Những khung hình nỗi nhớ

Xưa nhưng không cũ

Ấm chè xanh ủ trong cái giỏ mây lót rơm để giữ nhiệt với vài thanh kẹo lạc, chiếc điếu cày, thêm cái bơm xe đạp, trong một quán ven đường Đại La. Một trong những cửa hàng cơ khí thủ công ít ỏi còn duy trì trên phố Phùng Hưng mang theo dấu thời gian. Hay góc ngã tư Châu Long - Nguyễn Trường Tộ với vị thơm thoảng thân thuộc của gạo, đỗ cùng âm thanh rì rì của vài chiếc máy xay bột cần mẫn theo ngày tháng... Mỗi dịp đi qua những nơi như thế, sợi dây ký ức của cư dân Hà Nội lại rung lên đầy xúc cảm, gọi họ nhớ lại một thời. Những ký ức về một Hà Nội xưa nhưng không bao giờ cũ ấy đã được gọi tên và tái hiện qua các bức ảnh của Nhóm ảnh học sinh THPT Hà Nội Khóa 91 - 94, trưng bày tại Nhà Bát Giác, khu vực hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội cuối tuần qua trong triển lãm “Vì một Hà Nội đáng sống”.

Niềm hoài niệm hiển hiện khi những người từng sinh ra và lớn lên ở Thủ đô chưa hề xa rời mảnh đất này. Tuy nhiên, trải qua thời gian, trước sự thay đổi nhanh chóng của thành phố, dường như những góc đọng lại cuộc sống chậm rãi của một Hà Nội xưa không nhiều, đôi khi dễ bị lãng quên. Và chụp ảnh như một cách những người con Hà Nội tìm về, lưu giữ những ký ức thân thương ấy.

Anh Nguyễn Việt Dũng, tác giả của các bức ảnh “Nhịp sống trên cầu Long Biên” và “Đường vào thành phố” cho biết: “Thế hệ 7X được trải nghiệm cuộc sống thời bao cấp, rồi chứng kiến sự thay đổi từ thời bao cấp sang đổi mới cho đến nay, cho nên có nhiều cảm xúc với ngày xưa Hà Nội. Ví dụ, mọi đứa trẻ lứa chúng tôi đều được mẹ chở xe đạp, hay cho chân vào nan hoa. Rồi những ngày nhảy tàu điện đi mua cá chọi... Tôi cũng nhớ khu tập thể Kim Liên, ấn tượng về sự thiếu nước, phải ra máy nước công cộng xách nước; hoặc sau đó có bể nước dưới sân, mỗi nhà gắn máy bơm, ống nước dẫn lên phòng. Bể nước chung với hàng chục ống nước túa lên là hình ảnh tôi nhớ như in. Dĩ nhiên đó là một thời nghèo khó nhưng vô cùng ấm áp”.

“Xưa vậy, giờ vẫn vậy” Ảnh: Đinh Quốc Cường

Gìn giữ những không gian đẹp

Chuẩn bị cho triển lãm “Vì một Hà Nội đáng sống”, nhiều tay máy trong nhóm có ý tưởng sử dụng tư liệu cũ và đi chụp lại để so sánh Hà Nội xưa và nay. Tuy nhiên, ý tưởng này nhanh chóng phá sản do vô cùng khó để có góc chụp như xưa, tầm nhìn về các khu vực của thành phố đã bị che lấp bởi các tòa nhà cao tầng. Chị Lưu Thùy Linh, tác giả bức ảnh “Thiên đăng”, “Góc phố xưa”, cho biết: “Là thế hệ trải qua tuổi thơ với Hà Nội nguyên sơ cùng những cảnh quan, không gian thoáng đãng, các thiết kế cổ, nhà xưa, đường phố thơ mộng đã đi vào văn chương, chúng tôi không từ chối các cảnh quan mới, bởi phát triển là điều tất yếu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong muốn giữ lại những không gian đẹp của Hà Nội. Nhóm ảnh 91 - 94 Hà Nội có gần 200 thành viên, ngoài thời gian cho công việc và gia đình, chúng tôi lại cùng nhau lang thang trên những con đường, góc phố, có khi là sớm tinh mơ chờ bình minh ló rạng, có khi là “săn” cảnh đẹp về đêm... để từ đó, chuyển tải vẻ đẹp, nét độc đáo, ấn tượng của Hà Nội đến mọi người”.

Ngắm nhìn các bức ảnh với góc nhìn vừa quen vừa lạ, Phó Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Louise Holmsgaard chia sẻ: “Tôi mới ở đây hơn 1 năm nhưng có nhiều lý do để yêu cuộc sống của Hà Nội. Thành phố là sự hòa trộn đồng thời giữa phong cách cổ điển và hiện đại, với các biệt thự Pháp, nhà phố khá mỏng và cả nhà cao tầng. Ở giữa trung tâm hiện đại cũng có nhà thờ, chùa, di sản lịch sử. Hà Nội cũng rất may mắn có nhiều hồ, mỗi hồ như viên ngọc quý bao quanh bằng lối đi rất đẹp... Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cũng có nhiều vấn đề nảy sinh. Việc xây dựng nhà cao tầng, bãi đậu xe, trung tâm thương mại đã lấy đi của thành phố rất nhiều không gian công cộng vốn dĩ đã rất khan hiếm. Rất may là càng ngày mọi người càng nhận ra chất lượng cuộc sống, sức khỏe người dân mới đóng vai trò quan trọng trong quy hoạch đô thị”.

Đó cũng là điều mà nhiều tác giả gửi gắm qua những bức ảnh của mình: Cần có thêm nhiều không gian trong lành cho trẻ em vui chơi, người lớn hoạt động văn hóa thể thao... để từ đó Hà Nội trở nên đáng sống hơn, thế hệ tương lai phát triển tốt hơn, mỗi cư dân thêm yêu thành phố hơn khi nhớ về những thời khắc gắn kết tình người. Đại diện nhóm ảnh 91 - 94 Ngô Quang Huy cho biết: “Cùng trang lứa, lại sinh ra và lớn lên ở Hà Nội đến nay cũng hơn 40 năm, nên tình yêu Hà Nội đã ngấm sâu vào mỗi thành viên trong nhóm. Chính vì vậy, qua các bức ảnh, chúng tôi muốn thể hiện tình yêu ấy, khơi dậy và bảo vệ những vẻ đẹp truyền thống, cũng như mong muốn tôn vinh, quảng bá tới cộng đồng về một Hà Nội đẹp, văn minh và thanh lịch”.

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/hinh-anh-ve-noi-nho-trong-tinh-yeu-a41995.html