Văn thuyết minh là dạng văn thường gặp trong chương trình Ngữ văn 8. Để giúp các em học sinh làm quen với các đề văn thuyết minh lớp 8, VnDoc tổng hợp Những bài văn thuyết minh hay nhất cho các em tham khảo.
1. Thuyết minh về cây tre
Nhắc đến một trong những loài cây biểu tượng cho đất nước Việt Nam, nhiều người nghĩ ngay đến cây tre. Hoa có sen, cây có tre. Đằng sau loài cây thân thương ấy là biết bao thông tin thú vị.
Tre xanh, xanh tự bao giờ
Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh
Từ câu thơ trên, ta có thể thấy rằng cây tre là một trong những loài cây gắn bó lâu đời nhất với người Việt Nam. Dù chưa có tài liệu xác minh cụ thể cây tre xuất hiện vào năm nào nhưng dựa vào các truyện cổ tích, ca dao dân ca và các sản phẩm văn hóa truyền thống của dân tộc ta thì chắc chắn cây tre đã tồn tại từ hàng ngàn năm trước. Bất cứ đâu trên đất nước ta, tre cũng xuất hiện.
Về cấu tạo khoa học, tre thuộc loài cây thân cỏ có cấu trúc thân khá đặc biệt. Rễ tre là loại rễ chùm và mọc ra từ thân ngầm của tre giúp hút chất dinh dưỡng nuôi thân. Số lượng rễ này có thể biến đổi theo điều kiện đất và kích thước, tuổi của cây tre. Thân tre được chia làm hai phần là cổ thân ngầm và thân trên mặt đất. Phần thân ngầm ở trong đất, là nơi các măng mọc ra. Phần thân trên mặt đất có thể cao lên tới 20 m, đường kính từ 1 - 25 cm, có dạng hình ống tròn. Lá tre chính là cơ quan quang hợp của cây tre, gồm hai phần là bẹ lá, phiến lá. Phần bẹ lá thường dài, có hình lòng máng, gắn chặt vào cành. Phần phiến lá thì có 3 - 5 đôi gân lá song song. Và cuối cùng, phần ít được biết đến nhất của cây tre chính là hoa tre. Hoa gồm bao hoa, nhị và nhụy của tre có thể kết thành quả như lúa. Tuy tre là một trong những loại cây phát triển nhanh nhất thế giới nhưng hoa của chúng chỉ đến khi gần về cuối đời mới nở nên nhiều người cả đời không được nhìn thấy loại hoa này.
Cây tre có hơn 1000 loài và phân bố chủ yếu ở các nước nhiệt đới. Chúng thường mọc thành bụi, thành chùm, hiếm khi mọc riêng lẻ. Ở nước ta, tre có mặt từ miền Nam đến miền Bắc. Có nhiều tỉnh ở nước ta hiện nay vẫn có trữ lượng tre lớn như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình và nhiều nơi khác.
Nói đến lợi ích của tre, ta phải dành cho loài cây này sự ngợi ca và những lời khen tặng. Tre gắn bó với con người, làng xóm Việt Nam. Tre vừa là vật liệu xây dựng, vừa có thể trở thành đồ dùng hằng ngày. Thậm chí, tre còn góp phần làm phong phú nền ẩm thực nước nhà với những món cơm lam trong ống tre, bánh chưng xanh. Trong kháng chiến, tre trở thành vũ khí xông pha trận mạc, bảo vệ bộ đội ta và đánh đuổi kẻ thù. Không chỉ vậy, về mặt tinh thần, tre còn đại diện cho khí tiết thanh cao, tinh thần bất khuất kiên trung của người Việt ngàn đời.
Đúng như nhà văn Thép Mới từng ngợi ca: “Ngày mai, trên đất nước này, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre cao vút mãi”. Cây tre với nhiều ý nghĩa như vậy sẽ mãi mãi song hành cùng sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.
2. Thuyết minh về bánh trung thu
Đến Tết Đoàn viên, hương vị ngọt ngào của những chiếc bánh trung thu lại làm ta say đắm. Thế nhưng, ít ai biết rằng quá trình làm ra những chiếc bánh trang nhã ấy lại vô cùng công phu.
Bánh trung thu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Hoa với tên gọi “Nguyệt Bính” có nghĩa là “bánh mặt trăng”. Bánh có hình tròn như trăng sáng tượng trưng cho hạnh phúc đủ đầy, viên mãn. Ở Việt Nam, bánh trung thu gắn liền với sự tích về chị Hằng và chú Cuội nên còn là ngày tết của thiếu nhi. Đã thành thông lệ, người lớn thường chuẩn bị những mâm cỗ với đầy đủ bánh trung thu, hoa quả, đèn ông sao.
Bánh trung thu truyền thống của Trung Hoa có hình tròn nhưng khi lưu truyền sang Việt Nam, bánh có thêm hình vuông đẹp mắt. Cũng như các loại bánh trung thu khác, bánh nhân đậu xanh cũng có hai loại là bánh nướng và bánh dẻo nhưng bánh nướng thường phổ biến hơn. Trên mặt bánh thường được in hình hoa sen hoặc hoa văn rất tinh tế và thanh tao. Bánh trung thu có cách làm vô cùng phức tạp và kì công, đòi hỏi người đầu bếp phải có bàn tay cực kì khéo léo, tỉ mỉ. Nguyên liệu làm phần vỏ bánh gồm có: bột mì, nước đường, dầu ăn, lòng đỏ trứng gà, bơ đậu phộng. Nếu muốn những chiếc bánh của mình có màu đa dạng, người nấu có thể sử dụng thêm các loại bột rau củ tự nhiên hoặc màu thực phẩm để tạo màu sắc. Nguyên liệu làm phần nhân bánh gồm đậu xanh, đường cát, dầu ăn và bột bánh dẻo.
Công đoạn làm bánh trung thu được chia làm hai phần chính là làm vỏ bánh và làm nhân bánh. Thông thường, để tiết kiệm công sức và thời gian, người ta thường làm phần nhân bánh từ ngày hôm trước vì đây là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Đậu xanh đã được rửa sạch và ngâm, nay cho vào nồi nấu đến khi chín. Để đậu sánh, ta cần xay nhuyễn đậu cùng đường cát. Tiếp đến, ta bắc chảo, cho đậu lên chảo sên cho đến khi sệt lại, đậu không còn dính vào chảo. Thời gian sên đậu có thể kéo dài từ một tiếng trở lên nên vô cùng vất vả. Ta cần đặc biệt cẩn trọng, sên liên tục để không bị cháy. Khi kiểm tra và thấy nhân đậu không bị dính tay, ta trộn thêm bột bánh dẻo vào. Đợi đến khi hỗn hợp nguội, ta cho nhân bánh ra khay và nặn thành từng viên tròn. Với phần vỏ bánh, ta trộn đều nước đường, dầu ăn, bơ đậu phộng và lòng đỏ trứng gà vào thau, chú ý không nhồi nguyên liệu. Sau đó, cho bột mì vào hỗn hợp trên và trộn đều và đậy kín lại để bột nghỉ trong khoảng ba mươi phút. Hết thời gian bột nghỉ, ta chia bột ra thành các phần bằng nhau, vo viên tròn rồi lần lượt cán bột. Lúc này đã đến công đoạn gói bánh. Người đầu bếp cẩn thận cho nhân vào giữa gói lại sao cho không khí không lọt vào bánh. Để bánh có vẻ ngoài hấp dẫn, ta có thể chuẩn bị những khuôn bánh với đa dạng các loại hoa văn khác nhau. Cho bánh vào khuôn, ấn xuống chờ khoảng vài giây rồi thả ra. Cuối cùng, ta xếp bánh lên khay có lót giấy nến và đưa vào lò nướng ở nhiệt độ thích hợp.
Một chiếc bánh trung thu hoàn hảo, truyền tải được thông điệp về hạnh phúc vẹn toàn sẽ là chiếc bánh có sự cân xứng giữa vỏ bánh và nhân bánh. Vỏ bánh không quá dày hoặc quá mỏng, bao bọc lấy phần nhân mềm mịn vừa phải. Bánh có vị ngọt thanh tao.Ăn bánh, uống trà, ngắm hoa và thưởng trăng chính là thú vui của tao nhân mặc khách thời xưa.
