"Thiên tài sử học" chia sẻ cách học nhanh nhớ lâu môn Lịch sử

"Thiên tài sử học" chia sẻ cách học nhanh nhớ lâu môn Lịch sử
"Thiên tài sử học" 16 tuổi với khả năng ghi nhớ phi thường. Ảnh: NVCC

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chính thức "chốt" Lịch sử là môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022. Theo đó, nhiều học sinh bày tỏ sự lo lắng vì đây là môn học không thuộc sở trường của mình. Thậm chí, một số em tỏ ra bối rối vì cho rằng học Lịch sử phải nhớ rất nhiều ngày tháng, sự kiện.

Chia sẻ về vấn đề này, Lê Nguyễn Phước Vinh - thành viên của "Siêu trí tuệ Việt Nam" đã đề ra một số phương pháp học nhanh nhớ lâu môn Lịch sử.

Chia kiến thức thành các vấn đề nhỏ

Để đảm bảo việc học nhanh và ghi nhớ lâu các kiến thức Lịch sử, Phước Vinh thường chia thành các vấn đề nhỏ. Đó có thể là một chương hoặc một chủ đề, từ đó chia ra nhiều nhánh phụ, nhánh con, có sự phân biệt rõ ràng giữa vấn đề này và vấn đề kia.

Từ đó, sẽ ghi nhớ kiến thức theo từng từ khóa rồi tiến hành sắp xếp các kiến thức thành "từng chùm" sao cho khoa học và dễ nhớ.

"Ví dụ với những trận đánh lịch sử, các bạn cần nắm vững thông tin của từng sự kiện, sau đó phân tách với nội dung: thời gian, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa và bài học kinh nghiệm và tiến hành ghi nhớ" - Phước Vinh cho biết.

Phước Vinh có niềm đam mê đặc biệt với môn Lịch sử. Ảnh: NVCC
Phước Vinh có niềm đam mê đặc biệt với môn Lịch sử. Ảnh: NVCC

Lập sơ đồ tư duy

"Tất cả sự kiện lịch sử đều có mối liên kết với nhau về mặt thời gian và nội dung, vì vậy để thuận lợi cho việc ôn tập, các bạn nên lập sơ đồ tư duy" - Phước Vinh nói.

Để thực hiện được điều này cần nắm rõ thông tin nội dung, thời gian của sự kiện, sau đó liên kết chúng lại với nhau. Thứ tự liên kết là từ xa xưa cho đến những sự kiện lịch sử hiện đại. Việc hệ thống hóa bài học qua sơ đồ tư duy sẽ giúp quá trình ôn tập và ghi nhớ diễn ra nhanh và ngắn gọn.

Xem phim, đọc truyện để ghi nhớ

Ngoài các phương pháp ghi nhớ cơ bản như trên, Phước Vinh cho rằng để kiến thức "đọng" lại lâu hơn, các bạn cần đổi mới phương pháp, kết hợp giữa giải trí và học tập.

"Việc xem phim, đọc truyện liên quan đến kiến thức, sự kiện lịch sử là rất tốt. Bởi khi đó, mình sẽ có thêm thời gian để nghiên cứu, liên tưởng nội dung lịch sử thêm sống động. Lúc này, sự minh họa rõ nét sẽ khiến sự kiện và kiến thức đọng lại lâu hơn, đặc biệt có lợi cho quá trình ghi nhớ" - Phước Vinh nhấn mạnh.

Dành thời gian ôn tập

Sau khi học bài xong cần kiểm tra và hệ thống hóa lại kiến thức bài học. Đây là bước vô cùng quan trọng để quá trình ghi nhớ diễn ra chính xác. Đặc biệt, cần ôn lại thông tin sau một khoảng thời gian nhất định.

"Các bạn có thể ôn luyện từng chủ đề nhất định theo thời gian. Ví dụ, 1 giờ, 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, tần suất có thể nhiều hơn nếu lượng thông tin lớn và đặc biệt quan trọng. Với lượng kiến thức nhỏ trong ngày thì ôn lại 1 tiếng 1 lần, nhiều hơn thì 1 ngày 1 lần" - Phước Vinh lấy ví dụ.

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/hoc-su-a36399.html