Danh lam thắng cảnh
Địa hình Bắc Giang có sự kết hợp giữa vùng đồng bằng và vùng núi cao, tạo nên những cảnh quan núi rừng hấp dẫn, những đỉnh núi hiểm trở, thác nước, cùng những thảm động, thực vật phong phú, đặc hữu, có giá trị cao. Đây là nguồn tài nguyên quý để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, khám phá, thể thao và mạo hiểm.
Cao nguyên đá Đồng Cao
Được mệnh danh là “Sapa của Bắc Giang”, Đồng Cao thuộc xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Nơi đây thu hút du khách với những đồi cỏ xanh mướt, trải dài như một miền thảo nguyên rộng lớn, điểm xuyết những bãi đá muôn hình vạn trạng. Bên cánh rừng Đồng Cao, những bản làng của bà con dân tộc ít người cũng tô điểm thêm cho vẻ đẹp nơi này. Sống quanh cao nguyên Đồng Cao là các hộ gia đình đồng bào dân tộc Dao, Cao Lan, Tày với những nét văn hóa đặc sắc riêng có. Chính yếu tố thiên nhiên hòa quyện cùng giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số đã làm nên bản sắc Đồng Cao, khiến nơi này trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Khu du lịch hồ Cấm Sơn
Khu du lịch hồ Cấm Sơn thuộc địa bàn 4 xã Sơn Hải, Hộ Đáp, Tân Sơn và Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Hồ Cấm Sơn có dung tích 248 triệu mét khối, diện tích mặt nước trung bình khoảng 2.650ha. Mùa khô, nước cạn, lòng hồ hiện ra những bãi bồi dày phù sa được người dân địa phương tận dụng để trồng ngô và hoa màu. Mùa mưa, mặt hồ trải rộng với hàng trăm đảo lớn, nhỏ nằm rải rác. Bao quanh hồ là những ngọn núi cao quanh năm xanh ngắt một màu, nhấp nhô, trùng điệp. Vẻ đẹp trời, mây, non, nước hòa quyện làm một khiến cảnh quan nơi đây vô cùng thơ mộng, quyến rũ, chẳng khác nào một vịnh Hạ Long thu nhỏ. Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, Cấm Sơn còn chứa đựng kho tàng văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Sán Chay. Đến đây, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn vương khói lam chiều ẩn hiện sau những triền đồi, rừng cây; nghe làn điệu sli, shoong hao đằm thắm; xem lễ hội xuống đồng, cầu mùa, mừng năm mới, mừng nhà mới độc đáo…; đặc biệt là được hòa mình vào không gian vô cùng lãng mạn trên bến dưới thuyền - một nét văn hóa đặc trưng của Cấm Sơn.
Khu du lịch suối Mỡ
Suối Mỡ cách thành phố Bắc Giang khoảng 40km, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km, là tên một con suối chảy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh - Yên Tử, tạo ra nhiều thác nước lớn, nhỏ tung bọt trắng xóa và nhiều bồn tắm thiên nhiên kỳ thú. Sự kiến tạo của tự nhiên đã tạo ra nhiều thác nước lớn nhỏ khác nhau trên dòng suối Mỡ. Từ đền Thượng xuống đến đền Trung có 5 ngọn thác cao khoảng 5 - 7m, tiêu biểu là thác Thùm Thùm, thác Vực Mỡ... Khu du lịch có diện tích hơn 1.000ha với hệ sinh thái động, thực vật và phong cảnh tự thiên phong phú, đa dạng. Đây là khu vực rừng núi tĩnh mịch, cảnh trí thanh bình, với dòng suối uốn lượn và thác nước rì rào. Thiên nhiên và các công trình di tích lịch sử văn hóa tâm linh hòa với hệ thống thác tự nhiên đã tạo nên một thế giới vừa hữu thực vừa vô thực, thu hút khách du lịch đến với Khu du lịch suối Mỡ.
