EXTENDMAX - Thiết bị định vị GPS hay còn gọi thiết bị giám sát hành trình (hoặc hộp đen, blackbox) thường được ứng dụng để quản lý xe ô tô, xe tải, xe container hoặc chính bản thân container (công hàng) nhằm xác định vị trí của các phương tiện giao thông vận tải, hoặc container theo thời gian thực. Trong một số trường hợp, thiết bị định vị GPS còn được sử dụng để định vị xe máy hoặc định vị ô tô để chống trộm hoặc quản lý việc cho thuê xe máy, cho thuê xe ô tô. Với hệ thống logistics giao vận ngày càng phát triển, thiết bị định vị có nhu cầu rất lớn trên thị trường và phục vụ mục đính quản lý hệ thống logistic. Thông qua hệ thống quản lý server và thiết bị giám sát hành trình, chúng ta có thể xác định được ví trị của phương tiện vận tải hoặc vị trí của công hàng theo thời gian thực, nắm được lộ trình và dự kiến được thời gian giao hàng một cách chính xác. Vậy thiết bị định vị GPS là gì? Các thiết bị định vị gps bán trên thị trường được nhập khẩu hay sản xuất trong nước? Thủ tục nhập khẩu thiết bị định vị, giám sát hành trình bao gồm những khâu nào? Mã HS của thiết bị định vị, giám sát hành trình là gì? Thiết bị định vị gps có phải đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước hay không? Thiết bị giám sát hành trình có phải chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy hay không? Chứng nhận hợp quy thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình ở đâu? Người ta hay nói định vị hợp quy hoặc định vị hợp chuẩn nghĩa là sao? Chúng ta cùng tìm hiểu tất cả các thắc mắc trên qua bài viết của ExtendMax dưới đây.
1. Thiết bị định vị gps là gì? Thiết bị giám sát hành trình là gì?
a. Thiết bị định vị GPS
Thiết bị định vị GPS là thiết bị sử dụng hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh do Mỹ phát triển, còn gọi là hệ thống GPS (Global Positioning System), để xác định vị trí. Xét về mặt bản chất, các thiết bị GPS không phát sóng lên vệ tinh, chúng thu tín hiệu từ các vệ tinh GPS, tính toán và so sánh khoảng cách tương đối giữa các vị tinh để xác định vị trí của thiết bị. Khi được trang bị thêm một module thông tin di động mặt đất hoặc mạng diện rộng LoRaWAN, hoặc module phát sóng vệ tinh, thiết bị định vị GPS có thể phát dữ liệu về vị trí của nó tới bất kỳ nơi nào trên thế giới. Do vậy, các thiết bị GPS được sử dụng để giám sát, quản lý các vật thể chuyển động như phương tiện giao thông vận tải, container hàng hóa, tàu hàng... Khi được sử dụng để quản lý phương tiện giao thông vận tải, cài đặt thêm một phần mềm có thể đăng nhập qua máy tính, thiết bị định vị GPS sẽ được gọi là thiết bị giám sát hành trình. Ở Việt Nam, ngoài việc sử dụng để quản lý phương tiện giao thông vận tải, quản lý tài xế dừng đỗ, thiết bị định vị còn được gắn lên xe máy để định vị xe máy, hoặc gắn lên ô tô để định vị ô tô phục vụ mục đích chống trộm hoặc quản lý xe cho thuê. Thông thường, các thiết bị định vị GPS có sử dụng pin lithium để có thể hoạt động lâu dài, có thể sử dụng thên các hệ thống định vị khác như Bắc Đẩu (Beidou) Trung Quốc, GLONASS (Nga), GALILEO (Châu Âu), IRNSS (Ấn Độ), QZSS (Nhật Bản).