Bánh trung thu không chỉ là một món ăn mà còn là trở thành một nét văn hóa đẹp. Thấy bánh trung thu là thấy hương vị của quê hương, gợi nhắc chúng ta về gia đình cùng những người thân yêu. Ngày nay, với sự phát triển của kinh tế và công nghệ, bánh trung thu ngày càng được bày bán rộng rãi. Bánh có nhiều hương vị mới cùng hình thức đa dạng, thu hút thực khách trong và ngoài nước.
Mỗi một món ăn đều mang trong mình những giá trị riêng. Con người và đất nước Việt Nam đã gửi gắm vào những chiếc bánh vuông, bánh tròn ấy tấm lòng thơm thảo, sự tài hoa, cần mẫn. Bánh trung thu thực sự thể hiện được vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam.
3. Thuyết minh về cái phích nước
Phích nước là một đồ dùng rất gần gũi và được sử dụng phổ biến trong các gia đình. Nhờ có cái phích nước mà con người không phải lo lắng khi cần sử dụng nước nóng mọi lúc mọi nơi.
Phích nước (bình thủy) do Sir James Dewar (1842 - 1923), một nhà hóa học và nhà vật lý học phát minh ra. Sir James Dewar nổi tiếng với các nghiên cứu về các hiện tượng nhiệt độ thấp, sinh tại Kincardine, Scotland và theo học tại trường Đại học Edinburgh. Năm 1892, dựa trên nguyên lí giữ nhiệt của thùng nhiệt kế của Newton, ông thành công với phát minh ra “Bình Dewar” hay còn gọi là bình nhiệt. Đến năm 1904, hai thợ thổi thủy tinh người Đức thành lập công ty Thermos GmbH thì bình nhiệt mới được đưa vào sản xuất đại trà làm vật dụng trong gia đình. Năm 1907, Thermos GmbH chuyển quyền sở hữu thương hiệu Thermos cho 3 công ty độc lập là: The American Thermos Bottle Company ở Brooklyn, New York Thermos Limited Ở Tottenham, Anh và Canadian Thermos Bottle Co. Ltd Ở Montreal, Canada.
Phích nước gồm có 4 bộ phận cơ bản gồm: vỏ ngoài, ruột trong, lớp đệm và bộ phận tay cầm, quai xách. Vỏ phích hình trụ đứng, rộng ở chân đế và thường nhỏ dần ở đâu phích. Vỏ thường làm từ nhựa cứng hoặc kim loại nhẹ như nhôm, niken,… Trên thân vỏ thường ghi tên thương hiệu, số liệu của sản phẩm và nhà sản xuất. Ngoài ra, vỏ còn được trang trí với những màu sắc và hình ảnh bắt mắt.
Lớp vỏ còn tiện ích như đáy bằng giúp đặt vững vàng, có quai bằng nhôm hay nhựa giúp cầm và xách khi di chuyển. Phần đáy có thể gỡ ra lắp vào, bên trong có một lớp đệm nhỏ bằng cao su dùng để cố định ruột phích phích bằng nhôm, nhựa. Nút nút đậy ruột phích bằng gỗ xốp để chống mất nhiệt do hiện tượng đối lưu của dòng nhiệt.
Bên trong vỏ phích là ruột phích. Ruột phích được cấu tạo bởi hai lớp thuỷ tinh, ở giữa là khoảng chân không. Bề mặt bên thành trong của hai lớp này được tráng bạc để phản chiếu bức xạ nhiệt, giúp ngăn sự truyền nhiệt ra bên ngoài. Giữ vỏ ngoài và ruột trong có một lớp đệm làm bằng xốp mềm hoặc chất liệu mềm khác. Lớp đệm có vai trò giữ cố định ruột phích đồng thời ngăn không cho nhiệt lượng lan tỏa ra ngoài. Bởi thế, dù nhiệt độ nước là 100 độ C nhưng vỏ ngoài chỉ thấp ấm.
Phích nước nóng giữ được nhiệt là do đặc trưng cấu tạo của ruột phích quyết định. Nhờ cấu tạo của ruột phích làm cho nhiệt lượng của nước không thể truyền đi bằng phương thức thông thường. Ruột phích có hai lớp vỏ thuỷ tinh mỏng tạo thành, lại thêm có lớp chân không ở giữa, bề mặt tráng bạc giúp nguồn nhiệt được bảo toàn ở bên trong. Miệng phích nhỏ hơn nhiều so với thân phích, lại được đậy kín giúp cắt đứt hiện tượng đối lưu nhiệt, Hiện tượng dẫn nhiệt bị cản trở bởi lớp chân không và lớp đệm.
Tuy đã ngăn chặn được hiện tượng dẫn nhiệt nhưng một phần nhiệt lượng vẫn lan truyền ra bên ngoài. Bởi thế, phích nước không thể giữ nóng nước mãi mãi. Trong vòng 24 giờ, nhiệt độ nước sôi sẽ dần hạ xuống còn từ 65 độ C đến 75 độ C.
Phích nước có nhiều loại và nhiều kích cỡ khác nhau. Loại nhỏ chứa được khoảng nửa lít, loại lớn chứa được hai lít hoặc hai lít rưỡi. Ngày nay còn có loại phích nước đun bằng điện, ở nước ta, xí nghiệp Rạng Đông là cơ sở sản xuất phích nước nối tiếng.
Phích nước mới mua về không nên đổ nước sôi vào ngay vì đang lạnh mà gặp nóng đột ngột, phích nước dễ bị nứt bể. Ta nên rót nước ấm khoảng 50 - 60 độ vào phích trong 30 phút, rồi sau đó mới rót nước nóng vào. Không nên rót đầy nước và nút quá chặt, cần chừa một khoảng trống nhỏ để phích giãn nở và ngăn truyền nhiệt qua phần tiếp nối ở miệng phích.
Khi sử dụng phích nước thì mở nắp rót nước vào và khi dùng xong, đậy nắp lại để giữ được nước nóng lâu hơn. Hạn chế di chuyển phích và mở nắp phích ra nhiều lần. Giữ phích cố định ở nơi ăn toàn, tránh xa tầm tay trẻ em.
Cần vệ sinh ruột phích thường xuyên vì cáu bẩn rất dễ đọng lại ở đáy. Sau thời gian sử dụng, vỏ kim loại bị mục, khả năng bảo vệ bình bị giảm thì cần thay vỏ mới để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Phích nước là vật dụng quen thuộc, có ích và rất cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày của mọi nhà. Ngày nay, khi phích nước điện ra đời một phần nào thay thế cái phích nước truyền thống giúp cho việc giữ nước nóng tiện lợi và an toàn hơn. Điều đó cho thấy, dù có thay đổi hình thức và phương thức giữ nhiệt, phích nước vẫn là đồ vật gắn bó mật thiết với đời sống con người.
4. Thuyết minh về cái thước kẻ
Cuộc đời mỗi con người ai cũng đã từng trải qua thời học sinh. Cái thời cắp sách đến trường đầy kỉ niệm mà mỗi chúng ta khó có thể quên được. Những đồ dùng học tập như: bút, thước, tập, sách,… luôn gắn bó với học sinh như những người bạn thân thiết. Và trong số đó, cây thước là đồ dùng học tập quan trọng được sử dụng rộng rãi.
Nguồn gốc: Cây thước có nhiều loại khác nhau như thước thẳng, ê-ke, thước đo độ,…Thước thẳng có dạng hình chữ nhật và độ dài, rộng rất đa dạng. Thường thì nó dài 15cm - 20cm và rộng khoảng 2cm -3cm. Cũng có nhiều loại thước dài tới 30 hay 40cm. Chiều dày của thước cũng khác nhau, như thước gỗ thường dày gần 1cm còn những cây thước mà học sinh dùng chỉ dày 1mm.
Khác với thước thẳng, ê-ke có dạng hình tam giác vuông hay tam giác vuông cân. Ê-ke thường có độ dài đáy khoảng mười mấy cm và chiều cao 5cm - 6cm. Độ dày của nó cũng giống thước thẳng, thường là 1mm. Cũng như thước thẳng, độ lớn của ê-ke rất đa dạng. Có những cây ê-ke to hơn gấp 6 - 7 lần cây thước ê-ke thường thấy. Loại này thường dành cho giáo viên hay kĩ sư.
