Để đạt hiệu quả tối ưu trong việc cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ, các món ăn cho trẻ suy dinh dưỡng cần được đảm bảo sao cho vừa giàu dinh dưỡng, vừa dễ tiêu hóa và hấp thu. Dưới đây là một số gợi ý về món ăn phù hợp cho trẻ suy dinh dưỡng ba mẹ có thể tham khảo.
Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ suy dinh dưỡng
Trẻ em, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng cần một chế độ dinh dưỡng phù hợp và cân bằng. Điều này giúp trẻ có thể nạp đủ năng lượng và dưỡng chất để hỗ trợ phục hồi sức khỏe và phát triển toàn diện.
Dưới đây là một số hướng dẫn từ các chuyên gia giúp mẹ chăm sóc tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ:
- Chú ý cho trẻ ăn thực phẩm nấu chín kỹ (không ăn đồ tái) và uống nước đun sôi để nguội.
- Lựa chọn nguyên liệu sạch, an toàn và ưu tiên thực phẩm hữu cơ để chế biến thức ăn cho trẻ.
- Thường xuyên tiệt trùng dụng cụ ăn uống của trẻ bằng nước sôi.
- Dạy trẻ cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng bằng cách tạo thói quen rửa sạch tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đánh răng cho trẻ 2 lần mỗi ngày.
- Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đảm bảo trẻ được chơi và ngủ trong một không gian thông thoáng, sạch sẽ, không bị ẩm mốc.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động thể chất ngoài trời như bơi lội, chạy bộ… giúp hệ thống cơ - xương - khớp hoạt động tốt hơn, tuy nhiên bố mẹ cũng nên quan sát và theo dõi lúc bé chơi để đảm bảo an toàn tốt nhất.
- Thêm các bữa phụ như trái cây tươi, sữa chua vào chế độ ăn để cung cấp thêm dưỡng chất.
- Hãy để trẻ ăn theo nhu cầu, không nên ép buộc. Nếu trẻ không muốn ăn, có thể dừng bữa ăn và bổ sung vào bữa tiếp theo.
- Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ, hãy cho trẻ bú đủ bữa, đủ sữa. Mỗi cữ bú nên cách nhau khoảng 2-3 giờ. Trong trường hợp mẹ thiếu sữa hoặc không còn sữa, có thể bổ sung sữa công thức phù hợp với độ tuổi của trẻ để đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.
- Với trẻ từ 6 tháng trở lên, cần tăng số lượng bữa ăn và đa dạng các loại thực phẩm để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ. Thức ăn cho trẻ cần được nấu chín kỹ và nên cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo an toàn vệ sinh và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng.
- Thêm dầu ăn hoặc mỡ vào các món ăn hàng ngày nhằm giúp trẻ tăng khả năng hấp thu các dưỡng chất tốt hơn.
Trẻ suy dinh dưỡng thường chán ăn và thiếu hứng thú với việc ăn uống, một phần do áp lực từ việc bị ép ăn, khiến trẻ sợ hãi khi đến bữa. Vì vậy, bố mẹ cần tạo không khí thoải mái và vui vẻ trong bữa ăn. Ngoài việc thực hiện đúng chế độ dinh dưỡng, bố mẹ nên khuyến khích trẻ ăn theo nhu cầu, cho phép trẻ tham gia vào việc nấu nướng và chọn thực phẩm. Những lời động viên, khen ngợi và tình yêu thương của mẹ sẽ giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và ăn ngon miệng hơn.
