Siêu cây sanh cổ “Nham thạch bách niên” 460 tỷ đồng
“Nham thạch bách niên” có lẽ chiếm vị trí độc tôn khi là cây cảnh được định giá cao nhất Việt Nam với giá trị 460 tỷ đồng.
Cây sanh cổ này lần đầu tiên xuất hiện tại triển lãm cây cảnh ở Thanh Hóa năm 2019. Với vóc dáng bề thế, tổng khối lượng khoảng 50 tấn, siêu cây nhanh chóng thu hút mọi ánh nhìn của người tham gia triển lãm.
Theo chủ nhân, “Nham thạch bách niên” là cây sanh cổ quần thụ, thuộc dòng sanh quê (phát triển rất chậm) có chiều cao hơn 5m (tính từ mặt chậu), tán rộng khoảng 6m, bộ rễ gốc khoảng 4m, với 9 thân vạm vỡ, chắc khỏe tượng trưng cho 9 con rồng, hội tụ từ một gốc liền, tay tán bông đĩa được tạo tác tỷ lệ một cách hợp lý, hình thành 81 bông tán tựa tản vân, phần thân và gốc cây địa y toàn thân trắng xóa đã chuyển sang màu đồng dạng nham thạch. Đó là minh chứng rõ nét cho thấy tuổi đời hàng trăm năm của cây.
Cây toạ trên một khối đá to, vững chãi, nằm trong một chậu 14m2 được các nghệ nhân chạm trổ với nhiều đường nét hoa văn tinh tế. Với trọng lượng lên đến 50 tấn, để có thể đem tác phẩm “Nham thạch bách niên” đến trưng bày tại triển lãm là một công việc vô cùng khó khăn, tốn rất nhiều thời gian, công sức và đòi hỏi sự cẩn thận, khéo léo, tỉ mỉ.
“Nham thạch bách niên” được chủ nhân của nó coi như bảo vật của gia đình. Vị chủ nhân từng cho biết, từ ngày có cây, gia đình gặp nhiều may mắn, sức khoẻ dồi dào, công việc thuận lợi, gia đình hạnh phúc hơn.
Với sự ưu tú về ngoại hình, tuổi thọ, thế cây…“Nham thạch bách niên” được một doanh nhân người Nhật Bản định giá khoảng 20 triệu USD (khoảng 460 tỷ), đây là mức giá chưa từng có khiến giới chơi cây cảnh choáng váng.
“Mộc thạch nghênh phong” đổi được 8 lô đất
Tác phẩm sanh cổ “Mộc thạch nghênh phong” thuộc sở hữu của ông Bùi Văn Thái (Hoàng Mai, Hà Nội). Theo ông Thái, tác phẩm cây cảnh này có nguồn gốc từ gia đình quý tộc thời phong kiến. Trải qua quá trình thăng trầm của lịch sử hàng trăm năm cùng kiếp nhân sinh, dấu tích của thời gian chính là sự tương giao hòa hợp, cây và đá nương tựa vào nhau trường tồn cùng thời gian.
Cây cảnh sanh cổ được uốn theo thế "Mộc thạch nghênh phong". Bởi cây sanh có một bộ rễ ôm đá mà thế đứng làm cho cây và khối đá dưới chân gắn chặt vào nhau như đưa toàn thân vươn lên cùng nghênh đón gió.
Cây sanh cổ cao 3m, trồng trong một chiếc chậu có kích thước lớn, chu vi của cả bộ rễ ôm đá này lên đến 5,5m.
Tác phẩm sanh cổ “Mộc thạch nghênh phong” đã từng có doanh nhân đổi 8 lô đất nhưng chủ nhân vẫn không đồng ý bán. Tuy nhiên, những người am hiểu về cây cảnh cho rằng mức giá này không quá cao nếu nó thực sự có niên đại và mang những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời so với cây cảnh trên thế giới.
Cây sanh cổ "Mộc thạch nghênh phong" đã được tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là "Cây sanh ôm đá nghệ thuật lớn, cổ nhất châu Á" vào ngày 18/12/2010.
Theo kết quả giám định của bộ môn Dược liệu trường Đại học Dược Hà Nội vào năm 2010, xét theo mẫu vật lấy tại cành cây sanh này có độ tuổi khoảng 165 năm tuổi. Trên thực tế tuổi thọ của cây cảnh có thể cao hơn nhiều, bởi qua năm tháng cây biến dị, việc xác định chính xác số tuổi gặp nhiều khó khăn hơn.
Cây sanh cổ “Nỏ thần” từng được trả giá 30 tỷ đồng
Cây sanh tuổi đời trên 300 tuổi có nguồn gốc từ cung đình Huế, được cho là vua Bảo Đại từng chơi. Cây cảnh này có đường thân rất độc đáo, hình dáng giống như chiếc nỏ, từ thân cây "phóng" ra các cành giống như các mũi tên.
Siêu cây cảnh đáp ứng được 3 yếu tố quan trọng nhất gồm: Cổ - Kỳ - Mỹ. Từ các rễ cây đến thân, bệ cây khúc khuỷu rất già và cổ kính. Các bông tán thì được tạo, tỉa rất ăn ý.
Thông tin mới nhất về “Nỏ thần" cho thấy, chủ sở hữu hiện tại là ông Phan Văn Toàn (TP. Việt Trì, Phú Thọ). Trước đây, cây có tên là “Phong vân thập toàn” sau này nhìn giống như một chiếc nỏ nên đã được đặt lại tên.
Ông Toàn cho biết, khoảng hơn 10 năm trước, ông mua lại cây sanh “Nỏ thần” của một người bạn với giá 10,5 tỷ đồng. Năm 2010, thời điểm đỉnh cao của giới chơi cây cảnh, cây từng được trả hơn 30 tỷ, hiện tại tác phẩm có giá khoảng trên 1 triệu USD.
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/cay-xanh-dep-nhat-viet-nam-a52708.html