Cây dã hương cổ thụ nghìn năm tuổi
Cây dã hương ở xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang được phong là cây di sản quốc gia và được xếp là cây cổ thụ độc nhất vô nhị của thế giới. Cây không chỉ là nét đẹp của cảnh quan, thiên nhiên mà còn là nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thân thiết, linh thiêng trong không gian văn hóa Việt. Hằng ngày có rất nhiều đoàn khách du lịch về đây không chỉ để chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ đẹp của cây “dã đại vương” nghìn năm tuổi, mà còn để nghe những câu chuyện ly kỳ, được người dân nơi đây lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Di tích lịch sử - Văn hóa
Bắc Giang có nền văn hóa phong phú, đa dạng với sự giao thoa giữa hai miền văn hóa Việt cổ và văn hóa Tày Nùng... Trên vùng đất này có 2.237 di tích lịch sử, văn hóa trải khắp địa bàn tỉnh trong đó 711 di tích được xếp hạng, 3 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt gắn liền với truyền thống đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đặc biệt, Bắc Giang còn là nơi gắn liền với Thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập với hệ thống các di tích còn lưu giữ đến ngày nay như chùa Vĩnh Nghiêm, am Vãi, một số di tích đang được khảo cổ và định hướng phục dựng thời gian tới như chùa hòn Tháp, Mã Yên, Bát Nhã, Hồ Bấc, Thanh Mai...
Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm tọa lạc ở nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ 13, thời nhà Trần. Lịch sử phát triển của chùa gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập. Ba vị Trúc Lâm tam tổ từng trụ trì và mở trường thuyết pháp tại đây nên Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm, trường đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam và là trung tâm phật giáo thời Trần. Chính vì thế, đến nay trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca:
“Ai qua Yên Tử, Quỳnh Lâm
Vĩnh Nghiêm chưa tới thiền tâm chưa đành”
Hiện chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: hệ thống tượng phật, các bia đá, hoành phi, câu đối, đồ thờ… Đặc biệt, kho mộc bản với 3.050 bản ván khắc đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2012.
Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế
Yên Thế - “địa linh nhân kiệt” đã đi vào lịch sử của dân tộc như một huyền thoại của thế kỷ 20 với cuộc Khởi nghĩa nông dân Yên Thế hào hùng. Đã hơn một thế kỷ trôi qua, trên mảnh đất này vẫn còn lưu giữ những di tích quý báu của cuộc khởi nghĩa, một địa chỉ du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Đến với Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, du kháchsẽ được tham quan và thắp hương tại đền Thề - nơi chứng kiến toàn bộ diễn biến của cuộc khởi nghĩa; dâng hương tại tượng đài người anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám; tham quan nhà trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế để chứng kiến những hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc khởi nghĩa như súng ống, đạn kíp đến những đồ dùng sinh hoạt của nghĩa quân như chén, bát, nồi đồng… Hiện nay, Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế được coi là địa chỉ đỏ cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước của quân dân Yên Thế nói riêng và nhân dân toàn tỉnh nói chung.
Chùa Bổ Đà
Được xây dựng vào thời Lê (thế kỷ 18), chùa Bổ Đà là một trong những di tích lịch sử tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang còn giữ nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Chùa có kiến trúc độc đáo và khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc, đó là lối kiến trúc “nội thông ngoại bế” tạo vẻ u tịch, thanh vắng và huyền thoại. Toàn bộ chùa chính có diện tích khoảng 51.784m2 được phân ra làm 3 khu rõ rệt: khu vườn, khu nội tự chùa và khu vườn tháp rộng. Hiện nay, chùa Bổ Đà vẫn còn lưu giữ kho mộc bản Thiền phái Lâm tế khắc ngược bằng chữ Hán - Nôm và chữ Phạn trên gỗ thị. Trên đó, người xưa đã để lại dấu ấn qua nội dung, đường nét, họa tiết, hình khối điêu luyện và tinh xảo, phản ánh những tư tưởng, triết lý sâu xa của đạo Phật nói chung và dòng thiền Lâm Tế nói riêng. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, năm 1992, chùa Bổ Đà được xếp hạng Di tích quốc gia và tháng 12/2016, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.
