Đề Thám và nghĩa quân Yên Thế. Ảnh tư liệu
1. Ngày 16/3/1884, sau trận phục kích chặn đánh đạo quân của Thiếu tướng Brie đờ Linlơ tại Đức Lân (Thái Nguyên), Thống tướng Lương Văn Nắm - tức Đề Hả cùng Phó Thống tướng Đỗ Văn Hùng - tức Đề Sặt, đôi bạn gắn kết và được tôi luyện qua cuộc chiến chống Thanh phỉ đã làm lễ tế cờ tại sân đình làng Thế Lộc (tổng Yên Lễ, huyện Yên Thế - nay thuộc xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), chính thức phát động nhân dân địa phương đứng dậy chống giặc Pháp.
Sử sách gọi đây là Cuộc khởi nghĩa Yên Thế bởi trong khoảng hai năm 1884 - 1885, Đề Hả - Đề Sặt chỉ tập hợp được dưới ngọn cờ của mình những nhóm vũ trang tự phát trong vùng với khoảng 60 tay súng thường trực, chừng hơn 400 người khác khi có lệnh mới rời bỏ cày cuốc đến tập hợp.
Vậy mà sách Lịch sử quân sự xứ Đông Pháp (Histoire militaire de l'Indochine française) phải thốt lên rằng, Đề Hả - Đề Sặt đã tổ chức vùng Yên Thế và lập ra ở đây những pháo đài thật sự.
Kể từ cuối năm 1885, khởi nghĩa Yên Thế trở thành phong trào Yên Thế khi nó là trung tâm chỉ đạo với sức hút mạnh mẽ đối với các cuộc khởi nghĩa Tam Đảo của Đề Công - Đề Nguyên, Bảo Lộc của Cai Biều - Tổng Bưởi và nhất là với toán vũ trang của Thống Phức. Đề Thám vừa rời căn cứ Cai Kinh về quê nhà lập ra Quân thứ Song Yên trên đất Yên Thế - Yên Dũng.
Mặc dù sau hội nghị Dĩnh Thép (ngày Rằm tháng Bảy năm Mậu Tý - tức 22/8/1888), Đề Hả lui xuống hàng Phó tướng và đứng sau Chánh tướng Thống Phức nhưng tính đến đầu năm 1892, mọi chiến công vẫn được thừa nhận là thời kỳ Đề Hả - Đề Sặt.
Nghĩa quân tiếp tục đối đầu với các đạo quân Pháp dưới sự chỉ huy của các Thiếu tướng Godin (10/1890 và 12/1890), Thiếu tướng Voyron (3/1892), Đại tá Frey cùng nhiều trung tá, thiếu tá có tên tuổi trong trận mạc cũng như viên đại thần chuyên dẹp loạn Hoàng Cao Khải.
Hiệu quả kỳ diệu của hệ thống làng chiến đấu khiến giới quân sự Pháp phải bàng hoàng thốt lên: "Đã từ lâu vùng thượng Yên Thế nằm trong tay một số thủ lĩnh phiến loạn. Đóng trong một vùng vô cùng thích hợp chiến tranh du kích nhưng toán quân của họ không ngừng phát triển. Toán chính theo lệnh của Đề Hả, chiếm đóng tất cả các vùng phía Bắc Tỉnh Đạo. Những sào huyệt chính đóng ở làng Dương Sặt (làng quê của Đề Sặt) và Thế Lộc (làng quê của Đề Hả)".
Từ ngày 21/8/1889 đến ngày 17/9/1889, quân Pháp đã 5 lần dồn dập đem cả pháo binh, kỵ binh tấn công và triệt hạ hai làng kể trên. Đề Hả - Đề Sặt đưa lực lượng của mình rút về hệ thống phòng ngự đã chuẩn bị sẵn dọc bờ sông Sỏi.