Do có chức năng thu phát sóng vô tuyến để truyền dữ liệu về server và thiết bị đầu cuối thông tin di động khác (VD như điện thoại), thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thủ tục nhập khẩu thiết bị định vị, giám sát hành trình bao gồm các khẩu đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dán tem hợp quy ICT của Bộ Thông tin và Truyền thông lên sản phẩm trước khi lưu hành ra thị trường. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn thủ tục nhập khẩu và chứng nhận hợp quy thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình có chức năng chính là định vị GPS và hoạt động như thiết bị đầu cuối thông tin di động. Có nhiều sản phẩm khác cũng có thể tích hợp module GPS nhưng đó không phải là chức năng chính nên có thể không phù hợp với những hướng dẫn bên dưới. Xin mời xem bài viết hướng dẫn riêng cho các thiết bị có tích hợp GPS như điện thoại di động, đồng hồ thông minh, máy quét mã vạch cầm tay...mà chúng tôi đã xuất bản hoặc sẽ xuất bản sau này.
b. Thiết bị giám sát hành trình
Như đã phân tích ở trên, khi thiết bị định vị GPS được ứng dụng để quản lý phương tiện giao thông vận tải thì nó sẽ được gọi là thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị giám sát hành trình trên các loại xe ô tô thuộc đối tượng phải lắp theo quy định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (xe tải, xe bồn, xe khách, taxi...) còn phải tiếp tục chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn QCVN 31:2014/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải (sau khi được cấp giấy Chứng nhận hợp quy của Bộ TT&TT). Ngoài tính năng cơ bản là xác định vị trí phương tiện theo thời gian thực, QCVN 31:2014/BGTVT còn có nhiều yêu cầu về khía cạnh quản lý như quản lý tài xế (phải quẹt thẻ tài xế), cảnh báo về vi phạm vượt quá tốc độ quy định, cảnh báo về vi phạm vượt quá thời gian lái xe quy định... Phạm vi bài viết này chỉ hướng dẫn chứng nhận hợp quy thiết bị định vị GPS, thiết bị giám sát hành trình theo các quy chuẩn của Bộ TT&TT, chúng tôi sẽ xuất bản hướng dẫn chứng nhận hợp quy cho thiết bị giám sát hành trình theo quy chuẩn QCVN 31:2014/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải trong bài viết tiếp theo. Tuy nhiên, các bạn có thể tham khảo mẫu giấy Chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn QCVN 31:2014/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải cho thiết bị giám sát hành trình ở phần cuối bài viết.
2. Thiết bị định vị hợp chuẩn hợp quy là gì?
a. Thiết bị định vị giám sát hành trình hợp quy
Thông thường hai khái niệm "hợp chuẩn" và "hợp quy" thường bị nhầm lẫn hoặc gộp chung lại thành "hợp chuẩn hợp quy". Về quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường thì hai khái niệm này là hoàn toàn khác nhau. Vậy chứng nhận hợp chuẩn là gì? Chứng nhận hợp quy là gì? Hợp chuẩn hợp quy khác nhau như thế nào?
Hợp quy có nghĩa là phù hợp với các "quy chuẩn kỹ thuật quốc gia" do nhà nước ban hành. Việc chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy là bắt buộc nếu thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của các Thông tư hoặc quy chuẩn do các Bộ chức năng ban hành. Các quy chuẩn áp dụng cho thiết bị thông thường là quy chuẩn kỹ thuật về tính năng, độ bền, an toàn, phát xạ sóng vô tuyến, hoặc tương thích điện từ. Khi ta nói "định vị hợp quy" hay "thiết bị định vị được hợp quy" có nghĩa là thiết bị định vị đó đã được các cơ quan chức năng chứng nhận sự phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đảm bảo chất lượng và sự an toàn khi sử dụng. Các thiết bị định vị, giám sát hành tình được chứng nhận hợp quy sẽ đủ điều kiện để dán tem hợp quy lên sản phẩm.