Danh sách các món ăn cho trẻ suy dinh dưỡng phổ biến
Khi xây dựng chế độ ăn cho trẻ suy dinh dưỡng, cha mẹ cần chú ý cung cấp đầy đủ nhu cầu năng lượng và các chất đạm, đường, béo, vitamin, khoáng chất để giúp cơ thể trẻ được phục hồi và phát triển tốt nhất. Nguồn năng lượng cung cấp cho trẻ qua bữa ăn hàng ngày nên được đến từ các thực phẩm giàu:
- Chất bột đường
- Chất đạm
- Chất béo
- Vitamin và khoáng chất
Các bữa ăn hàng ngày nên tăng về lượng khẩu phần, khi trẻ không ăn đủ theo nhu cầu hãy hỗ trợ bằng cách làm đa dạng món ăn trong một bữa của trẻ, bổ sung các bữa phụ và tăng số lần ăn trong ngày cho trẻ không thể ăn nhiều được trong 1 lần, cho trẻ ăn đặc, bồi dưỡng trẻ sau ốm,…
Nhằm kích thích vị giác, tạo cảm giác ngon miệng cho trẻ hứng thú hơn khi đến bữa ăn mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ chất cho trẻ, bố mẹ nên đa dạng hóa thực đơn hàng ngày của trẻ. Dưới đây là gợi ý một số món ăn cho trẻ suy dinh dưỡng, bố mẹ có thêm tham khảo thêm.
1. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa và các sản phẩm được chế biến từ sữa bao gồm: phomai, sữa chua,… rất giàu hàm lượng canxi và chất béo được sử dụng làm thức ăn cho trẻ suy dinh dưỡng. Đặc biệt trẻ nên dùng các loại sữa cao năng lượng, các dòng sữa này được thiết kế đặc biệt để cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng cao hơn so với sữa thông thường, từ đó bổ sung năng lượng nhanh chóng và thúc đẩy quá trình tăng cân cho trẻ suy dinh dưỡng.
2. Cháo cá lóc
Cháo cá lóc là món ăn dành cho trẻ suy dinh dưỡng vừa đảm bảo giàu dinh dưỡng mà còn dễ tiêu hóa. Cá lóc chứa nhiều protein và các dưỡng chất thiết yếu như omega-3, omega-6, canxi,… giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng và hỗ trợ sức khỏe tim mạch, não bộ của trẻ. (1)
Chuẩn bị nguyên liệu: gạo nếp - 25g, gạo tẻ - 25g, cá lóc - 300g, gia vị.
Thực hiện:
- Cá sau khi làm sạch đem đi luộc chín, gỡ lấy thịt và ướp gia vị.
- Vo sạch gạo và cho cùng lúc 2 loại gạo vào nồi nước hầm xương cá, rồi ninh thành cháo.
- Khi cháo chín, cho cá vào nồi đảo đều đến khi sôi rồi tắt bếp.
- Múc ra bát cho dầu ăn và để nguội và cho bé dùng.
3. Cháo tim heo
Cháo tim heo là một món ăn bổ dưỡng khác giàu protein và sắt, giúp cải thiện tình trạng thiếu máu thường gặp ở trẻ suy dinh dưỡng. Tim heo cũng chứa nhiều vitamin nhóm B, giúp hỗ trợ sự phát triển của hệ thần kinh và quá trình tạo máu.
Chuẩn bị nguyên liệu: tim heo - 100g, hạt cau - ½ quả, gạo nếp - 50g, dầu ăn và gia vị.
Thực hiện:
- Tim heo sau khi rửa sạch sẽ tiến hành băm nhỏ, ướp gia vị và để thấm trong 10 phút.
- Cho tim heo lên chảo và xào chín.
- Hạt cau giã nhỏ và nấu cùng khoảng 300ml nước lọc, sau đó cho gạo vào ninh nhừ.
- Khi cháo gần chín thì bắt đầu thả tim heo vào đảo đều đến khi cháo sôi thì tắt bếp.
- Múc ra bát cho chút dầu ăn và để nguội bớt là có thể dùng được.
4. Cháo trứng
Trứng là một trong những món ăn bổ dưỡng với giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều canxi, sắt, kẽm, đạm, vitamin và nhiều dưỡng chất khác. Một món cháo trứng tuy đơn giản nhưng lại cung cấp đầy đủ năng lượng và giúp trẻ cảm thấy ngon miệng và dễ ăn.
Chuẩn bị nguyên liệu: Trứng gà ta - 1 quả, đậu xanh - 20g, gạo nếp - 20g, dầu olive.
Thực hiện:
- Xay nhuyễn gạo và đậu xanh thành bột.
- Hoà phần bột đã xay với 300ml nước lọc rồi đem đun trên bếp lửa nhỏ.
- Khi cháo chín, đánh tan trứng gà rồi đổ vào nồi khuấy đều tay, có thể thêm chút gia vị cho vừa ăn với trẻ.