Đầu tháng 3/1892, Thiếu tướng Voyron lại được lệnh mang 2.800 quân cùng nhiều vũ khí tối tân tiến vào hệ thống phòng ngự sông Sỏi, đánh bật lực lượng của Đề Hả - Đề Sặt. Hoang mang trước sức mạnh quân sự của kẻ thù, dũng tướng Đề Sặt đã ngầm đầu độc thủ lĩnh - người bạn chiến đấu của mình trong đêm Tết Hàn thực (ngày 3 tháng 3 năm Nhâm Thìn, tức 11/4/1892) rồi mang 50 thủ hạ, 48 khẩu súng đến đồn binh Cao Thượng quy hàng, kết thúc thời kỳ đầy gian khó nhưng cũng nhiều vinh quang của hai thủ lĩnh khởi đầu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, được dân yêu quý gắn liền tên tuổi với làng quê sinh ra.
2. Thân Bá Phức (1822 - 1898) sinh trưởng trong một gia đình hào phú, danh gia vọng tộc của thôn Làng Trũng, xã Ngọc Nham, tổng Ngọc Cục, huyện Yên Thế (nay thuộc xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), có ba đời liên tiếp từ ông nội Thân Bá Chinh, phụ thân Thân Bá Nghị đến Thân Bá Phức đều nối đời làm Cai tổng Ngọc Cục.
Khi đám Thanh phỉ tràn đến địa phương hoặc khi quân Pháp gây hấn ở Bắc Kỳ vào năm Qúy Dậu (1873) và năm Nhâm Ngọ (1882), ông đã đứng ra huy động dân chúng đào hào đắp lũy, lập làng chiến đấu hoặc mang dân binh về tận Gia Lâm trợ giúp quân của triều đình đánh Pháp.
Bước ngoặt lớn trong cuộc đời ông là khi Pháp đánh thành Tỉnh Đạo, ông đã cùng các thủ túc như con nuôi Giai Thiêm (tên gọi Đề Thám hồi niên thiếu), em họ Thân Bá Gạo (còn gọi là Văn Tảo), cháu họ Thân Đức Luận (con trai Thân Bá Chín) và một số chiến hữu như Nguyễn Văn An, Hoàng Đình Bảo (Đốc Thu), Hoàng Bá San (còn gọi là Vân Sơn, phụ thân của Hoàng Điền Ân), Dương Đình Sử (Đề Sử, phụ thân của Cả Dinh) kéo lên lỵ sở huyện Hữu Lũng khi đó đặt tại Tân Sỏi để bái kiến Tri huyện Hoàng Đình Kinh, tức Cai Kinh rồi cùng rút lên dãy Đồng Nai (sau đổi là núi Cai Kinh) xây dựng căn cứ.
Người sát cánh cùng Thân Bá Phức trong những ngày tháng đầy lửa đạn đó chính là Đề Thám (1836 - 1913).
Đề Thám nguyên gốc họ Đoàn nhưng thường được gọi là Trương Văn Nghĩa vì phụ thân Đoàn Danh Lại mang biệt danh là Trương (Văn) Thận - thủ lĩnh một phong trào chống nhà Nguyễn ở vùng Sơn Nam; chính quán làng Dị Chế, tổng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Khi chưa đầy một tuổi đã luân lạc lên Sơn Tây rồi vùng Yên Thế, được Thân Bá Phức nhận làm con nuôi và mang tên là Giai Thiêm. Đến tuổi trưởng thành có nhiều tên gọi khác nhau như Đề Dương, Đề Thám hoặc Hoàng Hoa Thám.
Cuối năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, Bá Phức và Đề Thám rời hàng ngũ Cai Kinh trở lại quê hương chiến đấu, được Đề đốc Tạ Hiện, Tán tương Nguyễn Cao cho họ là những người hào hiệp, mẫn cán, am tường võ lược, từng gây cho giặc rất nhiều thiệt hại ở Quân thứ Song Yên.
