Bánh ngõa Lũng Ngoại
Thời xưa, bánh ngõa Lũng Ngoại được xem là món cao lương mỹ vị chỉ xuất hiện trong những dịp quan trọng. Ngày nay món bánh này đã trở nên phổ biến hơn. Được biết, làng Lũng Ngoại, xã Lũng Hòa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là ngôi làng lâu đời có truyền thống làm bánh ngõa.
Nguyên liệu để làm nên món bánh này khá đơn giản, chỉ gồm: nếp thơm, mật mía và đỗ xanh. Thành phẩm có mùi thơm lừng, bùi bùi dai dai, càng nhai càng ngọt. Đỗ xanh sau khi xay nhuyễn giúp bánh có vị béo ngậy. Mua một ít bánh ngõa đặc sản về làm quà cũng là gợi ý không tồi dành cho du khách sắp ghé Vĩnh Phúc.
Su Su Tam Đảo
Tam Đảo là vùng trồng nhiều su su nhất ở tỉnh Vĩnh Phúc. Chính vì vậy khi ghé Tam Đảo du lịch, du khách sẽ thấy rất đông nơi bán cũng như chế biến các món ngon từ nguyên liệu đặc sản vùng miền này.
Ngọn su su xanh mơn mởn, làm món ngọn su xào thịt bò, ngọn su xào tỏi rất ngon. Ảnh: Sở VHTTDL Vĩnh Phúc
Ngoài thưởng thức các món ngon làm từ su su trực tiếp tại Tam Đảo, du khách có thể mua món đặc sản này về làm quà cho gia đình. Đọt su su non được bán rộng rãi ở Tam Đảo, vì vậy du khách có thể dễ dàng tìm mua.
Bánh gạo rang Lập Thạch
Đặc sản bánh gạo rang có nguồn gốc từ mảnh đất Lập Thạch, Vĩnh Phúc, nơi có truyền thống làm bánh lâu đời. Nguyên liệu để làm món bánh dân dã này gồm gạo nếp, mật mía, gừng, lạc rang... Muốn cho bánh thơm ngon, người dân địa phương thường chọn gạo nếp cái hoa vàng, mật mía phải chọn loại có màu vàng nâu cánh gián,...
Chiếc bánh được làm nên từ những công đoạn thủ công nhờ đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Ảnh: Sở VHTTDL Vĩnh Phúc
Bánh được làm từ gạo rang lên, trải qua quá trình chế biến thủ công để cho ra được món bánh giòn tan, vàng óng và thơm ngon. Theo chia sẻ của những người làm bánh lâu năm, các công đoạn từ gỡ hạt, phơi khô, rang mỡ, nấu kẹo đến cắt bánh đều được làm thủ công nhờ đôi bàn tay khéo léo của người thợ. Món bánh giòn rụm thơm mùi gừng, bùi bùi của lạc rang, ngọt thanh của mật mía chắc sẽ chiều lòng nhiều du khách.
Bánh gio Tây Đình
Bánh gio xuất hiện ở nhiều địa phương nhưng khi nhắc đến bánh gio Tây Đình người ta sẽ nghĩ ngay đến hương vị đặc trưng không lẫn đi đâu được. Từ những nguyên liệu đơn giản nhất đối với dân làng như gạo thơm, nước vôi, gio than, lá chít, món ăn dân dã này đã trở thành đặc sản của làng Tây Đình, Vĩnh Phúc.
Những chiếc bánh gio đẹp mắt. Ảnh: Truyền hình Vĩnh Phúc
Ngoài ra để làm tăng hương vị đậm đà của món ăn này không thể thiếu mật mía. Miếng bánh gio dẻo thơm chấm cùng mật mía ngọt dịu, càng ăn càng cuốn. Món bánh dân dã này tuy đơn giản nhưng lại rất được lòng thực khách. Khi đến Vĩnh Phúc, du khách có thể tìm mua bánh gio Tây Đình về làm quà cho người thân, bạn bè để thưởng thức.
Dứa Tam Dương
Nhắc đến đặc sản Vĩnh Phúc không thể bỏ qua dứa Tam Dương. Hiện nay huyện Tam Dương là nơi trồng nhiều dứa nhất. Đặc trưng của loại dứa này là dứa mỡ gà có vị chua, màu vàng nhạt, dứa Hướng Đạo có mắt nhỏ, vị ngọt, hơi chua nhẹ, ruột giòn, ăn ngon nhất.
Du khách nên chọn dứa Hướng Đạo để thưởng thức vì theo đánh giá vị của loại dứa này ngon nhất. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Vĩnh Phúc.
Ở đây, cách thưởng thức dứa cũng rất đặc biệt. Một là gọt hết mắt dứa cả thịt dứa bên ngoài, chỉ để lại ít ruột bên trong. Khi ăn như vậy dù ăn liên tiếp nhiều quả cũng không rát lưỡi.
Cách hai là đập dứa vào gốc cây hay thớt gỗ, vừa xoay vừa đập cho ruột dứa tứa ra nước mật, sau đó dùng dao khoét một lỗ và uống. Đến Tam Dương mùa dứa chín, du khách còn có thể vào tận vườn, ngắm nhìn dứa bạt ngàn và chụp thật nhiều bức hình xinh xắn.
Theo laodong.vn
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/dac-san-vinh-phuc-a54761.html