- Múc ra bát cho chút dầu ăn và để nguội bớt là có thể dùng được.
5. Cháo thịt và rau củ
Cháo thịt và rau củ là một món ăn cho trẻ suy dinh dưỡng vừa cung cấp cả protein và vitamin. Thịt lợn hoặc thịt gà nạc cung cấp lượng lớn protein, trong khi các loại rau củ như bí đỏ, cà rốt, khoai tây sẽ cung cấp vitamin và chất xơ, giúp cải thiện hệ tiêu hóa của trẻ. Khi nấu cháo, bố mẹ có thể ninh kỹ để dễ tiêu hóa và thêm một ít dầu để tăng thêm năng lượng. (2)
6. Cháo chim
Cháo chim cút chứa nhiều dưỡng chất tốt cho hệ tiêu hóa, protein, chất béo, vitamin B, sắt và kẽm nên đây là một trong những món ăn cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Nguyên liệu: Gạo nếp (10g), gạo tẻ (20g), chim cút (1 con), đậu xanh (10g), vỏ quýt khô (30g), dầu ăn.
Cách thực hiện:
- Làm sạch chim cút, chỉ lấy phần thân.
- Rửa sạch vỏ quýt, để ráo nước.
- Xay vỏ quýt thành bột.
- Trộn đều bột vỏ quýt với gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh.
- Nhồi hỗn hợp trên vào bụng chim cút.
- Cho chim cút bào nồi, thêm nước với lượng vừa phải rồi nấu thành cháo.
- Cho bé ăn cả thịt và cháo.
7. Cháo đậu xanh và khoai tây
Cháo đậu xanh kết hợp với khoai tây là một món ăn giàu dinh dưỡng, đặc biệt cung cấp chất xơ và protein từ thực vật. Đậu xanh giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, trong khi khoai tây cung cấp carbohydrate giàu năng lượng. Món cháo này không chỉ dễ ăn mà còn giúp trẻ cảm thấy no lâu và tăng cường sức khỏe.
8. Súp bí đỏ và phô mai
Súp bí đỏ là món ăn giàu vitamin A giúp sáng mắt, tốt cho tim mạch và sự phát triển của não bộ. Khi kết hợp với phô mai, món ăn sẽ trở nên hấp dẫn hơn và giàu năng lượng hơn nhờ lượng chất béo và protein từ phô mai.
9. Cháo thịt gà bí đỏ
Khi kết hợp thịt gà với bí đỏ, món cháo này sẽ cung cấp đầy đủ protein và năng lượng cho khẩu phần ăn của trẻ. Đây được xem là món ăn nên có trong chế độ dinh dưỡng của trẻ. (3)
Chuẩn bị nguyên liệu: thịt gà - 50g, bí đỏ - 50g, gạo tẻ - 80g, dầu ăn và gia vị.
Thực hiện:
- Băm nhỏ phần nạc gà.
- Hấp bí đỏ đến khi chín rồi tán nhuyễn.
- Lấy gạo nấu thành cháo, sau đó thêm thịt gà và bí đỏ vào nồi.
- Đun đến khi sôi thì tắt bếp.
- Múc ra bát cho chút dầu ăn và để nguội bớt là có thể dùng được.
10. Cháo cá hồi
Cá hồi là nguồn cung cấp omega-3 và DHA, hỗ trợ phát triển trí não và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Cháo cá hồi kết hợp với các loại rau củ khác giúp bổ sung chất xơ sẽ rất phù hợp với trẻ suy dinh dưỡng.
11. Cháo tôm
Tôm chứa một lượng lớn canxi, kẽm, photpho và các loại vitamin, axit amin thiết yếu cho sự phát triển của xương và giúp cải thiện hệ tiêu hóa. Vì vậy, cháo tôm là một món ăn không thể thiếu trong thực đơn của trẻ suy dinh dưỡng.
