Lễ hóa vàng đánh dấu kết thúc ngày Tết tại các gia đình nên người ta còn gọi là làm hết Tết.
Lễ hóa vàng thường diễn ra vào ngày 3, 7 hoặc ngày 10 âm lịch. Tuy nhiên, hiện nay người dân ăn tết ngắn hơn trước đây nên các gia đình thường làm lễ hóa vàng sớm hơn để còn quay lại với công việc. Có nhiều gia đình làm lễ hóa vàng từ ngày mùng 2 âm lịch, nhưng chủ yếu là bắt đầu từ ngày mùng 3 Tết đến khoảng mùng 10 Tết Nguyên Đán.
Lễ hóa vàng thường diễn ra vào ngày 3 tết. Ảnh minh họa
Lễ cúng hóa vàng thể hiện lòng tôn kính, cầu mong tổ tiên ban phước lành cho con cháu, một năm mọi sự tốt lành, suôn sẻ và may mắn. Vì lẽ đó, ngày này là một trong những ngày cúng đặc biệt quan trọng.
Từ ngày 30 Tết, các gia đình đã làm lễ cúng mời Tổ tiên về dự 3 ngày Tết. Trong những ngày này, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên bàn thờ. Do vậy, đèn hương không bao giờ được tắt, các đồ dâng cúng như hoa quả, mâm ngũ quả và bánh kẹo phải đợi đến "ngày hóa vàng" mới được hạ xuống.
Lễ vật cúng đơn giản hay cầu kỳ, chay hay mặn tùy thuộc vào mỗi gia đình. Thời gian cúng sớm hay trễ cũng tùy thuộc vào nếp nhà, mỗi nơi mỗi khác. Dù làm mâm cỗ mặn hoặc chay cũng nên có đầy đủ các món đặc trưng của mâm cúng ngày Tết như món luộc, xào, canh.
Nếu cúng mặn, theo phong tục, mâm lễ cúng mùng 3 Tết thường có hoa quả, bánh trái và gà luộc. Bánh thường là bánh tét nhân đậu với nguyện cầu một năm làm ăn phát đạt, thi đâu đậu đó.
Trong mâm cỗ hóa vàng, gà cúng phải là gà trống to, tròn, chắc nịch, có đôi chân đẹp và được bày biện cẩn thận. Đây là vật tế trong nghi lễ truyền thống không thể thiếu trên mâm cỗ hóa vàng.
Theo tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt hai cây mía dài để làm "đòn gánh" cho người ở cõi âm, cũng là vũ khí để xua đuổi quỷ dữ. Theo dân gian quan niệm dân gian, cây mía để các cụ chống đi cho đỡ mỏi hoặc có thể sử dụng để gánh các đồ cúng về trời.
Nhiều gia đình rất coi trọng việc hóa vàng, mua nhiều đồ vàng mã về đốt, tuy nhiên, theo chia sẻ của chuyên gia, không cần đốt quá nhiều mà quan trọng là gia chủ phải thành tâm nghĩ đến tổ tiên, người đã khuất. Hiện nay việc đốt vàng mã trong lễ hóa vàng cũng được khuyến cáo hạn chế tối đa để tránh lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường sống, giảm nguy cơ gây hỏa hoạn.
Lễ vật cúng đơn giản hay cầu kỳ, chay hay mặn tùy thuộc vào mỗi gia đình. Ảnh minh họa: Internet
Gà cúng mùng 3 được coi là báo hiệu điều lành dữ trong năm mới, đoán định tương lai từ những kinh nghiệm đút kết mà ông bà xưa truyền lại. Nếu miếng huyết xấp (miếng huyết gấp lại), năm đó làm ăn may mắn, tài lộc dồi dào, bình an sức khoẻ. Xem đến chân gà, nếu bộ giò không bị nứt nẻ, màu vàng tươi, các ngón chân gà chụm gọn lại, cục thịt ở bên trong vung lên, báo hiệu một năm no đủ, không lo thiếu thốn. Đường chỉ máu ở chân gà đỏ tươi cũng là dấu hiệu tốt.
Theo phong tục ở quê, gà gáy sáng là thời khắc bắt đầu cúng mùng 3 Tết. Mâm lễ được đặt trước sân nhà và sẽ đốt giấy vàng mã sau khi hết một tuần hương (cháy hết một nén hương (khoảng 40 - 60 phút)). Thứ tự hóa vàng cũng giống như khi hạ lễ, gia chủ nên hóa vàng mã cúng thần trước khi hóa của tổ tiên. Một lưu ý cần phải nhớ là nếu trong năm gia đình có người mới mất, phần vàng mã cho người này sẽ hóa cuối cùng.
Tùy theo phong tục vùng miền, gia chủ có thể hơ 2 cây mía trên lửa để làm đòn gánh cho tổ tiên gành những lễ vật về cõi âm. Ngoài ra, có thể vẩy thêm rượu vì người xưa cho rằng việc này giúp cho ông bà dưới cõi âm nhận được số tiền mà con cháu trên trần gian hóa vàng.
Vậy năm nay, thời điểm nào trong mùng 3 Tết thích hợp để cúng tiễn tổ tiên, thực hiện nghi lễ hóa vàng? Mùng 3 Tết Quý Mão 2023 rơi vào thứ Ba (ngày 24-1 dương lịch). Giờ đẹp hóa vàng giúp gia chủ mọi sự hanh thông trong năm 2023 bao gồm: Quý Mão (5-7 giờ), Bính Ngọ (11-13 giờ), Mậu Thân (15-17 giờ), Kỷ Dậu (17-19 giờ).
Ngoài ngày mùng 3 Tết hóa vàng như thông lệ, năm nay, các gia đình có thể tham khảo thêm 3 ngày khá phù hợp khác để làm lễ hóa vàng, đón nhiều điều may mắn, tốt lành, đó là vào mùng 4, 5 và 8.
Giờ đẹp hóa vàng vào mùng 4 Tết (tức thứ Tư, ngày 25-1 dương lịch): giờ Mão (5-7 giờ), giờ Ngọ (11-13 giờ), giờ Thân (15-17 giờ), giờ Dậu (17-19 giờ). Vào mùng 5 Tết (tức thứ Năm, ngày 26-1 dương lịch), gia chủ có thể cúng vào giờ Mão (5-7 giờ), giờ Tỵ (9-11 giờ), giờ Thân (15-17 giờ), giờ Tuất (19-21 giờ). Giờ tốt trong mùng 8 Tết (tức Chủ nhật, ngày 29-1 dương lịch): giờ Thìn (7-9 giờ), giờ Tỵ (9-11 giờ), giờ Thân (15-17 giờ), giờ Dậu (17-19 giờ).
Lưu ý, khi hóa vàng, phần tiền vàng của gia thần phải hóa trước, tiền vàng, đồ dùng của tổ tiên hóa sau.
Sau khi cúng tạ, đưa tiễn ông bà về cõi âm, coi như là hết Tết, gia chủ bắt đầu một năm mới với niềm vui hạnh phúc, cầu chúc một năm bình an.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/thoi-su/cach-chuan-bi-le-hoa-vang-tet-quy-mao-2023-day-du-nhat-20230123134932299.htm
Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/y-nghia-cung-mung-3-tet-a52079.html