b. Thiết bị định vị giám sát hành trình hợp chuẩn
Hợp chuẩn có nghĩa là phù hợp với "tiêu chuẩn", tiêu chuẩn này có thể do các cơ quan, tổ chức của nhà nước ban hành hoặc do nhà sản xuất hoặc tổ chức nước ngoài hoặc bên thứ ba lập nên. Việc chứng nhận hợp chuẩn, công bố hợp chuẩn là tự nguyện, không bắt buộc bởi các cơ quan chức năng. Tiêu chuẩn áp dụng có thể cao hơn hoặc thấp hơn quy chuẩn đã ban hành của các cơ quan chức năng do vậy nếu không đối chiếu tiêu chuẩn với quy chuẩn tương ứng (nếu có) thì sẽ không có căn cứ để kết luận thiết bị hợp chuẩn tốt hơn hay kém hơn thiết bị hợp quy. Khi nói đến thiết bị định vị GPS hợp chuẩn, điều đó có nghĩa là sản phẩm chưa được chứng nhận hợp quy, chưa được dán tem hợp quy nên việc bán hàng ra thị trường là chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Người tiêu dùng nên mua các sản phẩm đã được chứng nhận hợp quy để đảm bảo chất lượng và sự an toàn khi sử dụng.
>>> Xem thêm: Chứng nhận hợp chuẩn là gì? Phân biệt hợp chuẩn và hợp quy
3. Bộ hồ sơ chứng từ nhập khẩu thiết bị định vị GPS giám sát hành trình.
Một bộ hồ sơ nhập khẩu áp dụng đối với các sản phẩm bình thường (hàng hóa nhóm 1, không phải áp dụng chính sách nhập khẩu đặc biệt hoặc hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành) bao gồm:
- Commercial Invoice (Hóa đơn thương mại) đối với hàng hóa mua từ nước ngoài và có thành toán. Hoặc Proforma Invoice, None-commercial invoice hoặc shipping invoice đối với hàng hóa không thanh toán như hàng biếu tặng, hàng hóa FOC, hàng bảo hành không phải thanh toán..
- Bill of lading (Vận đơn đường biển) hoặc Air Way Bill (vận đơn hàng không)
- Commercial Contract (hợp đồng mua hàng) hoặc Purchase Order (đơn đặt hàng) hoặc thông báo gửi hàng phi mậu dịch
- Certificate of Origin (COO) (Giấy chứng nhận xuất xứ) trong trường hợp người nhập khẩu muốn được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi
- Packing List (Phiếu đóng gói hàng hóa)
- Tài liệu kỹ thuật của sản phẩm (để xác định chức năng, mã HS, chính sách nhập khẩu áp dụng)
- Các chứng từ khác (nếu có)
Tuy nhiên, bộ chứng từ nêu trên chỉ áp dụng đối với sản phẩm thông thường, không áp dụng chính sách nhập khẩu đặc biệt hoặc hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Vậy thiết bị định vị GPS, thiết bị giám sát hành trình có phải xin giấy phép đặc biệt hoặc kiểm tra chuyên ngành không? Câu trả lời của chúng tôi là thiết bị định vị GPS, thiết bị giám sát hành trình thuộc diện phải kiểm tra chất lượng nhà nước, kiểm tra chuyên ngành để được nhập khẩu vào Việt Nam. Do vậy, bộ chứng từ nhập khẩu sẽ nhiều hơn so với các sản phẩm thông thường. Đồng thời doanh nghiệp nhập khẩu sẽ phải làm thêm một số thủ tục như đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước trước khi mở tờ khai hải quan cho lô hàng nhập khẩu.