Đình Lỗ Hạnh
Đình Lỗ Hạnh là ngôi đình chung của 5 làng: Chằm, Chúng, Khoát, Chùa và Hạnh, nên còn có tên gọi là đình Cả. Đình được xây dựng vào năm Sùng Khang thứ 11 (1576), thờ Cao Sơn Đại Vương và Phương Dung Tiên Chúa - 2 vị thần có công với nước, với dân thời vua Hùng. Đình Lỗ Hạnh mang giá trị văn hóa đặc sắc với nghệ thuật chạm khắc tinh xảo và độc đáo các đề tài rồng, phượng, hươu, hoa lá, cảnh sinh hoạt của con người. Hiện đình còn lưu giữ được nhiều di vật quý như: hai bức tranh sơn mài “Bát tiên” ở gian giữa trước cửa hậu cung, đôi nghè gỗ sơn son thếp vàng từ thế kỷ 17, tượng Phương Dung Tiên Chúa cùng bài vị Cao Sơn Đại Vương..., đặc biệt là bức chạm tiên gảy đàn đáy - một minh chứng cho sự ra đời và phát triển sớm của ca trù ở Việt Nam. Ban đầu, đình Lỗ Hạnh chỉ có một tòa đại đình hình chữ “nhất”. Qua nhiều lần tu sửa vào các năm 1694, 1850 và 1910, đình được xây thêm hậu cung và hai dãy tả vu, hữu vu. Nền tòa đại đình dài 23,5m, rộng 12,3m, chiều cao từ xà nóc xuống là 6,6m, từ diềm mái xuống là 2,1m; bao gồm 5 gian, 2 chái với 8 vì kèo, 4 hàng cột chính và 2 hàng cột hiên đỡ dưới các bẩy. Các vì kèo có kết cấu không giống nhau, các vì gian giữa đều theo lối “chồng rường giá chiêng”, các vì gian bên làm theo lối “kẻ chuyền giá chiêng”. Ngày 24/12/1982, đình Lỗ Hạnh đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Lễ hội Bắc Giang
Bắc Giang xưa là vùng đất văn hiến, có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều phong tục, tập quán, lễ hội đặc sắc. Các lễ hội trên địa bàn tỉnh khá phong phú, đa dạng, phản ánh một cách chân thực văn hóa và đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Lễ hội Xương Giang
Lễ hội Xương Giang bắt đầu tổ chức vào năm 1998 và được duy trì liên tục đến nay. Đây là lễ hội được xây dựng trên cơ sở chiến thắng Chi Lăng - Xương Giang năm 1427 của quân dân Đại Việt chống lại gần 10 vạn quân xâm lược Minh. Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6, 7 tháng giêng âm lịch hằng năm tại khu vực tượng đài phường Xương Giang - được xây dựng trên nền thành Xương Giang xưa. Trong ngày chính hội mùng 6 tháng giêng, cùng với cuộc rước hoành tráng là lễ dâng hương được tổ chức long trọng. Các lễ chào cờ, đọc diễn văn, đọc “Đại cáo Bình Ngô”, lễ múa ra quân được tiến hành trang nghiêm trong nhạc hiệu trầm hùng và thúc giục lòng người. Ngay sau đó, hàng loạt các trò chơi dân gian được tổ chức như: cờ người, vật, bóng đá, chọi gà, đu… và các hoạt động văn nghệ hát chèo, tuồng… thu hút đông đảo nhân dân trong vùng về trẩy hội.
Hội suối Mỡ Lục Nam
Lễ hội đền suối Mỡ là lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm tại Khu du lịch sinh thái suối Mỡ từ ngày 30/3 đến 2/4 âm lịch. Đây là lễ hội tưởng nhớ Thánh Mẫu Thượng Ngàn Quế Mị Nương vì đã có công giúp nhân dân có cuộc sống no đủ. Lễ hội tập trung chủ yếu tại 3 ngôi đền (đền Hạ, đền Trung và đền Thượng) với những nghi lễ đặc sắc và các trò chơi dân gian phong phú: đi cầu kiều, bịt mắt đập niêu, chọi gà... cùng các môn thi thể thao: cờ tướng, bóng chuyền, đẩy gậy… Đến với hội đền suối Mỡ du khách còn được nghe hát quan họ, hát chầu văn… tìm hiểu phong tục tập quán của địa phương hoặc tranh thủ đi bộ vượt suối, leo núi, tham quan, vãn cảnh non nước hữu tình nơi đây.
