Theo từ điển Hán Việt, "lập" có nghĩa là xác lập, đánh dấu, bắt đầu, còn “đông” chỉ mùa đông trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Hiểu một cách đơn giản, tiết Lập đông là thời điểm bắt đầu mùa đông. Đây là một trong 24 tiết khí hàng năm.
Lập đông 2022 là ngày nào?
Khái niệm tiết khí được sử dụng trong lịch của các nền văn minh phương Đông cổ đại như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên. 24 tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái đất xung quanh Mặt trời, bao gồm:
Mùa xuân có các tiết Lập xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ.
Mùa hạ có các tiết Lập hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử.
Mùa thu có các tiết Lập thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng.
Mùa đông có các tiết Lập đông, Tiểu tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.
Mỗi tiết khí bắt đầu vào những ngày tương đối cố định theo dương lịch. Việc theo dõi lịch tiết khí giúp người dân tối ưu chuyện trồng trọt, chăn nuôi theo mùa vụ. Trong văn hóa nông nghiệp, nhiều nghi lễ cúng bái được thực hiện vào những ngày Lập xuân, Lập hạ, Lập thu... mà ý nghĩa, mục đích từ thời cổ xưa chính là để cầu mong mùa màng bội thu, mọi nhà sung túc.
Ngày Lập đông là ngày đầu tiên của tiết Lập đông. Tiết Lập đông thường rơi vào ngày 7/11 hoặc 8/11 (tùy theo từng năm) khi hết tiết Sương giáng và kết thúc vào ngày 21/11 hoặc 22/11 dương lịch, khi tiết Tiểu tuyết bắt đầu.
Theo lịch vạn niên, tiết Lập đông 2022 rơi vào thứ Hai ngày 7/11 dương lịch, tức ngày 14/10 âm lịch và kết thúc vào ngày 22/11 dương lịch, tức ngày 29/10 âm lịch. Đây là thời điểm mùa đông bắt đầu, ánh sáng và nhiệt độ tại nửa phía bắc của Trái đất giảm xuống rất mạnh.
Đặc điểm của tiết Lập đông
Thời điểm tiết Lập đông bắt đầu là lúc bán cầu Bắc ở vị trí xa hơn so với Mặt trời. Vì vậy, khi bước vào tiết Lập đông, nhiệt độ tại bán cầu Bắc giảm mạnh, thời tiết lạnh lẽo, ánh sáng yếu, xuất hiện tình trạng ngày ngắn, đêm dài. Ngược lại, bán cầu Nam sẽ nghiêng về phía Mặt trời nhiều hơn, đây chính là mùa hạ ở bán cầu Nam, nơi sẽ nhận được lượng bức xạ lớn hơn, nhiệt độ cao hơn và thời gian ngày sẽ dài hơn đêm.
Tiết Lập đông xuất hiện cũng đánh dấu sự thay đổi cả về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của động thực vật cũng như cuộc sống và sinh hoạt của con người.
Theo kinh nghiệm của người xưa, nếu trong ngày Lập đông xuất hiện mưa dầm thì mùa đông năm đó sẽ ấm áp. Còn nếu trời quang đãng không mưa thì có khả năng mùa đông sẽ rất lạnh.
Ngoài ra, khi vào tiết Lập đông, một số nơi tại khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc bị ảnh hưởng mạnh bởi các khối không khí lạnh khiến lượng nước bốc hơi hết, mặt đất khô cằn, xuất hiện tình trạng hạn hán trầm trọng.
Lập đông đến mang theo không khí lạnh, khô nên con người cần có sự chuẩn bị để thích nghi với cái lạnh. Thời điểm này, mọi người nên tăng cường, bổ sung các thực phẩm nóng ấm, bổ dưỡng và giữ ấm cơ thể bằng cách mặc ấm, quàng khăn, đi tất khi ra ngoài và cả khi đi ngủ để tránh hàn khí.
Trời lạnh sẽ khiến con người lười vận động hơn, điều này sẽ khiến cho sức đề kháng bị giảm sút. Vì vậy khi trời lạnh, mọi người vẫn nên thường xuyên vận động, tập thể dục để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt, người già, trẻ em cần chú ý hơn cả trong ăn uống và vận động để giữ gìn sức khỏe.
Ngoài ra, thời tiết Lập đông lạnh, khô, ngày dài đêm ngắn nên mọi người cần chú ý điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, tránh phá vỡ chức năng sinh lý chuyển đổi âm dương trong cơ thể.
Cụ thể, trong tiết Lập đông, mọi người nên đi ngủ sớm và có thể dậy muộn hơn bình thường một chút để đảm bảo ngủ đủ giấc, tốt cho việc phục hồi năng lượng. Tránh ra ngoài khi mặt trời đã tắt nắng, trời nhiều sương, tránh bị cảm lạnh, hao tổn nguyên khí.
(*) Nhiều thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.