Còn một loại thước thông dụng nữa đó là thước đo độ. Thước này thường được học sinh cấp 2, cấp 3 dùng nhiều. Nó có dạng nửa hình tròn hay còn gọi là hình bán nguyệt. Như bao cây thước khác, thước đo độ cũng có nhiều kích thước khác nhau. Thường thì đường kính hình tròn khoảng 10cm. Nhiều loại có đường kính dài hơn.
Thước được làm từ nhựa, gỗ, hay kim loại nhưng phổ biến nhất là thước nhựa. Những cây thước bằng nhựa thường nhẹ, bền, dễ sử dụng, giá thành rẻ nhưng dễ gãy. Giá của một cây thước nhựa chỉ từ 2000đ - 5000đ. Vì thế mà thước nhựa được sử dụng rộng rãi đặc biệt là đối với học sinh. Ta dễ dàng mua được một bộ thước nhựa từ 4 đến 5 cây với giá không quá 10.000đ. Hiện nay, còn xuất hiện một loại thước được làm từ nhựa dẻo. Đối với loại thước này, ta có thể bẻ cong thoải mái mà không lo bị gãy.
Khác với thước nhựa, thước bằng kim nặng hơn, có giá mắc hơn chút ít nhưng bền hơn, cũng dễ sử dụng, khó gảy. Thước bằng kim loại thì thường được làm bằng nhôm hoặc sắc. Trong các loại, thước gỗ có giá thành mắc nhất. Tuy nhiên, nó cũng rất bền, dễ sử dụng và khó gảy. Thước gỗ còn thể hiện được sự tinh tế và sang trọng. Ngoài ra, còn có nhiều loại thước có khả năng khác như: thước máy tính, thước lược, thước vẽ những đường tròn, những đường cong,…
Màu sắc của thước thì rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là thước nhựa. Thước dành cho tiểu học thì có màu sắc sặc sỡ, in hình những nhân vật hoạt hình hay truyện tranh nổi tiếng. Các em tiểu học thường chọn màu thước là màu sắc mà mình yêu thích. Các bé gái hay chọn thước màu hồng hay vàng còn các bé trai là màu xanh lá, xanh dương.
Học sinh cấp 2 lại chọn thường những cây thước trong suốt, ít hoa văn để dễ dàng sử dụng. Một số khác dùng thước bằng kim loại màu bạc hay bằng gỗ. Còn giáo viên lại dùng những cây thước gỗ màu nâu để kẻ bảng. Hầu hết tất cả cây thước đều có vạch chia cm. Một số khác vừa có vạch chia cm vừa có vạch chia inch. Những cây thước của nhãn hiệu nổi tiếng như Thiên Long hay Win đều in lô-gô của mình trên cây thước.
Thước ê-ke có 2 loại. Một là thước hình tam giác vuông cân có một góc 90o, hai góc còn lại 45o. Hai là thước hình tam giác vuông có một góc 90o, một góc 60o và góc còn lại 30o. Thước ê-ke thường có ghi số đo góc cho 2 góc khác 90 độ. Hai cạnh góc vuông của của cây thước thường có vạch chia. Một cạnh góc vuông là vạch chia cm, cạnh còn lại là vạch chia inch.
Thước đo độ thường thì đáy có vạch chia cm. Trên mặt thước có những đường thẳng phân độ xuất phát từ tâm hình tròn. Thước được chia độ từ 0 độ đến 180 độ ứng với những đường phân độ. Khoảng cách giữa hai đường phân độ là 10 độ. Dãy số đo độ được ghi từ trái sang phải và ngược lại từ phải sang trái. Do mọi người hay đo góc từ trái sang phải nên dạy số đo độ này được làm to hơn.
Thước là một đồ dùng học tập quan trọng và cần thiết, thế nên ta phải sử dụng và bảo quản nó đúng cách. Chỉ nên dùng để kẻ hay đo. Khi dùng xong, phải bỏ vào hộp bút để tránh làm mất thước. Khi thước bị dính bẩn thì ta rửa sạch hoặc dùng khăn sạch lau chùi. Ta phải sử dụng thước một cách nhẹ nhàng, nâng niu. Xem thước như một người bạn đồng hành trong suốt quãng đời học sinh.
Không biến thước thành vũ khí để châm chọc bạn bè. Ví dụ như dùng nó để đánh bạn hay đâm đầu nhọn của thước vào bạn. Không nên cứ mỗi lần tức giận là bẻ gãy thước cho hả giận. Ngoài ra, không nên dùng thước để khắc lên bàn, ghế hay thân cây. Không quăng thước lung tung, bừa bãi và giữ gìn thước cẩn thận, tránh bị mờ số.
Cây thước rất hữu dụng đối với tất cả mọi người. Thước thẳng giúp ta đo lường và kẻ những đường thẳng. Nó cũng giúp ta vẽ được những đoạn thẳng với độ dài cho trước và gạch chân những điều quan trọng. Thước ê-ke giúp ta kiểm tra góc vuông, dễ dàng vẽ được các hình trong môn hình học. Ngoài ra, nó cũng có thể dùng để đo hay kẻ thẳng.
Thước đo độ thì dùng để đo số đo của các góc, vẽ được góc, hình với số đo cho sẵn. Nhờ những cây thước mà chúng ta mới có thể làm được các bài tập thầy cô giao. Giúp ta biết được kích thước của những thứ xung quanh và đặc biệt là vẽ bản vẽ kĩ thuật. Đối với kiến trúc sư thì thước vô cùng quan trọng vì nó giúp vẽ ra được những bản thiết kế chính xác và đẹp mắt. Nhờ những bản thiết kế này mà người ta mới có thể xây dựng những công trình hay nhà ở
Cây thước là người bạn thân thiết đối với học sinh và tôi cũng đã gắn bó với nó suốt nhiều năm qua. Nó như người bạn tri âm, tri kỉ đối với tôi. Nó đồng hành với tôi mỗi ngày. Lâu lâu, nhìn thấy nó thì lòng tôi lại nhớ đến kỉ niệm xưa khi tôi đã dùng thước khắc tên mình lên mặt bàn vào cuối năm lớp 5. Tôi yêu những cây thước mà tôi dùng hằng ngày. Thước chỉ là những thứ vô tri vô giác nhưng với tôi, nó đánh dấu kỉ niệm, là vật mà tôi trân trọng. Những thứ vô tri vô giác này đã giúp tôi ngày càng trưởng thành hơn.
Không thể phủ nhận được, cây thước là đồ dùng học tập quan trọng và cần thiết. Thước cũng giống như tập, sách - là những thứ học sinh luôn mang theo khi đến trường. Tôi rất trân trọng những cây thước của tôi. Ôi! Tôi yêu cây thước làm sao.
Để có được những đường thẳng, những hình vẽ vuông vắn không thể thiếu chiếc thước kẻ.
Chiếc thước kẻ là một trong những đồ dùng học tập hữu ích mà ai là học sinh cũng cần sử dụng đến. Chiếc thước kẻ rất dễ dàng tìm thấy ở những cửa hàng tạp hóa. Cái mà em đang dùng cũng được mua ở tiệm tạp hóa gần nhà. Nó được bảo quản trong một chiếc túi nilon màu cam vừa khít. Chiếc túi có ghi các thông số kĩ thuật và hãng sản xuất của chiếc thước. Lấy thước ra khỏi chiếc túi rất dễ dàng, chỉ cần nghiêng nhẹ là thước tự trôi ra.
Chiếc thước không có đặc điểm nào quá nổi bật. Nó được làm bằng nhựa cứng và trong suốt. Thước được làm có dạng hình hộp chữ nhật, dẹt, dài chừng 22 cm, và dày khoảng 3mm. Mặt trước của thước trơn nhẵn, trong. Bởi đặc tính này mà thước rất dễ bị xước trong quá trình vận chuyển.
Mặt sau của thước được in dập nổi các kích thước để đo đạc. Từ số 1 đến số 20 được đánh dấu và mỗi một vạch nhỏ làm 1 mm. Chiếc thước này phù hợp với học sinh như em để kẻ cũng như vẽ hình lên trang giấy trắng nhỏ của mình. Nhờ có chiếc thước kẻ mà em có những đường kẻ đẹp, những hình vẽ đẹp.