Lễ hội cầu nước làng Vân
Lễ hội cầu nước làng Vân diễn ra vào tháng 4 âm lịch hằng năm, tại làng Vân, xã Vân Hà, Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Lễ hội là nét đặc trưng của văn hóa lúa nước, thể hiện niềm khao khát của cư dân nông nghiệp cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đến giờ quy định, các quân cầu được đưa ra sân hội, ai cũng cởi trần đóng khố, ngoài khoác áo dài the, xếp thành bốn hàng dọc đứng trước sân, quay mặt vào đền lễ thánh. Lễ xong, quân cầu được lên sân trên, tức là sân đền chính để uống rượu trận. Sau khi ăn cỗ trận, chiêng trống nổi lên ba hồi 9 tiếng, Hội vật cầu chính thức diễn ra. Kết thúc cuộc chơi, xóm đăng cai rửa sạch cầu rồi làm lễ tạ thánh. Quân cầu lại xếp thành 4 hàng dọc trước sân cầu để tạ thánh, rồi tất cả ra sông Cầu tắm rửa, kết thúc một ngày nhiều cảm xúc. Hội vật cầu nước đã trở thành đặc sản văn hóa của Bắc Giang, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, trở thành điểm đến của nhiều du khách.
Lễ hội Yên Thế
Hằng năm cứ đến ngày 16/3, nhân dân Yên Thế nói riêng và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang nói chung lại long trọng tổ chức Lễ hội Yên Thế. Đây là dịp để tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám. Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi lễ trang nghiêm và long trọng. Sau tiếng trống, tiếng chiêng là màn dâng lễ vật, dâng rượu tiên tế tới Hoàng thiên anh linh và nghĩa quân anh dũng… Một trong những nét đặc sắc đáng chú ý của Lễ hội Yên Thế đó là lễ tế cờ tại sân trước tượng đài Hoàng Hoa Thám. Phần hội diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú như: ca nhạc, hội trại thanh niên với các trò chơi dân gian: thi nấu cơm niêu, đập niêu, thi bắn nỏ, biểu diễn nghệ thuật rối nước,… Tất cả các hoạt động trên nhằm tái hiện một cách sinh động truyền thống yêu nước của cha ông cùng những nét văn hóa bản sắc, mang đặc trưng vùng.
Làng nghề truyền thống
Bắc giang là vùng trung chuyển sản vật giữa hai miền xuôi ngược, vì vậy thủ công nghiệp nơi đây xuất hiện từ khá sớm và cũng tương đối đa dạng. Theo dòng chảy của thời gian, những nghề thủ công ấy luôn tồn tại và phát triển trong môi trường nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là trong những làng cổ, để định hình nên những làng nghề truyền thống. Những làng nghề ấy không chỉ tạo nên sắc thái văn hóa độc đáo riêng mang tính nghề nghiệp, mà đó còn là nơi bảo lưu, gìn giữ bền vững những tập quán cổ xưa.
Làng cổ Thổ Hà
Thôn Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, nằm cách thủ đô Hà Nội gần 50km, cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 19km, trải dài theo dòng sông Cầu thơ mộng. Nơi đây nổi tiếng với làng gốm Thổ Hà, làng bánh đa, làng quan họ cổ… Nghề gốm ở Thổ Hà phát triển rực rỡ từ thế kỉ 14. Đây là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh) và Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). khắp thiên hạ. Gốm Thổ Hà mang những nét đặc sắc riêng hiếm có: độ sành cao, không thấm nước, tiếng kêu như chuông, màu men nâu đỏ mịn màng, ấm áp và gần gũi. Gốm có độ bền vĩnh cửu dù được chôn trong đất, ngâm trong nước. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng, điếm bề thế uy nghi.
Gốm làng Ngòi
Làng Ngòi thuộc xã Tư Mại, huyện Yên Dũng. So với cả chục thương hiệu gốm cổ truyền Việt Nam thì gốm làng Ngòi đã sớm khẳng định được thương hiệu bởi nét độc đáo, giản dị, chân chất nhưng đậm đà bản sắc dân tộc tạo nên phong cách rất riêng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Gốm làng Ngòi có 2 đặc trưng là men nước dưa và xương đất. Khác với Bát Tràng chỉ vẽ và trang trí bằng màu, Phù Lãng chỉ vuốt và dội men, gốm làng Ngòi được trang trí bằng họa tiết hoa văn đắp nổi thể hiện sinh động trên chất liệu gốm nâu sành rất đặc trưng.
