Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Du khách dâng hương hoa mộ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đoàn viên thanh niên dâng hương các phần mộ ở Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chị Trần Thị Vịnh, hướng dẫn viên thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Quốc gia Côn Đảo nghẹn ngào: Trong 113 năm, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã lưu đày trên đảo 200.000 lượt tù nhân, trong số đó có 20.000 chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước ở khắp mọi miền đất nước đã vĩnh viễn nằm lại Côn Đảo. Năm 1992, nghĩa trang được khởi công tôn tạo, trong 20.000 người đã nằm xuống chỉ còn được 1.922 ngôi mộ và trong số này chỉ có 714 ngôi mộ có danh tính, quê quán…

Ngày Xuân, biết bao người đến nơi đây để thắp nén hương tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ. Người từ miền biên viễn Lào Cai, Lai Châu, người từ Hà Tĩnh, Ninh Bình, Đồng Tháp, Hà Nội… với niềm thành kính, khâm phục, biết ơn sự hy sinh cao cả của các chiến sỹ cách mạng và đồng bào yêu nước. Trong khuôn viên rộng 20ha với gần 2.000 ngôi mộ, chia thành các khu A, B, C, D, mỗi khu gắn với các giai đoạn lịch sử và tên tuổi, câu chuyện về những anh hùng liệt sỹ… Mộ cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 - 1942), nhà yêu nước Nguyễn An Ninh (1900 - 1943), anh hùng Lê Văn Việt (1937 - 1966)…

Du khách lặng người khi đứng bên phần mộ đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy Khu mỏ Quảng Ninh từ năm 1930, hy sinh tại Côn Đảo năm 1943 khi 36 tuổi. Đầu năm 1941, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Tại Côn Đảo, đồng chí bị bệnh lao tái phát, hành hạ. Biết mình không sống nổi vì đã kiệt sức, đồng chí quyết định trao áo lại cho đồng chí mình. Tranh thủ khi đồng chí Lê Duẩn đến gần, đồng chí đã cởi chiếc áo đang mặc đưa cho đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn từ chối, nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu vẫn khăng khăng không chịu, đồng chí bảo: "Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng, sao đồng chí không nhận”. Đồng chí Lê Duẩn đã vô cùng xúc động nhận tấm áo từ tay đồng chí Vũ Văn Hiếu. Hình ảnh xúc động đó đã được nhiều nhà thơ, nhà biên kịch, điêu khắc… đưa vào trong các tác phẩm của mình...

Liệt sỹ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lưu Chí Hiếu (1913 - 1961) quê làng Hương Cát, nay là tổ dân phố Bắc Hoà, thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Câu chuyện chống ly khai Đảng của đồng chí được lưu truyền cùng sử sách, trong câu chuyện của bao người khi đến Côn Đảo. Trong bản cam kết đồng chí viết: "Tôi là Lưu Chí Hiếu, không ly khai Đảng Cộng sản được, tôi xin chịu trách nhiệm không ly khai”. Lưu Chí Hiếu là người chống ly khai Đảng đến cùng và hy sinh anh dũng tại chuồng cọp ở Nhà tù Côn Đảo đêm24/12/1961, sau những đòn tra tấn độc ác của kẻ thù. Nơi nghĩa trang hiện nay, mộ đồng chí được khắc đậm dòng bút tích "Quyết không ly khai” thể hiện ý chí bất khuất trước kẻ thù…

Những bước chân chậm rãi đi về khu B, nơi yên nghỉ của nữ Anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu, người con gái Đất Đỏ đã đi vào huyền thoại, đi vào thơ ca, nhạc, họa, điện ảnh, mỹ thuật... Ai đó khẽ đọc đoạn thơ mà bao thế hệ học sinh được học thời cắp sách đến trường: Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười/ Ngắt một đoá hoa tươi/ Chị cài lên mái tóc/ Đầu ngẩng cao bất khuất/ Ngay trong phút hy sinh/ Bây giờ dưới gốc dương/ Chị nằm nghe biển hát”. Trong không gian vang lên câu hát của nữ ca sĩ Lê Dung bài "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Đã có những giọt nước mắt chảy xuống. Lần lượt, lần lượt từng người thành kính thắp hương trên ngôi mộ người nữ anh hùng liệt sỹ… 14 tuổi chị được kết nạp vào Đội công an xung phong Đất Đỏ. Chị đã dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ được giao như: giao liên, mua hàng tiếp tế cho các tổ chức cách mạng. Năm 1948, chị tham gia phá tề, trừ gian, giết cai tổng Tòng, rồi cùng đồng đội phá cuộc mít tinh kỷ niệm quốc khánh Pháp do ngụy quyền tổ chức, trực tiếp tiêu diệt nhiều lính Pháp ở Vũng Tàu. Tại phiên chợ Tết năm 1950, trong khi ném lựu đạn vào tốp lính ngụy tại chợ Đất Đỏ chị bị bắt. Ngày 21/1/1952, chị bị đày ra Côn Đảo với số tù 6267 và bị giam riêng ở Sở Cò. Chị Sáu là nữ tù nhân đầu tiên và trẻ nhất tại Côn Đảo. Ngày 23/1/1952, chúng bí mật đưa chị ra pháp trường xử bắn. Chị Võ Thị Sáu - người thiếu nữ anh hùng của quê hương Đất Đỏ đã đi vào huyền thoại, trở thành dấu son truyền thống trong cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc ta. Ngày 2/8/1993, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 149-KT/CTN truy tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam” cho chị Võ Thị Sáu…

Anh Lâm Lộc (Đồng Tháp) chia sẻ: "Lần đầu đến nghĩa trang Hàng Dương, thật xúc động, nghẹn ngào khi nghe những câu chuyện về các tấm gương anh hùng liệt sỹ. Khi chưa đến nơi đây tôi cũng đọc sử sách, đến đây càng thêm thấm thía. Chắc chắn tôi và gia đình sẽ trở lại mảnh đất thiêng liêng này...”.

Mỗi ngày nghĩa trang Hàng Dương đón khoảng 2.000 - 2.500 lượt du khách thăm viếng, ngày lễ lên tới 3.000 - 4.000 lượt du khách… Ai cũng trang nghiêm, thành kính đến các phần mộ đặt bông hoa, thắp nén hương bày tỏ lòng biết ơn. Ngày nay, Nghĩa trang Hàng Dương là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng và lịch sử Đảng sống động. Thật tự hào khi được một lần đến dâng hương hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ và đồng bào yêu nước vĩnh viễn nằm lại ở Nghĩa trang Hàng Dương.

Bùi Huy

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/nghia-trang-hang-duong-con-dao-a52294.html