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn lập một bộ chứng từ xuất nhập khẩu đầy đủ
4. Các quy định áp dụng đối với định vị GPS, giám sát hành trình
Thiết bị định vị GPS thiết bị giám sát hành trình có tên chuyên ngành là "thiết bị đầu cuối thông tin di động", có mã HS 85171200, 85176259 sẽ thuộc diện bắt buộc phải kiểm tra chất lượng nhà nước, chứng nhận hợp quy ICT, công bố hợp quy và dán tem ICT lên sản phẩm trước khi bán ra thị trường. Quy trình và các tài liệu cần thiết để nhập khẩu, đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước, chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy cho thiết bị định vị GPS, thiết bị giám sát hành trình được quy định tại các văn bản sau do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành:
→ Thông tư 02/2024/TT-BTTTT quy định danh mục sản phẩm hàng hóa phải chứng nhận hợp quy và/hoặc công bố hợp quy (danh mục hàng hóa nhóm 2)
→ Thông tư 30/2011/TT-BTTTT quy định về Chứng nhận hợp quy và Công bố hợp quy các sản phẩm Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý (bao gồm các bổ sung và sửa đổi quy định bởi Thông tư 10/2020/TT-BTTTT và Thông tư 15/2018/TT-BTTTT)
→ Thông tư 08/2021/TT-BTTTT quy định danh mục thiết bị vô tuyến được miễn giấy phép tần số (cần đối chiếu mức công suất phát sóng, dải tần số hoạt động của các mạng diện rộng công suất thấp như LoRaWAN, LPWAN)
→ Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN được áp dụng sẽ căn cứ theo các công nghệ thu phát sóng vô tuyến điện mà thiết bị tích hợp do Bộ TT&TT ban hành (chi tiết như phần dưới của bài viết)
Cách xác định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho thiết bị định vị GPS
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho thiết bị định vị GPS, thiết bị giám sát hành trình sẽ được xác định căn cứ theo các công nghệ thu phát sóng vô tuyến được áp dụng trên thiết bị. Tùy theo thông số kỹ thuật, các công nghệ và tần số thu phát sóng vô tuyến ứng dụng, một model thiết bị định vị GPS, thiết bị giám sát hành trình sẽ phải đo kiểm, thử nghiệm theo những Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành liệt kê dưới đây:
a. Quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ sóng vô tuyến:
- QCVN 129:2021/BTTTT (5G NR NSA)
- QCVN 127:2021/BTTTT (5G NR SA)
- QCVN 117:2020/BTTTT (2G/3G/4G/LTE)
- QCVN 65:2021/BTTTT (WiFi 5GHz)
- QCVN 54:2020/BTTTT (WiFi 2.4GHz)
- QCVN 122:2021/BTTTT hoặc QCVN 47:2015/BTTTT cho LPWAN
b. Quy chuẩn kỹ thuật về tương thích điện từ:
- QCVN 18:2014/BTTTT (5G NR hoặc LPWAN) (áp dụng tới 30/06/2023)
- QCVN 18:2022/BTTTT (5G NR hoặc LPWAN) (áp dụng từ 01/07/2023)
- QCVN 86:2019/BTTTT (2G/3G/4G/LTE)
- QCVN 112:2017/BTTTT (WiFi)
d. Lưu ý quan trọng:
→ Các tính năng thu sóng như GPS hoặc phát sóng với mức công suất nhỏ như Bluetooth chưa thuộc diện bắt buộc phải thử nghiệm
→ Bộ Thông tin và Truyền thông cập nhật các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và thay đổi danh mục hàng hóa nhóm 2 theo từng thời kỳ. Bạn có thể tìm kiếm quy định mới nhất trên website của chúng tôi.
→ Tần số hoạt động và công suất phát của tính năng thu phát vô tuyến cự ly ngắn được tích hợp cho điện thoại di động (VD như tính năng NFC, LoRaWAN...) phải phù hợp với các quy định về danh mục thiết bị vô tuyến được miễn giấy phép tần số (hiện hành là Thông tư 08/2021/TT-BTTTT).
