biên giới Việt Trung, bắt đầu chuyến công tác nước ngoài mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước. Bác cải trang trong bộ áo chàm của người Nùng, đầu đội mũ nồi, quàng chiếc khăn che nửa khuôn mặt để giữ bí mật. Từ chuyến đi này, nền Cộng hòa non trẻ của Việt Nam đã thoát khỏi thế bị đế quốc cô lập, biên giới được khai thông để có thể giao lưu bè bạn với Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu. Chuyến đi cũng khiến cho mùa xuân Canh Dần 1950 là mùa xuân khởi đầu để Việt Nam sẽ làm bạn với cả thế giới. Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc được tiếp thêm sức mạnh của cách mạng thế giới, từng bước huyển sang giai đoạn phản công và tổng phản công.
Năm này còn có một sự kiện đặc biệt in đậm dấu ấn thiên tài của Hồ Chí Minh - người sáng lập và xây dựng một Đảng cách mạng chân chính ở Việt Nam khi Người cùng Trung ương chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai và đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Lao động Việt Nam. Phát biểu về việc đổi tên Đảng, Người đã nhấn mạnh “Đó là điều cần thiết..., bởi vì có như thế mới tập hợp được tất cả các phần tử tiên tiến trong công nông, trí thức vào Đảng... dễ kêu gọi dân tộc hơn, vì ta đang cần đoàn kết rộng rãi với các tầng lớp”. Ngày nay đọc lại các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 cùng với sự trải nghiệm của lịch sử, chúng ta lại càng thêm tự hào vì Đảng ta đã có được một người đứng đầu sáng suốt, người có khả năng đưa ra được những quyết định lịch sử và có tầm chiến lược dài lâu đến thế.
Năm Nhâm Dần (1962), mùa xuân năm Nhâm Dần 1962, Bác viết thơ chúc Tết:
Năm Dần, mừng Xuân thế giới,
Cả năm châu phấp phới cờ hồng.
Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi,
Bốn mùa hoa Duyên - hải, Đại - phong.
Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới,
Sức triệu người hơn sóng biển Đông.
Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi,
Hòa bình thống nhất quyết thành công.
Đây là năm miền Bắc thi đua thực hiện năm thứ hai kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Miền Nam đoàn kết một lòng dưới ngọn cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, anh dũng trên tuyến đầu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau lời chúc, lời hiệu triệu của Bác Hồ không lâu, quân và dân miền Nam đã phá tan hơn nửa số ấp chiến lược, tiêu diệt hàng chục ngàn tên địch, tạo thế và lực cho việc đánh thắng “chiến tranh đặc biệt” trong năm 1963, 1964 và lần lượt đánh thắng các chiến lược “chiến tranh phá hoại”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” sau đó. Và hiện thực đã đến vào mùa xuân 1975, đúng như lời Bác chúc: Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi/Hòa bình thống nhất quyết thành công.
Đây lại là năm Dần cuối cùng của cuộc đời Bác. Suốt cuộc đời, Người lo nhất là tình trạng mất dân chủ và tệ quan liêu, lãng phí, tham ô vì những cái đó làm hại dân, hại nước, là những hành vi có tội với nhân dân. Người nhấn mạnh rằng Đảng và Nhà nước phải tin tưởng tuyệt đối vào nhân dân vì nhân dân ta rất tốt, rất trung thành với Đảng nhưng bản thân Đảng và Nhà nước phải biết cách lãnh đạo và đảng viên, cán bộ phải là người gương mẫu trong mọi suy nghĩ và hành động.
Một mùa xuân mới đang về, mừng Đảng ta 92 tuổi, cùng ôn lại những thăng trầm cuộc đời cách mạng của Bác giúp Đảng ta trưởng thành và giành thắng lợi cuối cùng, mang lại độc lập, tự do cho dân tộc. Tấm gương đạo đức, công lao to lớn của Người sẽ cùng chúng ta thêm động lực xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh như mong muốn của Bác lúc sinh thời./.
Tâm Trang (tổng hợp)
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/nam-canh-dan-la-nam-bao-nhieu-a56315.html