PHÚC LỢI ĐỘNG VẬT(P1): KHÁI NIỆM VÀ THỰC HÀNH

Đồng thời các khái niệm liên quan khác như “Năm Không”, súc quyền, khoa học phúc lợi động vật cũng được thảo luận để làm sáng tỏ hơn khái niệm phúc lợi động vật. Tiếp đó là thảo luận về mối quan hệ giữa phúc lợi động vật với con người, đạo đức với động vật, giáo dục và luật pháp. Một phần của bài viết nhấn mạnh về mối liên quan giữa phúc lợi động vật đến sức khỏe, sức sản xuất của vật nuôi, lợi ích kinh tế của người chăn nuôi và những tồn tại về phúc lợi động vật trong chăn nuôi công nghiệp hiện nay. Cuối cùng, tác giả phân tích hiện trạng về phúc lợi động vật ở Việt Nam trên cả phương diện thực tiễn, đào tạo và luật pháp.

Đặt vấn đề

Phúc lợi động vật (P1): Khái niệm và Thực hành

Từ hàng ngàn năm nay con người đã quan tâm đến cảm giác của động vật

Từ hàng ngàn năm nay con người đã quan tâm đến cảm giác của động vật, đặc biệt là khi chúng bị rơi vào hoàn cảnh tồi tệ. Từ đó đã ra đời khái niệm animal welfare (tạm dịch là phúc lợi động vật). Mối quan tâm bảo vệ các loài động vật đã phát sinh trong nền văn minh cổ của Ấn Độ với quan niệm cho rằng con người có tổ tiên từ động vật, và rằng con vật cần được tôn trọng như con người.

Nhiều tôn giáo khác coi việc đối xử với động vật là tài sản của chủ sở hữu, hệ thống hóa các quy tắc cho việc chăm sóc và giết mổ để hạn chế đau đớn của con vật dưới sự kiểm soát của con người. Phúc lợi động vật bắt đầu được đưa vào trong chính sách công của các nước phương Tây từ thế kỷ 19.

Tuy nhiên, khoa học nghiên cứu chính thống về vấn đề này chỉ mới có khoảng 50 năm nay. Ngày nay, trong chăn nuôi và thú y, mối quan tâm chăm sóc sức khỏe cho động vật (animal health) không chỉ là đảm bảo sức khỏe về thể chất (physical health) mà còn quan tâm đến cả sức khoẻ tinh thần (mental health) và tính tự nhiên (naturalness) của con vật, tức mối quan tâm đã được mở rộng hơn đến cả phúc lợi động vật (animal welfare). Điều đó có tầm quan trọng không chỉ đối với con vật mà cả đối với con người và xã hội. Chính vì thế, phúc lợi động vật đã được đưa vào các chương trình giáo dục phổ thông cũng như giáo dục chuyên nghiệp, được nhận thức rộng rãi trong cộng đồng, được ứng dụng trong sản xuất-kinh doanh và đã được luật pháp hóa trên Thế giới.

Tuy nhiên, ở Việt Nam vấn đề phúc lợi động vật vẫn còn rất mới mẻ. Bởi vậy, bài viết này nhằm cung cấp một tổng quan về phúc lợi động vật từ khái niệm đến những ứng dụng của nó trong thực tiễn.

Phúc lợi động vật là gì?

Phúc lợi động vật là một khái niệm rộng và một số định nghĩa đã được đưa ra. Nó thường được định nghĩa là trạng thái tốt về thể chất và tinh thần của con vật (Moberg, 1985; Dawkins, 1988; Duncan, 1993; McGlone, 1993; Webster, 1994; Broom, 1998). Để có phúc lợi tốt, điều quan trọng là con vật phải khỏe mạnh và có được những cảm giác tích cực như thoải mái, an toàn, thoả mãn… (Yeates & Main, 2008; Mellor & cs, 2009).

Ngoài thể chất và tinh thần, khái niệm phúc lợi động vật còn quan tâm đến “tính tự nhiên” với quan điểm cho rằng động vật cần được thể hiện những tập tính nhất định đặc trưng cho loài (Rogers Brambell, 1965; Rollin, 1993). Đó là những tập tính đã được hình thành ở các tổ tiên hoang dã để tạo cho chúng khả năng kiếm được các nguồn lợi và nhờ đó mà có thể tồn tại. Nhu cầu biểu hiện tập tính tự nhiên xuất phát từ não bộ và nếu con vật không được sống trong một môi trường cho phép chúng thể hiện các tập tính này thì chắc chắn chúng sẽ có những cảm giác tiêu cực và phải chịu đựng. Nói cách khác, động vật cần được sống trong môi trường thuận lợi để thể hiện được các hành vi như là một nguồn cảm giác tích cực (Widowski, 2010). Như vậy, khái niệm về phúc lợi động vật là một khái niệm phức tạp gồm 3 phương diện cần quan tâm (Fraser & cs, 1997): (1) Con vật có sức khoẻ tốt, (2) Con vật có cảm giác tốt, và (3) Con vật có khả năng thể hiện được các tập tính tự nhiên đặc trưng quan trọng của loài. Cả 3 phương diện này có thể trùng gối lên nhau ở một mức độ nào đó (Hình 1).

Phúc lợi động vật và “Năm Không”

Tuy không phải là một định nghĩa về phúc lợi động vật, nhưng một trong những khái niệm được sử dụng rộng rãi về phúc lợi động vật là “Năm Không” do Hội đồng phúc lợi động vật nông nghiệp Anh đề xuất (FAWC, 1992). Trong khi phúc lợi có các khía cạnh khác nhau,

Năm Không cung cấp một bản tóm tắt các khía cạnh chính của phúc lợi động vật như sau: Không bị đói khát; Không bị đau đớn, tổn thương và bệnh tật; Không bị khó chịu; Không bị sợ hãi và khổ sở; Không bị hạn chế các tập tính tự nhiên.