→ Thiết bị định vị GPS, thiết bị giám sát hành trình thuộc diện bắt buộc phải đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, và dán tem hợp quy ICT (loại có mã số quản lý - CODE) trước khi lưu hành ra thị trường
5. Thủ tục nhập khẩu, chứng nhận và công bố hợp quy thiết bị định vị giám sát hành trình
a Thủ tục áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu:
Các thủ tục nhập khẩu theo quy định của Bộ TT&TT
(1) Đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước cho thiết bị đầu cuối
(2) Truyền tờ khai hàng hóa nhập khẩu cùng giấy đăng ký kiểm tra chất lượng
(3) Làm thủ tục thông quan cho thiết bị đầu cuối và lấy hàng về kho
(4) Thử nghiệm sản phẩm theo Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng
(5) Chứng nhận hợp quy cho thiết bị định vị gps, giám sát hành trình
(6) Công bố hợp quy (tự đánh giá sự phù hợp) cho thiết bị định vị gps
(7) Dán tem hợp quy ICT lên thiết bị định vị gps trước khi lưu hành ra thị trường
Trong trường hợp doanh nghiệp đã có sẵn giấy chứng nhận hợp quy và kết quả thử nghiệm cần thiết, doanh nghiệp có thể làm thủ tục công bố hợp quy (tự đánh giá sự phù hợp cho lô hàng nhập khẩu ngay sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước)
Các thủ tục thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải:
(Thực hiện sau khi đã thông quan và đã có giấy chứng nhận hợp quy của Bộ TT&TT)
(8) Đăng ký chứng nhận hợp quy (phương thức 7 - chứng nhận theo lô)
(9) Thử nghiệm sản phẩm theo quy chuẩn QCVN 31:2014/BGTVT
(10) Chứng nhận hợp quy cho lô hàng sản phẩm theo quy chuẩn QCVN 31:2014/BGTVT
(11) Dán tem hợp quy CR lên sản phẩm trước khi lưu hành ra thị trường
b Thủ tục áp dụng đối với sản phẩm, định vị GPS sản xuất trong nước:
Các thủ tục thực hiện theo quy định của Bộ TT&TT
(1) Thử nghiệm thiết bị đầu cuối theo Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng
(2) Chứng nhận hợp quy cho thiết bị đầu cuối sản xuất trong nước
(3) Công bố hợp quy cho thiết bị đầu cuối sản xuất trong nước tại Cục Viễn Thông
(4) Dán tem hợp quy ICT lên thiết bị đầu cuối trước khi lưu hành ra thị trường
Các thủ tục thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải:
(5) Đăng ký chứng nhận hợp quy (phương thức 4 - chứng nhận có đánh giá nhà máy)
(6) Tổng cục đường bộ đánh giá quy trình quản lý chất lượng của nhà máy và lấy mẫu
(7) Thử nghiệm sản phẩm mẫu theo quy chuẩn QCVN 31:2014/BGTVT
(8) Chứng nhận hợp quy cho sản phẩm theo quy chuẩn QCVN 31:2014/BGTVT
(9) Dán tem hợp quy CR lên sản phẩm trước khi lưu hành ra thị trường
6. Thử nghiệm, đo kiểm theo các quy chuẩn áp dụng đối với thiết bị giám sát hành trình
Doanh nghiệp tiến hành đo kiểm, thử nghiệm thiết bị tại các Phòng thử nghiệm trong nước được Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ định hoặc Phòng thử nghiệm nước ngoài được Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Cục Viễn Thông thừa nhận kết quả đo kiểm, thử nghiệm theo thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau MRA
Thông thường, quá trinh thử nghiệm thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình sẽ kéo dài 2 - 3 tuần đối với thiết bị định vị GPS do phải thử nghiệm ở nhiều phòng thử nghiệm khác nhau.
