Đối tượng và nhiệm vụ của tâm lý học

1. Đối tượng của tâm lý học

Trong tác phẩm “Phép biện chứng của tự nhiên”, Ph.Ănghen đã chỉ rõ rằng: thế giới luôn luôn vận động, mỗi khoa học nghiên cứu một dạng vận động của thế giới. Các khoa học phân tích các dạng vận động của thế giới tự nhiên thuộc nhóm khoa học tự nhiên. Các khoa học phân tích các dạng vận động của xã hội thuộc nhóm khoa học xã hội. Các khoa học phân tích các dạng vận động chuyển tiếp từ dạng vận động này sang dạng vận động khác được gọi là các khoa học trung gian, chẳng hạn như: lý sinh học, hóa sinh học, tâm lý học…Trong đó tâm lý học nghiên cứu các dạng vận động chuyển tiếp từ vận động sinh vật sang vận động xã hội, từ thế giới khách quan vào não con người sinh ra hiện tượng tâm lý.

Như vậy, đối tượng của tâm lý học là các hiện tượng tâm lý với tư cách là các hiện tượng tinh thần do thế giới khách quan tác động vào não con người sinh ra gọi chung là các hoạt động tâm lý. Tâm lý học nghiên cứu sự hình thành, vận hành và phát triển của hoạt động tâm lý.

Hình minh họa. Đối tượng và nhiệm vụ của tâm lý học

2. Nhiệm vụ của tâm lý học

Nhiệm vụ cơ bản của tâm lý học là nghiên cứu:

- Mô tả và nhận diện các hiện tượng tâm lý.

- Nghiên cứu bản chất của hoạt động tâm lý, những yếu tố quan và chủ quan ảnh hưởng đến hoạt động tâm lý.

- Nghiên cứu cơ chế hình thành, hình thức biểu hiện, quy luật hoạt động và phát triển của tâm lý.

- Nghiên cứu chức năng, vai trò của tâm lý đối với hoạt động của con người.

- Ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào trong hoạt động thực tiễn của con người.

Trên cơ sở các thành tựu nghiên cứu, tâm lý học đưa ra những giải pháp hữu hiệu cho việc hình thành và phát triển tâm lý, sử dụng tâm lý trong nhân tố con người có hiệu quả nhất. Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, tâm lý học phải liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhiều ngành khoa học khác.

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/nhiem-vu-cua-tam-ly-hoc-la-a50810.html