Làng nghề mỳ Chũ
Mỳ Chũ là sản phẩm của làng nghề Thủ Dương, Nam Dương (Lục Ngạn). Đây là làng nghề truyền thống đã hình thành từ lâu đời. Nguyên liệu để làm ra mỳ Chũ là một loại gạo truyền thống nổi tiếng thơm dẻo - bao thai hồng, được trồng trên vùng đất đồi Chũ. Để tạo ra những sợi mỳ vừa dai, vừa ngọt bùi, người làng Thủ Dương phải tiến hành nhiều công đoạn hết sức công phu. Quan trọng nhất là khâu lựa chọn nguyên liệu. Gạo làm mỳ phải là những hạt gạo trắng trong, căng mẩy được nhặt sạch, vo kỹ rồi ngâm trong nước khoảng 8 giờ đồng hồ, sau đó bỏ ra xay nhuyễn thành một thứ bột trắng tinh, sánh và dẻo; được lọc đi lọc lại nhiều lần, tiếp đó ủ qua một đêm. Bột đã ủ được đem tráng bánh, bóc bánh đóng vào khuôn, đem phơi và cắt thành sợi mỳ đều đặn. Mỳ Chũ có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau: nhúng để ăn lẩu, xào hoặc làm phở… dù có chế biến như thế nào thì mỳ Chũ vẫn giữ được hương vị riêng. Những sợi mỳ dẻo dai, đậm đà có thể làm hài lòng bất cứ thực khách khó tính nào khi thưởng thức. Do đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, đồng thời là sản phẩm an toàn cho sức khỏe nên mỳ Chũ là sản phẩm hết sức quen thuộc với các bà nội trợ từ Bắc vào Nam.
Làng nghề rượu Vân Hà
Người làng Vân nói riêng và người Bắc Giang nói chung tự hào với nghề nấu rượu làng Vân bởi qua mấy trăm năm, dưới các triều đại phong kiến, thứ rượu này từng là lễ vật tiến vua và thường xuyên được sử dụng trong những yến tiệc chốn cung đình: “Vân hương mỹ tửu lừng biển Bắc/Chiến công Như Nguyệt rạng trời Nam”. Đối với những người sành rượu và ưa thích những loại rượu dân tộc thì rượu làng Vân là thức uống đặc sản vùng miền có thể sánh ngang với bất cứ một loại whisky hảo hạng nào trên thế giới bởi vị đậm đà đặc trưng của hương nếp cái hoa vàng, hương thơm nồng của tới 35 vị men thuốc bắc bí truyền, cái êm dịu của thứ rượu được chắt lọc và ủ kỹ để loại bỏ hết cái sốc của mùi cồn.
Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến
Làng nghề mây tre đan Tăng Tiến (huyện Việt Yên) có lịch sử hình thành nghề đến nay đã hơn 300 năm vào thời Hậu Lê và ngày một phát triển lớn mạnh. Với bí quyết làng nghề cùng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại ngày nay, trong khâu nhuộm mành, nan tre, các nghệ nhân làng nghề Tăng Tiến đã tạo ra những sản phẩm có màu sắc phong phú, giữ được sản phẩm lâu bền và đẹp hơn. Mặt hàng đẹp mà mẫu mã, kiểu dáng, sản phẩm ngày càng đa dạng đã chắp cánh cho mây tre Tăng Tiến vươn xa khắp mọi miền Tổ quốc.
Ẩm thực
Nếu có dịp đến với đất Kinh Bắc, bên cạnh việc thăm thú những di tích lịch sử, văn hóa hay các danh thắng tuyệt đẹp, thì du khách không nên bỏ qua những đặc sản nức tiếng của vùng đất này. Vải thiều Lục Ngạn chính là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất ở Bắc Giang, khi chín có màu đỏ, vỏ mỏng, hạt nhỏ, cùi dày, ăn có vị ngọt đậm khiến người ăn cứ muốn thưởng thức thêm. Ngoài ra, khi đến với vùng đất này, du khách nên thưởng thức món mỳ Chũ; món xôi trứng kiến làm từ gạo nếp nương thơm ngon; hay món bánh đa Thổ Hà giòn ngậy; món gà đồi, Yên Thế chắc nịch nhâm nhi cùng ly rượu làng Vân nức tiếng…
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/danh-lam-thang-canh-bac-giang-a56284.html