7. Chuẩn bị bộ hồ sơ Chứng nhận hợp quy cho thiết bị định vị GPS đầu cuối thông tin di động
Bộ hồ sơ Chứng nhận hợp quy cho sản phẩm bao gồm:
- Giấy đề nghị chứng nhận hợp quy theo mẫu của tổ chức chứng nhận
- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao công chứng cho lần đầu nộp hồ sơ)
- Tài liệu kỹ thuật của sản phẩm (specifications, datasheet, brochure)
- Hình ảnh thực tế của sản phẩm (hình chụp sản phẩm và tem nhãn)
- Kết quả đo kiểm, thử nghiệm thiết bị (do phòng thử nghiệm được Bộ chỉ định hoặc thừa nhận ban hành)
- Giấy chứng nhận ISO 9001 của nhà máy sản xuất hoặc bộ hồ sơ nhập khẩu (theo phương thức chứng nhận áp dụng)
- Một số biểu mẫu khác do ExtendMax chuẩn bị cho các khách hàng ký và đóng dấu
Xin mới xem thêm bài viết riêng về các phương thức chứng nhận hợp quy thiết bị thu phát sóng
8. Nộp bộ hồ sơ chứng nhận hợp quy tại tổ chức chứng nhận hợp quy
Hiện tại, tổ chức chứng nhận hợp quy được Bộ TT&TT chỉ định là Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông (trực thuộc Cục Viễn thông), doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ chứng nhận hợp quy tại một trong các địa chỉ sau đây:
→ Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông tại Hà Nội
→ Chi nhánh Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông tại Đà Nẵng
→ Chi nhánh Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông tại TP. HCM
Trung tâm Đo lường Chất lượng Viễn thông sẽ xem xét, đánh giá bộ hồ sơ Chứng nhận của Doanh nghiệp và cấp Giấy Chứng nhận hợp quy nếu bộ hồ sơ đầy đủ và phù hợp với các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Viễn Thông. Quá trình xử lý, đánh giá, cấp Giấy Chứng nhận hợp quy thông thường mất 2 tuần.
9. Công bố hợp quy, tự đánh giá sự phù hợp cho thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình
Căn cứ trên Giấy Chứng nhận hợp quy đã được cấp, Doanh nghiệp phải tiếp tục tiến hành các thủ tục Công bố hợp quy tại Cục Viễn Thông - Bộ Thông tin và Truyền thông.
a Thủ tục Công bố hợp quy đối với sản phẩm nhập khẩu:
Doanh nghiệp chuẩn bị bộ hồ sơ Công bố hợp quy (tự đánh giá sự phù hợp) cho lô hàng nhập khẩu, bao gồm:
(1) Biểu mẫu đánh giá sự phù hợp theo Nghị Định 74/2018/NĐ-CP
(2) Bản sao giấy đăng ký kiểm tra chất lượng của lô hàng
(3) Mẫu dấu ICT đối với doanh nghiệp nhập khẩu lần đầu hoặc có sự thay đổi về mẫu dấu
(4) Tài liệu thông số kỹ thuật của sản phẩm (datasheet, specifications)
(5) Giấy chứng nhận hợp quy của sản phẩm (đối với sản phẩm có chức năng thu phát sóng)
Đối với sản phẩm nhập khẩu, thủ tục công bố hợp quy được hoàn tất ngay sau khi Cục Viễn thông tiếp nhận bộ hồ sơ liệt kê như trên. Doanh nghiệp Công bố hợp quy lần đầu sẽ cần làm thủ tục xin cấp mã CODE ICT và đăng ký mẫu dấu hợp quy ICT (tem hợp quy ICT) với Cục Viễn Thông. Giấy "Thông báo tiếp nhận bản Công bố hợp quy" không áp dụng đối với sản phẩm nhập khẩu.