Chính Hiệp thống Đại thần Nguyễn Thiện Thuật thay mặt vua Hàm Nghi ban bằng sắc thưởng thụ cho Thân Bá Phức là Viên ngoại lang sung chức Tham biện Tán tương Quân vụ Bắc Thứ do luôn kiên trì bảo thủ, một lòng theo mệnh lệnh của Hàm Nghi, thời gian điều độ tiến lui thích nghi tạo uy tín lớn trong vùng.
Ngày 28 tháng 6 năm Nhâm Thìn, Hàm Nghi thứ 8 (tức 21/7/1892), Hàn lâm Trực học sĩ Tán tương Quân vụ Tống Duy Tân lại ban bằng sắc cho Thân Bá Phức được giữ nguyên hàm chức Tán tương Quân vụ Bắc Thứ. Động thái trên đã giúp cho Thân Bá Phức lấy lại vòng hào quang, góp phần xốc lại tinh thần nghĩa quân sau khi thủ lĩnh Đề Hả bị hạ độc (4/1892). Đề Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế (12/1892).
3. Trước sức tấn công dồn dập của quân Pháp trong năm 1893, nghĩa quân Yên Thế bị tan rã từng mảng lớn. Nguy cơ bị tiêu diệt như nhiều cuộc khởi nghĩa thuộc phạm trù Cần Vương đã trở thành hiện hữu nên Thân Bá Phức - Hoàng Hoa Thám buộc phải ngồi vào bàn hòa đàm với Lê Hoan ở Luộc Hạ với các hoạch định được thống nhất cả hai bên:
-Ngày 10 tháng Giêng năm Giáp Ngọ (tức 15/2/1894), Bá Phức mang 76 thủ hạ, 54 súng tới đồn binh Cao Thượng trá hàng.
-Nhờ thế, Đề Thám có thời gian củng cố và tái lập căn cứ Hố Chuối, tập hợp nghĩa quân, lập ra bộ chỉ huy mới từ các thủ lĩnh kế cận. Hoàn thành công việc, Đề Thám chấm dứt cuộc hòa đàm Luộc Hạ.
-Rơi vào thế bị động, quân Pháp vội vã tung 1.200 binh lính lên Yên Thế. Rạng sáng ngày 19/5/1894, tiếng mìn Bá Phức phát nổ tại Hố Chuối, tạo nên dư âm mãi về sau về sự thực hư của câu chuyện đầu hàng quay lại lập công cho Pháp hay trá hàng diệt giặc. Chỉ biết rằng, vào cuối năm 1894, người Pháp buộc phải hòa hoãn, giao quyền thu thuế và kiểm soát 4 tổng Mục Sơn, Yên Lễ, Nhã Nam cho Đề Thám.
Lần hòa hoãn này diễn ra chưa đầy một năm, quân Pháp lại tấn công Yên Thế, đẩy nghĩa quân vào tình thế thiếu lương thực và vũ khí, mỏi mòn sức lực đến tận năm 1897. Bằng cách xin người Pháp cho sửa chữa và dựng đình chùa cho vài thôn xã, Thân Bá Phức đưa sơn tràng lọt vào rừng sâu để tìm cách tiếp tế lương thực, thuốc men. Bất lực không triệt hạ được phong trào, tháng Mười năm Đinh Dậu (tháng 11/1897), thực dân Pháp buộc phải giảng hòa với nghĩa quân lần thứ 2.
Ngày 23 tháng 2 năm Mậu Tuất (tức tháng 4/1898), Thân Bá Phức thanh thản từ biệt cõi đời, hưởng thọ 77 tuổi.
Như vậy, nỗi hàm oan của Thân Bá Phức đã dần phai nhạt. Lòng yêu nước nhiệt thành, ngọn cờ tiêu biểu của một văn thân chống Pháp đã ngày một hiện rõ. Trong hàng chục năm trời, đội quân xâm lược đã vấp phải một đội quân áo vải nhưng chiến đấu hết sức kiên cường và thông minh dưới sự lãnh đạo của một lão tướng chưa qua bất kỳ một trường lớp quân sự nào. Ông là hiện thân của một thủ lĩnh toàn tài, hiếu thuận với vua tôi và luôn vì dân, vì nước.