Ngày ngày đến trường, em đều sử dụng đến chiếc thước kẻ của mình. Nó luôn song hành cùng em trong từng trang vở, từng bài thi. Chiếc thước đã thực sự trở thành người bạn thân thiết của em.
5. Thuyết minh về đồng phục học sinh
Thấm thoát thời gian trôi qua lặng lẽ, tôi nhận ra mùa thu đã qua và thay vào đóc là một mùa đong giá lạnh, tôi bước xuống giường và đôi bàn chân lạnh buốt. Bất chợt mẹ tôi bảo: "Hôm nay, trời lạnh con mặc áo đồng phục vào cho ấm”. Nhìn chiếc áo tôi thấy chiếc áo rất đẹp bởi lẽ nó cò màu xanh thẫm, mà màu xanh thẫm là màu mà tôi thích nhất.
Chiếc áo đòng phục của tôi có hai màu phần trên là màu trắng, phần dưới là màu xanh thẫm. Vải áo mền mại, mặc chiếc áo lên tôi rất thấy tiện cho các hoạt đọng của trường lớp. Áo có hai lớp lên mặc rất ấm. Chiếc áo đòng phục của tôi, phần dưới áo có hai túi chéo có viền xanh nổi bật trên nền vải màu trắng. Ở trong áo được bọc bởi lớp vải li -long.
Có màu xẫm để giữ sạch sẽ, nách áo rộng, tay áo không quá dài nên đủ đẻ mặc một chiếc áo len ở bên trong. Phía bên tay trái của áo có gắn phù hiệu của trường. Mỗi khi lấy chiếc áo ra khỏi tủ tôi rất hãnh diện vì mình là học sinh của trường THCS. Trên mác có hình hai bông lúa cùng với hình ảnh quyển vở và ngọn đuốc thể hiện ánh sáng niềm tin, tri thức, khoa học và sự phát triển của nông nghiệp. Đưa tri thức công nghệ hiện đại vào trong nông nghiệp. Tuy đơn giản nhưng phù hiệu là những lời súc tích, ý nghĩa nhất của trường dành cho chúng ta, mong chúng ta sẽ thành công trên con đường học tập. Ngoài ra tôi còn dành một chút thời gian đẻ tìm hiểu về nguồn gốc của chiếc áo đồng phục này và tôi tìm hiểu được rằng chiếc áo đồng phục này được sản xuất từ công ti may. Một việc nữa mà tôi phải phủ nhận rằng chiếc áo đồng phục mùa đông này giảm sự phân biệt giàu nghèo, đồng phục làm giảm chi tiêu tài chính, là cách giúp gia đình giảm chi phí cho quần áo đi học. "Nhưng làm thế nào đẻ quần áo sử dụng được lâu nhỉ.” Chúng ta không lên dùng nước nóng đẻ giặt, không ngâm áo với quần áo sẫm màu, áo giặt xong phải phơi thẳng ra và cuối cùng là không được là áo quá lâu để áo không bị hỏng.
Nhờ có chiếc áo đồng phục mùa đong mà chúng ta có chiếc áo ấm để mặc đến trường trong những ngày thời tiết giá lạnh. Nó luôn là người bạn thân gắn bó với chúng ta trong suốt quá trình mà chúng ta đi học, tôi sẽ coi nó như mội người bạn và tôi sẽ giữ gìn bảo quản nó một cách cẩn thận.
6. Thuyết minh về cái kéo ngắn gọn
Trong cuộc sống hằng ngày, có rất nhiều vật dụng tuy nhỏ bé nhưng giữ vai trò quan trọng, một trong số đó chính là cái kéo.
Chiếc kéo được phát minh vào khoảng năm 1500 TCN ở Ai Cập cổ đại. Tổ tiên của chúng xuất hiện đầu tiên ở đồng bằng Lưỡng Hà khoảng 3,000 đến 4,000 năm trước. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại, chiếc kéo đã có nhiều cải tiến và trở nên đa dạng, phong phú như hiện nay. Chúng có nhiều công dụng và được sử dụng ở nhiều lĩnh vực khác nhau vô cùng rộng rãi và phổ biến trên toàn thế giới. Với mỗi đặc điểm, công dụng của mình chúng lại có chiều dài, chất liệu và kích cỡ khác nhau.
Kéo thường được làm bằng kim loại cứng: sắt, đồng, gang,… có cấu tạo gồm 2 phần: lưỡi kéo và tay cầm. Phần lưỡi kéo được làm bằng hai miếng kim loại được mài sắc nhọn khớp vào nhau cùng xoay quanh một trục cố định; mỗi đầu của một bên lưỡi được mài sắc nhọn để cắt vật thể và người ta lắp hai đầu nhọn đó hướng vào trong để cắt. Thân kéo là nơi con người cho tay vào để tiến hành sử dụng kéo; nó được bọc bằng một lớp nhựa dẻo nơi tay cầm hoặc đồng chất kim loại với lưỡi kéo nhưng không sắc nhọn mà được đúc trơn.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại kéo khác nhau, mang chức năng và công dụng khác nhau nhưng người ta chia thành ba loại kéo chính. Kéo kẹp mang hình chữ U, nằm ngang, sử dụng bằng một tay, tự mở ra và đóng vào. Kéo Chốt đuôi có chốt ở đuôi, lưỡi kéo và đuôi được liên kết thành khớp nối. Kéo khớp là loại kéo thông dụng nhất, được dùng phổ biến trong cuộc sống và sinh hoạt của con người.
Từ những đặc điểm trên của chiếc kéo, nó mang đến cho con người nhiều công dụng và lợi ích. Trong y học, người ta dùng kéo để làm giải phẫu cứu sống bệnh nhân. Trong xây dựng, người ta dùng kéo để cắt vật liệu có độ cứng cao. Trong cuộc sống, con người dùng kéo để cắt nhỏ các vật dụng cần thiết… chỉ với giá thành bỏ ra rất rẻ, chúng ta có thể sở hữu một chiếc kéo với công dụng đa năng phục vụ cho cuộc sống của mình được tiện lợi hơn.
Chiếc kéo tuy nhỏ bé nhưng hàng nghìn năm nay nó luôn giữ vị trí quan trọng trong cuộc sống con người. Mai sau dù thế giới có phát triển đến trình độ nào đi nữa thì chiếc kéo vẫn luôn là bạn đồng hành của con người.
7.Thuyết minh tà áo dài Việt Nam
Cũng không ngạc nhiên khi một người Việt trả lời rằng tà áo dài là một trong những hình tượng tiêu biểu ở đất nước này. Thật khó mà dịch từ "áo dài" sang bất cứ ngôn ngữ nào vì không ở đâu có một tà áo dài như ở Việt Nam.
Trải qua bao thế kỉ chiếc áo dài đã có nhiều thay đổi so với tổ tiên nó trước đây. Không ai biết rõ nguồn gốc nguyên thủy của chiếc áo dài vì chưa có tài liệu ghi nhận. Nhưng kiểu sơ khai nhất của chiếc áo dài là chiếc áo giao lãnh. Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát là người được xem là có công sáng chế chiếc áo dài và định hình chiếc áo dài Việt Nam. Chính do sự di cư của người Minh Hương mà chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho ra đời chiếc áo dài giao lãnh để tạo nét riêng cho dân tộc Việt. "Thường phục thì đàn ông, đàn bà mặc áo cổ đứng, ngắn tay, cửa ống tay rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền, không được xẻ mở"...(Sách Đại Nam Thực Lục Tiền Biên) - đây là bằng chứng lịch sử cho ta thấy chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho ra đời chiếc áo giao lãnh như thế nào.
