Ba Hiển của Phụng là thợ mộc lành nghề. Từ nhỏ, mọi vật dụng bằng gỗ trong nhà của Phụng đều do tự tay ba Hiển đóng. Ít ai biết, bộ bàn ghế Phụng ngồi học, cái xích đu Phụng hay ngồi đọc sách đung đưa hay bộ bàn trang điểm độc đáo trong phòng riêng của cô đều toàn từ gỗ ghép mà ba Hiển tích cóp rồi tỉ mẩn làm cho bởi trông nó thật đẹp mắt và tinh xảo.
Còn áo quần của Phụng được mẹ Trang may luôn thật đẹp. Dù thật sự toàn chấp, nối từ vải thừa của khách, nhưng nhờ bàn tay khéo léo của mẹ Trang, Phụng luôn theo kịp thời trang.
Từ nhỏ, dù nhà không khá giả gì, nhưng ba Hiển, mẹ Trang luôn cho Phụng những gì tốt nhất. Từ phòng ở, xe đạp, xe máy, cái gì trong nhà tốt nhất, đẹp nhất ông bà đều dành cho Phụng. Bởi vậy, chưa bao giờ Phụng tưởng tượng thân phận mình lại ngang trái.
Ảnh minh họaKhi Phụng phát hiện ra bí mật động trời khi cô 18 tuổi. Ba Hiển bị tai nạn giao thông, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Ngay lúc tưởng là sinh ly tử biệt, ba Hiển đã nói ra bí mật kia, Phụng không phải con ruột của ba mẹ, ba mẹ cô suốt 18 năm qua không phải là chồng vợ.
Nghe xong, Phụng chới với. Hóa ra, năm xưa ba Hiển là người yêu của người sinh ra Phụng, nhưng cặp đôi chưa từng chung đụng ngày nào. Cô gái ấy mang bầu với ai đó và bị phụ tình. Tới khi sinh Phụng xong, xuất viện, cô ấy đã trốn đi, bỏ con gái lại cho người bạn cùng phòng trọ (chính là mẹ Phụng) với một dòng chữ viết vội rằng: "Xin lỗi, Trang hãy nuôi con giúp M.". rồi bặt vô âm tính.
Cô công nhân may tên Trang không biết xoay xở làm sao, đành ôm đứa bé đi tìm người đàn ông tên Hiển - là người yêu mà cô M. hay giới thiệu với mọi người - bắt anh phải nhận con.
Bỗng nhiên bị buộc tội ngang hông, người đàn ông tên Hiển rất tức giận. Nhưng ngay lúc 2 người chối qua đẩy lại, em bé bỗng dưng nhoẻn miệng cười, quơ tay chân như vui lắm. Nụ cười ngây ngô, xinh xắn của bé gái hút hồn 2 người trẻ. Họ lúng túng, nhìn nhau, không ai nỡ bỏ đi.
Cứ vậy, Phụng thành con của ba mẹ. Để tránh điều tiếng, họ dọn về vùng đất đỏ bazan này sinh sống.
Để không mang tiếng “bỏ con”, ba Hiển nai lưng ra phụ mẹ nuôi nấng cô. Cũng bởi vì có Phụng, mẹ Trang phải bỏ ngang công việc ở công ty, về nhận hàng may ở nhà cho tiện chăm sóc con. Rồi vì cô đến tuổi vào mẫu giáo, để cô được đi học, ba mẹ phải đăng ký kết hôn, làm khai sinh muộn…
2 người không thương nhau, cuối cùng vì đứa trẻ mà phải về chung 1 mái nhà, trong vai chồng vợ. Phụng vô tư nên chưa bao giờ nghĩ vì sao ba mẹ kính nhau như khách, vì sao mỗi người đều phải ngủ riêng 1 phòng. Cô bé Phụng cũng đã không tự hỏi sao chẳng bao giờ ba đi thăm ông bà ngoại còn mẹ cũng không được ông bà nội ngó ngàng…
Ngày ba Hiển vào phòng mổ, mẹ Trang đứng ngoài khóc như mưa. Bởi trước khi ngất hẳn đi, ba Hiển đã nói hết bí mật cùng con gái và nhắn rằng: “Nếu muốn, con hãy cứ đi tìm cha mẹ ruột của con”.
Với mẹ Trang, ba nói nếu ba không sống nữa, mẹ hãy đi tìm hạnh phúc của mình. Ba xin lỗi đã không kịp cưới mẹ, để mẹ không phải mặc cảm với gia đình 2 bên là “theo không” ba, thậm chí mang tiếng có con khi chưa cưới hỏi. Rằng ba yếu hèn, bao năm chưa nói được lòng mình với mẹ. Ngay lằn ranh sinh tử, ba lần đầu tiên nói ba yêu mẹ và yêu Phụng biết bao.
Biết sự thật, Phụng suy sụp thì ít mà ngạc nhiên thì nhiều. Cô hối tiếc vì mình sống vô tư quá, không cảm nhận sự khác thường trong gia đình. Rằng vì sao cô đã không sớm làm cầu nối yêu thương để ba mẹ có thể có những ngày an vui, hạnh phúc?
Cô ôm mẹ cùng chờ đợi kỳ tích cho ba. Ôm mẹ để cùng nguyện cầu ba mau tỉnh dậy để làm đám cưới, cho mẹ được 1 lần làm cô dâu và chính danh cùng ba trước ông bà nội, ngoại.
Phụng cầu nguyện những bí mật sẽ mãi là bí mật, để ba, mẹ cứ vậy cùng nhau, để Phụng mãi được là con gái yêu thương, chăm sóc, báo hiếu 2 người.
Nguyễn Đông Chương