Chia cả nước thành 7 vùng: Thanh Hóa không thể nào lại lên Tây Bắc

Vùng trung du và miền núi phía Bắc được đề xuất chia làm 2 vùng: Đông Bắc và Tây Bắc.

Vùng Đông Bắc (7 tỉnh): Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang.

Vùng Tây Bắc (7 tỉnh): Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình.

Lý giải việc chia thành 2 vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Vùng Đông Bắc, các địa phương liên kết với nhau và với trung tâm là thủ đô Hà Nội, chủ yếu theo các quốc lộ hướng về Hà Nội. Thái Nguyên được xác định là đầu tàu kinh tế của vùng.

{keywords} Tây Bắc là vùng còn nghèo khó.

Thực tế hiện nay, một số tỉnh Đông Bắc như Bắc Kạn, Tuyên Quang,... ít có mối quan hệ và rất khó hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu. Trong khi đó, các tỉnh thuộc 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc có thể dựa trên các yếu tố về điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng phát huy được các lợi thế tĩnh và động để thực hiện hợp tác, liên kết nội bộ.

Việc chia tách thành hai vùng này sẽ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về hợp tác, liên kết của các tỉnh lân cận để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm ở quy mô vùng, nâng cao hiệu quả cạnh tranh phù hợp với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế...

“Những điều trên cho thấy đã đáp ứng được cơ sở thứ nhất và thứ hai để phân vùng”, nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển lý giải.

Cơ sở thứ ba để phân vùng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là các tỉnh trong vùng Đông Bắc đều có mật độ kinh tế và tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người ở mức thấp, trừ Thái Nguyên và Bắc Giang.

Mặt khác, hầu hết các tỉnh trong vùng Đông Bắc đều có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao, là nơi tập trung sinh sống của một số dân tộc chính như Tày, Nùng, Dao... khác với một số dân tộc khác thuộc vùng Tây Bắc và đồng bằng sông Hồng liền kề. Do đó, cũng đáp ứng được cơ sở thứ tư để phân vùng.

Ngoài ra, Vùng trung du và miền núi phía Bắc như hiện nay số tỉnh cả vùng lên tới 14 tỉnh, chiếm tới 30% diện tích cả nước, có quy mô quá lớn.

“Phân chia vùng này thành 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc sẽ hợp lý hơn và có điều kiện phát huy lợi thế từng vùng, đáp ứng được cơ sở thứ năm để phân vùng”, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

{keywords} Thanh Hóa là tỉnh thuộc vùng kinh tế Bắc Trung Bộ

Với vùng Tây Bắc, nghiên cứu của Viện Chiến lược phát triển đánh giá, Tây Bắc có thế mạnh đặc thù, phát triển chuyên môn hóa như chăn nuôi bò sữa ở Mộc Châu, phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp,... đảm bảo nhu cầu điều kiện về liên kết nội vùng. Vùng có thành phố Việt Trì là đô thị loại 1. Tuy nhiên trong phạm vi 100km, độ lan tỏa ảnh hưởng của các đô thị trung tâm cho thấy rằng vùng vẫn còn những “trống vắng” về đô thị, đòi hỏi phải có chính sách đặc thù phát triển vùng này, đặc biệt là các chính sách phát triển đô thị hình thành các hạt nhân phát triển.

Trong quá trình nghiên cứu, có ý kiến cho rằng Thanh Hóa nên thuộc vùng Tây Bắc, chứ không phải Bắc Trung Bộ như lâu nay. Tuy nhiên qua nghiên cứu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo lưu quan điểm Thanh Hóa thuộc Bắc Trung Bộ.

Như VietNamNet đưa tin, tại tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội để triển khai kịp thời, đồng bộ các quy định của Luật Quy hoạch. Luật Quy hoạch có nội dung về phân vùng để lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, trong khi các quy hoạch vùng hiện nay chỉ còn hiệu lực đến năm 2020, bộc lộ nhiều hạn chế trước bối cảnh mới trong nước, quốc tế và khu vực.

Cho nên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân chia cả nước thành 7 vùng kinh tế - xã hội, thay vì 6 vùng như hiện nay.

Lương Bằng

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/dong-bac-gom-nhung-tinh-nao-a38220.html