Qua bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử áo dài đã thay đổi rất nhiều. Như đã nói ở trên, chiếc áo giao lãnh được coi là chiếc áo dài đầu tiên. Áo này cũng tương tự như áo tứ thân nhưng khi mặc hai tà không được buộc vào nhau. Áo mặc phủ ngoài yếm lót, váy tơ đen, thắt lưng màu buông thả, cùng với váy thâm đen. Vì phải làm việc đồng áng hoặc buôn bán nên khi mặc chiếc áo giao lãnh được thu gọn thành áo tứ thân với hai tà trước được thả nay cột gọn gàng mặc cùng váy xắn quai cồng tiện việc lao động. Đối với phụ nữ nông dân áo tứ thân được mặc rất đơn giản với áo yếm ở trong, áo ngoài cột tà và thắt lưng. Mặc kèm với áo thường là chiếc khăn mỏ quạ đen tuyền. Trong khi đó, áo tứ thân dành cho tầng lớp quý tộc lại rất nhiều chi tiết. Mặc ngoài cùng là chiếc áo the thâm màu nâu non, chiếc áo thứ hai màu mỡ gà, chiếc áo thứ ba màu cánh sen. Khi mặc thường không cài kín cổ, để lộ ba màu áo. Bên trong mặc chiếc yếm màu đỏ thắm. Thắt lưng lụa màu hồng đào hoặc thiên lý. Áo mặc với váy màu đen, đầu đội nón quai thao càng làm tăng thêm nét duyên dáng của người phụ nữ. Nhưng sau một thời gian áo tứ thân được cách tân để giảm chế nét dân dã lao động và tăng dáng dấp sang trọng khuê các. Thế là chiếc áo ngũ thân ra đời. Áo ngũ thân được cải tiến ở chỗ vạt nửa trước phải nay được thu bé thành vạt con; thêm một vạt thứ năm be bé nằm ở dưới vạt trước. Áo che kín thân hình không để hở áo lót. Mỗi vạt có hai thân nối sống tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và vạt con nằm dưới vạt trước tượng trưng cho người mặc. Năm hột nút nằm cân xứng trên năm vị trí cố định, giữ cho chiếc áo được ngay thẳng, kín đáo tượng trưng cho năm đạo làm người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Nhưng đến thời Pháp thuộc, chiếc áo dài lại một lần nữa thay đổi. "Lemur" là tên tiếng Pháp để chỉ chiếc áo dài cách tân. Chiếc áo dài này do người họa sĩ có tên là Cát Tường sáng tạo ra. Bốn vạt trước và sau thu gọn thành hai tà trước sau. Vạt trước dài chấm đất tăng thêm sự duyên dáng và uyển chuyển. Hàng nút phía trước của áo được chuyển dọc qua hai vai và chạy dọc một bên sườn. Áo may ráp vai, tay phồng, cổ bồng hoặc hở. Để cho đúng mốt, áo Cát Tường phải mặc với quần sa tanh trắng, đi giày cao, cầm bóp đầm. Do xã hội vẫn còn chưa cởi mở với cách ăn mặc này nên chiếc áo không được nhiều người chấp nhận vì họ cho là "đĩ thõa" (phản ánh của Vũ Trọng Phụng trong tác phẩm, "Số đỏ" đã chứng minh điều đó). Năm 1943, họa sĩ Lê Phổ đã bỏ bớt những nét cứng nhắc của áo Cát Tường, đưa thêm một số yếu tố dân tộc của áo tứ thân, ngũ thân đã tạo ra kiểu áo vạt dài cổ kính, ôm sát thân người, trong khi hai vạt trước tự do bay lượn. Sự dung hòa này được giới nữ thời đó hoan nghênh nhiệt liệt. Từ đấy, áo dài Việt Nam đã tìm được hình hài chuẩn mực của nó và từ đấy đến nay dù trải qua bao thăng trầm, bao lần cách tân, hình dạng chiếc áo dài về cơ bản vẫn được giữ nguyên.
Cho tới ngày nay, chiếc áo dài đã được thay đổi rất nhiều. Cổ áo cổ điển cao 4 - 5 cm, khoét hình chữ V trước cổ. Cổ áo làm tăng thêm nét đẹp của chiếc cổ cao ba ngấn trắng ngần của người phụ nữ. Phần eo được chít ben làm nổi bật đường cong thon thả của chiếc lưng ong của người phụ nữ. Cúc áo là loại cúc bấm, được bố trí cài từ cổ qua vai xuống eo. Từ eo, thân áo được xẻ thành hai tà dài đến mắt cá chân. Ống tay áo may từ vai ôm sát cánh tay dài qua khỏi cổ tay. Áo thường mặc với quần lụa có màu sắc hài hòa với áo. Áo dài thường được may bằng lụa tơ tằm, nhung, voan, the,... rất phong phú. Nhưng có sự lựa chọn chung là nên chọn loại vải mềm, rũ. Để làm tăng thêm nét duyên dáng, khi mặc áo dài phụ nữ thường đội nón lá. Ở đồng bằng Nam bộ, áo dài được cải biên thành áo bà ba mặc với quần đen ống rộng để tiện việc lao động.
Chiếc áo dài là một trang phục không thể thiếu được của người phụ nữ ngày nay. Nó không chỉ là trang phục dân tộc mà còn là trang phục công sở của giáo viên, nữ sinh, nhân viên ngân hàng, tiếp viên hàng không,... Áo dài còn được mặc khi đi dạo phố, những buổi họp mặt quan trọng như lễ cưới chẳng hạn. Ngay cả cô dâu trong nghi thức bái gia tiên cũng không thể thiếu bộ trang phục này.
Do được may bằng chất liệu vải mềm nên áo dài cần được bảo quản cẩn thận. Chỉ nên giặt áo dài bằng tay, giũ cho áo ráo nước và phơi ngoài nắng nhẹ, tránh nắng gắt vì áo dễ bạc màu. Dùng bàn ủi ủi với nhiệt độ thích hợp tránh nóng quá làm cháy áo. Luôn cất áo vào tủ cẩn thận giúp áo bền, đẹp và mới lâu. Nên giặt áo ngay sau khi mặc, treo bằng móc áo, nếu gấp phải gấp cẩn thận tránh làm gãy cổ áo.
Áo dài là quốc phục của nước Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc Việt. Dù thời gian có đổi thay, những mẫu trang phục ngày càng đa dạng và hiện đại nhưng trên khắp nẻo đường ở đất nước bình yên này, tà áo dài vẫn nhẹ nhàng tung bay mang theo nét đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
8.Thuyết minh chiếc nón lá
Chiếc nón lá Việt Nam là một trong những vật dụng để che nắng che mưa duyên dáng và tiện lợi trở thành vật làm duyên đáng yêu cho những cô thiếu nữ ngày xưa, nó gắn bó với con người Việt Nam ta.
Có lẽ từ ngàn xưa, với cái nắng chói trang của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều tổ tiên ta đã biết lấy lá kết vào nhau để làm vật dụng đội lên đầu để che nắng che mưa, dần dần nó được cải tiến thành những chiếc nón có hình dạng khác nhau.
Nón làm bằng nhiều vật liệu khác nhau nhưng chủ yếu bằng lá nón, chiếc nón được bàn tay khéo léo của các nghệ nhân chuốt từng thanh tre tròn rồi uốn thành vòng tròn có đường kính to nhỏ khác nhau thành những cái vành nón, vành nón to hơn có đường kinh rộng 50cm, cái tiếp theo nhỏ dần có đến 16 cái vành, cái nhỏ nhất tròn bằng đồng xu. Tất cả được xếp tiếp nhau trên một cái khuôn hình chóp. Những chiếc lá nón được lấy về từ rừng đem phơi khô cho trắng được xếp từng cái chồng khít lên nhau cất trong những túi ni lông cho đỡ mốc. Khi đem ra làm nón người phụ nữ, thợ thủ công lấy từng chiếc lá, là cho phẳng rồi lấy kéo cắt chéo đầu trên lấy kim sâu chúng lại với nhau chừng 24 - 25 chiếc lá cho một lượt sau đó xếp đều trên khuôn nón. Lá nón mỏng và cũng chóng hư khi gặp mưa nhiều nên các thợ thủ công nghĩ ngay ra tận dụng bẹ tre khô để là lớp giữa hai lớp lá nón làm cho nón vừa cứng lại vừa bền. Khâu đoạn tiếp, thợ thủ công lấy dây cột chặt lá nón đã trải đều trên khuôn với khung nón rồi họ mới bắt đầu khâu. Chỉ dùng để khâu cũng phải chọn rất kĩ lưỡng thì nó mới bền. Thợ thủ công của chúng ta dùng chỉ bằng nhiều loại khác nhau nhưng chỉ phải dai mềm. Họ cần mẫn khâu từng mũi kim thanh mỏng đều tăm tắp, dường như người khâu nón muốn gửi gắm trong chiếc non đó bao ước mơ, ý nguyện của mình, cho nên họ lồng trong lớp lá nón những hình ảnh cô thiếu nữ, những đó hoa, có khi có cả bài thơ nữa cho nên chiếc nón lá còn gọi là chiếc nón bài thơ là như vậy. Công đoạn làm nón cũng thật là công phu đòi hỏi người làm nón phải kiên trì nhẫn lại chăm chỉ mới có thể làm ra những chiếc nón đẹp và bền. Chính vì lẽ đó mà du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam không chỉ trầm trồ khen ngợi những cô gái Việt Nam duyên dáng trong bộ áo dài cùng chiếc nón lá trên đầu che dấu nụ cười đằm thắm bước đi uyển chuyển thướt tha. Trong bộ đồng phục đó, nòn lá trở thành biểu tượng của dân tộc, chẳng những thế mà hình ảnh cô thôn nữ nở nụ cười tươi sau vành nón ôm bó lúa trên tay trở thành bức tranh cổ động ngày mùa thắng lợi được vẽ khắp các thôn xóm và trên biển quảng cáo ở thành thị.
