Nấm linh chi hay còn được biết đến với các tên gọi khác như: Tiên thảo, Nấm trường thọ, Vạn niên nhung. Đây là một loại dược liệu quý, có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nhật Bản và các nước châu Á khác. Nấm linh chi có nhiều màu sắc khác nhau, bao gồm đỏ, vàng, trắng, tím, đen,… tùy thuộc vào giống và điều kiện sinh trưởng.
Nấm Linh Chi được phân chia thành nhiều loại khác nhau, tùy thuộc theo màu sắc của cây nấm. Theo sách dược liệu, Nấm Linh Chi được chia thành 6 loại khác nhau: Linh chi đen (Hắc chi), Linh chi vàng (Hoàng chi), Linh chi đỏ (Xích chi), Linh chi tím đỏ (Tử chi), Linh chi trắng (Bạch chi), Linh chi xanh (Thanh chi)
Nấm linh chi chứa nhiều thành phần hóa học có lợi cho sức khỏe bao gồm Polysaccharides, Triterpenoids, Flavonoids, Ergosterol, Adenosine. Ngoài ra, loại nấm này còn chứa một số thành phần dinh dưỡng khác như: vitamin (A,B,C,…), khoáng chất (kali, canxi, magiê, sắt,…), các nguyên tố vi lượng (germanium, selen,…). Nấm Linh Chi là một loại dược liệu quý, một loại thực phẩm chức năng tốt cho sức khỏe con người. Những khảo sát về dược lý và lâm sàng hiện nay cho thấy Linh Chi không có độc tính, không có tác dụng phụ dù dùng dài ngày, không bị kị với những dược liệu khác hoặc tân dược trong điều trị, kèm theo đó là rất nhiều công dụng.
Theo y học cổ truyền, Linh Chi được coi là vị thuốc có vị nhạt và tính ấm. Nó được quy kinh vào tam kinh: tâm, can, phế. Nấm có công năng bổ khí, dưỡng huyết, chỉ khái, dưỡng tâm an thần và bình suyễn. Bên cạnh đó, Linh chi còn được sử dụng để điều trị các vấn đề về khí huyết bất túc, tâm thần bất an, tỳ vị hư nhược, cường kiện gân cốt, ho hen, khí suyễn, và cải thiện da.
Theo y học hiện đại, nấm Linh chi có một số công dụng như: tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện các bệnh về tim mạch, hỗ trợ tốt trong việc điều trị ung thư, tăng cường chống oxy hóa, giảm căng thẳng mệt mỏi, kiểm soát lượng đường trong máu và còn rất nhiều những công dụng khác.
Nhà nuôi trồng nấm Linh Chi
Nấm linh chi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và tùy theo sở thích của mỗi người mà có những cách sử dụng nấm linh chi khác nhau. Dưới đây là những cách dùng phổ biến nhất.
+ Sắc nước để uống hàng ngày: cho 10g nấm linh chi thái lát vào 1 lít nước, đun sôi nhỏ lửa 15-20 phút hay hãm trong bình thủy như pha trà. Có thể nấu tiếp nước 2,3 cho đến khi nước linh chi từ màu hổ phách chuyển sang màu trắng và hết vị đắng. Có thể cho thêm táo đỏ, long nhãn, cam thảo vào để nước trà ngon hơn. Uống từ 1 - 2 lần/ngày và khoảng 150 - 200ml/lần.
+ Ngâm rượu: Cho 240gr nấm linh chi vào bình thủy tinh 5 lít sạch, đã khử trùng và lau khô. Sau đó, đổ đầy rượu 400, đậy kín nắp và để ngâm khoảng 30 ngày là có thể sử dụng được. Nên dùng 1-2 lần/ngày, mỗi lần 15ml.
+ Chế biến món ăn: kết hợp với các nguyên liệu khác để chế biến thành món ăn: súp gà, gà hầm, cháo, lẩu, … nấm linh chi được sử dụng với lượng nhỏ 5 - 15g/ngày.
+ Kết hợp với các dược liệu khác: pha cùng mật ong (cho 10g nấm linh chi thái lát vào 1 lít nước, đun sôi nhỏ lửa 15-20 phút thì tắt bếp. Sau đó, bạn chắt nước ra và để nguội rồi cho thêm khoảng 2 - 3 muỗng cà phê mật ong, khuấy đều trước dùng. Trà nấm linh chi + mật ong thích hợp uống vào sáng sớm); ngâm cùng nhâm sâm (xếp nấm linh chi thát lát (250gr) với nhân sâm (150gr) vào bình thủy tinh 5 lít đã khử trùng, lau khô, sau đó đổ vào rượu 400 và đậy nắp kín để ngâm trong ít nhất 30 ngày); pha cùng tam thất (pha bột tam thất với trà nấm linh chi, khuấy đều và dùng ngay); pha cùng hoa atiso (lấy 8g bông atiso khô cùng 3 - 5 lát nấm linh chi cho vào ấm nước 2 - 2,5l, đun sôi nhỏ lửa 15-20 phút thì tắt bếp. Chắt lấy nước uống như trà hàng ngày).
+ Làm đẹp: hoà tan 2 muỗng bột nấm linh chi với 1 lòng đỏ trứng gà, có thể cho thêm 1 muỗng nước cam để làm cho hỗn hợp sền sệt giúp đắp trên da tiện lợi hơn. Đắp mặt nạ khoảng 30 phút/lần, có thể áp dụng 2 lần/tuần để cải thiện tình trạng da.
Lưu ý: Những đối tượng không nên sử dụng linh chi gồm: Người bị rối loạn chảy máu, chuẩn bị phẫu thuật, rối loạn hệ miễn dịch, rối loạn chức năng tuyến giáp, huyết áp thấp,…
KS. Bùi Minh Đức - Phòng CGKTNN