Một con vật có thể có mức độ khác nhau về mỗi cái Không này - một vài khía cạnh có thể tốt, trong khi một số khác lại kém. Đồng thời, mỗi Không này có thể trùng với những Không khác. Ví dụ: nếu động vật bị đói, nó sẽ tìm kiếm thức ăn-đây là hành vi bình thường. Nếu con vật không thể tìm được thức ăn, hoặc nếu môi trường không cho phép nó thể hiện hành vi tìm kiếm thức ăn bình thường thì con vật có thể trở nên khổ sở. Vì vậy, nếu động vật không bị đói khát và không bị hạn chế các tập tính/hành vi tự nhiên thì chúng cũng có thể không bị khổ sở.

Cần phải hiểu rằng “Năm Không” là trạng thái lý tưởng cực kỳ khó có thể đạt được. Thí dụ, một vài cái “Không” có thể mâu thuẫn nhau như: Để không bị bệnh tật đôi khi cần phải điều trị và điều này gây nên sự sợ hãi trong khi bắt giữ con vật. Như vậy, “Năm Không” không hoàn toàn hiện thực. Vì lý do này, “Năm Không” không quy định được tiêu chuẩn tối thiểu về phúc lợi động vật và không phải là chi tiết những gì cần được xác định trong một nghiên cứu khoa học. Mặc dầu vậy, đã có một sự công nhận quốc tế rằng “Năm Không” là điểm khởi đầu tốt cho việc đánh giá phúc lợi động vật. Nó cũng đưa ra những chỉ định ban đầu về những khía cạnh liên quan cần được quan tâm trong bất kỳ nghiên cứu nào về phúc lợi động vật.

Phúc lợi động vật và quyền động vật

“Phúc lợi động vật” (animal welfare) và “quyền động vật” hay “súc quyền” (animal right) là hai khái niệm khác nhau, đôi khi bị xem là mâu thuẫn, loại trừ lẫn nhau, trong nhiều người lại hiểu là như nhau. Đó là do phạm vi của hai khái niệm này có sự chồng gối lên nhau.

Những người ủng hộ phúc lợi động vật thường chú trọng đến việc tránh thô bạo và đau đớn không cần thiết và tăng cường đối xử nhân đạo đối với động vật. Theo quan điểm này thì con người có thể giết động vật để lấy thịt miễn là đảm bảo cho nó cuộc sống tốt và không làm nó đau đớn khi giết thịt nó; đó là vì mọi cuộc sống đều kết thúc bằng cái chết-điều mà không sinh vật nào có thể tránh khỏi, kể cả con người. Trái lại, một số quan điểm cực đoan về quyền động vật cho rằng động vật có những quyền nhất định như quyền được sống là tuyệt đối và cao hơn tất cả các lợi ích khác như lợi ích của việc giết thịt động vật (Regan, 2005). Tuy nhiên, theo giới truyền thông và công chúng nói chung thì “súc quyền” được sử dụng với quan điểm là loài người không nên sử dụng động vật theo bất kỳ cách nào. Súc quyền cũng là một trường phái triết học làm nền tảng cho một số nhóm giải phóng động vật (Singer, 1975; Taylor, 2003).

Tannenbaum (1995) cho rằng phạm vi của phúc lợi động vật rộng hơn súc quyền, bởi vì hầu như mọi thứ chúng ta tác động lên động vật đều ảnh hưởng đến phúc lợi của chúng. Ví dụ, ta có thể cho chú chó của mình đi dạo thêm 5 phút vào mỗi buổi sáng nhưng không thể nói rằng chú ta có quyền được như thế, mặc dù nó rất thích điều đó. Quyền cũng có thể bỏ qua trong những trường hợp có lý do thực sự. Thí dụ, phẫu thuật tuy gây đau đớn nhưng có thể cứu sống con vật.

Khoa học phúc lợi động vật

Phúc lợi động vật (P1): Khái niệm và Thực hành

Phúc lợi động vật là quan trọng và khoa học phúc lợi động vật là một ngành khoa học đã được xác lập

Phúc lợi động vật quan tâm đến việc động vật trải nghiệm cuộc sống như thế nào về mặt hoạt động thể chất, trạng thái tinh thần và tập tính tự nhiên. Để hiểu được ba phương diện này đòi hỏi phải có khoa học-đó là khoa học về phúc lợi động vật. Khoa học về phúc lợi động vật tìm cách lượng hoá các tác động lên con vật thông qua các thước đo sinh lý, hành vi, sức khỏe, sức sản xuất,… Hơn nữa, phúc lợi động vật chịu ảnh hưởng của các giá trị của con người, tức là con người nghĩ mình cần phải đối xử với động vật như thế nào và cái gì là quan trọng đối với con vật. Khoa học cũng giúp chúng ta hiểu được về những vấn đề này (Fraser & cs, 1997; Fraser & MacRae, 2011).

Ngày nay trên thế giới người ta đều đồng ý rằng phúc lợi động vật là quan trọng và khoa học phúc lợi động vật là một ngành khoa học đã được xác lập. Bên cạnh nhiều cơ quan nghiên cứu của nhà nước và các trường đại học có giảng dạy và nghiên cứu về phúc lợi động vật thì ngày càng có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu có các nhóm nghiên cứu sâu về phúc lợi động vật.

GS TS Nguyễn Xuân Trạch

Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: Hội nghị Khoa học toàn quốc Chăn nuôi - Thú y 2017

Link nội dung: https://khoaqhqt.edu.vn/animal-welfare-la-gi-a33309.html