Chiếc nón có nhiều loại, ngày xưa trong triều đình hình ảnh anh lính quân cơ đội nón dấu, chiếc nón nhỏ vành chỉ che hết cái đầu, hình ảnh đó đã đi vào thơ ca đó sao:
"Ngang lưng thì thắt bao vàngĐầu đội nón dấu, vai mang súng dài..."
Hình ảnh đó được khắc rất rõ trong cỗ bài tam cúc mà các bạn vẫn chơi đấy. Còn ai đến vùng quê Kinh bắc nghe nhưng cô gái nơi đây hát những làn điệu dân ca quan họ hẳn không thể quên chiếc nón quai thao rộng vành một loại nón cổ làm bằng lá già to gấp hai nón thường và trông như cái thúng vì vậy dân gian thường gọi là nón thúng quai thao. Ta còn nhớ hình ảnh người nghệ sĩ hát quan họ với con mắt lá dăm liếc dài sắc nhọn tình tứ cùng nụ cười duyện ẩn dấu sau vành nón quai thao đã làm nao lòng bao khán giả và du khách nước ngoài. Nón quai thao trở thành điểm nhớ của quê hương quan họ thanh lịch từ bao đời nay...
Không chỉ làm vật che nắng che mưa, chiếc nón lá Việt Nam tự nhiên đã đi vào huyền thoại là một nét đẹp văn hoá, mang cái tâm hồn quê hương dân tộc, gợi cảm hứng cho thi ca: "Nón bài thơ, em đội nón bài thơ xứ nghệ..." Chiếc nón lá chiếc nón bài thơ mảnh mai thanh thoát nhẹ nhàng như giọng nói ngọt ngào của các cô gái xứ Huế thân thương đã trở thành dụng cụ biểu diễn nghệ thuật độc đáo, mang phong cách dân tộc đậm đà.
Nón lá xưa được sản xuất ở nhiều nơi như Hà Tây, Bắc Ninh, Quảng Bình, Nam Định, Hải Dương... Nay cuộc sống thời hiện đại văn hoá phương Tây tràn vào nước ta có rất nhiều nhà máy sản xuất ra biết bao mẫu mũ, ô, dù xinh đẹp và lộng lẫy, nhưng trên khắp các nẻo đường nông thôn đến thành thi, hình ảnh chiếc nón lá vẫn xuất hiện, chứng tỏ sự trường tồn của nó cùng thời gian, cả về giá tri sử dụng lẫn nét đẹp văn hoá thuần phong mĩ tục của dân tộc Việt Nam.
9. Thuyết minh con Trâu
Từ bao đời nay, nước ta có truyền thống làm nông và nền văn minh lúa nước phát triển. Để làm được điều này chúng ta phải lao động cật lực và nặng nhọc. Con trâu - người bạn thân thiết cùng chia ngọt sẻ bùi với người nông dân, cùng người nông dân đi khắp cánh đồng để xới đất đai, cùng chung vui niềm vui ngày được mùa. Con vật này đã trở thành thân thuộc và không thể thiếu ở làng quê Việt Nam.
Không ai biết chính xác nguồn gốc của loài trâu ngày nay. Người ta chỉ biết trâu xuất hiện nhiều ở những nước châu Á như Pa-xki-tan, Băng-la-đét, Nê-pa, Thái Lan,... Và đặc biệt ở Việt Nam người ta tìm thấy di tích hóa thạch của trâu cách đây vài chục triệu năm ở các hang động miền Bắc nước ta. Trâu theo khoa học thuộc lớp Mammalia, ngành Chordata, họ bò, bộ nhai lại, nhóm sừng rỗng, bộ guốc chẵn. Đa số trâu Việt Nam hiện nay có nguồn gốc là trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy.
Trâu được phân loại theo giống đực và giống cái. Con đực tầm vóc lớn, dài đòn, trước cao, sau thấp. Con cái tầm vóc từ vừa đến to, linh hoạt. Đặc tính chung của trâu là hiền lành, thân thiện nên chúng được nuôi phổ biến ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Trung bình một con trâu trưởng thành có thể nặng từ 250 - 500kg. Cân nặng của trâu tùy thuộc vào giới tính và sức khỏe. Các bộ phận của trâu được chia thành các phần: đầu, cổ, thân, chân, đuôi và da. Đầu trâu đực dài, to vừa phải, trâu cái đầu thanh, dài. Trán rộng, phẳng, hơi gồ. Da mặt rất khô, nổi rõ mạch máu. Mắt to tròn, tròng đen láy lanh lẹ, mí mắt mỏng; mũi kín, bóng, ướt. Miệng trâu rộng, răng đều khít, không sứt mẻ. Điểm đặc biệt của trâu là hàm trên không có răng mà chỉ có một miếng đệm rất dai, dẻo phù hợp với đặc tính nhai lại, ăn thực vật. Hai tai trâu nhỏ vừa có thể cử động, phủ một lớp lông mềm bảo vệ tai khỏi côn trùng chui vào. Sừng trâu thanh, đen, cân đối, ngấn sừng đều, rỗng ruột. Phần cổ và thân trâu có những đặc điểm sau: cổ dài vừa phải; ức rộng, sâu, lưng dài từ 1 - 1,5m hơi cong; xương sườn to, tròn, cong đều; bụng tròn lẳng; mông nở rộng, to. Chân trâu rất khỏe, vững chắc để đỡ cả thân người, bốn chân thẳng to, gân guốc. Hai chân trước cách xa nhau, thẳng. Bàn chân thẳng, ngắn, vừa phải. Hai đùi sau to dài, bàn chân sau xuôi, ngắn. Bốn móng rất cứng, khít tròn, đen bóng và chắc chắn. Đuôi trâu to, dài, phần đuôi có túm lông lúc nào cũng phe phẩy để đuổi ruồi, muỗi. Da trâu hơi mỏng nhưng bóng láng, màu xám đen. Lông đen, cứng, sát vào da giúp điều hòa nhiệt độ trong những trưa hè oi bức ở vùng nhiệt đới. Nhìn chung, trâu có thân hình khỏe khoắn, thích hợp với công việc đồng áng cực nhọc.
Nhờ có sức khỏe tốt, trâu có thể làm việc cả ngày từ sáng sớm đến chiều tối. Một con trâu trung bình có thể kéo được 3 - 4 sào ruộng. Trâu cũng có khả năng chịu đựng thời tiết cao. Dù phải cày dưới nắng gắt hay mưa tuôn, trâu vẫn kiên trì cùng người nông dân đội nắng, gió để cày cho mảnh ruộng được tốt tươi.