4. Bước vào cuộc hòa hoãn lần thứ 2 không lâu, từ năm 1900, Đề Thám đã giao nhiệm vụ cho bà Ba Cẩn cùng Hoàng Điền Ân chăm lo xây dựng lực lượng trong giới sĩ phu và binh lính ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nam Định; Cả Dinh, Ba Biều lập cơ sở và lực lượng vũ trang tại chỗ thuộc các vùng Vĩnh Yên, Phúc Yên.
Sang năm 1905, ý thức tổ chức vũ trang giành quyền ở thành thị dần dần chín muồi thông qua các tổ chức Trung Châu Ứng nghĩa đạo, Hoành Sơn hội, Nghĩa Hưng Đảng. Nhiều sĩ phu yêu nước như Phan Chu Trinh, Lê Văn Huân, Nguyễn Đình Kiên đã tìm cách đến Phồn Xương.
Trong lần gặp gỡ Phan Bội Châu, Đề Thám xin gia nhập Duy Tân Hội. Nhà cầm quyền Pháp đã hốt hoảng trước các vụ Hà Thành đầu độc (6/1908), phá ga Cẩm Giàng (7/1908), dự định phá nhà giam Hà Đông (7/1908), luồn sâu dựng cơ sở trên địa bàn Vĩnh - Phúc Yên (8/1908)…
Cuối tháng Giêng năm 1909, Đại tá Battay được lệnh trưng tập hàng nghìn binh sĩ tấn công vào Phồn Xương. Mãi đến tháng 6/1904, Đề Thám mới thoát khỏi vòng vây, rời Yên Thế sang Tam Đảo, tiến hành nhiều trận thôn trang chiêu trên địa bàn Vĩnh - Phúc Yên.
Tuy nhiên, đầu tháng 11/1909, Đề Thám cùng một vài thủ hạ phải trở lại Yên Thế trước sự truy lùng gắt gao của kẻ thù. Vào ngày mùng năm tháng Giêng năm Quý Sửu (tức 10/2/1913), ông bị mấy tên tay sai của Lương Tam Kỳ sát hại tại Hố Lẩy (Tổ Cú, Phồn Xương), chấm dứt sự nghiệp chống Pháp đầy vinh quang của mình:
Ba mươi năm khắp núi rừng
Danh ông Đề Thám vang lừng nước Nam.
Trong suốt chặng đường vắt qua hai thế kỷ (1884-1913), Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, đã để lại cho đời sau niềm tự hào kiêu hãnh và nhiều bài học lịch sử quý giá.
Xuất phát từ lòng yêu quý độc lập, tự do của Tổ quốc, nhân dân Yên Thế đã đồng loạt đứng dậy khi thực dân Pháp giày xéo quê hương, sẵn sàng gánh vác những nhiệm vụ nặng nề do sứ mệnh lịch sử trao cho.
Trong quá trình tập hợp lực lượng và tổ chức đấu tranh vũ trang, những nhà lãnh đạo đã sáng tạo ra nhiều phương châm tác chiến thích hợp, sơ phác ra hình thức mặt trận dân tộc thống nhất để tập hợp nhân dân, phôi thai hình thức đội quân thường trực và quân địa phương vừa sản xuất vừa chiến đấu, bước đầu hình thành tư tưởng đấu tranh giành chính quyền ở thành thị, tranh thủ lôi kéo hàng ngũ binh lính người Việt trong hàng ngũ địch và làm công tác binh vận, tăng cường xây dựng căn cứ địa ở rừng núi và nông thôn để làm chỗ đứng chân và là bàn đạp để tấn công vào hang ổ kẻ thù.
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã viết nên những trang sử chói ngời, làm phong phú thêm kho tàng lý luận quân sự Việt Nam.
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế, tên tuổi Đề Hả - Đề Thám cùng các ông Thống, ông Đề khác mãi mãi trở nên bất diệt và là niềm tự hào của chúng ta.
Tiến sĩ Khổng Đức Thiêm