12. Cá chép hấp gừng
Cá chép là thực phẩm giàu omega-3, giúp phát triển trí não và tăng cường sức khỏe tim mạch. Khi hấp với gừng, món cá chép sẽ dễ tiêu hóa và thơm ngon hơn, giúp trẻ dễ dàng hấp thụ dưỡng chất. Tuy nhiên, mẹ nên chú ý cho trẻ ăn với một lượng gừng vừa phải, để tránh bị cay hoặc khó chịu cho dạ dày của trẻ. Khi cho trẻ ăn bố mẹ cần lựa xương cá cẩn thận, lọc lấy phần thịt cá để đảm bảo an toàn cho trẻ.
13. Thịt bò xào rau củ
Thịt bò là nguồn cung cấp sắt và protein dồi dào, giúp trẻ cải thiện tình trạng thiếu máu và tăng cường sức đề kháng. Khi kết hợp với các loại rau củ, món thịt bò xào không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn giúp trẻ tăng cường hấp thu vitamin và khoáng chất.
14. Đậu hũ non hấp trứng thịt
Đây là món ăn vừa dễ làm lại vừa giàu dinh dưỡng cho trẻ.
Chuẩn bị nguyên liệu: 2 miếng đậu hũ non, thịt xay - 300g, 2 quả trứng gà ta, hành lá, gia vị và dầu ăn.
Thực hiện:
- Đậu hũ non cắt thành miếng và xếp vào nồi.
- Thêm 2 quả trứng gà, hành lá, gia vị vào hấp trong 5-7 phút.
- Trong thời gian chờ đậu hũ, bạn làm nóng chảo và xào chín thịt.
- Đổ thịt bằm vừa đun lên đậu hũ non đã hấp trứng.
- Đợi nguội bớt là có thể dùng được.
Các món ăn trẻ suy dinh dưỡng cần tránh
Trẻ bị suy dinh dưỡng thường có hệ tiêu hóa yếu và cần chế độ ăn giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, do đó bố mẹ cần tránh cho trẻ sử dụng những món ăn như:
- Đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, gà rán,…
- Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh như hamburger, pizza, snack…
- Kẹo, bánh ngọt, nước ngọt có ga.
- Những món ăn cay nóng, chứa gia vị mạnh.
- Thực phẩm có chất bảo quản, phẩm màu, chất phụ gia.
- Đồ uống có caffeine.
- Thực phẩm có tính chua mạnh.
- Thức ăn sống hoặc chưa chín kỹ.
Lời khuyên của chuyên gia cho trẻ suy dinh dưỡng
Theo Chuyên viên Dinh dưỡng Trần Phạm Thúy Hòa, suy dinh dưỡng ở trẻ em có thể ngăn ngừa và cải thiện thông qua việc điều chỉnh chế độ ăn uống hàng ngày. Bố mẹ nên kết hợp đa dạng các món ăn, cân bằng nhóm chất và thường xuyên thay đổi phương pháp chế biến để kích thích khẩu vị của trẻ.
Lưu ý, bố mẹ chỉ nên cung cấp các dưỡng chất phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ để tránh nguy cơ thừa cân hoặc các bệnh lý liên quan đến thừa chất.
Trong trường hợp cần xác định rõ nguyên nhân suy dinh dưỡng và đánh giá thể trạng của trẻ, bố mẹ có thể đưa trẻ khoa Dinh dưỡng, BVĐK Tâm Anh để nhận được lời khuyên cụ thể từ các bác sĩ chuyên khoa, từ đó điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng tình trạng cụ thể của trẻ.
Với lợi thế có sự phối hợp đa chuyên khoa giữa khoa Nhi và khoa Dinh dưỡng, giúp chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng suy dinh dưỡng của bé, từ đó đưa ra phác đồ chăm sóc và điều trị hợp lý, giúp bé cải thiện cân nặng hiệu quả.
Ba mẹ có thể đặt lịch thăm khám cho bé tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh qua thông tin sau đây:
Như vậy, việc lựa chọn món ăn cho trẻ suy dinh dưỡng cần được thực hiện kỹ lưỡng, đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất, dễ tiêu hóa và kích thích khẩu vị của trẻ. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng nhưng tình trạng của con vẫn không thuyên giảm, bố mẹ nên sớm đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và kiểm tra chuyên sâu, từ đó có kế hoạch điều trị và chăm sóc hiệu quả hơn.