Để nuôi trâu cũng không khó lắm. Đối với một con trâu cày từ sáng đến chiều thì nên cho ăn ba bữa chính: sáng sớm, trưa, tối. Cỏ là thức ăn chính của trâu nên vào mùa xuân hạ ta có thể tự tìm được dễ dàng trên đồi cỏ, hay bãi cỏ xanh tốt cho trâu ăn. Nhưng đối với những ngày đông rét mướt (nhất là ở Bắc Bộ) nhiệt độ xuống tới 7 - 100C thì có không thể mọc được. Cho nên, tốt nhất là ta phải dự trữ cỏ khô cho trâu bằng cách ủ xanh, lên men, không chỉ giữ cỏ tươi lâu mà còn bổ sung được hệ vi sinh cho đường ruột giúp hệ tiêu hóa của trâu được tốt hơn. Sau khi đi làm đồng về, ta không nên cho trâu ăn ngay mà để cho trâu nghỉ ngơi, tắm rửa sạch sẽ. Khoảng 30 phút sau khi nghỉ ngơi, ta cho trâu uống nước có pha muối (nồng độ nuối khoảng 10g trên 100kg trọng lượng trâu). Sau đó, ta mới cho trâu ăn. Hằng ngày, phải cung cấp đủ lượng nước cho trâu (40 lít nước/1con/1 ngày).
Muốn trâu luôn khỏe để làm việc cần phải có chế độ chăm sóc phù hợp. Sau mỗi buổi cày phải xoa bóp vai cày. Tắm mỗi ngày sau 30 phút làm việc để điều hòa nhiệt độ cơ thể của trâu. Trong một buổi cày, cần cho trâu nghỉ 3 - 5 lần, mỗi lần khoảng 20 - 30 phút, tránh để trâu làm việc không hiệu quả cao. Nếu cho trâu làm việc cả tuần thì phải để trâu nghỉ một ngày không nên để trâu làm việc quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe dẫn đến suy yếu. Quá trình làm việc mà thấy sức trâu sụt giảm thì phải để trâu nghỉ 3 - 5 ngày cho lại sức, bồi dưỡng thêm bằng cỏ tươi, cám cháo.
Trâu có rất nhiều lợi ích. Sức kéo khỏe giúp cày bừa, kéo lúa, kéo xe. Trâu còn cho thịt, sữa, da và sừng. Thịt trâu ăn rất ngon, nhiều đạm hơn cả thịt bò, ít mỡ hơn thịt bò và giàu năng lượng. Sữa trâu giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực. Da trâu làm thắt lưng rất bền và đẹp. Sừng làm lược, đồ thủ công mĩ nghệ rất bóng, đẹp được ưa chuộng trên thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, trâu còn gắn liền với nhiều phong tục truyền thống của người Việt Nam ta như: dùng làm sính lễ, cưới hỏi, hội chọi trâu ở Đồ Sơn,... Trâu còn là niềm tự hào của người dân Việt Nam, được trở thành biểu tượng của SEAGAME 2 Hình ảnh của trâu còn đầy ắp trong kỉ niệm tuổi thơ của những chú bé mục đồng. Những buổi chiều ngả lưng trên lưng trâu, thả hồn theo cánh diều trên lưng trâu, những hôm tắm sông cùng trâu trên dòng sông quê hương đỏ nặng phù sa... sẽ là những kỉ niệm đẹp, sâu đậm trong tâm hồn trẻ thơ.
Ngày nay, máy móc công nghiệp, công nghệ hiện đại đã thay thế cho trâu nhưng trâu vẫn mãi là con vật hiền lành, gần gũi của người nông dân. Trong tâm hồn người Việt, không có gì có thể thay thế cho con trâu dù cho nông nghiệp có tiến bộ thế nào, máy móc đã thay thế cho trâu hoàn toàn. Nếu một ngày trên đồng quê Việt Nam không còn hình ảnh của những chú trâu cày đồng thì nét đẹp của làng quê Việt không còn trọn vẹn nữa.
10. Thuyết minh về cây lúa
"Việt Nam đất nước ta ơi,Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn."
Từ ngàn đời nay, cây lúa đã gắn bó thân thiết với con người, làng quê Việt Nam. Bằng hạt gạo - hạt ngọc trời ban cho, Lang Liêu đã làm nên bánh chưng, bánh giầy tượng trưng cho trời và đất - để kính dâng vua Hùng. Chính vì thế, cây lúa nước đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt. Hình ảnh của cây lúa và người nông dân đã trở thành những mảnh màu không thể thiếu trong bức tranh của làng quê Việt Nam bây giờ và mãi mãi về sau.
Lúa là một thực vật quý giá, là cây trồng quan trọng nhất trong nhóm ngũ cốc, là cây lương thực chính của người Việt Nam nói riêng và người dân Châu Á nói chung. Lúa thuộc loài thân thảo. Thân cây lúa tròn chia thành từng lóng và mắt. Lóng thường rỗng ruột, chỉ có phần mắt là đặc. Lá lúa có phiến dài và mỏng,mọc bao quanh thân, mặt lá nhám, gân lá chạy song song . Tùy thời kì sinh trưởng, phát triền mà lá lúa có màu khác nhau.Khi lúa chín ngả sang màu vàng. Rễ của cây lúa không dài lắm, thường mọc với nhau thành chùm bám chặt vào bùn để giữ cho thân lúa thẳng đồng thời hút dưỡng chất nuôi thân cây. Hoa lúa nhỏ nhắn, mọc thành nhiều chùm dài. Điều đặc biệt của cây lúa mà ít ai để ý đến. Hoa lúa cũng chính là quả lúa đồng thời trở thành hạt lúa sau này. Hoa lúa không có cánh hoa, chỉ có những vảy nhỏ bao bọc lấy nhuỵ ở bên trong. Lúc hoa lúa nở, đầu nhuỵ thò ra ngoài, có một chùm lông để quét hạt phấn. Hoa lúa tự thụ phấn rồi biến thành quả. Chất tinh bột trong quả khô đặc lại dần và biến thành hạt lúa chín vàng.
Trước đây, người Việt chỉ có hai vụ lúa: chiêm và mùa. Ngày nay, khoa học phát triển, mỗi năm có nhiều vụ nối tiếp nhau. Trồng lúa phải qua nhiều giai đoạn: từ hạt thóc nản mầm thành cây mạ; rồi nhổ cây mạ cấy xuống ruộng. Ruộng phải cày bừa, làm đất, bón phân. Ruộng phải sâm sấp nước. Khi lúa đẻ nhánh thành từng bụi (đang thì con gái) lại phải làm cỏ, bón phân, diệt sâu bọ. Rồi lúa làm đòng, trổ bông rồi hạt lúa chắc hạt, chín vàng. Người nông dân cắt lúa về tuốt hạt, phơi khô, xay xát thành hạt gạo… Biết bao công sức của nhà nông để có hạt gạo nuôi sống con người.
Hạt gạo có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống vật chất của chúng ta. Hạt gạo cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu, rất cần thiết cho cơ thể con người.Ngoài việc nuôi sống con người, hạt lúa, hạt gạo còn gắn bó với đời sống tinh thần của người Việt.Có nhiều loại gạo: gạo tẻ, gạo nếp… Gạo nếp dùng làm bánh chưng, bánh giầy là hai loại bánh truyền thống của con người Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán. Bánh chưng, bánh giầy còn gắn liền với Lang Liêu thời vua Hùng dựng nước. Lúa nếp non còn dùng để làm cốm - một thức quà thanh lịch của người Hà Nội. Gạo nếp dùng để đồ các loại xôi - một món đồ lễ không thể thiếu trên bàn thờ của người Việt Nam trong ngày Tết và ngày cúng giỗ tổ tiên. Đồng thời xôi cũng là thức quà quen thuộc hằng ngày. Từ lúa gạo, người Việt còn làm rất nhiều loại bánh như: bánh đa, bánh đúc, bánh giò, bánh tẻ, bánh nếp, bánh phở, cháo… Nếu không có gạo, thật là khó khăn trong việc tạo nên nền văn hóa ẩm thực mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Ngày nay, nước ta đã lai tạo được gần 30 giống lúa được công nhận là giống lúa quốc gia. Việt Nam từ một nước đói nghèo đã trở thành một nước đứng thứ 2 trên thế giới sau Thái Lan về xuất khẩu gạo.