b Thủ tục Công bố hợp quy đối với sản phẩm sản xuất trong nước:
Doanh nghiệp chuẩn bị bộ hồ sơ Công bố hợp quy cho sản phẩm theo quy định, bao gồm:
(1) Biểu mẫu Công bố hợp quy theo Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT
(2) Biểu mẫu đánh giá sự phù hợp theo Nghị Định 74/2018/NĐ-CP
(3) Mẫu dấu ICT đối với doanh nghiệp nhập khẩu lần đầu hoặc có sự thay đổi về mẫu dấu
(4) Tài liệu thông số kỹ thuật của sản phẩm (datasheet, specifications)
(5) Giấy chứng nhận hợp quy của sản phẩm (đối với sản phẩm có chức năng thu phát sóng)
Đối với sản phẩm sản xuất trong nước Cục Viễn thông tiếp nhận bộ hồ sơ, xử lý hồ sơ và ban hành bản "Thông báo tiếp nhận bản Công bố hợp quy" với thời hạn hiệu lực 3 năm cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp Công bố hợp quy lần đầu sẽ cần làm thủ tục xin cấp mã CODE ICT và đăng ký mẫu dấu hợp quy ICT (tem hợp quy ICT) với Cục Viễn Thông
Các bước trên là toàn bộ các thủ tục cần thiết để doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh điện thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình một cách tuân thủ toàn diện các quy định của pháp luật và văn bản dưới luật về thiết bị vô tuyến, viễn thông, công nghệ thông tin theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn thủ tục nhập khẩu, thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình cho nhiều hãng sản xuất trong nước, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và các nhãn hiệu hàng đầu thế giới cũng như Việt Nam, chúng tôi có thể hỗ trợ bạn toàn bộ các thủ tục nhập khẩu bao gồm:
→ Tư vấn hướng dẫn và đánh giá sơ bộ hồ sơ và tài liệu mô tả đặc tính kỹ thuật của thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình, xác định đúng chính sách nhập khẩu áp dụng cho thiết bị.
→ Tư vấn hướng dẫn và đánh giá sơ bộ các kết quả thử nghiệm nước ngoài cho thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình 5G NR, hướng dẫn cách khắc phục hoặc bổ sung tài liệu cần thiết.
→ Đánh giá hồ sơ tài liệu, giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, xác định phương thức chứng nhận hợp quy phù hợp nhất và có chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp
→ Tư vấn và hỗ trợ các thủ thục nhập khẩu ban đầu để thông quan như đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước cho các thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình nhập khẩu.
→ Đại diện cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục đo kiểm thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy cho thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình.
→ Trong trường hợp doanh nghiệp cần làm thủ tục nhập khẩu cho thiết bị định vị GPS, giám sát hành trình với số lượng nhỏ, hoặc nhận hàng không thanh toán từ công ty mẹ hoặc đối tác nước ngoài, ExtendMax cung cấp giải pháp nhập khẩu tốt nhất hoặc cung cấp dịch vụ nhập khẩu ủy thác sản phẩm chuyên ngành CNTT.
11. Thông tin liên hệ để được tư vấn thủ tục nhập khẩu hợp quy thiết bị định vị GPS
CÔNG TY TNHH EXTENDMAX VIỆT NAM
Hotline: 0915 836 555 | Hanoi: 024 6666 3066
Email: consultant@extendmax.vn | phuong.tran@extendmax.vn
Hotline chuyên gia tư vấn giấy phép Mật mã dân sự: 0915 836 555
Trụ sở chính: Biệt thự ExtendMax, C01-L18 An Vượng, KĐT Dương Nội, P. Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội
Phòng thử nghiệm: Biệt thự BT02-21 KĐT An Hưng, Tố Hữu, P. La Khê, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội, Việt Nam
Nếu bạn thấy bài viết hướng dẫn của chúng tôi là hữu ích và có giá trị áp dụng trong thực tế, xin vui lòng ủng hộ chúng tôi bằng cách đánh giá ở phần dưới của bài viết, để lại bình luận, và chia sẻ bài viết tới những người bạn hoặc những người làm việc cùng ngành nhập khẩu, logistics. Đánh giá của bạn sẽ là động lực lớn để chúng tôi viết các hướng dẫn thủ tục chi tiết hơn, có giá trị hướng dẫn hơn cho các doanh nghiệp nhập khẩu
↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓ ↓
12. Mẫu giấy Chứng nhận hợp quy ICT cho thiết bị định vị, giám sát hành trình
13. Mẫu giấy Chứng nhận hợp quy cho thiết bị định vị, giám sát hành trình theo QCVN 31:2014/BGTVT