Văn học vương quốc Anh là văn học bằng tiếng Anh từ các quốc gia như Vương quốc Anh, Đảo Man và Quần đảo Channel. Bao gồm văn học Anglo-Saxon (văn học Anh cũ). Do có nhiều sự thay đổi trong quá trình tạo nên Liên hiệp ngày nay, bản chất văn học Vương quốc Anh cũng bị ảnh hưởng và có sự thay đổi theo thời gian.
Hòn đảo chứa Anh, Scotland và xứ Wales được biết đến là Great Britain từ thời La Mã Pliny the Elder (năm 23 - 79). Tiếng Anh được sử dụng như ngôn ngữ quốc gia kể từ cuộc xâm lược của Anglo-Saxon năm 49 TCN. Trước đó, người dân chủ yếu nói ngôn ngữ Celtic. Các nước thành viên khác nhau của Vương quốc Anh hiện tại đã tham gia vào những thời điểm khác nhau. Wales được Anh quốc sáp nhập theo Công ước Liên minh năm 1536 và 1542. Tuy nhiên, cho tới năm 1707 với một hiệp định giữa Anh và Scotland, Vương quốc Anh đã ra đời. Vào tháng 1 năm 1801 kết nạp thêm Vương quốc Ireland để thành lập Liên hiệp Vương quốc Anh và Ireland. Cho đến gần đây các ngôn ngữ Celtic vẫn tiếp tục được sử dụng ở Scotland, Wales, Cornwall, và Ireland, và vẫn tồn tại, đặc biệt là ở các vùng của xứ Wales.
Sau đó, do ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc gia Ireland đã dẫn tới sự phân chia hòn đảo Ireland vào năm 1921, chỉ còn phía Bắc Ireland thuộc Liên hiệp.
Xem thêm: Lịch sử hình thành nên Liên hiệp Vương quốc Anh
Vì Anh là một cường quốc thuộc địa nên việc sử dụng tiếng Anh lan truyền khắp thế giới. Từ thế kỷ XIX ở Hoa Kỳ, và sau đó là ở các thuộc địa khác. Các nhà văn lớn (tiếng Anh), kể cả những người đoạt giải Nobel, bắt đầu xuất hiện ngoài ranh giới của Vương quốc Anh và Ireland.
Các loại hình văn học Vương quốc Anh
Thơ ca
John Donne (1572-1631), tác giả của các bài sonnet, thơ tình, bi ca và những lời thuyết giáo nổi tiếng, là một trong những thi sĩ lớn của Anh thế kỉ 17. Tuy vậy, sau khi mất, gần 200 năm John Donne bị người đời quên lãng, chỉ đến đầu thế kỉ 20, nhà thơ mới được công chúng Anh cũng như thế giới đánh giá một cách đúng đắn.
“… Cái chết của mỗi con người làm cho tôi nhỏ bé đi vì tôi là một phần của nhân loại, và bởi thế đừng bao giờ hỏi chuông nguyện hồn ai: chuông nguyện hồn anh đấy.”
Những lời này của John Donne được nhà văn Ernest Hemingway dùng làm đề từ cho cuốn tiểu thuyết nổi tiếng chuông nguyện hồn ai.
Trong số các nhà thơ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19, những người nổi tiếng nhất có thể kể đến như William Wordswo rth chuyên làm những bài thơ trữ tình ca ngợi Quận Hồ; John Keats với những câu thơ lãng mạn mô tả cảnh đẹp tự nhiên; Robert Burns, nhà thơ dân tộc Scotland và cũng là tác giả của Auld Lang Syne nổi tiếng. Lord Byron (1788-1824) với lòng say mê mãnh liệt, tính trữ tình sâu sắc, sự bạo dạn về ý tưởng và vẻ sống động của những hình tượng, đã trở thành một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất châu Âu và có tầm ảnh hưởng lớn đến thơ ca thế giới thế kỷ 19, khai sinh ra một trường phái thơ ca mang tên: chủ nghĩa Byron.
Ở Vương quốc Anh có một danh vị gọi là nhà thơ quốc gia do nữ hoàng chỉ định, người này sẽ sáng tác nên các áng thơ nhân những sự kiện mang tầm quốc gia. Nhà thơ quốc gia hiện tại là Andrew Motion.
Văn xuôi
Các nhà văn như Samuel Johnson (thế kỷ 18) đã viết về những vấn đề đương thời; và Sir Winston Churchill (thế kỷ 20) đã viết nên trước tác Lịch sử Dân tộc Anh (History of the English-Speaker Peoples), gồm 4 tập về lịch sử Vương quốc Anh từ thời La Mã cho đến thời nữ hoàng Victoria. Tiểu thuyết được công chúng chào đón nồng nhiệt trong thế kỷ 19: với cái nhìn thấu đáo về xã hội của Jane Austen, những câu chuyện lãng mạn của Charles Dicken và các bi kịch thống thiết vùng thôn quê của Thomas Hardy.
Tiểu thuyết gia thế kỷ 20 có Evelyn Waugh với các tác phẩm trào phúng châm biếm, Joseph Conrad cùng những câu truyện về biển cả, D. H. Lawrence viết về chuyện đôi lứa của tầng lớp công nhân và các tác phẩm của Graham Greene có kỹ thuật kể chuyện như điện ảnh. Những tác giả như Salman Rushdie, Martin Amis, Julian Barnes và A. s. Byatt là những nhà văn đương đại nổi bật.