Tóm lại, cây lúa có tầm quan trọng rất lớn đối với nền kinh tế nước nhà chủ yếu còn dựa vào nông nghiệp. Cây lúa bao đời là bạn thân thiết của người nông dân Việt Nam, không chỉ về mặt vật chất mà còn cả về mặt tinh thần. Mãi mãi vẫn còn nghe mọi người nhắc nhau những vần điệu ca dao thấp thoáng bóng hình con trâu và cây lúa:
"Bao giờ cây lúa còn bôngThì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn".
11.Thuyết minh về cây bút bi
Suốt quãng đời cắp sách đến trường, người học sinh luôn bầu bạn với sách, vở, bút, thước… và coi đó là những vật dụng không thể thiếu được. Trong số những dụng cụ học tập ấy thì tôi yêu quý nhất là cây bút bi, một vật đã gắn bó với tôi nhiều năm và chắc trong tương lai sẽ còn hữu ích với tôi lắm!
Hồi còn ở cấp một, tôi dùng bút máy viết mực và chữ tôi khá đẹp, nhưng khi vào cấp hai thì nó lại gây cho tôi khá nhiều phiền toái. Tôi phải vừa viết vừa nghe Thầy, cô giảng bài với tốc độ khá nhanh nên bút máy không thể đáp ứng được yêu cầu này. Chữ viết lộn xộn và lem luốc rất khó coi! Lúc ấy thì Ba mua tặng tôi một chiếc bút bi với lời khuyên: “con hãy thử xài loại bút này xem sao, hy vọng nó có ích với con”. Kể từ đó tôi luôn sử dụng loại bút này để rồi hôm nay có dịp nhìn lại, tìm hiểu đôi điều về nó.
Chiếc bút bi đầu tiên, được một nhà báo Hungary làm việc tại Anh tên Laszlo Biro giới thiệu vào năm 1938. điều khiến Ông nghĩ ra việc sáng chế ra loại bút này là vì những cây bút máy luôn gây cho Ông thất vọng, chúng thường xuyên làm rách, bẩn giấy tờ, phải bơm mực và hay hư hỏng… Vào ngày 15 tháng 6 năm 1938 ông Biro được nhận bằng sáng chế Anh quốc. Từ khi bút bi được ra đời nó đã được cải tiến nhiều để phù hợp với người dùng và đã trở nên thông dụng khắp thế giới. Tuy có khác nhau về kiểu dáng như chúng đều có cấu tạo chung giống nhau. Bút bi có ruột là một ống mực đặc, đầu ống được gắn với một viên bi nhỏ có đường kính khoảng từ 0,7 đến 1 milimet, được coi như là ngòi bút. Khi ta viết mực được in lên giấy là nhờ chuyển động lăn của viên bi này và loại mực dùng cho bút khô rất nhanh.
Con người thường ít nghĩ đến những gì quen thuộc, thân hữu bên mình. Họ cố công tính toán xem trung bình một đời người đi được bao nhiêu km hay một người có thể nhịn thở tối đa bao nhiêu phút nhưng chắc chưa có thống kê nào về số lượng bút họ dùng trong đời! Một cây bút cũng giống như cơ thể con người vậy, ruột bút là phần bên trong cơ thể, đầu bi chính là trái tim và mực chứa trong bút được ví như máu, giúp nuôi sống cơ thể. Còn vỏ bút giống như đầu, mình, tứ chi vậy… chúng phải cứng cáp thì bút mới bền, hoạt động tốt cũng như tạo cho người sử dụng cảm giác thoải mái. Màu sắc và hình dáng bên ngoài giống như quần áo, làm tăng thêm vẽ đẹp cho bút. Các chi tiết của bút dù quan trọng hay thứ yếu đều góp phần tạo nên một cây bút. Như một kiếp tằm rút ruột nhả tơ, âm thầm giúp ích cho đời để rồi khi cạn mực, chúng bị vứt bỏ một cách lạnh lùng. Mấy ai nhớ đến công lao của chúng!
Bước vào năm học mới, các nhà sản xuất bút bi như Bến Nghé, Đông Á, Thiên Long, Hán Sơn… đã lần lượt cho ra đời hàng loạt mẫu mã từ đơn giản cho đến cầu kỳ như bút bấm, bút xoay, bút hai màu, ba màu… đủ chủng loại khác nhau nhằm đáp ứng như cầu người sử dụng. Các cậu nam sinh thì chỉ cần giắt bút lên túi áo đến trường nhưng nhiều bạn gái lại thích “trang điểm” cho bút các hình vẽ, hình dáng xinh xắn lên thân hay đầu bút còn được đính thêm con thú nhỏ ngộ nghĩnh… Thế là những chiếc bút bi lại theo chân trò nhỏ đến trường, giúp các cô, cậu lưu giữ những thông tin, kiến thức vô giá được thầy cô truyền đạt lại với cả tấm lòng!
Có cây bút vẻ ngoài mộc mạc, đơn giản song cũng có cây được mạ vàng sáng loáng. Nhìn bút, người ta biết được “đẳng cấp” của nhau, nhưng nhìn vào nét chữ người ta mới đoán được tính cách hay đánh giá được trình độ của nhau. “Một chiếc áo cà sa không làm nên ông thầy tu”, một cây bút tuy tốt, đắt tiền đến cỡ nào cũng chỉ là vật để trang trí nếu vào tay kẻ đầu rỗng mà thôi! Bút là vật vô tri, nên nó không tự làm nên những câu chữ có ý nghĩa nhưng nếu trong tay người chủ chuyên cần, hiếu học nó sẽ cho ra đời những bài văn hay, những trang viết đẹp. Để trở thành người chủ “tài hoa” của những cây bút, người học sinh cần rèn luyện cho mình thói quen vở sạch, chữ đẹp và luôn trau dồi kiến thức học tập… hãy biến chúng thành một người bạn thân thiết, một cánh tay đắc lực trong việc học tập bạn nhé!
Cùng với sách, vở… bút bi là dụng cụ học tập quan trọng của người học sinh, vì vậy chúng ta cần phải bảo quản bút cho tốt. dùng xong phải đậy nắp ngay để tránh bút rơi làm hư đầu bi, bộ phận quan trọng nhất của bút. Đặc biệt là luôn để bút ở tư thế nằm ngang giúp mực luôn lưu thông đều, không bị tắc. Một số loại bút bi có thể thay ruột khi hết mực và mình xin mách các bạn một mẹo nhỏ là nếu để bút bi lâu ngày không xài bị khô mực thì đừng vội vứt bỏ mà chỉ cần lấy ruột bút ngâm trong nước nóng độ 15 phút… cây bút của bạn có thể được phục hồi đấy!
Có thể nói rằng bút bi là một trong những phát minh quan trọng của con người. Ngày nay cứ 1 giây lại có 57 cây bút bi được bán ra trên thế giới, chứng tỏ tầm ảnh hưởng quan trọng của nó. Khoa học tiến bộ, nhiều công cụ ghi chép tinh vi hơn, chính xác hơn lần lượt xuất hiện nhưng bút bi vẫn được nhiều người sử dụng bởi nó rẻ và tiện lợi. Cầm cây bút bi trên tay, nắn nót từng chữ viết cho người thân yêu, chúng ta mới gửi gắm được trong đó bao nhỉ.
............................................
Trên đây VnDoc đã gửi tới các bạn Những bài văn thuyết minh hay nhất. Hy vọng thông qua tài liệu này, các em sẽ dễ dàng triển khai bài văn thuyết minh về cái phích nước, thuyết minh về đồ dùng học tập, thuyết minh về con trâu.... ngoài ra còn giúp các em có thêm nhiều ý tưởng xây dựng bài văn thuyết minh hay, đạt kết quả cao trong các bài kiểm tra Văn 8 sắp tới.
Ngoài tài liệu trên, mời các bạn học sinh tham khảo thêm Soạn văn 8, soạn bài 8, và các đề thi học kì 2 lớp 8 đầy đủ các môn mà chúng tôi đã sưu tầm và chọn lọc. Với đề thi học kì lớp 8, lớp 9 này giúp các bạn rèn luyện thêm kỹ năng giải đề và làm bài tốt hơn. Chúc các bạn học tốt
Đặt câu hỏi về học tập, giáo dục, giải bài tập của bạn tại chuyên mục Hỏi đáp của VnDocHỏi - ĐápTruy cập ngay: Hỏi - Đáp học tập