Đa số thí sinh khi chọn ngành Sư phạm đều xác định rõ môn học mà mình gắn bó, yêu thích. Tuy nhiên, cũng không ít người lại không xác định rõ ràng mình muốn môn nào.
Bài viết này chia sẻ về chủ đề Ngành sư phạm nào dễ xin việc và một số chuyên ngành Sư phạm hiện đang rất khát nhân lực.
Bộ Giáo dục thống kê cả nước thiếu 94.714 giáo viên, thừa 10.178 giáo viên
Theo giaoduc.net.vn
Bài viết được xét theo khuyến nghị từ trên xuống dưới (càng ở là càng dễ xin việc theo nhu cầu thị trường).
Sư phạm Mầm non
Đứng đầu danh sách là sư phạm Mầm Non.
Theo số liệu công bố tại hội nghị đánh giá kết quả 10 năm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, toàn quốc thiếu trên 45.000 giáo viên mầm non theo định mức.
Bậc học này cũng dự báo trong thời gian tới sẽ còn thiếu rất nhiều do nhiều nguyên nhân nguồn sinh viên sư phạm còn thiếu, sinh viên sư phạm nhảy việc, bỏ việc, giáo viên nghỉ hưu, nghỉ hưu non, …
Chọn học ngành Sư phạm Mầm non tuy có vất vả chút nhưng bạn không lo thất nghiệp.
Sư phạm Tiếng Anh
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, thiếu giáo viên (GV) dạy tiếng Anh là thực trạng nặng nề ở tất cả các cấp học. Lí do là nhiều người có chuyên môn tiếng Anh dễ dàng tìm được công việc có mức lương cao hơn ở ngành khác, trong khi đi dạy thì… lương thấp.
Đặc biệt, theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, ở cấp tiểu học là tiếng Anh sẽ trở thành môn học bắt buộc (áp dụng từ lớp 3) thay vì tự chọn như hiện nay, tình trạng thiếu giáo viên Tiếng Anh càng nặng nề hơn.
Về số lượng, theo ước tính của Bộ, cả nước đang còn thiếu hơn 5.000 GV tiếng Anh. Đó là chưa kể đội ngũ hiện có vẫn còn một số lượng không nhỏ (khoảng hơn 30%) chưa đủ năng lực theo yêu cầu đặt ra với chương trình mới.
Hướng đi khác là sư phạm Tiếng Anh lấy chứng chỉ quốc tế: IELTS, TOEIC, đang lên trong giai đoạn này.
Sư phạm Tin học
Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, đến năm học 2022-2023, Tin học trở thành môn bắt buộc từ khối lớp 3, khuyến khích ở các khối lớp 1 và 2.
Trong lúc đó, hiện giáo viên Tin học đang đặc biệt thiếu ở các cơ sở giáo dục. Nhiều quận/huyện tuyển không ra giáo viên. Chỉ tính riêng cấp tiểu học, cả nước thiếu khoảng hơn 6.000 giáo viên Tin học. Tình trạng 1 giáo viên Tin học lo chuyện dạy ở 2 trường khá phổ biến. Có nơi dạy tin học còn phải mượn tạm giáo viên Công nghệ.
Sư phạm Nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc)
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) được triển khai dạy và học ở cả ba cấp học TH, THCS, THPT.
Tuy nhiên, theo số liệu đánh giá của Bộ GD-ĐT, trong khi số lượng giáo viên nghệ thuật ở bậc THCS về cơ bản là đủ, thì bậc tiểu học số lượng còn rất thiếu (tỉ lệ giáo viên/trường chỉ đạt 0,85%) và 100% trường THPT thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật.
Cụ thể cấp tiểu học giáo viên âm nhạc thiếu 2.199 người; giáo viên mỹ thuật thiếu 2.093 người. Cấp THPT, số giáo viên âm nhạc, mỹ thuật sẽ thiếu 100%.
Sư phạm Thể dục
Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần 80.000 giáo viên thể dục thể thao, trong đó có khoảng 74% giáo viên chuyên trách và 26% giáo viên bán chuyên trách.
Đội ngũ giáo viên thể dục ở các trường còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Đặc biệt ở bậc tiểu học chỉ có 20% số trường có giáo viên chuyên trách.
Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu 100% trường học có đủ giáo viên thể dục. Vì thế nhu cầu bổ sung giáo viên thể dục là rất lớn.
Sư phạm Khoa học tự nhiên/ Sư phạm Lịch Sử - Địa lý
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới, Khoa học tư nhiên, Lịch sử -địa lý là những môn tích hợp, mới so với trước đây.
Do chưa có nguồn giáo viên đào tạo chuẩn cho dạy học tích hợp các môn này nên hiện các nhà trường đang tạm xoay xở bằng cách 2-3 giáo viên cùng dạy, hay cho giáo viên dạy môn 1 học thêm môn 2.
Về lâu dài, rất cần chuẩn hoá đào tạo 2 môn tích hợp này nên hiện các trường đã bắt đầu mở ngành đào tạo. Theo học 2 môn Sư phạm Khoa học tự nhiên/ Sư phạm Lịch Sử - Địa lý, bạn sẽ nhiều đất dụng võ.