Huế trong tôi

“Huế là rứa!’’, câu nói nửa thật nửa đùa mà tôi hay nói với bạn bè mỗi khi bị “chất vấn” tại răng Huế mình nghèo, tại sao chậm phát triển, tại sao và tại sao…?

Chẳng biết trả lời thế nào cho mọi người chia sẻ với những cái khó của quê mình, những thực tế mà Huế phải đối diện với vai trò là người giữ hồn di sản của đất nước. Suy đi ngẫm lại, đành rằng có những cái còn thua kém các nơi có phần ràng buộc do cơ chế quản lý di sản, về xuất phát điểm phát triển… là do khách quan, nhưng chủ quan cũng lắm cái để ngẫm nghĩ về những lực cản vô hình trong suy nghĩ, tư duy, kể cả trong tính cách, lối sống… Những bài học cho phát triển Cố đô mà Huế đã trải qua không chỉ đối với Huế mà cho các thành phố di sản của các quốc gia.

Huế là Cố đô còn khá nguyên vẹn về tổng thể hình hài, kiến trúc công trình di sản

Việt Nam chỉ còn mỗi Huế là Cố đô còn khá nguyên vẹn về tổng thể hình hài, kiến trúc công trình di sản mà nhìn lại cũng đâu lâu gì, chỉ từ sau tháng 8 năm 1945 Huế mới trở thành Cố đô! Phong cách, lối sống, cảnh vật và con người vẫn còn đó dấu son của một thời kinh kỳ sang trọng, kiêu hãnh, khép kín, thâm trầm, thận trọng và cả những nét cầu toàn, thư thả! Mà thật “Huế là rứa!”, vẫn ung dung tự tại, vẫn sang trọng đến ngỡ ngàng trong khó khăn, chật vật; một chút khép nép, ngại ngùng nhưng tràn đầy kiêu hãnh - đó là Huế.

Huế nhỏ lắm. Thiên nhiên và con người hòa quyện trong nhau. Quá khứ luôn hiện hữu trong hiện tại. Ở Huế, làm gì cũng phải chăm chút từng đường nét, cái đẹp sang trọng của Huế đang có - chính là giá trị mỹ quan của công trình công cộng, từ thảm cỏ công viên, bó đá vỉa hè, đài phun nước, hàng rào, cây xanh đến những công trình mang tính biểu tượng…, phải tính đến từng centimet để đất trời và con người là một, để thiên nhiên lắng đọng trong mỗi góc nhỏ của ngôi nhà, trong tiếng “dạ” tiếng “thưa” của con người Huế, để mãi tự hào Huế là “một tuyệt tác của bài thơ đô thị”.

Huế trong tôi thật giản đơn với tà áo dài của mạ

Huế trong tôi thật giản đơn. Đó là tuổi thơ của tôi, là mạ tôi với tà áo dài bạc màu thời gian, là bóng dáng của người mẹ tảo tần nuôi con, lo cho chồng với bao nhọc nhằn gian khó, gánh nặng của gánh hàng rong không làm vơi đi nét uyển chuyển, dịu dàng của phụ nữ Huế trong tà áo dài.

Huế trong tôi là chặng đường dài “toát mồ hôi” đi bộ đến trường trên những con đường cây xanh phủ bóng. Đó là những trò chơi ô làng, nhảy dây trên đường phố, sân trường mãi còn đọng trong ký ức tuổi học trò.

Huế trong tôi là những sáng yên bình, tĩnh lặng đến lạ kỳ, kỳ ảo dưới làn sương mai báo hiệu một ngày nắng chói chang, là những buổi sáng mờ sương sắp hàng hứng nước công cộng rộn rã tiếng cười vui.

Huế trong tôi là những con đường rợp bóng nhãn trong nội thành, là cây vú sữa ven đường với những câu chuyện “ma”, mà mỗi lần đi qua phải nhắm mắt đọc thầm câu “a di đà Phật”…, là tiếng ve sầu báo hiệu ngày hè vui.

Huế trong tôi là những ngày lội lụt, những trận lụt đầu mùa đầy ắp tiếng cười đua nhau bắt đàn cá tràu con, đến những trận lụt triền miên suốt cả tháng trời ê chề dọn bùn sau khi nước rút.

Huế trong tôi là cái tuổi học trò hoang nghịch, làm sao quên được những ngày em tan trường về, khi bóng nàng đã mất hút trong rừng áo trắng còn mình vẫn loay hoay với cái xe đạp tuột xích, chạy vòng với cái líp trật cốc! Cái xe đạp cà tàng vẫn mãi là niềm vui của một thuở học trò.

Huế trong tôi là mùa mưa dài chi lạ. Huế như gắn với mưa, rồi thành quen. Mưa vô tận giường, nước mưa từ mái tôn đã rỉ rét chảy xuống, thấm thía cái lạnh của quê mình mùa mưa và cả nỗi buồn không biết từ đâu ập tới khi nghe tiếng ễnh ương ộp... oạp... trong cơn mưa tưởng chừng không ngớt sau hiên nhà.

Người đi xa về hay trách móc người ở quê, về đôi ba ngày thấy chán lại đi rồi nhớ lại về, lại hồi tưởng những ngày ấu thơ.

Người Huế mình cam chịu, hay nói về số phận, tin kiếp luân hồi, nên luôn sống hướng thiện, thích làm việc thiện để con cháu hưởng phúc, gia đình được ấm yên.

Di sản Huế không chỉ là tài nguyên vô giá của Huế, Việt Nam mà cả thế giới

Người Huế hay nói với nhau vừa tự hào vừa như than vãn, tự hào là được giữ nhà thờ của quốc gia, mà có ai giữ nhà thờ mà giàu có lên đâu. Tư duy có vẻ như cũ quá, phải thay đổi chứ. Cái nhà thờ đó là tài nguyên vô giá không chỉ cho Huế, Việt Nam mà cả thế giới, làm sao trở thành thế mạnh để tạo giá trị. Trách nhiệm của người Huế là đây.

Người mình ít nói, suy nghĩ thâm trầm nên nói chuyện với người khác hay sợ bị hớ, tiếng “dạ” đã là đặc sản, cũng là cách người Huế tránh né trả lời trực diện khi chưa biết ứng xử như thế nào. Cái chi cũng “dạ”, hỏi tại răng “dạ” thì cũng được trả lời là “dạ”.

Thế đó Huế của tôi. Và tôi vẫn trả lời Huế là rứa với bạn tôi!

Nội dung: Phan Ngọc

Ảnh: Hoàng Hải

Trình bày: Quang Thiều

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/viet-ve-hue-a56286.html